Thứ Năm, 24 tháng 3, 2016

PhucSinh-C

Chúa Nhật Phục Sinh
 (Năm C − ngày 27-3-2016)

Mời nghe hoặc xem youtube video: 

ĐỌC LỜI CHÚA

·    St 1,1–2,2: «Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta».

·    Xh 14,15–15,1a: «Đừng sợ, cứ đứng vững, rồi anh em sẽ thấy việc việc Đức Chúa làm hôm nay để cứu thoát anh em».

·    Rm 6,3-11: «Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ được cùng sống với Người. Đó là niềm tin của chúng ta».


·    TIN MỪNG: Lc 24,1-12

Ngôi mộ trống

(1) Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn. (2) Họ thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. (3) Nhưng khi bước vào, họ không thấy thi hài Chúa Giêsu đâu cả. (4) Họ còn đang phân vân, thì bỗng có hai người đàn ông y phục sáng chói, đứng bên họ. (5) Đang lúc các bà sợ hãi, cúi gầm xuống đất, thì hai người kia nói: «Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? (6) Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi. Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Galilê, (7) là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại».

Các Tông Đồ không tin lời các phụ nữ

 (8) Bấy giờ các bà nhớ lại những điều Đức Giêsu đã nói. (9) Khi từ mộ trở về, các bà kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy. (10) Mấy bà nói đây là bà Maria Mácđala, bà Gioanna, và bà Maria, mẹ ông Giacôbê. Các bà khác cùng đi với mấy bà này cũng nói với các Tông Đồ như vậy. (11) Nhưng các ông cho là chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin. (12) Dầu vậy, ông Phêrô cũng đứng lên chạy ra mộ. Nhưng khi cúi nhìn, ông thấy chỉ còn có những khăn liệm thôi. Ông trở về nhà, rất đỗi ngạc nhiên về sự việc đã xảy ra.

CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:

1.   Nếu Đức Kitô không sống lại, thì ai dám tin Ngài là Con Thiên Chúa? Cốt tủy của niềm tin Kitô giáo là gì?

2.   Có những chứng cứ nào đáng tin làm cơ sở cho niềm tin của chúng ta vào sự sống lại của Đức Kitô?

3.   Nếu chúng ta tin chắc Đức Kitô đã thật sự sống lại, đời sống chúng ta phải thế nào?



Suy tư gợi ý:

Đức Kitô chết, nhưng đã sống lại. Đó là niềm tin căn bản của người Kitô hữu. Vì như Thánh Phaolô nói: «nếu Đức Kitô không phục sinh, thì niềm tin và lời rao giảng của chúng ta là vô ích»  (1Cr 15,14). Nói cách khác, cho dù có Đức Kitô, nhưng nếu Ngài không sống lại, thì sẽ không có Kitô giáo, vì người ta không có một bằng chứng cụ thể và chắc chắn nào để tin rằng Ngài là Con Thiên Chúa. Nhưng nếu đích thực Ngài đã sống lại từ trong kẻ chết đúng như Ngài đã tiên báo nhiều lần, thì chúng ta phải kết luận rằng những điều Ngài nói về thần tính của Ngài là xác thật. Vì nếu Ngài chỉ là thường nhân, và nếu những điều Ngài xác nhận về thần tính của Ngài chỉ là bịp bợm, thì chắc chắn Thiên Chúa sẽ không bao giờ cho Ngài sống lại, vì «Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của người thì Người nhậm lời kẻ ấy» (Ga 9,31).

Vậy, vấn đề mấu chốt là: Ngài có sống lại hay không? và chúng ta dựa vào đâu để xác quyết rằng Ngài đã sống lại? Chúng ta cần phải nắm vững những chứng cứ để củng cố niềm tin căn bản của chúng ta.

1. Chứng tá của các tông đồ

Các tông đồ là những người đã sống đồng thời với Đức Kitô, bên cạnh Đức Kitô. Các ông đã làm chứng suốt cuộc đời rằng Đức Kitô đã chết, nhưng 3 ngày sau đã sống lại và đã hiện ra với các ông. Các ông đã sẵn sàng chịu đau khổ và chịu chết vì lời chứng đó.

Không ai ngu dại đến nỗi sẵn sàng hy sinh cả đời mình để rao giảng và nhất là lại sẵn sàng lấy đau khổ và cái chết của mình ra để làm chứng cho một người nói dối hay nói sai: vì Đức Kitô đã tiên báo trước đó khá lâu rằng Ngài chết được 3 ngày sẽ sống lại.

Nếu Ngài không sống lại như Ngài đã nói trước thì khó có thể nghĩ được rằng những kẻ vốn nhát đảm như các tông đồ lại có thể can đảm mạnh dạn rao giảng về Ngài và coi việc chết vì Ngài như một vinh dự. Hãy nghĩ lại sự hèn nhát của các tông đồ khi Đức Kitô bị bắt: các ông trốn sạch, thậm chí đã chối Thầy, mặc dù trước đó đã thề thốt nặng lời rằng sẽ không bao giờ bỏ Thầy (x. Mt 26,35). Sự hèn nhát đó có nguyên nhân của nó, vì các ông tuy đã tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Mêsia vì nhiều dấu chỉ và vì những chứng cớ khá rõ, nhưng các ông chưa xác tín, vì chưa có chứng cớ nào đủ mạnh. Nhất là khi Đức Giêsu bị bắt, bị làm nhục và cuối cùng bị chết thảm thương trên thập giá, niềm tin của các ông nơi Đức Giêsu đã bị lung lay mạnh. Nếu Ngài không sống lại, chắc chắn niềm tin của các ông nơi Ngài sẽ hoàn toàn mất trắng. Vì thế, chỉ có sự sống lại đích thật của Đức Giêsu mới có thể giải thích được tại sao các ông lại trở nên can đảm một cách nhanh chóng đến như thế.

2. Các tông đồ có thể ngụy tạo việc Chúa sống lại chăng?

Việc các tông đồ ngụy tạo việc Chúa sống lại quả là khó tin. Các ông vốn là những ngư dân dốt nát, nhát đảm, lẽ nào lại có khả năng qua mặt được các kinh sư, luật sĩ, là những người trí thức và khôn ngoan, nhất là họ lại không có thiện cảm với Đức Giêsu đến nỗi đã quyết tâm giết Ngài. Việc tạo ra một huyền thoại hết sức khó tin nhưng lại được vô số người tin như thế, mà cho tới nay người ta vẫn chưa thể chứng minh là phi lý, không phải chuyện đơn giản mà những người dốt nát như các tông đồ có thể làm được. Vả lại, nếu đó là huyền thoại thì việc tạo ra huyền thoại này đã hoàn tất trong một thời gian kỷ lục: chưa đầy 10 năm. Trong khi lịch sử của các tôn giáo cho thấy mọi huyền thoại đều phải hình thành trong những thời gian lâu hơn rất nhiều.

Việc những con người đơn sơ chất phác tạo ra một huyền thoại một cách hết sức thông minh, để rồi sẵn sàng chết vì huyền thoại ấy, là điều hết sức khó chấp nhận.

3. Lính canh mồ

Vì việc Đức Kitô tuyên bố Ngài sẽ sống lại đã tới tai những người chủ mưu giết Ngài, nên họ đã đề phòng việc các môn đệ Ngài đến đánh cắp xác của Ngài. Vì thế, họ đã xin Philatô cho lính đến mộ để canh gác (x. Mt 27,62-66). Và sau khi Đức Giêsu sống lại, các thượng tế đã bảo họ: «Các anh hãy nói thế này: ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm hắn đi. Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự» (Mt 28,13-15).

Chuyện phao tin là các tông đồ đến đánh cắp xác Đức Giêsu thật phi lý. Khi Ngài bị bắt mà các ông đã sợ hãi trốn mất, thậm chí khi nghe các phụ nữ báo tin Ngài đã sống lại, các ông vẫn còn sợ hãi đến độ vào buổi chiều ở trong nhà mà phải đóng kín cửa vì sợ người Do Thái (xem Ga 20,18-19). Nhát như thế thì có gan đâu mà dám ăn trộm xác Ngài khi có lính canh với độ cảnh giác rất cao (vì đã được báo trước để đề phòng). Vả lại, kỷ luật của quân đội đế quốc Rôma rất nghiêm khắc, canh phòng không kỹ lưỡng hoặc ăn hối lộ để sổng mất người phải canh giữ thì chỉ có nước bị tử hình. Ở đây, họ phao tin như thế mà vẫn vô sự là nhờ có sự can thiệp đặc biệt của các tư tế với Philatô (x. Mt 28,13-15).

4. Mồ trống và khăn liệm để lại

Sự kiện mồ trống chứng tỏ xác Đức Kitô không còn ở đó. Có ba giả thuyết có thể đặt ra: một là chính Ngài đã thật sự sống lại, hai là do có người đem đi, và ba là do một trận động đất nào đó nuốt xác Ngài như có nhiều người giả thiết ra để bác bỏ sự kiện sống lại.

Nhưng sự kiện khăn liệm Ngài còn để lại đã bác bỏ hai giả thuyết sau. Thật vậy, Tin Mừng Gioan thuật lại: chính ông đã đến trước, nhìn vào trong mồ và «thấy những băng vải còn ở đó» (Ga 20,5).  Simon đến sau, cũng nhìn vào trong mộ và cũng «thấy những băng vải để ở đó, và cả khăn che đầu Đức Giêsu nữa.  Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi» (Ga 20,6-8).  Khăn liệm này hiện còn lưu lại đến ngày nay (có thể tìm tài liệu liên quan tấm khăn liệm này trên Google với từ khóa: “Khăn liệm thành Turin”).  Kết quả của những nghiên cứu khoa học về khăn liệm này rất ăn khớp với những bài tường thuật trong các sách Tin Mừng.

Còn giả thuyết có ai đó đem xác Ngài đi thì chắc chắn trong hoàn cảnh lén lút và gấp rút như thế, người ấy ắt phải đem cả khăn liệm Ngài đi. Không thể nào hiểu được trong hoàn cảnh ấy mà người ta lại thay khăn liệm, hay cởi bỏ khăn liệm để đem thân xác trần trụi của Ngài đi, và nhất là có đủ thì giờ để cuốn lại, xếp lại và để riêng khăn che đầu ra khỏi các băng vải.

Còn nếu có trận động đất thì quả là khó hiểu nếu đất nuốt thân xác Ngài mà lại chừa không nuốt khăn che đầu và băng vải quấn chung quanh.

5. Sự thành thật và kín đáo của các nhân chứng

Sự ngay thật của những người viết Tin Mừng bộc lộ qua sự kín đáo khi nói về sự sống lại và các cuộc hiện ra của Đấng Phục Sinh. Mátthêu dành ra 2,4% Phúc Âm của mình, Luca 3,6%, Máccô 4,5%, và Gioan 6,1%. Việc Đức Kitô sống lại là cốt lõi của Tin Mừng mà các tông đồ muốn loan báo, thế mà số trang dành cho biến cố này quá ít ỏi. Chính vì khi ngay thật, người ta không thêm thắt vẽ vời!

Các thánh sử không đả động gì đến thời điểm Đức Kitô sống lại và cách Ngài ra khỏi mồ, đơn giản chỉ vì các ông không được chứng kiến. Các bài tường thuật hết sức đơn giản, không mở đầu bằng một tuyên bố ầm ỹ về biến cố xảy ra. Nếu là ngụy tạo, không ai lại để cho người làm chứng đầu tiên là một phụ nữ như Maria Mađalêna. Thời đó, chứng từ của một phụ nữ dường như không có giá trị, đến nỗi phụ nữ không được gọi ra làm chứng trước tòa án, nhất là khi phụ nữ đó đã từng là gái điếm. Và nếu là ngụy tạo, có lẽ số lần Đức Giêsu hiện ra với các tông đồ sẽ nhiều hơn để gây niềm tin. Nhưng các thánh sử chỉ thuật lại có 5 lần Ngài hiện ra trong một thời gian dài tới 40 ngày từ lúc sống lại tới ngày lên trời.

6. Sự kiện Đức Giêsu sống lại ảnh hưởng gì đến đời sống của ta?

Tất cả những điều nói trên chứng tỏ Ngài đã thật sự phục sinh. Nhưng vấn đề đặt ra cho chúng ta, những Kitô hữu, là sự phục sinh của Ngài ảnh hưởng gì đến ta? Có ích lợi gì cho đời sống tâm linh của ta không? Có làm ta thay đổi cuộc sống hiện nay của ta tốt lên không? Biết bao lễ phục sinh qua đi, mà lòng ta hay cuộc sống ta đâu có gì thay đổi! Ta vẫn là ta, vẫn có biết bao thói hư thật xấu như trước, chẳng thay đổi bao nhiêu, đôi khi tệ hơn!

Tại sao? Vì ta đã coi sự phục sinh của Đức Giêsu như một biến cố xảy ra hoàn toàn ở bên ngoài ta, chứ không xảy ra chút nào trong bản thân ta cả. Một nhà tu đức nói: «Nếu Đức Giêsu chỉ sinh ra tại Bêlem, chỉ sống tại đất nước Do Thái, chỉ chịu chết trên đồi Canvê, và chỉ phục sinh trong lịch sử cách đây 2000 năm, mà không sinh ra, sống, chịu chết và phục sinh ngay trong tâm hồn ta, tại đây và lúc này, thì tất cả những biến cố ấy của Ngài đều hoàn toàn vô ích đối với ta». Vì thế, điều quan trọng để sự phục sinh của Ngài có ích lợi cho ta, là Ngài phải phục sinh ngay trong bản thân ta, trong tâm thức của ta.

Vấn đề còn lại mà mỗi người chúng ta phải giải quyết, đó là: làm sao, làm cách nào để Ngài thật sự phục sinh trong chính bản thân ta?



CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu, con tin thật Chúa đã sống lại, và con sẵn sàng làm chứng trước mọi người về điều đó. Nhưng điều hết sức quan trọng là xin Chúa hãy sống lại trong tâm hồn con, để tâm hồn con tràn đầy tình yêu, sức sống và sức mạnh của Chúa. Vì việc sống lại của Chúa trong lịch sử chỉ trở nên thật sự ích lợi cho con nếu Chúa thật sự sống lại trong chính tâm hồn con.                                                               

(Nguyễn Chính Kết)

PhucsinhDucKito

Hãy phục sinh Đức Giêsu
trong tâm thức ta

Người Kitô hữu chúng ta, ai cũng tuyên xưng mạnh mẽ việc Đức Giêsu sống lại là một biến cố quan trọng cho đức tin và đời sống Kitô hữu của chúng ta. Nếu Ngài không sống lại, thì niềm tin của chúng ta vào Ngài là không có căn cứ và bằng chứng. Tuyên xưng thì như thế, nhưng thực tế thì sao? Việc Đức Giêsu sống lại có thật sự ảnh hưởng đến đời sống của ta không? Có làm thay đổi được chút nào để biến đổi ta nên tốt hơn, nên mạnh mẽ và hạnh phúc hơn lên không? Chắc hẳn nhiều Kitô hữu phải thành thật thú nhận rằng: tuyên xưng là một chuyện, còn thực tế của đời sống Kitô hữu nhiều khi không đi đôi với lời tuyên xưng ấy.

Vậy phải làm sao để biến cố sống lại của Đức Giêsu ích lợi thật sự trong tâm hồn ta, và biến đổi thật sự đời sống của ta.

Đức Giêsu đang sống hay đã chết trong tâm hồn ta?

Đức Giêsu đã sống lại. Điều ấy có ảnh hưởng gì đến ta không? Đức tin dạy ta rằng: «Nếu Đức Kitô không phục sinh, thì niềm tin và lời rao giảng của chúng ta là vô ích» (1Cr 15,14). Thật vậy, nếu Đức Giêsu không sống lại, thì cho dù có Ngài, cũng sẽ không có Kitô giáo, vì người ta không có một bằng chứng cụ thể và chắc chắn nào để tin rằng Ngài là Con Thiên Chúa. Và nếu như thế, ta cũng như mọi Kitô hữu khác đều chẳng phải là Kitô hữu, và lúc ấy đối với ta, Đức Giêsu cũng chỉ là một đạo sư như bao đạo sư khác.

Nhưng nếu Ngài đã thật sự phục sinh và ta đã là Kitô hữu, thì liệu sự phục sinh của Ngài có ảnh hưởng gì đến ta một cách thật sự và hiện sinh không? Có làm ta thay đổi cuộc sống hiện nay của ta không? Biết bao lễ phục sinh qua đi, mà lòng ta hay cuộc sống ta đâu có gì thay đổi! Ta vẫn là ta, vẫn có biết bao thói hư thật xấu như trước, chẳng thay đổi bao nhiêu, đôi khi tệ hơn!

Tại sao? Vì ta đã coi sự phục sinh của Đức Giêsu như một biến cố xảy ra hoàn toàn ở bên ngoài ta, chứ không xảy ra chút nào trong bản thân ta cả. Một nhà tu đức nói: «Nếu Đức Giêsu chỉ sinh ra tại Bêlem, chỉ sống tại đất nước Do Thái, chỉ chịu chết trên đồi Canvê, và chỉ phục sinh trong lịch sử cách đây 2000 năm, mà không sinh ra, sống, chịu chết và phục sinh ngay trong tâm hồn ta, tại đây và lúc này, thì tất cả những biến cố ấy của Ngài đều hoàn toàn vô ích đối với ta». Vì thế, điều quan trọng để sự phục sinh của Ngài có ích lợi cho ta, là Ngài phải phục sinh ngay trong bản thân ta, trong tâm thức của ta.

Theo niềm tin và sự tuyên xưng của ta, Ngài vẫn đang sống và hiển trị, nhưng dường như tất cả đều xảy ra ở bên ngoài ta. Còn ở trong ta, trong tâm thức ta, Ngài đã chết và đã được an táng từ lâu. Thỉnh thoảng ta chỉ tưởng nhớ đến Ngài như một người đã sống cách đây 2000 năm, tương tự như ta vẫn nhớ đến ông bà tổ tiên ta, hay đến một đại danh nhân nào đấy trong lịch sử. Trong tâm thức ta, Ngài được coi như một người quá cố. Và một người chết như thế đương nhiên chẳng có thể ảnh hưởng hay thay đổi gì ta được!

Hãy phục sinh Đức Giêsu trong tâm thức ta

Vậy, để được biến đổi nên một con người mới, mạnh mẽ, tốt đẹp, tràn đầy thần khí của Thiên Chúa, trước hết ta phải phục sinh Đức Giêsu ở ngay bản thân ta, trong tâm hồn ta, trong tâm thức ta. Ngài có thật sự sống và hoạt động trong ta, thì ta mới được biến đổi để trở nên như Ngài.

Trong Tin Mừng có đoạn mô tả Đức Giêsu ngủ say như chết trên thuyền của các tông đồ giữa cơn phong ba bão táp, để mặc các tông đồ phải đối phó trong hốt hoảng sợ hãi (x. Mt 8,23-27; Mc 4,35-41; Lc 8,22-25). Đó chính là hình ảnh mô tả thật chính xác tình trạng của Đức Giêsu trong tâm hồn ta: Ngài đang ngủ, hay Ngài đã chết, nghĩa là Ngài bất động. Nếu Ngài thức hay sống trong tâm hồn ta, tất nhiên Ngài sẽ hoạt động, Ngài sẽ làm những việc lạ lùng, thậm chí làm phép lạ để biến đổi ta, tương tự như Ngài đã làm sóng gió yên lặng sau khi các tông đồ đánh thức Ngài dậy trên thuyền.

Cuộc đời ta, tâm hồn ta nhiều khi ảm đạm, buồn tẻ, không có gì hứng thú hay khởi sắc về mặt tâm linh, chính vì ta đã để Đức Giêsu ngủ yên hay còn nằm chết trong ngôi mộ của tâm thức ta. Lúc nào Ngài cũng hiện diện trong ta, đầy quyền năng của một vị Thiên Chúa. Ngài sẵn sàng làm mọi sự để biến đổi ta nên hoàn thiện, mạnh mẽ, để cứu giúp ta khi gặp cùng khốn. Nhưng thái độ lãng quên và hờ hững của ta đối với Ngài đã khiến sự hiện diện của Ngài trong ta thành một hiện diện thụ động của một xác chết, hay của một người đang ngủ.

Một cách khách quan, Ngài vẫn luôn hiện diện trong ta từng giây phút, nhưng ta không hề ý thức điều ấy, ta chẳng nhớ gì đến Ngài. Ngài hiện diện ở đó, nhưng đối với tâm thức ta, Ngài dường như không hiện diện. Nói cách khác, Ngài dường như vắng mặt trong tâm thức ta. Chính vì thế, sự hiện diện khách quan nhưng thụ động của Ngài chẳng đem lại lợi ích gì cho ta, chẳng làm cho đời sống ta thêm dồi dào phong phú, bình an hạnh phúc, đang khi ta rất cần và rất mong điều ấy. Ngài hiện diện nhưng chẳng khác gì vắng mặt, Ngài vẫn sống nhưng chẳng khác gì đã chết, vẫn thức nhưng chẳng khác gì đang ngủ, vì ta đã không để Ngài hiện diện hay sống động trong tâm thức ta. Ngài giống như một kho tàng rất lớn chôn dấu ngay trong nhà ta, nhưng vì ta không biết, nên ta nghèo vẫn hoàn nghèo, và kho tàng ấy chẳng ích lợi gì cho ta cả.

Nếu nhờ ý thức mà Ngài trở nên hiện diện trong tâm thức ta, thì lập tức sự hiện diện ấy sẽ trở thành sự hiện diện hoạt động, hữu ích. Ngài sẽ biến đổi ta một cách hữu hiệu. Cũng như kho tàng bị chôn dấu kín kia, nếu được biết đến và đem ra sử dụng, sẽ đem lại một cuộc sống hết sức phong phú và hạnh phúc. Cũng như khi được các tông đồ đánh thức dậy, Ngài lập tức ra tay quyền năng làm sóng gió im lặng, giải cứu các tông đồ khỏi cơn nguy khốn.

Sự phục sinh của Ngài trong ta tùy thuộc vào ta

Ngài ngủ hay thức, chết hay sống trong tâm hồn ta, điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào ta có đánh thức Ngài, có để Ngài sống và hiện diện trong ta hay không. Ngài để ta hoàn toàn tự do quyết định điều đó. Trong chương trình của Ngài, rất nhiều việc Ngài đòi hỏi sự cộng tác tự nguyện của ta thì mới thành sự. Đó là cách Ngài trọng phẩm giá của ta, là hình ảnh của Ngài, một Thiên Chúa hoàn toàn tự do. Phẩm giá đó buộc Ngài phải tôn trọng tự do của ta, Ngài không muốn đơn phương làm mọi việc, dù Ngài có thể làm, nhất là sự hoạt động tự do trong tâm thức ta.

Như vậy, tuy Ngài hiện diện và hoạt động cùng khắp, nhưng vẫn có chỗ mà ngài không thể tự do hiện diện và hoạt động theo ý Ngài, đó là hiện diện và hoạt động trong tâm thức ta. Tâm thức ta là một không gian bất khả xâm phạm đối với chính Ngài, nghĩa là chính Ngài cũng không dám xâm phạm. Ngài chỉ vào đó để hiện diện và hoạt động trong tâm thức ta khi nào ta cho phép Ngài, bằng cách hướng về Ngài, ý thức được sự hiện diện khách quan của Ngài và nhất là hết mình sống với sự hiện diện đó. Sự hiện diện của Ngài trong tâm thức ta chỉ đạt tới tuyệt đỉnh và trở nên tích cực hoạt động khi nào ta có thể nói được như thánh Phaolô: «Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi» (Gl 2,20).

Muốn thế, ta phải để Đức Giêsu chiếm trọn bầu trời tâm thức ta. Bình thường, «cái tôi» của ta chiếm trọn bầu trời ấy, vì lúc nào ta cũng nghĩ về ta, về quyền lợi, hạnh phúc, đau khổ của ta. Mọi hoạt động của ta đều bị cái tôi ích kỷ đó chi phối, điều khiển, huy động, khiến ta lúc nào cũng chỉ biết lo cho bản thân mình. Ngay cả trong lúc cầu nguyện, ta chỉ nghĩ đến điều ta muốn, muốn Ngài ban cho tôi điều này điều nọ, mà không hề quan tâm đến điều Ngài muốn nơi ta. Nhưng càng lo cho bản thân ta bao nhiêu, ta càng cảm thấy thiếu thốn, trống rỗng và đau khổ bấy nhiêu, vì đòi hỏi của ta thì vô hạn, mà sức của ta thì có hạn. Trong bầu trời tâm thức đó, ta chỉ dành một khoảng rất nhỏ cho Thiên Chúa và người khác.

Vậy, nếu muốn Đức Giêsu luôn hiện diện sống động và sử dụng được toàn bộ năng lực của Ngài trong ta, ta phải dành trọn bầu trời tâm thức của ta cho Ngài. Ngài phải là một ưu tư, lo lắng lớn lao nhất của ta, và ta chỉ nên dành một khoảng trời bé nhỏ nào đó cho chính ta thôi. Làm như thế là ta đã phục sinh Ngài, đã đánh thức Ngài dậy trong ta, để Ngài thi thố quyền năng của Ngài. Làm như thế là ta đã đào được cái kho tàng quí báu nhất mà ta vẫn vùi sâu chôn chặt trong tâm thức ta, để biến kho tàng ấy trở nên ích lợi cho ta. Và đương nhiên sau đó, nhờ sự sống và hoạt động của Ngài trong ta, ta sẽ hoàn toàn được biến đổi, cuộc sống trở nên phong phú và hạnh phúc hơn.

Nguyễn Chính Kết




Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2016

LeLa-C

Chúa Nhật Lễ Lá
 (Năm C − ngày 20-3-2016)


ĐỌC LỜI CHÚA

·    Is 50, 4-7:  (6) «Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ».

·    Pl 2, 6-11:  (8) «Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên cây thập tự».

·    TIN MỪNG:  Có hai bài

1. Lc 19, 28-40 (trong nghi thức rước lá trước thánh lễ)

Đức Giêsu vào Giêrusalem với tư cách là Mêsia

Khi ấy, (28) Đức Giêsu đi đầu, tiến lên Giêrusalem. (29) Khi đến gần làng Bếtphaghê và làng Bêtania, bên triền núi gọi là núi Ôliu, Người sai hai môn đệ và bảo: (30) «Các anh đi vào làng trước mặt kia. Khi vào sẽ thấy một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ, đang cột sẵn đó. Các anh cởi dây ra và dắt nó đi. (31) Nếu có ai hỏi: “Tại sao các anh cởi lừa người ta ra”, thì cứ nói: “Chúa có việc cần dùng!” (32) Hai người được sai liền ra đi và thấy y như Người đã nói. (33) Các ông đang cởi dây lừa, thì những người chủ nói với các ông: «Tại sao các anh lại cởi lừa người ta ra?» (34) Hai ông đáp: «Chúa có việc cần dùng».

(35) Các ông dắt lừa về cho Đức Giêsu, rồi lấy áo choàng của mình phủ trên lưng lừa, và giúp Người cỡi lên. (36) Người đi tới đâu, dân chúng cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường. (37) Khi Người đến gần chỗ dốc xuống núi Ôliu, tất cả đoàn môn đệ vui mừng bắt đầu lớn tiếng ca tụng Thiên Chúa, vì các phép lạ họ đã được thấy. (38) Họ hô lên: Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời!

(39) