Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2015

TN-30B

Chúa Nhật thứ 31 Thường Niên
(Năm B − ngày 01-11-2015)




ĐỌC LỜI CHÚA

·   Đnl 6,2-6: (2) Anh em cũng như con cháu anh em hãy kính sợ Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, mọi ngày trong suốt cuộc đời, tuân giữ tất cả những chỉ thị và mệnh lệnh của Người mà tôi truyền cho anh em, thì anh em sẽ được sống lâu.

·   Dt 7,23-28: (27) Đức Giêsu không như các vị thượng tế khác: mỗi ngày họ phải dâng lễ tế hy sinh, trước là để đền tội của mình, sau là để đền thay cho dân; phần Người, Người đã dâng chính mình, và chỉ dâng một lần là đủ.



·  TIN MỪNG : Mc 12,28b-34

Điều răn đứng hàng đầu

(18) Khi ấy, có một người trong các kinh sư thấy Đức Giêsu đối đáp hay liền đến gần Người và hỏi : «Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?» (29) Đức Giêsu trả lời : «Điều răn đứng đầu là : Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. (30) Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. (31) Điều răn thứ hai là : «Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó». (32) Ông kinh sư nói với Đức Giêsu : «Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. (33) Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ». (34) Đức Giêsu thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo : «Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!» Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.

CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý :

1. Tại sao Đức Giêsu lại ghép hai điều răn khác nhau – mến Chúa, và yêu người – thành một điều răn duy nhất?

2.  Có thể mến Chúa mà không yêu người, hay yêu người mà không mến Chúa được chăng?

3.  Theo tinh thần Tin Mừng, thì giữa việc tham dự các nghi thức phụng vụ và việc thi hành giới răn «mến Chúa yêu người», việc nào cao quí và quan trọng hơn?

Suy tư gợi ý :

1. Điều răn quan trọng nhất của Kitô giáo

Trong bài Tin Mừng này, ta thấy Đức Giêsu đã ghép hai điều răn được ghi ở hai nơi khác nhau trong Cựu Ước – điều răn đầu trong sách Đệ nhị luật 6,4-5, điều răn sau trong sách Lêvi 19,8 – làm thành một điều răn duy nhất, một điều răn «kép», nghĩa là một điều răn nhưng hai đối tượng, hay hai mặt khác nhau. Và điều răn «kép» này là điều răn quan trọng nhất trong Do Thái giáo cũng như Kitô giáo. Tại sao lại ghép hai điều răn ấy thành một điều răn duy nhất? Đó là điều đáng chúng ta suy nghĩ.

Thông thường, chúng ta phân biệt yêu Chúa và yêu người là hai tình yêu khác nhau. Có người cho rằng yêu Chúa quan trọng hơn yêu người rất nhiều, có người lại cho rằng: Chúa thì trừu tượng quá, yêu không nổi, nên yêu người mới là quan trọng. Cũng có người cho rằng có thể yêu Chúa mà không yêu người, và ngược lại, có thể yêu người mà không yêu Chúa. Thực ra, giới răn này chỉ có một nội dung duy nhất là «phải yêu thương», nghĩa là phải có tình yêu, tình thương. Và tình yêu này phải hướng cùng một lúc về hai đối tượng: Thiên Chúa và tha nhân. Và hai đối tượng này không thể tách rời nhau, tương tự như hai mặt của một tờ giấy: không thể có mặt này mà không có mặt kia. Nghĩa là không thể yêu Chúa cách đích thực mà không yêu tha nhân, và ngược lại, không thể yêu tha nhân cách đích thực mà không yêu Thiên Chúa.

Tại sao vậy? Vì tha nhân − tức con người − là hình ảnh của Thiên Chúa, không ai lại yêu một người mà không yêu quý hình ảnh của người ấy, cũng không ai yêu hình ảnh của một người mà lại không yêu chính người ở trong ảnh. Nói khác đi, hễ thật sự yêu Thiên Chúa thì tất nhiên sẽ phải yêu người, như thánh Gioan đã từng nói: «Nếu ai nói : Tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy» (1 Ga 4,20). Và hễ yêu người thật sự thì cũng chính là đã yêu mến Thiên Chúa. Như vậy, tình yêu đối với tha nhân đã ngầm bao hàm tình yêu đối với Thiên Chúa, và ngược lại.

Thật vậy, khi nói về ngày phán xét cuối cùng, Đức Giêsu đã xác định rằng: yêu tha nhân là yêu chính Thiên Chúa (xem Mt 25,40.45). Và thánh Phaolô cũng viết: «Tất cả Lề Luật được nên trọn trong điều răn duy nhất này là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”» (Gl 5,14); «Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật của Đức Kitô» (Gl 6,2).

2. Nơi Đức Giêsu, yêu thương con người
và thờ phượng Thiên Chúa chỉ là một thực tại duy nhất

Nơi con người Đức Giêsu, hành vi thờ phượng Thiên Chúa và hành vi yêu thương con người, chỉ là một hành vi duy nhất. Thật vậy, Ngài xuống thế làm người, sống cuộc đời trần thế với bao khổ đau, chịu khổ hình và chết nhục nhã trên thập giá chỉ vì yêu thương con người. Ngài lập phép Thánh Thể để ở lại với con người cho đến tận thế cũng chỉ vì yêu thương nhân loại. Tất cả những hành vi yêu thương và sự hy sinh ấy của Ngài cho nhân loại đều là những hành vi được Giáo Hội nhìn nhận là những hành vi thờ phượng Thiên Chúa chính danh nhất, đúng nghĩa nhất. Thật vậy, cuộc tử nạn trên thập giá của Đức Giêsu và Thánh lễ Misa hay phép Thánh Thể đều được Giáo Hội coi là hành vi thờ phượng Thiên Chúa cao cả nhất. Nơi Ngài, yêu thương nhân loại và thờ phượng Thiên Chúa chỉ là một hành vi duy nhất. Nói khác đi, theo Ngài, yêu thương nhân loại cũng chính là thờ phượng Thiên Chúa, và thờ phượng Thiên Chúa thì phải gắn liền với yêu thương nhân loại.

Nơi Ngài, không có sự phân biệt giữa hai việc: yêu mến Thiên Chúa và yêu thương con người. Hễ yêu mến Thiên Chúa thì tất nhiên phải yêu thương con người. Mà yêu thương và hy sinh cho tha nhân cũng chính là yêu mến và thờ phượng Thiên Chúa cách tuyệt hảo nhất. Hai điều đó, hai giới răn đó tự bản chất chỉ có thể phân biệt chứ không thể tách biệt nhau. Tách rời nhau được thì chúng không còn là yêu mến Thiên Chúa hay yêu thương tha nhân đúng nghĩa nữa.

