Chúa
Nhật thứ 4 Mùa Vọng
(Năm C − ngày 20-12-2015)
(Năm C − ngày 20-12-2015)
ĐỌC LỜI CHÚA
· Mk
5, 1-4a: Phần ngươi, hỡi Bêlem Épphrata, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc
Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Ítrael.
Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa (…) Quyền lực Người sẽ
trải rộng ra đến tận cùng cõi đất.
· Dt
10, 5-10: Đức Kitô nói: Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã
chẳng ưa, chẳng thích, Vì đó chỉ là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề
Luật truyền. Rồi Người nói: Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài. Thế là
Người bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới.
· TIN MỪNG: Lc 1, 39-45
Đức Maria viếng thăm bà Êlisabét
Hồi ấy, Maria vội vã lên đường,
đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Cô vào nhà ông Dacaria và chào
hỏi bà Êlisabét. Bà Êlisabét vừa nghe tiếng Maria chào thì đứa con trong bụng
nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng: «Em được chúc
phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.
Bởi đâu tôi được thân mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây tai tôi vừa
nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có
phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em».
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Ta học được những gì trong việc Đức Maria thăm viếng bà Êlisabét?
Thăm viếng có phải là một việc mà tình yêu đòi buộc phải có không?
2. Thăm viếng cũng là dịp đem Chúa đến cho người khác. Nhưng đem Chúa
đến cho người mình thăm viếng bằng cách nào?
3. Giữa những hành động cụ thể biểu lộ yêu thương đích thực, và những
lễ tế, kinh kệ làm theo thói quen, theo luật buộc, Thiên Chúa ưa chuộng cái
nào?
Suy tư gợi ý:
1. Viếng
thăm là một hành động biểu lộ tình thương
Vừa nghe sứ thần truyền tin cho
biết bà Êlisabét có thai được sáu tháng, Maria liền vội vã lên đường đến thăm bà. Bà Êlisabét sống ở miền núi, chắc
chắn cuộc hành trình của Maria lên miền núi để thăm người bà con không tránh
được mệt nhọc, vất vả. Chắc chắn việc Đức Maria đến thăm bà Êlisabét là do sự
thúc đẩy của yêu thương. Nếu Ngài không đến thăm thì bà Êlisabét chẳng trách
Ngài được, lý do là bà ấy đâu biết rằng Ngài biết bà ấy mang thai. Vả lại chính
Ngài cũng đang mang thai, mà đường xá lại xa xôi. Chính tình thương đã thúc đẩy
Ngài đi, vì Ngài rất giàu tình thương. Và cũng chính vì giàu tình thương mà
Ngài xứng đáng làm Mẹ của Đức Giêsu, là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa.
Tình yêu đòi hỏi phải biểu lộ ra,
chứ không giữ kín bên trong. Một tình yêu giữ kín, không được biểu lộ thành
hành động, không phải là một tình yêu đích thực. Tương tự như lời thánh
Giacôbê: «Đức tin không có việc làm là
đức tin chết» (Gc 2, 26). Cũng vậy, tình yêu không việc làm, không được
biểu lộ là tình yêu chết. Tình yêu phải được biểu lộ ra thành sự quan tâm, chăm
sóc, năng tìm cách gặp gỡ, giúp đỡ, hy sinh cho người thân, làm cho người thân
trở nên tốt đẹp, hạnh phúc hơn. Câu tục ngữ «Yêu
nhau tam tứ núi cũng trèo, thất bát sông cũng lội, cửu thập đèo cũng qua»
có nghĩa như thế!
Tình yêu đích thực đòi hỏi phải
năng gặp nhau, nhất là những lúc người mình yêu có chuyện vui hoặc buồn. Đức
Phật nói: «Yêu nhau mà không được ở gần
nhau, mà phải xa cách nhau thì sẽ đau khổ», ngài gọi cái khổ ấy là «ái
biệt ly khổ». Tục ngữ có câu: «Nhất nhật bất kiến như tam thu hề!» (một ngày không gặp nhau thì dài như ba năm). Do đó, đi thăm
viếng nhau là đòi hỏi của tình yêu đích thực, là biểu lộ sự quan tâm đến nhau.
Vì thế, chúng ta hãy năng thăm viếng những người chúng ta yêu mến. Mà đã là
người Kitô hữu, tất nhiên chúng ta có rất nhiều người mình phải yêu mến, nhất
là những người lâm cảnh đau khổ, túng thiếu, những người lâm vào thế kẹt, những
người cần chúng ta tới thăm viếng hơn cả. Đến thăm nhau là một cách tuyệt vời
để biểu lộ tình huynh đệ, tình yêu thương của Kitô giáo.
2. Đến
thăm để đem Chúa đến cho người mình thương
Khi Đức Maria đến thăm bà
Êlisabét, Ngài cũng đem Chúa đến cho bà ấy. Nhờ Đức Maria mang Chúa đến, nên
không chỉ bà Êlisabét vui mừng, mà hài nhi trong bụng bà cũng vui theo mà «nhảy
lên» trong bụng mẹ. Và chắc
chắn cũng chính vì Đức Maria mang Chúa đến, mà niềm vui của bà Êlisabét và hài
nhi mới tăng lên một cách lạ thường như thế. Sự hiện diện của Đức Maria cùng
với bào thai Giêsu chẳng những mang niềm vui, mà còn biến đổi hai mẹ con bà Êlisabét,
khiến hai người được tràn đầy Thánh Thần, và nhờ đó nhận ra được sự hiện diện
của Thiên Chúa nơi Đức Maria, đồng thời tin vào Thiên Chúa vững mạnh hơn.
Như thế, đến thăm không chỉ là
một phương cách biểu lộ tình yêu, nói lên sự quan tâm, mà còn là một dịp thuận
lợi để đem Chúa đến cho người mình thăm viếng. Nhờ ta đem Chúa đến, mà niềm vui
của người được thăm tăng lên gấp bội, và họ nhận lãnh được Thánh Thần nhờ sự
hiện diện của Chúa do ta mang đến. Chính Thánh Thần của Chúa trong ta, chứ
không phải ta, sẽ thánh hóa, biến đổi họ nên tốt lành, thánh thiện.
Đem Chúa đến cho người mình thăm
viếng, không có nghĩa là mình nói thật nhiều thật hay về Chúa cho họ nghe. Có
những người nói về Chúa rất nhiều và rất hay, nhưng họ không thật sự có Chúa
trong bản thân họ. Chúa là tình thương, ta chỉ mang Chúa đến cho tha nhân, khi
chính ta thật sự yêu thương họ bằng một tình yêu chân thực. Đức Maria có nói gì
về Chúa với bà Êlisabét đâu! Do đó, ta chỉ có thể mang Chúa đến cho tha nhân
khi ta đến họ với ý muốn làm hiện thân của Chúa đối với họ, và coi họ cũng là
hiện thân của Chúa đối với mình.
3. Hãy
là hiện thân của Chúa khi đi thăm viếng
Thiên Chúa vì yêu thương nhân
loại vô cùng, nên Ngài đã đến với con người trong lịch sử, cách đây 2000 năm,
để cứu độ và đem hạnh phúc đến cho mọi người, cho từng người. Có thể nói việc
xuống thế làm người của Đức Giêsu chính là cuộc thăm viếng của Thiên Chúa đến
với nhân loại. Trong cuộc thăm viếng này, Đức Giêsu đã đem Thiên Chúa, là chính
Tình Yêu, đến với nhân loại.
Khi còn tại thế, Ngài đã đến thăm
nhiều người, săn sóc nhiều người, cải hóa nhiều người, biểu lộ tình yêu thương
cho nhiều người. Nhưng vì nhập thể làm người, Ngài bị giới hạn trong không gian
và thời gian, Ngài chỉ sống tại thế có 33 năm, chỉ quanh quẩn trong đất nước Do
Thái, và chỉ có thể tiếp xúc được với một số rất ít người. Do tình yêu vô biên
phổ quát của Ngài, Ngài muốn tiếp xúc với tất cả mọi người trên trần gian, để
phục vụ, săn sóc họ, từng người một. Nhưng hiện nay Ngài không thể làm điều đó
bằng chính thân xác của Ngài. Vì thế, Ngài muốn nhờ chính chúng ta làm điều ấy.
Ngài muốn trở thành chính bản thân chúng ta để làm những công việc ấy, và chúng
ta có thể giúp Ngài được toại nguyện ý đó.
Ngài muốn dùng chính bản thân
chúng ta để thăm viếng những người chúng ta quen biết, yêu thương. Ngài muốn an
ủi, vỗ về, khuyến khích, khuyên lơn, cảnh tỉnh họ bằng miệng lưỡi của ta. Ngài
muốn săn sóc, làm việc phục vụ họ bằng chính bàn tay của ta. Ngài muốn yêu
thương họ bằng chính trái tim của ta. Ngài muốn quan tâm tới họ bằng chính tâm
trí của ta. Qua ta, Ngài muốn biểu lộ tình thương vô biên của Ngài cho họ. Muốn
thế, Ngài mong muốn ta trở thành hiện thân của yêu thương, thứ yêu thương bằng
hành động chứ không phải chỉ bằng lời nói. Ta có là hiện thân của tình thương,
thì ta mới trở nên hiện thân của Ngài. Và chính lúc ấy, ý muốn của Ngài là yêu
thương phục vụ họ mới được thỏa mãn hoàn toàn.
Vấn đề là ta có muốn trở nên hiện
thân của Ngài hay không. Ngài không bao giờ muốn ép buộc ta, thúc bách ta,
nhưng luôn luôn mời gọi ta. Ta có nghe thấy tiếng Ngài mời gọi không? Nếu có,
hãy đáp lại lời mời ấy một cách quảng đại. Đó là cách chứng tỏ cụ thể nhất rằng
ta yêu mến Ngài. Yêu mến Ngài thì phải yêu thương giống như Ngài, chứ không
phải yêu Ngài bằng cách dâng lên Ngài thật nhiều thánh lễ, đọc thật nhiều kinh
kệ, và quỳ hàng giờ trước nhà tạm. Nếu ta yêu Ngài thật sự, thì hãy yêu Ngài,
phục vụ Ngài trong những người anh chị em gần gũi ta. Khi ta đến với họ, Ngài
cũng muốn ta coi họ như hiện thân của Ngài, nghĩa là như chính bản thân Ngài.Ngài đã chẳng từng nói: «Không phải bất cứ
ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ
những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà
thôi!» (Mt 7,21). Mà ý muốn
của Thiên Chúa là: «Thầy ban cho anh em
một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga
13,34). Thiên Chúa đã dùng miệng ngôn sứ Isaia để nói lên sự chán ngấy của Ngài
về việc giữ đạo theo kiểu dâng thật nhiều lễ tế, đọc kinh kệ thật nhiều nhưng thiếu
tình yêu thương tha nhân: «Ngần ấy hy lễ
của các ngươi, đối với Ta nào nghĩa lý gì? Lễ toàn thiêu chiên cừu, mỡ bò mập,
Ta đã ngấy (…) Thôi đừng đem những lễ vật vô ích ấy đến nữa. Ta ghê tởm khói
hương, ta chịu không nổi những ngày đầu tháng, những ngày sabát, ngày đại lễ,
không chịu nổi những người cứ phạm tội ác rồi lại cứ lễ lạc linh đình (…) Khi
các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn, vì tay các ngươi đầy
những máu…» (Is 1,11-15).
Trong bài đọc 2, Thánh Phaolô
cũng viết những ý tưởng tương tự: «Đức
Kitô nói: Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng
thích, Vì đó chỉ là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền»
(Dt 10,8). Qua lời thánh Phaolô, ta thấy tình yêu đích thực thì làm Chúa hài
lòng hơn rất nhiều so với những lễ tế được cử hành chỉ vì muốn tuân thủ lề luật!
Thật vậy, lễ tế hay việc làm dù tốt lành đến đâu nhưng không do tình yêu thúc
đẩy thì chẳng có giá trị bao nhiêu trước mặt Thiên Chúa: «Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác
tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi» (1Cr 13,3).
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, xin giúp con trở thành hiện thân của Chúa để giúp
Chúa phục vụ mọi người qua chính bản thân của con. Xin cho con biết quan tâm
đến niềm vui, nỗi khổ, và nhu cầu của từng người sống chung quanh con. Xin giúp con biết hy sinh thì giờ cho dù rất
quí báu của con để năng đến gặp gỡ họ, thăm viếng họ, hầu nhờ đó thông cảm được
những nỗi vui buồn và nhu cầu của họ. Xin giúp con biết sẵn sàng chia vui sẻ
buồn và tìm mọi cách để thỏa mãn những nhu cầu chính đáng của họ. Amen. (Nguyễn
Chính Kết)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét