Thứ Năm, 21 tháng 4, 2016

PhucSinh5-C

Chúa Nhật Thứ 5
Mùa Phục Sinh
 (Năm C − ngày 17-4-2016)

ĐỌC LỜI CHÚA

·    Cv 14,21b-27: (22) «Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa».

·    Kh 21,1-5a: (1) Tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển không còn nữa. (2) Tôi thấy Thành Thánh là Giêrusalem mới. (5) Rồi Đấng ngự trên ngai phán: «Này đây Ta đổi mới mọi sự».

·    TIN MỪNG: Ga 13,31-33a.34-35

Những lời cáo biệt

(31) Khi Giuđa đi rồi, Đức Giêsu nói: «Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. (32) Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người. (33) Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Anh em sẽ tìm kiếm Thầy; nhưng như Thầy đã nói với người Do thái: «Nơi tôi đi, các người không thể đến được», bây giờ, Thầy cũng nói với anh em như vậy. (34) Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. (35) Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau».


CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:

1. Tại sao khi sắp lên đường chịu khổ hình, Đức Giêsu lại nói: «Giờ đây, Con Người được tôn vinh»? Phải chăng chịu khổ hình chính là được tôn vinh? Sao lại ngược đời thế? Hay đó là hai mặt của cùng một thực tại?

2. Tại sao giới răn duy nhất của Đức Giêsu lại chỉ nói đến tình yêu đối với tha nhân, mà không nói gì đến tình yêu đối với Thiên Chúa? Yêu Thiên Chúa và yêu tha nhân có phải là hai tình yêu tách biệt nhau? Hay đó cũng là hai mặt của một tình yêu duy nhất?

3.  Có thể yêu Thiên Chúa mà không yêu tha nhân, hay yêu tha nhân mà không yêu Thiên Chúa không?


Suy tư gợi ý:

1. Đau khổ và vinh quang, yêu Chúa và yêu người là hai mặt của một thực tại duy nhất

a) Đau khổ và vinh quang chỉ là một thực tại: Khi sắp phải lên đường chịu khổ hình, Đức Giêsu nói một câu nghe rất là phấn khởi: «Giờ đây, Con Người được tôn vinh» (Ga 13,31). Như vậy phải chăng chịu đau khổđược tôn vinh đồng nghĩa với nhau? – Theo quan niệm của người bình thường trong thế gian thì đó là hai điều nghịch nghĩa nhau. Nhưng theo quan niệm của Đức Giêsu thì hai điều nghịch nhau ấy tương tự như hai mặt liền nhau của một tờ giấy. Nghĩa là chịu đau khổđược tôn vinh là hai mặt khác nhau của một thực tại duy nhất, và điều này là nguyên nhân dẫn tới điều kia. Thật vậy, trong Thánh Kinh, đặc biệt trong Tin Mừng, ta thấy có nhiều câu nói lên sự nghịch lý ấy và tương quan chặt chẽ giữa hay mặt nghịch nhau ấy. Chẳng hạn: «Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời» (Ga 12,25); «Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ sống với Người; nếu ta cùng đau khổ với Người, ta sẽ thống trị với Người» (2Tm 2,11-12; x. Rm 6,8); «Gieo trong đau thương sẽ gặt giữa vui mừng; đi khóc lóc u sầu sẽ về giữa muôn lời ca» (Tv 126,5-6); v.v...

b) Điều răn mới của Đức Giêsu: Trong đời sống thực tế cũng như trong đời sống tâm linh, có vô số thực tại có hai mặt liền nhau như thế. Trong đó, có một thực tại được Đức Giêsu đề cập đến trong giờ phút chót bên các tông đồ trước khi chia tay các ông để ra đi chịu khổ hình. Để nhấn mạnh tầm quan trọng của điều Ngài sắp truyền dạy các ông, Ngài nói: «Thầy chỉ còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi» (Ga 13,33b). Có thể nói: điều Ngài sắp truyền dạy sau đó, chính là lời trăn trối hay sứ điệp cuối cùng của Ngài. Vì thế, nó hết sức quan trọng, thậm chí có thể nói nó tóm gọn lại tất cả những gì Ngài nói trong suốt ba năm rao giảng Tin Mừng của Ngài. Lời trăn trối đó chính là: «Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau» (Ga 13,34-35). 

2. Yêu Thiên Chúa và yêu tha nhân là hai mặt của một tình yêu duy nhất

a) Hai giới răn tách biệt của Cựu Ước: Hai điều quan trọng nhất của Cựu ước được nói tới ở hai quyển sách khác nhau: Đệ Nhị Luật và Lêvi: «Hãy yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết dạ, hết sức anh em» (Đnl 6,5) và «Hãy yêu thương đồng loại như chính mình» (Lv 19,18). Từ đó, người Do Thái phân biệt và cũng tách biệt hai thứ tình yêu: tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với tha nhân. Đức Giêsu cũng xác nhận và tóm gọn toàn bộ Cựu ước vào hai lề luật có vẻ như tách rời nhau ấy: «Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy» (Mt 22,40).

b) Đức Giêsu gộp hai giới răn của Cựu Ước thành một: Nhưng trong những lời trăn trối của Đức Giêsu, Ngài chỉ nói tới tình yêu đối với tha nhân như giới răn duy nhất của Ngài. Giới răn ấy không hề nói tới việc yêu mến Thiên Chúa. Như vậy, có phải Ngài đã bỏ đi giới răn yêu mến Thiên Chúa chăng? Ngài coi việc yêu mến Thiên Chúa là không quan trọng sao? Phải chăng Ngài chỉ chú trọng tới con người mà quên Thiên Chúa, Cha của Ngài?

– Chắc chắn không phải vậy. Không ai yêu mến Thiên Chúa bằng Ngài, và cũng không ai yêu tha nhân bằng Ngài. Nhưng Ngài nhận thấy hai tình yêu ấy chỉ là hai mặt khác nhau của một tình yêu duy nhất. Không thể có mặt này mà không có mặt kia, và mặt này luôn luôn dính liền với mặt kia. Nghĩa là: tình yêu đích thực đối với Thiên Chúa thì mặc nhiên bao hàm tình yêu đối với tha nhân; và ngược lại. Hai tình yêu ấy chỉ có thể phân biệt trên lý thuyết hay theo lý trí, chứ không thể tách biệt trong thực tế của đời sống. Vì thế, ai yêu Thiên Chúa đích thực thì tự nhiên người ấy cũng sẽ yêu thương tha nhân đích thực, và ngược lại. Do đó, ai không yêu mến Thiên Chúa thì tự nhiên người ấy cũng sẽ không yêu tha nhân, và ngược lại.

c) Một điểm khác biệt giữa Tân Ước và Cựu Ước: Như vậy, một trong những điểm khác biệt căn bản giữa Tân Ước và Cựu Ước là: Cựu Ước coi việc yêu Chúa và yêu người là hai giới răn tách biệt, còn Tân Ước thì gộp hai giới răn ấy thành một giới răn duy nhất. Xét cho kỹ thì điều răn mới của Đức Giêsu có vẻ như chẳng có gì là mới, vì nó đã có sẵn trong Cựu Ước (x. Lv 19,18). Nhưng nó mới ở chỗ Ngài gộp hai giới răn thành một giới răn duy nhất. Nếu chúng ta vẫn coi hai giới răn ấy tách biệt nhau, thì chứng tỏ ta chưa thấy được cái gì là «mới» trong «điều răn mới» của Đức Giêsu.

3. Nơi Đức Giêsu, yêu thương và hy sinh cho tha nhân cũng là thờ phượng Thiên Chúa

a) Yêu người cũng là thờ phượng Thiên Chúa: Chính vì yêu thương nhân loại mà Đức Giêsu đã xuống thế làm người, sống cuộc đời trần thế với bao khổ đau như mọi người. Chính vì yêu thương nhân loại mà Ngài chịu khổ hình và chết nhục nhã trên thập giá. Điều chúng ta cần suy nghĩ và cần rút ra kết luận, đó là: tất cả những hành vi yêu thương và sự hy sinh cho nhân loại của Đức Giêsu như xuống thế, sống đời trần thế, chịu khổ hình và chết trên thập tự, và ngay cả hành vi lập phép Thánh Thể của Ngài cũng đều là những hành vi được Giáo Hội nhìn nhận là những hành vi thờ phượng Thiên Chúa. Chẳng những thế, Giáo Hội còn coi đó là hành vi thờ phượng Thiên Chúa chính danh nhất, đúng nghĩa nhất. Nơi Đức Giêsu, yêu thương nhân loại và thờ phượng Thiên Chúa chỉ là một hành vi duy nhất. Nói khác đi, theo Ngài, yêu thương nhân loại cũng chính là thờ phượng Thiên Chúa.

b) Yêu Chúa và yêu người không thể tách rời nhau: Do đó, nơi Đức Giêsu không có sự tách biệt giữa hai việc: yêu mến Thiên Chúa và yêu thương con người. Hễ yêu mến Thiên Chúa thì tất nhiên phải yêu thương con người. Mà yêu thương và hy sinh cho tha nhân cũng chính là yêu mến và thờ phượng Thiên Chúa cách tuyệt hảo nhất. Hai điều đó, hai giới răn đó tự bản chất chỉ có thể phân biệt chứ không thể tách biệt. Tách rời nhau được thì chúng không còn là yêu mến Thiên Chúa hay yêu thương tha nhân đúng nghĩa nữa.

c) Phải thờ phượng Thiên Chúa bằng cái tâm yêu thương: Thờ phượng Thiên Chúa bằng cái tâm yêu thương tha nhân có giá trị hơn những nghi thức tôn giáo, vì điều cốt yếu nhất trong việc thờ phượng là sự hy sinh: mọi sự thờ phượng từ nguyên thủy đều đòi hỏi sự hy sinh, mất mát, thiệt thòi nào đó, chẳng hạn thời Cựu Ước, thờ phượng Thiên Chúa bằng việc sát tế một con vật vốn là của cải hay sở hữu của mình. Tuy nhiên, sát tế hay hy sinh một vật ngoài mình không giá trị bằng sát tế hay hy sinh chính mình hay một cái gì đó thân thiết nhất của mình như mạng sống, hạnh phúc, an toàn bản thân, danh dự, uy tín, sức khỏe, ý riêng, người mình yêu, vật mình quý… Qua câu Kinh thánh Mt 5,23-24, ta thấy Đức Giêsu coi việc làm hòa với người anh em đang giận mình hay bị mình giận còn quan trọng hơn việc dâng lễ vật lên Thiên Chúa. Hay nói khác đi, có thể Thiên Chúa không muốn chấp nhận những lễ vật của những người không chịu làm hòa hay sống hòa thuận với tha nhân.

d) Thờ phượng bằng «thần khí» là thờ phượng bằng «cái tâm»: Khá nhiều nghi thức thờ phượng trong tôn giáo không hề đòi hỏi kẻ thờ phượng phải hy sinh, phải chấp nhận đau khổ, nếu có thì chỉ đòi hỏi hy sinh những gì bên ngoài mình, không mấy thân thiết với mình. Nếu đòi hỏi phải hy sinh bản thân hay những thứ thân thiết nhất với mình mới là sự thờ phượng chân chính, ắt số người thờ phượng đúng nghĩa sẽ ít hơn rất nhiều. Thờ phượng Thiên Chúa đích thực phải là thờ phượng bằng «cái tâm yêu thương», nghĩa là bằng «thần khí» của mình, chứ không phải chỉ bằng những gì thấy được bên ngoài. Nếu có «cái tâm yêu thương» ở bên trong thì những hành vi yêu thương thấy được bên ngoài mới là «sự thật», là «yêu thương chân thật». Nếu không có «cái tâm yêu thương» ấy thì những hành vi yêu thương bên ngoài được thúc đẩy bởi những động lực vị kỷ (như để được mọi người khen, để tạo uy tín cá nhân, v.v...) chỉ là giả dối, không có giá trị gì trước mặt Thiên Chúa (x. 1Cr 13,3).

Do đó, cần thờ phượng Thiên Chúa bằng «cái tâm yêu thương» chân thật đối với Thiên Chúa và tha nhân. «Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế», những người «thờ phượng Chúa Cha trong thần khí sự thật» (Ga 4,23).

Hành vi nào của Đức Giêsu ở trần gian cũng đều vừa là yêu thương con người, vừa là thờ phượng Thiên Chúa. Dù chỉ là một hành vi nhưng có hai giá trị gắn liền nhau không thể tách rời. Và có thể nói, nơi Ngài, yêu thương con người và thờ phượng Thiên Chúa là một hành vi duy nhất, một giới răn duy nhất, không phải là hai giới răn tách biệt nhau.

e) Tiêu chuẩn để Thiên Chúa phán xét: Chính vì thế, tới ngày phán xét số phận đời đời của mỗi người, Thiên Chúa chỉ dùng một tiêu chuẩn duy nhất để phán xét, đó là: «Mỗi lần các ngươi làm (hay không làm) như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm (hay không làm) cho chính Ta vậy» (Mt 25,40.45).

4. Tại sao Đức Giêsu nhấn mạnh yêu người thay vì yêu Thiên Chúa?

Nếu hai giới răn ấy chỉ là một giới răn duy nhất, tại sao Đức Giêsu không diễn tả giới răn ấy bằng tình yêu đối với Thiên Chúa, mà lại diễn tả giới răn ấy bằng tình yêu đối với tha nhân? – Thưa: Có thể vì những lý do sau đây:

a) Thiên Chúa thì thiêng liêng, còn tha nhân thì cụ thể: Thiên Chúa thì thiêng liêng, trừu tượng, nên đối với người bình thường, quan niệm và tiếp cận Thiên Chúa là điều khó. Yêu Thiên Chúa đích thực cho đúng nghĩa là yêu, lại càng khó hơn. Còn tha nhân là cụ thể và lúc nào cũng có sẵn ngay trước mắt, rất dễ quan niệm, rất dễ tiếp cận và cũng dễ yêu thương đúng nghĩa hơn là yêu chính Thiên Chúa. Thánh Gioan viết: «Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối ; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy» (1Ga 4,20). Thánh nhân cho rằng tha nhân cụ thể trước mắt như thế mà yêu không được, thì làm sao có thể yêu mến Thiên Chúa là một thực tại hết sức trừu tượng, khó quan niệm và không thể thấy được? Nhiều người cho rằng yêu Thiên Chúa dễ hơn yêu tha nhân. Quan niệm như thế thì ngược hẳn với quan điểm của thánh Gioan. Vì theo thánh nhân, những ai không yêu tha nhân nhưng lại cứ ngỡ rằng mình yêu Thiên Chúa, thì kẻ ấy là kẻ nói dối, hay nói đúng hơn là kẻ tự lừa dối mình. Thánh nhân còn xác định rõ ràng như một định luật: «Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình» (1Ga 4,21).

b) Con người có thể tự lừa dối mình mà không biết: Với bản tính đã bị băng hoại vì tội lỗi, con người dễ ngụy trang tình yêu ích kỷ đối với bản thân mình bằng những hình thức yêu mến Thiên Chúa ở bề ngoài. Từ đó, con người tự lừa dối chính mình. Thật vậy, nếu chúng ta có đầu óc phản tỉnh mạnh, chúng ta dễ nhận ra tình yêu mà nhiều người tưởng rằng mình đang dành cho Thiên Chúa, trong thực tế chỉ là tình yêu đối với chính bản thân mình. Mình yêu Thiên Chúa vì Thiên Chúa tốt lành, giàu sang, có quyền thi ân cũng như giáng họa trên mình. Vì thế, mình phải đối xử với Thiên Chúa thế nào để có lợi cho mình nhất: nghĩa là để được Thiên Chúa ban ơn, chúc phúc, đồng thời ngăn ngừa và cứu giúp mình khỏi mọi tai họa. Nhiều khi tình yêu của ta đối với Thiên Chúa có phần nào tương tự như tình yêu của ta đối với những người giàu sang quyền thế, những kẻ có khả năng thi ân giáng họa cho ta. Phân tích cho kỹ thì tình yêu ấy rốt cuộc chỉ là tình yêu đối với chính bản thân mình, nhưng được ngụy trang thành cách đối xử có vẻ yêu quí người giàu sang quyền thế kia. Cách đối xử có vẻ yêu thương ấy có ít nhiều yếu tố «cầu cạnh» trong đó.

Nếu chúng ta cứ hết lời ca tụng Thiên Chúa, nhưng cách sống thực tế của chúng ta chứng tỏ rằng chúng ta không tin tưởng vào những lời ca tụng ấy, thì phải chăng những lời ca tụng ấy chỉ là những lời nịnh nọt giả dối? Thờ phượng Thiên Chúa kiểu ấy không phải là «thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật» (Ga 4,23).

c) Sự khôn ngoan và tính sư phạm của Đức Giêsu: Hai giới răn quan trọng nhất có vẻ như tách biệt nhau ấy của Cựu ước, Đức Giêsu đã tổng hợp thành một giới răn duy nhất. Và theo sự khôn ngoan và tính sư phạm của Ngài, trong hai mặt ấy, Ngài chỉ dùng có một mặt – mặt mà Ngài muốn nhấn mạnh – để diễn tả trọn vẹn giới răn hai mặt ấy. Và mặt ấy là tình yêu đối với tha nhân, chứ không phải tình yêu đối với Thiên Chúa. Thánh Phaolô cũng tiếp nối tinh thần này của Đức Giêsu, nên đã viết: «Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật» của Đức Kitô (Rm 13,8.10; x. Gl 6,2). Thánh nhân dùng chữ «chu toàn» có nghĩa là đã giữ luật một cách hoàn hảo. Ngài còn nhấn mạnh: «Tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình» (Gl 5,14). Xin lưu ý chữ «duy nhất». Như vậy, Đức Giêsu đã biến giới răn yêu Thiên Chúa, một giới răn thật trừu tượng, thành một giới răn hết sức cụ thể, có thể tự kiểm chứng được dễ dàng, là yêu tha nhân.

d) Tình yêu đối với tha nhân là thước đo tình yêu đối với Thiên Chúa: Do đó, muốn biết tình yêu của mình đối với Thiên Chúa có thật sự là tình yêu đích thực hay không, hay đó chỉ là hình thức bên ngoài của một tình yêu vị kỷ đối với bản thân mình, thì: theo tinh thần của những câu Kinh Thánh trên, cách bảo đảm nhất là xét xem mình có thật sự yêu thương và hy sinh cho tha nhân không. Thánh Gioan viết: «Ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà lại không yêu anh em mình, người ấy là kẻ nói dối» (1Ga 4,20). Có thể nói: tình yêu đối với tha nhân chính là thước đo, là biểu đồ cụ thể của tình yêu đối với Thiên Chúa. Nói khác đi: «Hãy cho tôi biết anh yêu tha nhân ra sao, tôi sẽ nói cho anh biết anh yêu Thiên Chúa đến mức nào!»

Đó là lý do tại sao mà ngày phán xét, Quan tòa Giêsu không hề xét xem chúng ta đã đối xử với Thiên Chúa thế nào, mà chỉ xét có một điều duy nhất – là chúng ta đã yêu thương và đối xử với tha nhân ra sao – để biết chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa đến mức nào! (x. Mt 25,31-46).


CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, con đã nghe không biết bao nhiêu lần câu này của Đức Giêsu: «Mỗi lần các ngươi làm điều gì cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta» (Mt 25,40). Nhưng khi gặp những anh em bé nhỏ ấy của Ngài bị đau khổ, bệnh tật, nghèo đói, ức hiếp, thì con lại làm ngơ, mặc kệ. Nhiều khi con còn nói: họ khổ như vậy thật đáng đời! Con chỉ muốn đối xử thật tốt với chính bản thân Đức Giêsu mà thôi: bằng cách đi lễ rước lễ cho nhiều, mua những bức tượng thật quý giá của Ngài để trưng trên bàn thờ, đọc kinh cho thật dài và sốt sắng… Lạy Cha, con làm như thế có đúng không? Có đẹp lòng Cha không? Xin Cha soi sáng chỉ dẫn cho con.    

(Nguyễn Chính Kết).

Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2016

PhucSinh4-C

Chúa Nhật Thứ 4
Mùa Phục Sinh
 (Năm C − ngày 17-4-2016)





ĐỌC LỜI CHÚA

·    Cv 13,14.43-52: (47) Chúa truyền cho chúng tôi thế này: «Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất».

·    Kh 7,9.14b-17: (13) «Những người mặc áo trắng kia là ai vậy? Họ từ đâu đến?» – (14) «Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên.


·    TIN MỪNG: Ga 10,27-30

Chúa là mục tử luôn gắn bó với chiên của mình

 (27) Khi ấy, Đức Giêsu nói: «Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. (28) Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. (29) Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. (30) Tôi và Chúa Cha là một».


CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:

1.   Tại sao chiên của mục tử Giêsu lại nghe Ngài và theo Ngài? Điều gì hấp dẫn dân chúng đến với Ngài, và tuân theo những lời dạy dỗ của Ngài?

2.   Điều gì khiến cho mục tử Giêsu có thể «hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên»? Tại sao kẻ chăn thuê «khi thấy sói đến thì bỏ chiên mà chạy»?

3.   Tình yêu chân thật là gì? Có thứ tình yêu nào không chân thật không? Nghĩa là hành động thì có vẻ là yêu, nhưng do một động lực vị kỷ chứ không không do tình yêu thúc đẩy?

4.   Mục tử có phải là một nghề nghiệp để kiếm sống không? Người mục tử nào coi việc làm mục tử của mình như một thứ nghề nghiệp, có thể hy sinh cho đàn chiên không? Tại sao?

Suy tư gợi ý:

1.   Người mục tử phải thật sự yêu thương đàn chiên

Đọc bài Tin Mừng, ta thấy ngay sự quan hệ tốt đẹp, đầy yêu thương, và gắn bó đến mức sống chết với nhau giữa mục tử và đàn chiên. Quan hệ ấy quả là gương mẫu tuyệt vời cho mọi quan hệ ở trần gian này giữa các vị mục tử và những giáo hữu mà các ngài có trách nhiệm chăm sóc. Quan hệ giữa mục tử và giáo hữu có tốt đẹp hay không tùy thuộc vào cả hai phía, nhưng bình thường thì chủ yếu và tiên khởi vẫn thuộc về phía mục tử.

Đức Giêsu nói: «Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong, và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi» (Ga 10,27-28). Tại sao chiên lại nghe và theo người mục tử, mà không nghe và theo người lạ hay kẻ trộm? Chính vì đàn chiên đã cảm nhận được tình yêu thương đậm đà mà người mục tử dành cho chúng, người mục tử trở thành «người nhà», người thân thiết nhất của chiên. Để là mục tử đúng nghĩa, điều quan trọng là phải có tình yêu đối với những người mà Thiên Chúa trao trách nhiệm cho mình chăm sóc. Điều này đòi hỏi người mục tử phải yêu mến Thiên Chúa hay Đức Giêsu thật sự và nồng nàn.

Chắc chắn không phải là không có ý nghĩa việc Đức Giêsu, trước khi giao cho Phêrô trách nhiệm coi sóc đàn chiên của Ngài, đã phải hỏi ông tới ba lần: «Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?» (x. Ga 21,15-17). Thật vậy, có yêu Thiên Chúa là nguồn mạch tình yêu, có yêu Đức Giêsu nồng nàn thì mới có đủ tình yêu cần thiết để hy sinh cho đàn chiên như nhu cầu thực tế của đàn chiên đòi buộc. Người mục tử có thật sự yêu thương đàn chiên, thì đàn chiên mới cảm nhận được tình yêu người mục tử dành cho họ, để dựa vào đó họ tin tưởng và nghe theo người mục tử. Người mục tử sẽ chẳng làm được gì ích lợi cho đàn chiên nếu đàn chiên không tin tưởng và không vâng nghe lời người mục tử. Và chắc chắn người mục tử chỉ có thể biểu lộ tình yêu của mình đối với Đức Giêsu qua việc yêu thương mọi người, mà đối tượng ưu tiên là đàn chiên của mình, không có cách biểu lộ nào đúng hơn cách biểu lộ này (x. Mt 25,40.45). Trong Kinh Hòa Bình, thánh Phanxicô đệ Salê đã chỉ cho ta cách mến yêu và phụng sự Chúa cách thực tế, bảo đảm và chính thức nhất là «mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người».

Tóm lại, muốn đàn chiên tin tưởng và nghe theo mình, người mục tử phải thật sự yêu thương đàn chiên.

2.   Tình yêu của người mục tử phải được biểu lộ bằng hành động

Làm sao bổn đạo có thể cảm nhận được tình yêu của mục tử đối với mình, nếu người mục tử không có những hành động cụ thể biểu lộ tình yêu ấy? Đức Giêsu đã đưa ra những hành động cụ thể của Ngài, với tư cách là Mục Tử tốt lành như sau:

–      Trước hết là «tôi biết chúng» (Ga 10,27), và có thể «gọi tên từng con» (10,3). Nếu người mục tử yêu thương chiên của mình thật sự, thì sẽ phải chú ý đến nhu cầu của từng con chiên một, để chăm sóc chúng, để đáp ứng đúng nhu cầu của từng con. Tôi biết có những linh mục thường xuyên đi thăm các gia đình trong họ đạo, và biết rõ tên của từng người trong từng gia đình, cùng với hoàn cảnh và nhu cầu của từng người, từng gia đình một. Người bổn đạo sẽ cảm nhận được tình thương của người mục tử ngay khi thấy ông gọi trúng tên mình, biết rõ hoàn cảnh của mình, và đáp ứng kịp thời đúng nhu cầu của mình.

–      «Tôi đến để chiên được sống và sống dồi dào» (10,10), «Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi» (10,28). Người mục tử tốt lành luôn quan tâm đến sự sống, hạnh phúc và sự an nguy của đàn chiên, nhất là đời sống tâm linh. Nhưng ông không chỉ quan tâm đến đời sống tâm linh, mà còn quan tâm đến cả đời sống thực tế của đàn chiên. Đức Giêsu luôn luôn quan tâm đến nhu cầu vật chất của dân chúng: chẳng hạn trong phép lạ hóa bánh ra nhiều, Ngài biểu lộ sự lo lắng: «Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?» (Ga 6,5), hay sau khi làm cho đứa con gái ông Giaia (trưởng hội đường) chết sống lại, thì Ngài «bảo họ cho con bé ăn» (Mc 5,43).

–      «Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên» (Ga 10,11). Không người mục tử nào ngu dại đến nỗi coi sự sống của đàn chiên quí hơn mạng sống mình, trừ trường hợp đàn chiên ở đây không phải là thú vật, mà là những con người, là hình ảnh Thiên Chúa hay con cái Thiên Chúa, hay nói cách khác là hiện thân của Thiên Chúa trước mắt mình. Chính Thiên Chúa cũng đã yêu thương con người đến nỗi đã sẵn sàng hy sinh Con Độc Nhất của mình cho con người (x. Ga 3,16). Người bổn đạo đối với người mục tử không phải chỉ là những con chiên mà là những linh hồn hết sức quí giá, đáng cho người mục tử hy sinh mạng sống mình vì họ. Thái độ này khác hẳn với thái độ của người làm thuê, hay mục tử giả hiệu, là «khi thấy sói đến thì bỏ chiên mà chạy (…) không thiết gì đến chiên» (Ga 10,12-13).

3.   Thái độ và tấm lòng của Đức Giêsu đối với dân chúng

Tại sao chiên của Đức Giêsu lại nghe và theo Ngài? – Thông thường, dân chúng chỉ nghe theo, ủng hộ và thậm chí dấn thân cho những ai thật lòng yêu thương họ, sẵn sàng hy sinh cho họ. Đó cũng chính là thái độ và tấm lòng của Đức Giêsu đối với dân chúng. Rất nhiều lần, lời nói và việc làm của Ngài chứng tỏ lòng yêu thương chân thành và bao la của Ngài đối với mọi người, nhất với những người nghèo, bệnh tật, tội lỗi, và đang đau khổ.

– Thánh Kinh dùng từ «chạnh lòng thương» để nói lên lòng thương xót của Ngài khi thấy dân chúng bị đau khổ, lầm than: «Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt» (Mt 9,36); «Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ» (14,14); «Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường» (15,32).

– Không chỉ «chạnh lòng thương» như một cảm xúc xuông, mà cảm xúc ấy luôn luôn đi đến hành động cứu giúp thật sự. Thấy người khốn khổ, đói khát, bệnh tật… Ngài luôn ra tay cứu giúp vô điều kiện: nào là chữa bệnh, làm người chết sống lại, trừ quỷ ám, nào là hóa bánh ra nhiều để giải đói cho hàng ngàn người, nào là cứu người bị kết án vì ngoại tình, giao tiếp với người tội lỗi để hoán cải họ, làm cho họ cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa, v. v… Sách Tông Đồ Công Vụ viết: «Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó» (Cv 10,38).

Điều quan trọng của người mục tử là phải có cái tâm yêu thương thật sự và bao la. Khi đã thật sự yêu thương thì tình yêu sẽ thúc đẩy người mục tử làm những gì cần thiết cho tha nhân. Và chỉ những hành động được thúc đẩy bởi tình yêu mới có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Tất cả những hành động có vẻ yêu thương – như bố thí, chữa bệnh, giúp đỡ… – nếu không xuất phát từ tình yêu thì đều không có giá trị trước Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói rất rõ điều ấy: «Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi» (1Cr 13,3).

4.   Tình yêu chân thật là gì?

− Tình yêu chân thật không phải là tình yêu ngoài môi miệng. Nếu người mục tử chỉ rao giảng về tình yêu, cho dù rất hay, kêu gọi mọi người yêu thương và hy sinh cho nhau, nhưng chính mình lại không thật sự yêu thương quần chúng, không dám hy sinh, chịu đau khổ, mất mát, thiệt thòi, thậm chí liều mạng vì họ, thì không phải là mục tử nhân lành.

− Tình yêu chân thật không phải là thứ tình yêu biểu dương. Những người ham danh, muốn được mọi người ca tụng là đạo đức, là thương người, cũng có những hành động có vẻ đầy yêu thương, như bố thí, giúp đỡ, hy sinh… Nhưng nếu họ chỉ làm những hành động tốt đẹp ấy vì động lực vị kỷ thì đó không phải là yêu thương.

− Tình yêu chân thật không phải là thứ tình yêu chức năng. Nhiều người phải tỏ ra yêu thương, ân cần, săn sóc người khác, là vì nghề nghiệp hay chức vụ họ đòi buộc. Họ có thể là cán sự xã hội, bác sĩ, y tá, thầy dạy học, đại lý bảo hiểm, linh mục, mục sư, thượng tọa… Đó là những nghề cao quí đòi hỏi những lý tưởng cao thượng. Thái độ và hành vi yêu thương của họ có thể xuất phát từ tình yêu chân thực, mà cũng có thể do nghề nghiệp hay chức vụ đòi buộc. Nếu những hành động tốt đẹp ấy chỉ được thúc đẩy thực hiện do nghề nghiệp hay chức vụ đòi buộc, thì đây là thứ tình yêu mang tính nghề nghiệp (professional love) hay chức năng (functional love). Tình yêu loại này cũng là tốt, nhưng chưa phải là thứ tình yêu chân thật của người mục tử nhân lành.

Một thí dụ điển hình về tình yêu chức năng: Một phụ nữ «vượt biên» nọ kể cho tôi câu chuyện của cô như sau: Khi cô từ trại tỵ nạn đến nước mà cô định cư, có một bà cán sự xã hội được công ty của bà phái đến đến thăm cô, tìm hiểu nhu cầu của cô để họ giúp đỡ. Bà ấy nói năng với cô rất vui vẻ, niềm nở, tỏ ra sẵn sàng giúp đỡ cô trong bất kỳ trường hợp nào cô cần đến. Bà yêu cầu cô khi nào cần thì cứ gọi điện đến sở cho bà, trong giờ làm việc (giờ hành chánh; bà ấy lưu ý chỉ nên gọi cho bà trong giờ hành chánh thôi). Cô ấy liền nghĩ mình may mắn quá, sao lại có người tốt với mình như vậy?! Nhưng tuần lễ sau, khi đi lễ Chúa Nhật, lễ xong, cô thấy bà ở cuối nhà thờ đang chuẩn bị ra về. Cô bèn chạy đến với bà lòng mừng khấp khởi như gặp người ân nhân. Nhưng tại đây, thái độ của bà hoàn toàn khác hẳn: mặt bà lạnh như tiền, có vẻ như chưa hề gặp cô bao giờ và không muốn nói chuyện với cô. Cô chưng hửng và lòng đầy thắc mắc, hụt hẫng. Về sau cô khám phá ra rằng bà chỉ tỏ ra niềm nở và đầy lòng tốt với cô trong giờ hành chánh, khi bà làm công tác cán sự xã hội của bà mà thôi. Công việc của bà đòi hỏi bà phải làm như vậy: nếu không, bà sẽ không đạt hiệu quả trong công việc, và bà sẽ bị công ty của bà sa thải.

5.   Mục tử không phải là một nghề nghiệp, mà là thiên chức của tình yêu

Như đã nói trên, tình yêu là điều kiện tiên quyết phải có để làm mục tử, có tình yêu đã rồi mới làm mục tử chân chính được. Tình yêu ấy là tình yêu «tiên thiên», chứ không phải là làm mục tử trước rồi mới tìm cách biểu lộ tình yêu sao cho phù hợp với thiên chức của mình. Tình yêu «hậu thiên» này không phải là tình yêu đích thực, mà chỉ là thứ «tình yêu chức năng» hay «tình yêu nghề nghiệp» mà thôi. Với thứ tình yêu này, người ta chỉ có thể yêu khi người ta còn giữ nghề nghiệp ấy, chức vụ ấy. Khi không còn thực thi nghề nghiệp hay chức vụ ấy, thì tình yêu cũng tan biến theo.

Một trong những dấu hiệu rất dễ thấy của thứ tình yêu này là người ta chỉ phục vụ tha nhân một cách giới hạn trong lãnh vực mà chức vụ của họ chính thức đòi hỏi mà thôi. Họ thường không muốn phục vụ ngoài giới hạn đó. Chẳng hạn: chỉ phục vụ trong giờ hành chánh, trong những ngày làm việc, không phục vụ ngoài những ngày hay giờ làm việc. Nếu chức vụ họ chủ yếu là phục vụ về tinh thần, thì họ sẽ không màng tới việc phục vụ về mặt thể chất, cho dẫu đối tượng của họ cần được phục vụ mặt đó. Những mục tử có tình yêu loại này không thể hy sinh «vượt mức» cho đàn chiên, nhất là trong lãnh vực an ninh, sức khỏe, đòi hỏi họ phải liều (chữ «vượt mức» ở đây chỉ có nghĩa là quá mức hay quá nhiều đối với họ). Họ sẽ tìm đủ mọi cách khôn ngoan để tránh né những lãnh vực ấy.

Hiện nay, điều rất đáng tiếc trong Giáo Hội, là có những mục tử coi việc làm mục tử như một thứ nghề nghiệp: một thứ nghề danh giá, có thu nhập cao, có địa vị, có quyền hành, mà không đòi hỏi nhiều tài năng, nhiều công sức… Vì thế, «nghề nghiệp» này nhiều khi thu hút những người không có tình yêu và khả năng. Do đó, khi chính thức trở thành «mục tử», họ không thể là một «mục tử nhân lành», không thể hy sinh vì đàn chiên như Đức Giêsu mong muốn và đòi hỏi được. Những mục tử loại này khiến người ta nghĩ tới hình ảnh «kẻ chăn thuê» mà «đàn chiên không thuộc về anh», nên «khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy» (Ga 10,12).

6.   Mục tử cần hiểu theo nghĩa rộng

Từ «mục tử» không nên chỉ hiểu theo nghĩa hẹp là các linh mục, giám mục, các giáo sĩ hay những vị lãnh đạo Giáo Hội, mà cần hiểu theo nghĩa rộng hơn. Qua miệng ngôn sứ Giêrêmia và Êzêkiel, Thiên Chúa đã quở trách một số vua chúa của Israel là những mục tử rất xấu (x. Gr 23,1-2; Ed 34,2-6; 8b-10). Do đó, mục tử còn được hiểu là những người có trách nhiệm lãnh đạo quốc gia, xã hội, điều hành tập thể các cấp trong xã hội.

Gần gũi hơn, người  cha hay người mẹ trong gia đình cũng là mục tử đối với cả gia đình, nhất là đối với con cái mình. Người giáo dân làm huynh trưởng của một hội đoàn, dù chỉ là trưởng một tiểu đội, cũng là mục tử đối với các thành viên trong hội đoàn của mình.

Dù theo nghĩa hẹp hay nghĩa rộng, người mục tử cũng cần noi gương mục tử nhân lành Giêsu trong việc yêu thương đàn chiên bằng một tình yêu đích thực, để «đàn chiên được sống và sống dồi dào» (Ga 10,10).

Cầu mong cho thế giới, Giáo Hội, các quốc gia, các gia đình, và mọi tập thể có những mục tử chân chính nhiều hơn những người hành nghề mục tử. Vì bổn phận của các mục tử rất nặng nề, đòi hỏi rất nhiều tình yêu, năng lực, tinh thần hy sinh… mới có thể chu toàn được, nên chỉ những mục tử chân chính mới làm Giáo Hội và xã hội thăng tiến, và hoàn thành được sứ mạng mà Thiên Chúa và Đức Giêsu trao phó.


CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, là người đứng đầu một gia đình, một tập thể, một hội đoàn, một giáo xứ, xin cho con ý thức trách nhiệm của một mục tử đối với những người mà con phải hướng dẫn, chăm sóc. Xin hãy giúp cho những người có trách nhiệm mục tử trở nên những mục tử đích thật, những mục tử có tình yêu thật sự, những mục tử dám hy sinh và sống chết với những người mình có trách nhiệm chăm sóc. Xin hãy ban sức mạnh và củng cố tình yêu nơi tất cả các mục tử của Cha, để mọi gia đình, mọi tập thể, cũng như thế giới và Giáo Hội, nhờ ơn Cha, được biến cải và trở nên tốt đẹp hơn. Amen.                                                                   

(Nguyễn Chính Kết)



Thứ Bảy, 9 tháng 4, 2016

PhucSinh3-C

Chúa Nhật Thứ 3
Mùa Phục Sinh
 (Năm C − ngày 10-4-2016)


Mời nghe hoặc xem youtube video:
Thiên Chúa lo liệu mọi nhu cầu 


ĐỌC LỜI CHÚA

·    Cv 5,27b-32.40b-41: (38) Hãy để mặc những người này về, vì nếu ý định hay công việc này là do người phàm, tất sẽ bị phá huỷ; (39) còn nếu quả thật là do Thiên Chúa, thì quý vị không thể nào phá huỷ được; không khéo quý vị lại thành những kẻ chống Thiên Chúa.

·    Kh 5,11-14: (12) «Con Chiên đã bị giết nay xứng đáng lãnh nhận phú quý và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh, danh dự với vinh quang, và muôn lời cung chúc».


·    TIN MỪNG: Ga 21,1-19 (hay 1-14)


Đức Giêsu hiện ra ở Biển Hồ Tibêria

 (1) Sau đó, Đức Giêsu lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Tibêria. Người tỏ mình ra như thế này. (2) Ông Simôn Phêrô, ông Tôma gọi là Điđymô, ông Nathanaen người Cana miền Galilê, các người con ông Dêbêđê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. (3) Ông Simôn Phêrô nói với các ông: «Tôi đi đánh cá đây». Các ông đáp: «Chúng tôi cùng đi với anh». Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.

(4) Khi trời đã sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giêsu. (5) Người nói với các ông: «Này các chú, không có gì ăn ư?» Các ông trả lời: «Thưa không». (6) Người bảo các ông: «Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá». Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. (7) Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến nói với ông Phêrô: «Chúa đó!» Vừa nghe nói «Chúa đó!», ông Simôn Phêrô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. (8) Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.

(9) Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. (10) Đức Giêsu bảo các ông: «Đem ít cá mới bắt được tới đây!» (11) Ông Simôn Phêrô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. (12) Đức Giêsu nói: «Anh em đến mà ăn!» Không ai trong các môn đệ dám hỏi «Ông là ai?», vì các ông biết rằng đó là Chúa. (13) Đức Giêsu đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy. (14) Đó là lần thứ ba Đức Giêsu tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.

(15) Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giêsu hỏi ông Simôn Phêrô: «Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?» Ông đáp: «Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy». Đức Giêsu nói với ông: «Hãy chăm sóc chiên con của Thầy». (16) Người lại hỏi: «Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy không?» Ông đáp: «Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy». Người nói: «Hãy chăn dắt chiên của Thầy». (17) Người hỏi lần thứ ba: «Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?» Ông Phêrô buồn vì Người hỏi tới ba lần: «Anh có yêu mến Thầy không?» Ông đáp: «Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy». Đức Giêsu bảo: «Hãy chăm sóc chiên của Thầy. (18) Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn». (19) Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: «Hãy theo Thầy».

CHIA SẺ



Câu hỏi gợi ý:

1.   Sau khi Chúa sống lại, các tông đồ vẫn phải đi tiếp tục đi đánh cá để thỏa mãn những nhu cầu thực tế của đời sống như bao người khác. Nhưng «đêm ấy họ không bắt được gì cả», và Đức Giêsu đã hiện ra chỉ cho họ «Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá», và các ông đã «vào bờ kéo theo lưới đầy cá». Sự kiện này có ý nghĩa gì đối với những người làm tông đồ hiện nay không?

 2.  Người tông đồ thời nay có những nhu cầu thực tế của đời sống như bao người khác không? Nếu phải lo thỏa mãn những nhu cầu ấy như mọi người, thì họ còn thì giờ và năng lực để có thể toàn tâm toàn ý cho công việc tông đồ không? Thiên Chúa có quan tâm đến những nhu cầu thực tế của họ không?

2.   Tại sao mỗi lần Đức Giêsu muốn giao việc chăn dắt bầy chiên của mình cho Phêrô, Ngài đều hỏi xem ông có yêu mến Ngài không? Điều này có ý nghĩa gì? Không yêu Đức Giêsu thì có thể làm mục tử hữu hiệu không?



Suy tư gợi ý:

1. Người tông đồ cũng có
những nhu cầu cụ thể cần thỏa mãn

Là con người, ai cũng có những nhu cầu cần phải được thỏa mãn. Nếu những nhu cầu ấy không được thỏa mãn, con người sẽ lâm vào tình trạng bất hạnh. Vì thế, một trong những bận tâm rất lớn của con người là lo cho nhu cầu của mình: nhu cầu vật chất cũng như nhu cầu tinh thần. Người tông đồ lo việc cho Thiên Chúa cũng có những nhu cầu ấy, và cũng cần phải được thỏa mãn mới có thể sống hạnh phúc và thực hiện việc tông đồ được. Nhưng nếu người tông đồ cũng phải lo những nhu cầu này cho mình, thì họ còn thì giờ và đầu óc đâu để lo công việc cho Thiên Chúa mc hữu hiệu? Những người muốn hiến thân cho Thiên Chúa, muốn dành trọn đời mình phụng sự Ngài, thì liệu Ngài có cách nào giúp họ giải quyết những nhu cầu cụ thể của họ không?

Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy một viễn cảnh tốt đẹp về sự quan phòng của Thiên Chúa đối với những nhu cầu cụ thể của những người lo việc cho Ngài.



2. Thiên Chúa luôn quan tâm lo liệu cụ thể cho những người của Ngài

Sau khi Đức Giêsu sống lại, các môn đệ Ngài cũng có lúc phải lo việc kiếm thức ăn để sống. Nghề của các ông là nghề đánh cá, nên các ông rủ nhau đi đánh cá tại hồ Tibêria. Những chuyện xảy ra đêm hôm ấy và sáng hôm sau là một mặc khải quan trọng mang tính biểu tượng.

Đêm ấy, các ông vất vả suốt đêm mà không bắt được một con cá nào. Điều đó có nghĩa gì? – Dường như những người có ý hướng theo Chúa, muốn dấn thân làm làm tông đồ, những người có khuynh hướng nội tâm, thường ít khi thành công trong công việc làm ăn sinh sống, mặc dù họ có tài, biết cách suy tính. Muốn thành công trong công việc làm ăn, người ta thường phải để hết tâm trí của mình vào đó, và cũng phải gắn bó với tiền bạc, vật chất. Nhưng người đã chọn Thiên Chúa, thì thường không thể để hết tâm trí vào chuyện vật chất được. Nên khi làm ăn sinh sống, họ dễ bị thất bại vì thiếu tập trung vào công việc ấy. Họ đã được Thiên Chúa chọn và kêu gọi để làm một công việc thuộc loại khác. Những thất bại của họ trong công việc trần gian là một cách nhắc nhở hay thúc đẩy họ nên chuyên tâm vào công việc của Ngài.

Khi trời sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển bảo các môn đệ đang đánh cá thả lưới bên phải mạn thuyền. Đề nghị của Ngài quả thật có phần phi lý: thả lưới bên phải hay bên trái ở ngoài biển thì có gì khác nhau? Nếu có cá thì thả bên nào mà chẳng bắt được. Nếu không có cá thì thả bên này hay bên kia có gì khác nhau! Nhưng các tông đồ vẫn tuân theo lời đề nghị có vẻ chẳng hợp lý của Ngài, và kết quả là một mẻ lưới thành công ngoài sức tưởng tượng. Tất cả những sự việc trên có nghĩa gì?

– Đối với những người theo Chúa, những người làm tông đồ, Thiên Chúa thường cho họ thấy đời sống vật chất của họ không tùy thuộc vào tài trí hay nỗ lực của họ, mà tùy thuộc vào Ngài. Họ có dồn hết nỗ lực để làm giàu cũng vô ích, cũng vẫn lâm vào cảnh thiếu thốn. Nhưng nếu họ dành hết tài năng, thì giờ, sức lực để lo việc cho Ngài, thì Ngài có đủ mọi cách để họ có thể đủ sống, không phải lo lắng gì. Một khi đã trở thành người của Ngài, họ sẽ được Ngài lo liệu, chăm sóc một cách chu đáo như một ông chủ lo cho các nhân viên của mình. Điều Ngài mong đợi nơi họ là họ toàn tâm toàn ý, hết mình với công việc của Ngài. Còn việc của họ, Ngài sẽ lo thay cho họ. Ngài từng nói: «Hãy lo tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài trước đã, còn mọi sự khác Ngài sẽ ban cho sau» (Mt 6,33).

Một sự kiện rất ý nghĩa khác: khi đánh cá xong, bước lên bờ, các tông đồ «nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa» (Ga 21,9). Và Đức Giêsu mời các ông ăn bánh và cá mà Ngài đã dọn sẵn cho các ông. Như vậy, cho dẫu các ông không đánh cá đêm ấy, hay không đánh được con cá nào, thì các ông vẫn có bánh và cá để ăn, vì Đức Giêsu đã lo liệu tất cả cho các ông. Sự việc này cho thấy Thiên Chúa sắp đặt sẵn tất cả mọi sự một cách chu đáo cho những kẻ hiến thân cho công việc của Ngài. Vấn đề là họ có đức tin để nhận ra điều đó hay không. Nếu Ngài là một Thiên Chúa quyền năng, mọi công việc của Ngài đều kỳ diệu (G 5,9; 9,10; Tv 139,14; Hc 42,22), ắt nhiên sự quan phòng của Ngài dành cho những kẻ hiến thân cho Ngài cũng hết sức kỳ diệu. Ngài đã tạo dựng nên vũ trụ cách vô cùng thông minh, chính xác, Ngài đã cho con người một thể xác vô cùng diệu kỳ, với những cơ chế tự động rất lạ lùng, chẳng lẽ Ngài lại không đủ kỳ diệu và thông minh trong việc quan tâm chăm sóc những kẻ muốn dồn hết nỗ lực cho công việc của Ngài?


3.  Người tông đồ hãy tập trung năng lực vào công việc tông đồ
và chăn dắt đàn chiên của mình

Sau khi cho các môn đệ thấy sự sắp xếp chu đáo của Thiên Chúa đối với những nhu cầu thực tế của các ông, Đức Giêsu mời gọi các ông hãy chăm lo cho bầy chiên của Ngài. Trước mỗi lần Đức Giêsu mời gọi Phêrô chăn dắt bầy chiên của Ngài, Ngài đều hỏi ông: «Anh có mến Thầy hơn các anh em này không?» (Ga 21,15-17). Điều này cho thấy công việc chăn dắt bầy chiên của Đức Giêsu đòi hỏi một tình yêu rất lớn lao đối với Ngài, vì nó đòi hỏi các tông đồ phải dành hết thời gian và hết sức mình cho công việc đó.

Tình yêu đối với Đức Giêsu hay với Thiên Chúa ở đây cần được thể hiện cụ thể qua tình yêu đối với «những anh em bé nhỏ nhất» của Ngài, là những người nghèo khổ, bị ức hiếp trong xã hội, mà Ngài từng đồng hóa với chính Ngài (x. Mt 25, 40.45). Yêu những người ấy là yêu chính Ngài. Và theo tinh thần của toàn bộ Kinh Thánh, nhất là Tân Ước, thì dường như không có cách nào biểu lộ tình yêu của ta đối với Ngài cụ thể và hợp ý Ngài hơn cách ấy. Yêu Ngài, chính là yêu «những anh em bé nhỏ nhất» ấy, và không yêu «những anh em bé nhỏ nhất» ấy cũng chính là không yêu chính Ngài. Qua việc tỏ tình yêu thương đặc biệt đối với các trẻ nhỏ, với các tù nhân trong các trại giam, những người đang trên đường tị nạn, v.v... Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn nhắc nhở các Kitô hữu ý thức hơn về cách thể hiện thực tế nhất tình yêu của ta đối với Thiên Chúa và với Đức Giêsu đúng theo giáo huấn của Kinh thánh. Về vấn đề này, xin tham khảo thêm các đoạn Kinh thánh: Mt 5,46; 7,12; 25,40.45; Lc 6,31; Lc 9,48; Ga 13,34-35; 15,12.17; Rm 13,8.10; Gl 6,2...

Việc gắn liền hai sự kiện với nhau – việc lo liệu sắp xếp của Thiên Chúa về nhu cầu sống của người tông đồ và lời mời gọi chăn dắt bầy chiên hay làm tông đồ – muốn nói lên rằng: người tông đồ muốn chăn dắt bầy chiên một cách hiệu quả thì phải toàn tâm toàn ý với công việc ấy. Một khi đã toàn tâm toàn ý lo việc của Thiên Chúa thì hãy tin tưởng và phó thác cho Ngài những nhu cầu riêng của mình. Vì dù không lo cho những nhu cầu của mình, người tông đồ vẫn được Thiên Chúa sắp xếp lo liệu cho tất cả để có thể sống tương đối đầy đủ và hạnh phúc trong cuộc đời này (x. Mc 10,29-30). 


4. Chia sẻ kinh nghiệm cá nhân

Cuộc đời tông đồ của tôi − người viết bài này − đã chịu ảnh hưởng rất nhiều từ bài Tin Mừng này và câu Kinh thánh «Hãy lo tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài trước đã, còn mọi sự khác Ngài sẽ ban cho sau» (Mt 6,33). Tôi xin chia sẻ kinh nghiệm nhỏ bé của tôi về sự ứng nghiệm của câu Kinh thánh trên trong cuộc đời tông đồ của tôi.

Sau khi lập gia đình năm 1983, tôi đã cố gắng mấy năm làm ăn theo nhiều cách để sinh sống và nuôi gia đình, nhưng hoàn toàn thất bại vào năm 1985. Lúc đó tôi nhớ lại câu Kinh thánh vừa trích dẫn (Mt 6,33) và đã thử áp dụng triệt để vào đời sống của mình xem. Nghĩa là dành ưu tiên tâm trí và thì giờ  cho việc «tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài» thay vì dành sự ưu tiên ấy cho công việc làm ăn. Một cách cụ thể là dành tâm trí và thì giờ cho việc tìm hiểu trong Thánh Kinh quan điểm, cách nhìn vấn đề của Thiên Chúa và Đức Giêsu cũng như ý muốn của Thiên Chúa đối với tôi để áp dụng trong đời sống. Còn việc sinh sống, thì tôi phó thác để Ngài lo liệu: nếu Ngài muốn tôi làm việc để có tiền thì Ngài sẽ đem việc đến cho tôi, chứ tôi không tự ý đi tìm như trước.

Nếu Chúa không thật sự lo lắng đời sống vật chất cho gia đình tôi, thì chắc chắn chỉ cần mấy tháng sau là tôi buộc phải lo tự ý tìm việc làm để sinh sống. Nhưng quả thật, Thiên Chúa đã nuôi sống tôi và gia đình suốt mấy chục năm qua bằng nhiều cách khác nhau, kể từ năm 1985 là năm tôi quyết định dành ưu tiên cho việc «tìm Nước Thiên Chúa». Ngoài việc đọc và suy gẫm Thánh Kinh, tôi từng tham gia vào công việc tông đồ dưới nhiều hình thức khác nhau. Và Thiên Chúa đã tạo nhiều điều kiện để tôi có những việc làm vừa để sinh sống mà vừa thuận tiện cho công việc tông đồ của tôi.

Vì thế, hơn 30 năm qua, tôi không phải lo lắng nhiều về việc làm ăn sinh sống như thời trước 1985, mà đời sống của gia đình tôi vẫn tạm đủ. Tôi nghiệm ra rằng câu Kinh thánh «Hãy lo tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài trước đã, còn mọi sự khác Ngài sẽ ban cho sau» (Mt 6,33) là hoàn toàn đúng. Nghĩa là một khi ta quyết tâm dành ưu tiên cho công việc của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa cũng đáp lại thiện chí ấy bằng cách lo cho đời sống cụ thể của ta, tạo điều kiện để ta không phải quá lo lắng cho những nhu cầu đời sống của ta, hầu có thể dành nhiều tâm trí và thì giờ cho công việc của Ngài. Chắc chắn đó cũng là kinh nghiệm của các linh mục, tu sĩ và giáo dân đã dành ưu tiên tâm trí, sức lực và thì giờ cho công việc của Thiên Chúa.



CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, nếu Cha đã dựng nên thế giới này thật diệu kỳ, và cả thân xác của con đây cũng thật diệu kỳ, thì con tin rằng Cha điều hành và quan phòng thế giới này cũng thật diệu kỳ. Vì thế, con tin chắc rằng một khi con toàn tâm toàn ý lo cho công việc của Cha, và điều đó rõ ràng cũng là ý muốn của Cha, thì Cha sẽ quan phòng lo lắng cho mọi nhu cầu của con. Xin cho con sống đúng tinh thần lời của Đức Giêsu: «Hãy lo tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài trước đã, còn mọi sự khác Ngài sẽ ban cho sau» (Mt 6,33). Xin cho con đủ đức tin và lòng thanh thoát để sống được như thế. Amen.

Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2016

PhucSinh2-C

Chúa Nhật Thứ 2
Mùa Phục Sinh
 (Năm C − ngày 3-4-2016)


Mời nghe hoặc xem youtube video:
 

ĐỌC LỜI CHÚA



·    Cv 5,12-16: «Nhiều điềm thiêng dấu lạ được thực hiện trong dân nhờ bàn tay các tông đồ. Mọi tín hữu đều đồng tâm nhất trí, thường hội họp tại hành lang Salômon. Càng ngày càng có thêm nhiều người tin theo Chúa: cả đàn ông đàn bà rất đông».

·    Kh 1,9-11a.12-13.17-19: «Ta là Đầu và là Cuối. Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết và nay tôi đều đến muôn thuở muôn đời, và Ta giữ chìa khóa của tử thần và âm phủ».

·    TIN MỪNG: Ga 20,19-31

Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ

        (19) Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái. Ðức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: «Chúc anh em được bình an!» (20) Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. (21) Người lại nói với các ông: «Chúc anh em được bình an! như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em». (22) Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: «Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. (23) Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ».

(24) Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tôma, cũng gọi là Ðiđymô, không ở với các ông khi Ðức Giêsu đến. (25) các môn đệ khác nói với ông: «Chúng tôi đã được thấy Chúa!» Ông Tôma đáp: «Nêu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin». (26) Tám ngày sau, các môn đệ Ðức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Ðức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: «Chúc anh em được bình an» (27) Rồi Người bảo Tôma: «Ðặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Ðưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Ðừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin». (28) Ông Tôma thưa Người: «Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!» (29) Ðức Giêsu bảo: «Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!»

(30) Ðức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. (31) Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Ðức Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:

1.   Tâm trạng của các tông đồ trước khi Chúa hiện ra thế nào? Chúng ta có gặp tâm trạng như thế không? chúng ta phản ứng thế nào?

2.   Thân xác Chúa Kitô sau khi sống lại có gì khác lạ? Điều đó có ý nghĩa gì đối với chúng ta?

3.   Chúng ta có thể rút ra bài học gì từ bài Tin Mừng trên?


Suy tư gợi ý:


1. Tâm trạng của các tông đồ sau khi Đức Giêsu chết

Sau khi Đức Giêsu bị bắt và bị đóng đinh thập giá, tinh thần của các tông đồ bị dao động mãnh liệt, niềm tin và lòng can đảm của các ông như bị mất hẳn. Từ lúc khởi sự theo Ngài tới bữa Tiệc Ly, suốt ba năm ấy, các ông đã nhìn thấy những dấu chứng rất chắc chắn chứng tỏ Ngài là Đấng Mêsia mà dân Do Thái hằng trông đợi từ mấy trăm năm nay, các ông vẫn luôn luôn tin tưởng rằng một ngày nào đó, Ngài sẽ xuất đầu lộ diện thành một vị tướng tài ba với binh hùng tướng mạnh để giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị tàn bạo của đế quốc Rôma. Và các ông cũng nuôi hy vọng rằng sau khi Ngài lên ngôi vua, các ông sẽ trở thành những vị quan lớn trong triều đình của Ngài. Được làm quan cai trị 12 chi tộc Israel - tuy là một mơ ước không tưởng nhưng luôn nằm sẵn trong vô thức của những người dân thấp cổ bé miệng như các ông - nay nhờ theo Đức Kitô đã trở thành một hy vọng dường như nằm trong tầm tay. Thật vậy, ngay trong bữa tiệc ly, các ông vẫn còn tranh luận xem ai là người cao trọng nhất: «Các ông còn cãi nhau sôi nổi xem ai trong nhóm được coi là người lớn nhất» (Lc 22,24).

Vì thế, khi Đức Giêsu bị bắt, các ông bắt đầu hơi nản chí, nhưng vẫn còn hy vọng rằng Ngài chỉ giả bị bắt, và với quyền phép của Ngài, Ngài sẽ thoát khỏi cái chết dễ dàng và sẽ phục hưng lại. Nhưng khi thấy Ngài thật sự bị chết một cách quá nhục nhã trên thập giá, và đã bị chôn trong mồ - rõ ràng Ngài đã chết - thì giấc mơ làm quan kia hoàn toàn sụp đổ, thay vào đó là nỗi sợ hãi bị người Do Thái ruồng bắt (x. Ga 20,19). Từ trưa thứ sáu khi Đức Giêsu chết trên thập giá đến sáng ngày thứ nhất trong tuần lễ kế tiếp, các ông luôn sống trong hoang mang, sợ hãi và thất vọng.

Sáng ngày thứ nhất tuần sau đó, các ông nghe phong thanh rằng Đức Giêsu đã sống lại, nguồn tin ấy đến từ mấy phụ nữ thì khó mà tin chắc chắn được (x. Mc 16,11). Giữa các ông cũng có những chứng từ nhưng không đủ tin (Mc 16,13): đó là Phêrô và Gioan đã đến mộ và thấy ngôi mộ trống (x. Ga 20,3-10), rồi hai môn đệ từ Emmau về nói rằng họ vừa nhận ra Ngài thì Ngài biến mất (x. Lc 24,13-32). Chiều hôm đó, khi màn đêm bắt đầu buông xuống, các ông tụ họp lại để hỏi thăm nhau, bàn tán về những biến cố xảy ra trong ngày, và cũng để nương nhau cho đỡ sợ. Lúc đó cửa đóng kín vì các ông sợ người Do Thái. Các ông đang bàn luận thì Đức Giêsu hiện ra.

Mặc dù nghe phong thanh rằng Ngài đã sống lại, nhưng khi Ngài hiện ra, các ông không khỏi kinh ngạc, vì đây vốn là một chuyện không thể tin được. Theo Tin Mừng Luca thì khi Ngài hiện ra, «các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma», và cho dù «Ngài đưa tay chân ra cho các ông xem… các ông vẫn chưa tin», đến nỗi Ngài phải ăn một khúc cá nướng trước mặt các ông để các ông tin (x. Lc 24,36-43). Chúng ta cần phải thông cảm với các ông, nhất là ông Tôma, vì đối với bất kỳ ai, sống lại từ cõi chết là điều quá sức lạ lùng, cần phải đích thân sờ mó vào những dấu đinh, vào cạnh sườn thì mới có thể tin được. Vả lại, có thật sự chứng nghiệm Ngài sống lại bằng sự sờ mó cụ thể như thế, các ông mới dám mạnh dạn làm chứng - bằng chính mạng sống mình - rằng Ngài đã thật sự sống lại.



2. Những bài học

Từ bài Tin Mừng trên, chúng ta chúng ta rút ra những bài học sau đây:

a)   Bài học thứ nhất: Đức tin bị thử thách

Trong cuộc đời, niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa, vào Đức Giêsu nhiều khi cũng bị thử thách một cách nặng nề như các tông đồ xưa. Chúng ta cũng bị nao núng tinh thần, bị chán nản thất vọng, thấy niềm tin của mình tưởng rằng vững chắc bỗng hóa thành như chuyện không tưởng. Nhưng quả thật đối với Thiên Chúa, có nhiều chuyện con người không thể tin được mà lại xẩy ra. Điều quan trọng là trong khi bị thử thách, chúng ta cứ kiên tâm chờ đợi, đừng vội làm điều gì ngược với lương tâm, với ý Chúa. Tất cả các vị thánh đều phải trải qua những «đêm tối của đức tin», là những lúc bị thử thách đến mức, nếu không bền đỗ, có thể mất đức tin. Chúa muốn như vậy, đức tin có bị thử thách thì mới trưởng thành và trở nên vững chắc được. Sau cơn thử thách ấy, đức tin hoặc bị mất đi, hoặc đã được trui luyện thành bền vững hơn. Vấn đề nằm ở sự kiên nhẫn: «Ai bền đỗ đến cùng, người ấy sẽ được cứu thoát» (Mt 24,13).

b)   Bài học thứ hai: Con người cũ chết đi để phục sinh thành con người mới

Thân xác của Đức Kitô sau khi sống lại từ cõi chết là một thân xác vinh quang, khác với thân xác của Ngài trước khi chết. Thân xác vinh quang của Ngài không còn bị lệ thuộc vào những định luật vật lý thông thường: chẳng hạn cửa đóng kín mà vẫn vào được (x. Ga 20,19), nhưng không phải là bóng ma không có thể chất, vì Ngài vẫn có thể ăn uống như người thường (x. Lc 24,43), vẫn có thể rờ thấy một cách cụ thể (x. Ga 20,20), và nhất là thân xác đó sẽ chẳng bao giờ phải đau đớn, phải chết nữa. Đó chính là tính chất của thân xác chúng ta trong tương lai, sau khi chúng ta được sống lại từ cõi chết.

Sự biến đổi nơi thân xác Đức Giêsu cũng như nơi thân xác chúng ta trong tương lai, là biểu tượng điển hình cho việc biến đổi từ «con người cũ» sang «con người mới» ngay trong cuộc sống này. Nơi chúng ta, «con người cũ» là con người ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến mình, quyền lợi, đến hạnh phúc hay đau khổ của mình. «Con người cũ» quan niệm, suy tư và hành động theo kiểu trần gian, theo sự khôn ngoan trần gian, lấy những thực tại trần gian (danh, lợi, thú, địa vị, quyền lực, của cải…) làm mục đích. Với chiều hướng đó, «con người cũ» là con người yếu đuối, chỉ có được thứ hạnh phúc chóng qua, và thường phải sống trong đau khổ vì tham vọng không đáy không bao giờ được thỏa mãn. Được thì sợ mất, được cái này thì lập tức mong muốn cái khác, không bao giờ bằng lòng với cái mình đang có. Còn «con người mới» là con người vị tha, quên mình (x. Ep 4,24; Cl 3,10), là «con người cũ» đã phục sinh sau khi cùng chịu đóng đinh và cùng chết với Đức Giêsu trên thập giá (x. Rm 6,6). Từ đó, «con người mới» bắt đầu quan niệm, suy tư và hành động theo Thần Khí, theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa, theo sự hướng dẫn của đức tin, lấy tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân làm động lực, lấy lợi ích của Thiên Chúa và tha nhân làm mục đích. Nhờ đó, «con người mới» là con người mạnh mẽ, luôn hưởng được một niềm hạnh phúc thường hằng xuất phát từ đáy tâm hồn.

«Con người cũ» đã chết cho thế gian, xác thịt, tội lỗi, để trở thành «con người mới» chỉ sống cho Thiên Chúa hay Đức Kitô và tha nhân, tâm hồn không còn bị lệ thuộc vào ngoại cảnh, không còn bị điên đảo vì những biến đổi của đời thường nữa… Tuy nhiên, những «con người mới» không phải là những con người siêu thế, sống ngoài vòng tục lụy, mà vẫn luôn luôn sống giữa thế gian (x. Ga 17,6), làm tất cả mọi việc mà mọi người vẫn làm. Họ vẫn phải đương đầu với tất cả những khó khăn mà mọi người từng phải đối đầu. Nhưng họ vẫn không bị những khó khăn hay nghịch cảnh vùi dập, làm họ mất bình an, vì lòng trí họ không thuộc về thế gian (x. Ga 15,18). Họ vẫn luôn luôn tìm được bình an và niềm vui trong mọi hoàn cảnh dù khó khăn đến đâu. Có thể nói: thân xác họ tuy ở giữa trần gian, nhưng tâm trí họ không thuộc về trần gian. Nghĩa là những thực tại của trần gian như quyền bính, tiền bạc, nhà cao cửa rộng, tình cảm gia đình, thú vui trần tục, tuy họ vẫn có thể sử dụng hay hưởng thụ, nhưng tâm trí họ không hề dính bén với những thực tại ấy. Họ sẵn sàng từ bỏ những thực tại ấy khi tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, hay lương tâm họ đòi hỏi. Tình yêu giúp cho họ thâm nhập vào tất cả những tình huống đời sống thực tế của tha nhân để họ có thể hiểu và giúp đỡ mọi người tùy theo nhu cầu. Vững tin vào Chúa, gắn bó và luôn luôn sống với Chúa là nguồn sức mạnh và năng lực, đó là bí quyết tạo sức mạnh của họ.

c)   Bài học thứ ba: Đức Giêsu cần chúng ta tiếp nối sứ mạng của Ngài

Đức Giêsu đã sinh xuống trần, sống như người trần, rao giảng cho người trần, chết và sống lại vì người trần, việc cứu chuộc nhân loại không phải đến đây là hoàn tất. Sứ mạng của Ngài đã hoàn thành được phần chủ yếu, nhưng chưa hoàn tất. Sứ mạng của Ngài còn dang dở cần được các tông đồ và Giáo Hội Ngài tiếp tục. Vì thế, Ngài nói với các tông đồ: «Như Chúa Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em» (Ga 20,21). Ngài không chỉ truyền cho chúng ta sứ mạng rao giảng Tin Mừng để cứu rỗi thế giới như Ngài đã làm, mà còn ban Thánh Thần và quyền bính thiêng liêng như Ngài đã từng nhận từ Chúa Cha cho những ai lãnh nhận sứ mạng của Ngài (x. Ga 20, 22-23).

Công cuộc tiếp tục sứ mạng của Ngài đã được Ngài trao cho các tông đồ, cũng chính là cho chúng ta, tất cả mọi Kitô hữu, đặc biệt cho những ai nhận ra hay tự ý thức về lời mời gọi của Ngài. Mọi Kitô hữu nên ý thức lại về lời mời gọi này trong cuộc sống của mình.



CẦU NGUYỆN

Chúa đã phục sinh. Xin cho con cũng được phục sinh như Chúa. Xin giúp con chết đi «con người cũ» để được phục sinh thành «con người mới», một con người luôn bình an và hạnh phúc vì biết quên «cái tôi» ích kỷ của mình để sống cho Chúa, cho tha nhân, đặc biệt cho những người cần con yêu thương và giúp đỡ nhất. Xin cho con nhìn thấy Chúa trong tha nhân, để con đừng bao giờ nhìn bất kỳ ai mà không nhận ra họ là hình ảnh của Chúa, là con cái của Chúa như chính bản thân con đây. Xin cho con biết yêu mến, phục vụ Chúa trong tha nhân và qua tha nhân, nhất là qua những người bé mọn, thấp cổ bé miệng đang bị khinh miệt, ức hiếp, đau khổ. Xin cho con nhận ra họ chính là hiện thân của Chúa như Chúa đã từng nói: «Mỗi lần các ngươi làm (/không làm) như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nht của Ta đây, là các ngươi đã làm (/không làm) cho chính Ta vậy» (Mt 25,40/45). Amen.
                              

(Nguyễn Chính Kết)