Không biết vô tình hay hữu ý mà Thập Giá −gồm thanh dọc và thanh ngang− được coi là biểu tượng của Kitô giáo và của tình yêu Kitô giáo. Nếu tách rời hai thanh ấy ra thì hai thanh biệt lập ấy không còn là thập giá nữa. Tình yêu Kitô giáo cũng vậy, nếu tách rời tình yêu Thiên Chúa khỏi tình yêu tha nhân, thì cả hai thứ tình yêu ấy không phải là tình yêu Kitô giáo. Người yêu Thiên Chúa đích thực thì sẽ thể hiện tình yêu ấy bằng tình yêu đối với tha nhân, vì tha nhân chính là hình ảnh hay hiện thân của Thiên Chúa bên cạnh chúng ta. Đức Kitô thường tự đồng hóa mình với những người bé mọn, thấp kém, yếu hèn trong xã hội: «Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy» (Mt 25,40.45).

3.  Yêu mến và thờ phượng Thiên Chúa

Đoạn Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh đến tầm quan trọng tối thượng của giới răn yêu mến Thiên Chúa. Nếu xét một cách tách biệt hai mặt trong giới răn cao trọng nhất này, thì việc yêu mến Thiên Chúa quan trọng hơn việc yêu mến tha nhân. Và con người phải yêu mến Thiên Chúa «hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực». Nhưng trong thực tế, không thể có sự tách rời giữa hai mặt ấy được, vì hễ đã thật sự yêu mến Thiên Chúa thì tất nhiên phải đồng thời yêu thương tha nhân. Vì thế, nếu thật sự yêu mến Thiên Chúa «hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực», thì cũng sẽ yêu tha nhân «hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực». Đó là điều tất yếu, không thể khác được.

Để tỏ lòng yêu mến, thuận phục và thờ phượng Thiên Chúa, người Do Thái xưa đã sát tế những con chiên, con bò làm của lễ toàn thiêu dâng lên Thiên Chúa, thay vì sát tế chính mình, để nói lên quyền tối thượng của Ngài trên mọi sự, trên cả mạng sống mình. Nghĩa là phải sẵn sàng hy sinh tất cả mọi sự cho Thiên Chúa, vì Ngài đã ban cho ta tất cả và có quyền lấy lại tất cả bất kỳ lúc nào. Ngày nay, chúng ta không còn sát tế chiên bò, cũng không phải sát tế chính mình để nói lên quyền tối thượng của Ngài nữa. Điều chúng ta cần làm, là sẵn sàng hy sinh tất cả mọi sự để làm đẹp lòng Ngài, để tỏ lòng yêu mến Ngài trên hết mọi sự, nhất là hy sinh ý riêng, thì giờ, tiền bạc, công sức… đó chính là một hình thức sát tế và thờ phượng Thiên Chúa cao cả nhất. Tuy nhiên, hy sinh tất cả những thứ bên ngoài mình ấy không bằng hy sinh chính «cái tôi» của mình,

Nhưng theo tư tưởng của Đức Giêsu và thánh Phaolô, thì chắc chắn Thiên Chúa muốn ta thể hiện tình yêu của ta đối với Ngài bằng tình yêu dành cho tha nhân, một cách cụ thể là sẵn sàng hy sinh ý riêng, thì giờ, tiền bạc, công sức… cho hạnh phúc và sự tốt đẹp của tha nhân.

4.  «Hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực»

Yêu «hết lòng, hết trí khôn» thì quả là một điều khá trừu tượng và xem ra có vẻ dễ thực hiện, vì lòng và trí khôn là thứ không thể đếm được, khó kiểm chứng, và dường như có thể dùng hoài, cho hoài không hết. Nhưng còn việc yêu «hết sức lực» thì quả thật là khó, vì lực là một cái gì mang tính vật chất, rất cụ thể, và rất hạn chế. Sức lực ở đây nói một cách cụ thể là thì giờ, tiền bạc, của cải, sức khỏe, công lao. Vì nó giới hạn, nên ta không thể cho một cách thoải mái được. Cho thì hao tổn, thì sẽ hết. Nhưng có yêu «hết sức lực» thì mới chứng tỏ được là đã «yêu hết lòng, hết trí khôn». Ai nói rằng mình mến Chúa yêu người «hết lòng, hết trí khôn» mà lại không yêu «hết sức lực» – cụ thể là sẵn sàng hy sinh thì giờ, tiền bạc, sức khỏe, công lao cho Chúa, cho tha nhân – thì người ấy nếu không nói dối thì cũng là kẻ ảo tưởng về chính mình. Chắc chắn Chúa muốn chúng ta thay vì chỉ hy sinh những thứ ấy cho Chúa, thì hãy hy sinh cho tha nhân, vì hy sinh cho tha nhân chính là cụ thể hóa sự hy sinh cho Chúa.

Để thật sự yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, Đức Giêsu cho chúng ta một bí quyết, đó là «từ bỏ mình» và «vác thập giá» (Mt 16,24). «Từ bỏ mình» là dẹp bỏ «cái tôi» của mình đi, coi «cái tôi» của mình là nhỏ bé. «Vác thập giá» là sẵn sàng chấp nhận thiệt thòi, mất mát, đau khổ. Có sẵn sàng «từ bỏ mình» và «vác thập giá» thì chúng ta mới có thể yêu mến Thiên Chúa và tha nhân như Thiên Chúa muốn được.

4.  Mến Chúa yêu người là «Điều quí hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ»

Rất nhiều Kitô hữu không hiểu được cốt yếu của việc giữ đạo là gì, họ cho rằng việc đọc kinh, đi lễ, chịu các bí tích là những điều quan trọng nhất. Và họ cố gắng thực hiện những điều ấy một cách toàn hảo. Nhưng thật ra, tất cả những thứ ấy chỉ là phương tiện để giúp người Kitô hữu thực hiện được giới răn quan trọng nhất là «mến Chúa, yêu người». «Mến Chúa, yêu người» chính là mục đích của những việc đạo đức trên. Nếu thực hiện những phương tiện ấy mà không đạt được mục đích của chúng thì thử hỏi việc thực hiện ấy ích lợi gì?

Trong bài Tin Mừng, ông kinh sư nói: «Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quí hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ» (Mc 12,33). Lời đó đã được Đức Giêsu xác nhận là khôn ngoan, đúng đắn. Cứ theo tinh thần câu nói ấy thì yêu Chúa và thương người hết sức mình quan trọng và quí giá hơn việc tham dự các nghi thức phụng vụ, các bí tích, các kinh nguyện. Chỗ khác, Ngài nói: «Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình» (Mt 5,23-24). Rõ ràng qua 2 câu Kinh thánh ấy, Đức Giêsu đã coi tình yêu hay sự hòa thuận đối với tha nhân quan trọng hơn việc «dâng lễ vật trước bàn thờ».

Chính Đức Giêsu mạc khải cho ta biết điều ấy khi nói về ngày phán xét cuối cùng: Thiên Chúa không hề phán xét về việc ta có tham dự các nghi thức phụng vụ hay không, hay tham dự thế nào, mà chỉ xét về việc ta đã làm gì để tỏ ra mình yêu thương tha nhân mà thôi. Đức Giêsu đã tỏ ra trọng phong cách đối xử với tha nhân, sự hòa thuận với những người chung quanh còn hơn việc dâng lễ vật toàn thiêu cho Thiên Chúa nữa (xem Mt 5,23-25).

Biết bao người chu toàn hết sức tốt đẹp những nghi thức phụng vụ mà lại đối xử với tha nhân chẳng ra làm sao, chẳng có tình có nghĩa gì cả, thì thử hỏi đạo đức kiểu ấy có ích lợi gì cho họ trước mặt Thiên Chúa trong ngày phán xét?

Tuy nhiên, không phải vì Đức Giêsu coi tình yêu và sự hòa thuận đối với tha nhân quan trọng hơn việc «dâng lễ vật trước bàn thờ» mà chúng ta có thể coi thường việc thờ phượng Thiên Chúa qua những lễ nghi phụng vụ của Giáo Hội. Đức Giêsu muốn chúng ta «Phải làm các điều này mà không được bỏ các điều kia» (Mt 23,23b).

CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, Đức Giêsu có nói: «Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa, Lạy Chúa! là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy mới được vào mà thôi. Vì thế, trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: Lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, mà trừ quỉ, mà làm nhiều phép lạ sao? và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi, xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác”» (Mt 7,21-23). Xin cho con hiểu được ý nghĩa thâm sâu của lời nói đó. Xin cho con nhận ra điều quan trọng nhất trong đạo của Cha mà con phải tuân giữ là thực hiện thánh ý Cha, mà điều cốt yếu nhất của thánh ý Cha chính là mến Chúa – cũng là yêu người – hết lòng hết sức. Amen.     
(Nguyễn Chính Kết)





cfff

Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015

TN-30-B

Chúa Nhật thứ 30 Thường Niên
(Năm B − ngày 25-10-2015)


Chúa Nhật
thứ 30 Thường Niên
(Năm B − ngày 25-10-2015)



ĐỌC LỜI CHÚA

·   Gr 31,7-9: (8) Trong chúng, có kẻ đui, người què, kẻ mang thai, người ở cữ: tất cả cùng nhau trở về. (9) Chúng trở về, nước mắt tuôn rơi, Ta sẽ an ủi và dẫn đưa chúng, dẫn đưa tới dòng nước, qua con đường thẳng băng, trên đó chúng không còn vấp ngã, vì Ta là một người Cha.
·   Dt 5,1-6: (2) Vị thượng tế ấy có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính người cũng đầy yếu đuối.

·   TIN MỪNG: Mc 10,46-52

Người mù ở Giêrikhô

 (46) Đức Giêsu và các môn đệ đến thành Giêrikhô. Khi Đức Giêsu cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giêrikhô, thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, tên anh ta là Batimê, con ông Timê. (47) Vừa nghe nói đó là Đức Giêsu Nadarét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: «Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!» (48) Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: «Lạy Con vua Đavít, xin dủ lòng thương tôi!» (49) Đức Giêsu đứng lại và nói: «Gọi anh ta lại đây!» Người ta gọi anh mù và bảo: «Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy!» (50) Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giêsu. (51) Người hỏi: «Anh muốn tôi làm gì cho anh?» Anh mù đáp: «Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được». (52) Người nói: «Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!» Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.

CHIA SẺ


Câu hỏi gợi ý:
1. Thái độ của người mù trong bài Tin Mừng là la to lên để Đức Giêsu nghe thấy, và khi bị quát nạt, anh lại càng la to hơn nữa. Đó có phải là thái độ khôn ngoan không? Những kẻ cùng khốn có thể rút ra bài học gì không?
2. Cảnh người mù kêu cứu mà bị quát nạt có gì tương tự với những cảnh đang xảy ra trong xã hội hôm nay không? Tại sao lại có người quát nạt anh? quát nạt anh để làm gì?
3.  Những người theo Đức Giêsu cần có thái độ nào trước cảnh người cùng khốn kêu cứu mà bị quát nạt? Im lặng mặc kệ họ hay kêu cứu dùm họ?


Suy tư gợi ý:

1.   Người mù lên tiếng kêu cứu và bị quát nạt

Trên trần gian này, có biết bao người cùng khổ như anh chàng Batimê trong bài Tin Mừng trên. Anh bị mù, không làm được việc gì để sinh sống, nên đành phải đi ăn xin. Đời anh thật khốn khổ, nên khi nghe tin Đức Giêsu – người nổi tiếng chữa lành bằng phép lạ – sắp đi qua, anh kêu to lên xin Ngài cứu chữa. Đó quả là nhu cầu vô cùng chính đáng của anh. 

Nhưng những người Pharisêu – những kẻ không muốn Đức Giêsu có ảnh hưởng trong xã hội vì lời giảng dạy và những phép lạ của Ngài – đã dọa nạt anh, bịt miệng anh để anh im đi. Họ sợ Ngài có thêm cơ hội làm phép lạ khiến Ngài nổi tiếng và có ảnh hưởng trên dân chúng nhiều hơn. Họ muốn độc quyền ảnh hưởng trên dân chúng. Đáng lẽ anh mù phải sợ những người Pharisêu này, vì họ có quyền thế về tôn giáo. Họ có thể «dứt phép thông công» anh (nói theo kiểu hiện đại cho dễ hiểu), khiến anh bị cô lập giữa những người đồng đạo, và đời anh đã khốn khổ sẽ vì thế lại càng khốn khổ hơn. 

Nhưng sự cùng khốn của anh khiến anh không còn sợ gì nữa, anh quyết tranh đấu cho nhu cầu chính đáng của mình. Vì thế, anh càng la to hơn để Đức Giêsu nghe thấy. Nhờ kiên quyết tranh đấu, anh đã toàn thắng kẻ cố tình bịt miệng anh: Đức Giêsu nghe thấy tiếng anh kêu, đã đến với anh và chữa anh lành bệnh. Anh đã «nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi».

2.   Người cùng khốn đang bị áp bức, bị bịt miệng, bịt tai

Bài Tin Mừng hôm nay mô tả một cách thu gọn cảnh áp bức bất công vẫn thường xảy ra trong xã hội. Những người nghèo khổ, thấp cổ bé họng, không có tiếng nói như anh Batimê luôn luôn phải chịu cảnh áp bức: bị bịt miệng không cho phát biểu, bị bịt mắt không cho thấy, bị bịt tai không cho nghe những diễn biến đang xảy ra trong xã hội. Vì càng để họ ở trong cảnh dốt nát mù mịt thì kẻ nắm quyền càng dễ bề áp bức, hà hiếp, bóc lột họ. Để họ biết nhiều quá, nắm thông tin nhiều quá, nhất là để họ biết được quyền lợi của họ, hay biết được những thối nát, ngu xuẩn, bất công của những kẻ đang cầm quyền, thì khó mà duy trì ách thống trị trên họ mãi.
Vì thế, tất cả những kẻ cầm quyền áp bức trên thế gian này, trong môi trường đời thường cũng như trong môi trường tôn giáo, đều muốn bưng bít thông tin, trấn áp dư luận, tìm cách bịt miệng tất cả những ai muốn nói, bịt tai tất cả những ai muốn nghe. Họ chỉ cho phép những gia nô của họ bốc thơm, nâng bi họ, bất chấp những tồi tệ ngu xuẩn của họ. Họ chỉ cho phép đám dân ngu cu đen nghe những lời tán tụng giả dối ấy, để đám dân này ảo tưởng rằng mình đang được sống trên thiên đàng, và coi bọn cầm quyền là ân nhân của họ. 

Trong bài Tin Mừng, nếu anh mù Batimê mà sợ oai sợ vía bọn Pharisêu nên im lặng trước sự quát nạt của họ, thì rất có thể anh sẽ không gặp được Đức Giêsu, anh sẽ không được chữa lành, và anh sẽ phải sống trong tăm tối suốt cả cuộc đời. Nhưng anh đã can đảm không sợ hãi, và sự can đảm ấy đã giải phóng anh! Sự can đảm ấy đã được Đức Giêsu chúc lành. 

Anh đáng làm gương cho chúng ta về lòng can đảm, về tinh thần tranh đấu cho nhu cầu và quyền lợi chính đáng của mình. Những kẻ nhát sợ trước bạo lực, không dám lên tiếng tranh đấu cho quyền lợi chính đáng của mình, đành chấp nhận làm thân giun dế, thật đáng xấu hổ trước tấm gương can đảm này.

3.   Những người theo Đức Giêsu, niềm hy vọng của những nạn nhân thời đại

Trên khắp thế giới hiện nay, nhất là trong những quốc gia bị cai trị bởi những chế độ độc tài như Việt Nam, có biết bao người khốn khổ, nghèo đói, bị những kẻ quyền thế đàn áp bất công, cướp đất cướp nhà, bị họ chà đạp quyền sống, quyền phát triển... Họ nghe nói về một Kitô giáo chủ trương giải phóng những người bị áp bức như họ, vì Đức Giêsu, người sáng lập Kitô giáo đã nói về sứ mạng của những người theo Ngài: «Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để  tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa» (Mt 4,18-19). Kitô giáo vì thế trở thành niềm hy vọng cho họ, những kẻ đau khổ, bệnh tật, bị giam cầm, bị áp bức bất công.

Theo tinh thần câu Kinh thánh trên, những người nhận được Thần Khí, được Thiên Chúa xức dầu, là những người đặc biệt không chỉ quan tâm đến người nghèo, người bị giam cầm, người bị mù, bị áp bức… mà còn được sai đi để «công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa», nghĩa là để lên tiếng bênh vực cho quyền lợi và quyền tự do của họ.

4.   Các ngôn sứ hãy lên tiếng thay cho kẻ không có tiếng nói

Cái cảnh quát nạt không cho người mù lên tiếng như trong bài Tin Mừng hôm nay vẫn đang hằng ngày xảy ra trong xã hội con người. Nhưng có biết bao người khốn khổ, bị hà hiếp, đàn áp như thế không có khả năng hay dũng khí để gào to lên như anh mù trong bài Tin Mừng. Họ sợ bị ám hại, họ có miệng nhưng không dám kêu, hoặc không biết kêu với ai… Tội nghiệp những con người ấy biết bao! Ai sẽ lên tiếng thay cho họ? 

Thật may mắn cho họ, Đức Giêsu đã đến với sứ mạng «loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn (…) trả lại tự do cho người bị áp bức» (Lc 4,18). Ngài có cả một đạo quân tiếp nối sứ mạng của Ngài, đạo quân của những người tận hiến đời mình để theo Ngài. Sứ mạng của họ được sách Châm Ngôn mô tả: «Con hãy mở miệng nói thay cho người câm, và biện hộ cho mọi người bất hạnh. Hãy mở miệng xét xử thật công minh, biện hộ cho những kẻ nghèo nàn khốn khổ» (Cn 31,8-9). Isaia cũng mô tả sứ mạng của họ: «Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ» (Is 1,17). 

Giữa xã hội, hiện đang có cả một đạo quân hùng hậu gồm những người mang danh theo Đức Giêsu, thường tự hào mình tiếp nối sứ mạng của Ngài, tự hào mình là ngôn sứ, khiến những kẻ cùng khốn trong xã hội đặt biết bao hy vọng nơi họ. Nhưng tiếc thay, nhiều khi đạo quân đông đảo này lại sẵn sàng cùng nhau câm lặng trước những cảnh áp bức, đau thương, những cảnh ngang trái đầy bất công của xã hội…

Ôi, phải chi những người ấy đừng vỗ ngực xưng tên mình là môn đệ Đức Giêsu, là người theo Ngài, là ngôn sứ của Ngài thì chẳng ai phiền trách họ về sự câm lặng ấy! Và chẳng ai thèm hy vọng nơi họ để khỏi phải thất vọng! Xưng mình là ngôn sứ mà chẳng làm công việc của ngôn sứ thì còn chính danh gì nữa? còn chân thật gì nữa? Thiên Chúa sẽ xét xử ra sao những người đang vui hưởng vinh quang của các ngôn sứ, nhưng lại muốn trốn tránh trách vụ ngôn sứ?

5.   Thái độ của người Pharisêu

Bọn Pharisêu trong bài Tin Mừng không muốn anh Batimê la to lên để Đức Giêsu nghe thấy mà chữa lành cho anh. Đối với họ, cảnh mù lòa xin ăn, sự khốn cùng của anh chẳng có gì đáng để họ bận tâm. Lòng họ đã ra chai đá rồi! Họ không muốn anh được chữa lành, khi mà việc ấy không thuận lợi cho sự độc quyền ảnh hưởng của họ trên dân chúng. Họ sợ bị mất ảnh hưởng hơn sợ dân chúng phải đau khổ. Vì thế, họ muốn bịt miệng anh, không muốn anh nói lên sự cùng quẫn của anh. 

Là những người lãnh đạo tinh thần trong dân chúng, đúng ra họ phải lên tiếng nói thay cho dân, nhất là cho những kẻ đang bị cùng quẫn vì áp bức. Đằng này họ lại muốn bịt miệng người dân lại khi người dân lên tiếng. Là lãnh đạo tinh thần, đúng ra họ phải đặt quyền lợi người dân lên trên quyền lợi của họ. Đằng này, họ lại đặt quyền lợi của họ trên quyền lợi của dân. 

Thấy thái độ của họ đối với dân chúng như vậy, Đức Giêsu đã dùng hình ảnh «kẻ chăn thuê» để nói về họ: «Kẻ chăn thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên» (Ga 10,12-13). 

Ước gì những người lãnh đạo tinh thần thời nay không giống như các Pharisêu xưa, mà giống như Đức Giêsu, để vị nào cũng có thể nói được như Ngài: «Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên» (Ga 10,11). Amen.

CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, cảnh người mù kêu cứu bị quát nạt vẫn hằng xảy ra trong thế giới hôm nay. Là những người theo Đức Giêsu, nhưng chúng con chẳng muốn làm theo Ngài. Chúng con chẳng muốn quan tâm tới những người nghèo khổ, những kẻ bị áp bức bất công như Ngài vẫn luôn quan tâm. Chúng con chỉ thích bắt chước những người Pharisêu, đặc biệt quan tâm tới những nghi thức tôn giáo, những hình thức đạo đức bên ngoài, những luật lệ… Có phải chúng con thiếu đức tin và nghèo tình thương không? Xin Cha đừng để chúng con ảo tưởng mình đầy đủ đức tin chỉ vì chúng con đang làm thầy dạy về đức tin, hay tưởng mình giàu tình thương chỉ vì chúng con đang rao giảng về đức ái. Sự sợ hãi hằng trấn áp chúng con chứng tỏ đức tin của chúng con còn rất yếu kém. Sự lãnh đạm với những người nghèo khổ chứng tỏ tình thương của chúng con còn rất nghèo nàn. Lạy Cha, xin thêm đức tin và tình thương cho chúng con. 

Nguyễn Chính Kết

Bấm vào đây để nghe:
Những người theo Đức Giêsu, niềm hy vọng của những nạn nhân thời đại

https://www.youtube.com/watch?v=5eOMP6558BU&index=5&list=PL2fvX64dp3AAKuuxicsdBwtpTu4RU75j9) 


Thứ Bảy, 24 tháng 10, 2015

GioithieuphongtraoCFC

Giới thiệu phong trào CFC
(Couples for Christ)



Để nghe và xem video,
xin bấm chuột vào hình
hoặc vào những hàng chữ trên.


(Những cặp vợ chồng sống cho Đức Kitô)

Couples For Christ là gì?
Couples For Christ (viết tắt là CFC), là một phong trào (movement) nhằm canh tân và củng cố đời sống gia đình Kitô hữu.
Các thành viên CFC cam kết với Chúa và với nhau mong muốn lớn lên trưởng thành như người tôi nam, tớ nữ của Thiên Chúa và chu toàn ơn gọi tiên quyết của mình là đưa các gia đình trở về đưới quyền lãnh đạo của Chúa Giêsu Kitô và phục vụ vương quốc của Thiên Chúa.
CFC là một công trình của Chúa Kitô nhằm nâng đỡ các cặp vợ chồng Kitô hữu đồng thời thiết lập các gia đình Kitô hữu cam kết dấn thân cho việc loan báo tin -mừng, giành thế giới lại cho Chúa Kitô và giải thoát con người toàn diện nhờ quyền năng Chúa Thán Thần.
CFC lớn lên qua việc thiết lập các đơn vị địa phương thuộc các giáo xứ.
CFC bắt đầu ở đâu và như thế nào?
CFC khởi đầu tại Manila năm 1981 từ một nhóm 16 cặp vợ chồng Kitô hữu địa phương cố gắng loan báo Tin Mừng cho các cặp vợ chồng khác băng cách quy tụ họ lại với nhau tại tư gia. Các cặp vợ chồng này được dẫn vào tương quan sống động với Chúa Kitô và canh tân trong quyền năng Chúa Thánh thần qua các buổi họp thảo luận về Tin Mưng và về môi trường xã hội; CFC trở thành chương trình canh tân đời sống gia đình Kitô  hữu có thể thực hiện được tại nhiều giáo xứ và nơi các cặp vợ chồng Kitô hữu muốn thực hiện ước mơ sống đời Kitô hữu của họ trong mối tương quan tương trợ sống động giữa họ với các cặp vợ chồng khác.
Qua nhiều năm, CFC đã đem lại nhiều hoa trái cho sứ vụ toàn cầu và trở thành nguồn lực quan trọng cho việc canh tân đời sống gia đình Kitô hữu cũng như cho Giáo hội.
Ngày 25 tháng 4 năm 2005, Tòa Thánh đã chính thức công nhận CFC là một Hiệp Hội Giáo dan được phép hoạt động trong Hội Thánh. Hiện CFC cá mặt tại trên 130 quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc 5 châu lục.
Tại sao lại có thừa tác vụ như thế?
Đây là kế hoạch của Thiên Chúa, vì gia đình là nền tảng của xã hội. Thế nhưng trong thế giới ngày nay lại có nhiều thế lực vô tình hay cố ý đang muốn hủy hoại nền tảng của gia đình. CFC muốn đem sức mạnh và ánh sang của Chúa đến cho những ai dang gặp thử thách về đời sống gia đình Kitô hữu trong thế giới ngày nay.
CFC định làm gì để canh tân gia đình Kitô hữu?
● Canh tân cá nhân: Khi muốn quan tâm đến gia đình, trước tiên người chông/người vợ cần đỏi mới lời cam kết của họ với Thiên Chúa. CFC đi theo hướng sứ điệp nền tảng của Kitô giáo và công bố nó một cách mới mẻ để người nghe co thể thực hiện cam kết được canh tân tương quan đối với Thiên Chúa theo một cách thức cho phép họ có thể cảm nghiệm rõ hơn về hoạt động của Chúa Thánh Thần trong đời sống của họ.
● Canh tân gia đình: Khi một cặp vợ chồng canh tân cam kết của họ với Thiên chúa, họ cũng đổi mới cam kết của họ đối với nhau cũng như với đời sống gia đình Kitô hữu của họ. Dần dần, đời sống mới mà họ tìm được trong Chúa thánh Thần thấm nhuần vào tất cả các tương quan gia đình của họ.
● Canh tân Giáo hội: Khi các gia đình được canh tân, họ tạo thành một mạng lưới các gia đình cùng cam kết không chỉ để hỗ trợ lẫn nhau, mà còn góp phần củng cố Giáo Hội mà họ là thành viên
Để trở thành thành viên của CFC?
Bất cứ cặp vợ chồng Kitô hữu nào cũng có thể trở thành thành viên của CFC. Mặc dù CFC là một tổ chức công giáo, nhưng CFC cũng mở cửa đón nhận thành viên Kitô hữu không công giáo. CFC đón nhận thành viên từ tất cả các thành phân xã hội, người trẻ, người già, người giầu, người nghèo…CFC vuọt lên trên mọi nền văn hóa, kinh tế, giáo dục, xã hội cũng như mọi khác biệt khác.
Muốn trở thành thành viên CFC, phải qua chương trình sống đời Kitô hữu (Christian Life Program).

Nguyên lý đời sống.
Sau đây là những xác tín, lý tưởng của Couples For Christ(CFC) như là nguồn khai sinh nếp sống, các giá trị và thái độ sống cũng như các chương trình học hỏi và kế hoạch thực hiện việc canh tân đời sống Kitô hữu trong khung cảnh các mối tương quan trong đời sống gia đình.
1.    Chúng tôi tin rằng hôn nhân là một thể chế bất khả phân ly như lời Chúa Giêsu Ki-tô đã dậy (Mt 19,6). Thiên Chúa tạo dựng hôn nhân trước tiên vì tình yêu giữa người nam và người nữ, đồng thời vì việc sinh dưỡng, giáo dục con cái.
2.    Chúng tôi tin rằng Thiên Chúa đã dựng nên người chồng và người vợ bình đẳng và đồng phẩm giá. Thiên Chúa đã sắp đặt trật tự trong gia đình qua việc trao cho người chồng vai trò làm đầu và người vợ là trợ tá  và nâng đỡ người chồng. Điều này tả  trọn vẹn ý nghĩa việc hai vợ chồng bổ túc cho nhau.
3.    Chúng tôi tin rằng quyền giáo dục con cái của cha mẹ là quyền không thể bị tước        đoạt hay thay thế. Con cái cần được giáo dục những điều cơ bản về nhân bản  cũng như các giá trị  Kitô giáo để trở thành những người trưởng thành và có trách nhiệm trong xã hội.
4.    Chúng tôi tin rằng trong khi thực hiện sứ điệp tin mừng qua việc cầu nguyện, loan báo tin mừng và phục vụ con người  chính là lúc gia đình chia sẻ đời sống và sứ mạng của Hội Thánh. Chúng tôi ủng hộ và bảo vệ quyền của gia đình được công bố trong Tông huấn gia đình(Familiaris consortio).
5.    Và cuối cùng, chúng tôi tin rằng việc canh tân gia đình Kitô hữu có thể được hoàn thành tốt đẹp nhất khi Đức Giêsu được mời làm chủ gia đình chúng ta và để cho quyền năng Chúa Thánh Thần hướng dẫn đời sống cũng như sử dụng trọn vẹn các ân sủng Thánh Thần ban cho chúng ta.

Sứ mạng
Chúng ta đang sống trong một thời đại thay đổi nhanh chóng. Các giá trị xã hội, các mối tương quan, các hệ thống kinh tế, các ý thức hệ và nhiều điều khác đang thay đổi làm ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta. Gia đình cũng nằm trong dòng thay đổi này. Một số nhà tương lai học tiên báo rằng gia đình sẽ mất hết ý nghĩa và sự cần thiết của mình trong một thê giới bị thống trị bởi sự thay đổi kỹ thuật như hiện nay. Một vài nơi trên thế giới, gia đình không còn tác dụng như trước nữa. Chúng tôi coi đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng.
Trong thế giới hiện đại, con người ra sức học hỏi, liên kết để bảo vệ lẫn nhau. Các nghành nghề liên kết lại thành những hiệp hội để tự vệ và duy trì lợi ích của họ. Trong khi dó,  nhiều người lại không coi việc bảo vệ và củng cố gia đình  là vấn đề ưu tiên. Gia đình bị bỏ mặc không ai bảo vệ trước các thế lực muốn hủy diệt gia đình.
Ngày nay, một cuộc phục hồi thiêng liêng đã thổi vào trái đất. Các gia đình Kitô hữu đang cảm thấy họ cần phải sống đời sống Kitô hữu thực sự trong thế giới hiện nay. Các gia đình đang tìm cách vươn lên , kêu cứu nhưng không biết chạy đến đâu! Họ không tìm được sự giúp đỡ cần thiết trong các xứ đạo bình thường. Hay có sự giúp đỡ theo truyền thống nhưng lại không thích hợp. Nhiều phụ huynh không biết rõ mình phải làm gì. Họ nghe được những lời hứơng dẫn xa lạ và dẫn họ đến những nẻo đường đầy hứa hẹn, nhưng chỉ đem lại sự hoang mang lúng túng.
Chúng tôi tin rằng Thiên Chúa muốn chúng tôi đứng lên để bảo vệ công trình của Người. Chúng tôi tin rằng gia đình được Thiên Chúa dựng nên và không ai có quyền thay đổi cấu trúc hay mục đích của nó.
Chúng tôi tin rằng kế hoạch của Thiên Chúa đối với mọi tạo vật tiếp tục được thực hiện để quy tụ mọi loài trên trời dưới đất dưới quyền lãnh đạo của Đức Ki-tô. Ep1,10.
Couples For Christ là một công trình của Thiên Chúa và được Người kêu gọi đích danh để mang các gia đình trở về với kế hoạch của Người.
Couples For Christ được kêu gọi để mang sức mạnh và ánh sáng của Chúa đến cho những ai đang phấn đấu xây dựng những gia đình Kitô hữu trong thế giới hiện đại ngày nay.
Vâng theo thánh ý Thiên Chúa, Couples For Christ cam kết hiến thân cho sứ mạng này và sẽ phục vụ ở bất cứ nơi nào Thiên Chúa sai đến để phục vụ, với niềm tín thác vào sự hướng dẫn và quyền năng của Người.

Chương trình
sống đời Kitô hữu
(Christian Life Program- Viết tắt là CLP).

Chương trình sống đời Kitô hữu là một khóa học hoàn chỉnh nhằm giúp tham dự viên có được một sự hiểu biết mới mẻ hơn để đáp lại lời mời gọi cua Chúa dối với họ trong tư cách một căp vợ chồng Kitô hữu. Chương trình bao gồm 13 buổi và thường dược tổ chức mỗi tuần một lần.
Mục đích của CLP.
Chương trình sống đời Kitô hữu nhằm:
1. Đưa tham dự viên đến việc hoán cải và canh tân niềm tin vào Chúa Giêsu.
2. Tăng cường sức mạnh cho tham dự viên trong đời sống Kitô hữu qua việc cầu nguyện dìm mình trong Thánh Thần.
3. Qui tụ tham dự viên và đưa họ vào một môi trường hỗ trợ manh mẽ và tiếp tục huấn luyện.
Nội dung CLP.
Chương trình sống đời Kitô hữu bắt đầu bằng buổi nói chuyện đinh hướng, rồi tiếp tục đi vào 3 giai đoạn. Mỗi giai đoạn có 4 bài nói chuyện.
1. Giai đoạn đầu tiên giới thiệu những điều cơ bản của đời sống Kitô hữu.
2. Giai đoạn hai giới thiệu tính chất đời sống mà Tiên Chúa mờ gọi chúng ta đạt tới, đồng thời giúp các cặp vợ chồng định hướng lại đời sống lấy Chúa Giêsu làm trung tâm.
3. Giai đoạn ba giúp cho các cặp vợ chồng đón nhận quyền năng Thánh Thần cho đời sống của mình, dồng thời cung cấp cho họ những điều cơ bản để họ tiếp tục lớn lên trong Thánh Thần.
Đề tài trong các giai đoạn.
1. Giai đoạn 1: Các chân lý nền tảng về Ki-tô giáo.
a. Tinh yêu của Thiên Chúa
b. Đức Giêsu Kitô là ai?
c. Làm người Kitô hữu có nghĩa là gì?
d. Sám hối và vững tin.
2. Giai đoạn 2: Đời sống Kitô hữu đích thật.
a. Lý tưởng của người Kitô hữu: yêu mến Thiên Chúa
b. Yêu thương người lân cận.
c. Gia đình Kitô hữu.
d. Đời sống trong Chúa Thánh Thần
3. Giai đoạn 3: Đời sống Kitô hữu tràn đầy Thánh Thần.
a. Đón nhận quyền năng của Chúa thánh Thần.
b. Lớn lên trong Thánh Thần.
c. Đời sống và sứ mạng của CFC( Những cặp vợ chồng sống cho Đức Ki-tô).
d. Sự thay đổi trong Đức Ki-tô.


Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015

TN-29B

Chúa Nhật thứ 29 Thường Niên
(Năm B − ngày 18-10-2015)



ĐỌC LỜI CHÚA

Is 53, 10-11:  (10) Đức Chúa đã muốn người phải bị nghiền nát vì đau khổ. (11) Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ

Dt 4, 14-16: (15) Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội.

TIN MỪNG: Mc 10, 35-45

Lời xin của hai con ông Dêbêđê

(35) Hai người con ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan đến gần Đức Giêsu và nói: «Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây».   (36) Người hỏi: «Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?» (37) Các ông thưa: «Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang». (38) Đức Giêsu bảo: «Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?» (39) Các ông đáp: «Thưa được». Đức Giêsu bảo: «Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. (40) Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được».

Người làm đầu phải hầu hạ

 (41) Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Giacôbê và ông Gioan. (42) Đức Giêsu gọi các ông lại và nói: «Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. (43) Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; (44) ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. (45) Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người».

Câu hỏi gợi ý:

1.       Có hai khuynh hướng căn bản mà ta phải lựa chọn để theo trong từng tình huống của cuộc đời: khuynh hướng vị kỷ và khuynh hướng vị tha. Muốn làm môn đệ đích thực của Đức Giêsu, ta phải chọn lựa theo khuynh hướng nào?

2.       Việc chọn lựa ấy ảnh hưởng thế nào trên mục đích nhắm tới của những người theo Chúa? Khuynh hướng vị kỷ biến họ thành tông đồ hay mục tử loại nào? Còn khuynh hướng vị tha thì sao?

3.       Phong cách mục vụ của hai loại mục tử trên khác nhau thế nào? Mục tử nhân lành phải có phong cách nào?


CHIA SẺ

1.       Hai hướng đi khác nhau tại các ngã ba cuộc đời

Con người chúng ta, trong mọi hoàn cảnh, cứ bị dẫn đến những ngã ba đường: nghĩa là trước mắt ta luôn luôn có hai ngả mà ta phải chọn một. Hai ngả đó thường hướng đến hai chiều khác nhau: phía bên trái là hướng vị kỷ và phía bên phải là hướng vị tha.

Hướng vị kỷ ở bên trái có một sức mạnh tự nhiên lôi cuốn ta vào, nó khiến ta chỉ nghĩ đến bản thân mình, hạnh phúc hay đau khổ của mình, quyền lợi hay trách nhiệm của mình. Nói chung, nó thu hút ta vào chính bản thân ta. Hầu hết mọi người, trong hầu hết mọi trường hợp, đều bị lôi cuốn vào ngả này…

− Còn hướng vị tha ở bên phải rất ít khi lôi cuốn ta, nhưng lương tâm lại thúc đẩy ta, đôi khi còn ép buộc ta bước vào. Nó đòi hỏi ta phải quên bản thân, quên những gì liên quan đến bản thân, để nghĩ đến người khác, đến đám đông bên ngoài ta, đến hạnh phúc hay đau khổ của họ. 

Dù đi vào hướng nào, thì sau khi đi một đoạn đường nữa, ta sẽ lại đến một ngã ba khác, cũng với hai hướng vị kỷ và vị tha trước mặt. Mỗi lần gặp ngã ba đó là mỗi lần ta phải lựa chọn hướng đi cho mình. Cổ nhân người Mỹ khuyên con cháu hướng cần phải đi mỗi lần đến ngã ba ấy: «To get to heaven, turn right and keep straight» (Muốn đến được thiên đàng là cứ quẹo phải rồi đi thẳng).

Đối với những người còn nghèo nàn về mặt tâm linh, ngả vị kỷ ở bên trái thường là một con đường rộng thênh thang, bằng phẳng, đầy hoa thơm cỏ lạ, hứa hẹn một phong cảnh hấp dẫn; còn ngả vị tha thì nhỏ bé, gập ghềnh, khó đi, thậm chí nó nhỏ đến nỗi họ có thể không thấy được hay không nghĩ đến nó.

Đối với những người đã tiến bộ về tâm linh, con đường vị kỷ tuy hấp dẫn, nhưng kinh nghiệm cho họ thấy nó dẫn đến nhiều phiền não, chứ không dẫn đến hạnh phúc như họ tưởng ban đầu. Ngược lại, lương tâm và sự khôn ngoan thường thúc đẩy họ vào con đường vị tha, vì kinh nghiệm cho họ thấy, con đường này tuy chông gai, nhỏ hẹp, nhưng lại đem đến cho tâm hồn họ bình an và nhiều niềm vui nội tâm.

Kinh nghiệm ấy rất phù hợp với lời của Đức Giêsu: «Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy» (Mt 7,13-14). «Cửa hẹp» ấy là con đường theo Đức Giêsu, tức «từ bỏ mình» và «vác thập giá» như Ngài từng tuyên bố: «Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo» (Mt 16,24). Và Ngài cũng đưa ra tiêu chuẩn để dựa vào đó mà biết một người có thật sự theo Ngài hay không: «Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được» (Lc 14,27); «Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được» (Lc 14,33). Chữ «từ bỏ» ở đây cần được hiểu là tinh thần sẵn sàng từ bỏ tất cả mọi sự khi cần thiết, khi lương tâm hay đức ái đòi buộc.

2. Hai hướng khác nhau cho những người theo Chúa

Đối với những người chọn con đường theo Chúa, hai hướng ấy vẫn luôn luôn mở ra đòi buộc họ chọn lựa mỗi lần họ phải quyết định để hành động.

Hướng vị kỷ sẽ cám dỗ họ lợi dụng con đường theo Chúa như một phương tiện để tiến thân, để bước vào con đường vinh quang trần thế, với quyền lực, danh vọng, tiền bạc trong tay. Thay vì lợi dụng những thuận lợi mà Giáo Hội cũng như xã hội ưu  tiên cống hiến cho họ để phục vụ Thiên Chúa, Giáo Hội và mọi người, thì họ lại dùng chúng cho mục đích vị kỷ của mình, mặc dù trên danh nghĩa vẫn là để phục vụ Thiên Chúa, Giáo Hội và tha nhân.

Các môn đệ Đức Giêsu khi theo Ngài cũng bị khuynh hướng này cám dỗ. Họ tin tưởng đó là con đường ngắn nhất, dễ nhất, đỡ vất vả nhất để có thể đạt tới tột đỉnh bậc thang danh vọng trong đất nước Do-thái. Nếu để leo lên tột đỉnh ấy mà phải trầy da tróc vẩy như các quan chức trong các triều đình các nước thì chắc hẳn các ông chẳng bao giờ dám mơ tưởng như thế. Hai ông Giacôbê và Gioan mong rằng khi Thầy mình làm vua, thì cả hai anh em sẽ là hai vị quan lớn nhất trong triều đình Do-thái của Ngài. Các môn đệ khác chắc hẳn cũng có những mong ước tương tự, nên: «Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối» (Mc 10,41). Nếu không cùng mong ước điều ấy thì làm gì mà phải tức tối?

– Còn hướng vị tha sẽ khiến người theo Chúa coi việc theo Chúa như một phương cách hữu hiệu nhất để phụng sự Thiên Chúa, nhân loại, quê hương và tha nhân. Họ không quan tâm hay mong muốn chuyện thăng tiến bản thân, không coi đó như một mục đích phải đạt tới trong cuộc đời. Nếu họ được giao địa vị, trách nhiệm, với những phương tiện hữu hiệu trong tay, họ sẽ lợi dụng tất cả những thứ ấy để phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Điều họ quan tâm là: con người được hạnh phúc, và qua đó Thiên Chúa được vinh danh.

3. Hai phong cách mục vụ khác nhau

Hai khuynh hướng trên sẽ khiến những người theo Chúa có hai phong cách khác nhau đối với tha nhân. Hai phong cách này được Đức Giêsu nói đến trong bài Tin Mừng.

Khuynh hướng vị kỷ sẽ biến những người mang danh theo Chúa thành những mục tử thích uy quyền. Khuynh hướng này tất yếu tạo nên trong lòng con người sự ham muốn thăng tiến bản thân. Ham muốn này đẻ ra ham muốn quyền lực, địa vị, tiền bạc, và những sự sang trọng hào nhoáng trần tục. Do đó, nếu chưa có những thứ đó, người mục tử sẽ tìm đủ mọi phương cách để đạt được chúng, một cách thô thiển hoặc vi tế tùy theo khả năng trí tuệ của mỗi người. Một khi đã đạt được thì người mục tử loại này sẽ hành xử chúng như một phương tiện để xác định hay thể hiện bản thân, để hưởng thụ cuộc đời. Phong cách mục vụ của họ, như Đức Giêsu mô tả, sẽ tương tự như «thủ lãnh các dân», như «những người làm lớn», nghĩa là thích «dùng uy mà thống trị dân», «lấy quyền mà cai quản dân» (Mc 10,42), thích đứng trên đầu trên cổ người khác, muốn mọi người phải vâng phục, chịu lụy, đề cao mình.

Một mục tử như thế khó mà hy sinh thật sự cho dân, nếu có thì chỉ mang tính màu mè, biểu diễn. Thật khó mà đòi hỏi loại mục tử này dấn thân vào những nguy hiểm để bảo vệ đàn chiên. Trong những trường hợp đặc biệt đòi hỏi lương tâm mục tử phải chấp nhận nguy hiểm để bảo vệ đàn chiên, ta sẽ thấy họ tìm đủ mọi cách tránh né thay vì sẵn sàng đối đầu với nguy hiểm vì lợi ích đàn chiên. Và rất có thể họ sẵn sàng hy sinh sự an toàn hay sự phát triển của đàn chiên để bảo vệ cho thế đứng của họ trong Giáo Hội hay xã hội. Dù có ngụy trang thế nào, thì tận thâm sâu lòng họ, họ không thể chối được chủ trương của họ là «đến để được người ta phục vụ» (Mc 10,45).

Khuynh hướng vị tha sẽ biến người theo Chúa thành những mục tử đích thực. Tuy dù sự thăng tiến bản thân cũng như lợi ích của riêng họ vẫn là điều hấp dẫn họ, nhưng họ chọn cách «làm lớn», «làm đầu» theo cách thức của Đức Giêsu: «Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người» (Mc 10,43). Họ thực hiện việc «làm lớn» bằng cách làm nhỏ: sẵn sàng chấp nhận làm mọi việc trong âm thầm không ai biết đến, sẵn sàng sống một cuộc đời thanh bạch, đơn sơ, nghèo khó, miễn sao ích lợi cho Thiên Chúa và tha nhân. Họ thực hiện việc «làm đầu» bằng cách làm «người rốt hết» (Mc 9,35), đặt mình ra sau, luôn luôn đặt lợi ích của Thiên Chúa và tha nhân lên trên lợi ích của mình, sẵn sàng hy sinh việc riêng cho việc Chúa hoặc việc chung.

Với tinh thần «đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ» họ trở nên người dễ dàng «hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người» (Mc 10,45). Vì thế, khi cần phải bảo vệ đàn chiên, bênh vực những kẻ yếu đuối, những kẻ bị đàn áp bất công, họ sẵn sàng chấp nhận nguy hiểm, thậm chí hy sinh cả mạng sống mình. Một đặc điểm trong phong cách mục vụ này là ít sử dụng quyền bính để áp đặt người khác, để bắt người khác theo ý muốn của mình, mà luôn luôn thể theo nhu cầu chung của mọi người, lắng nghe ý kiến mọi người và sẵn sàng tuân theo những ý kiến hợp lý, khôn ngoan của người khác. Họ luôn theo tinh thần của thánh Phêrô: «Đừng lấy quyền mà thống trị những người Thiên Chúa đã giao phó cho anh em» (1Pr 5,3). Chỉ những người theo Chúa loại này mới có thể trở nên những «mục tử nhân lành» theo mẫu gương của Đức Giêsu (x. Ga 10,1-18). Thiên Chúa, Giáo Hội và thế giới rất cần những mục tử loại này!

CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, cánh đồng truyền giáo hiện nay trên thế giới cũng như tại quê hương của con quả là «lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít» (Mt 9,37; Lc 10,2). Thực ra không phải là thiếu thợ gặt, vì thợ tay mơ, thợ lề mề, thợ chém vè lúc nào cũng đầy dẫy. Nếu có thiếu là thiếu những thợ gặt nhiệt thành, chăm chỉ và thiện nghệ. Vì thế, xin Cha hãy ban cho chúng con những tông đồ nhiệt thành, những mục tử nhân lành dám liều mạng vì đàn chiên, chứ không chỉ đơn thuần là những giám mục, linh mục hay tu sĩ. Và cũng xin biến mỗi người chúng con nên mục tử và tông đồ thật sự của Cha. Amen.

Nguyễn Chính Kết
 
http://nhan-quyen-vn.blogspot.com/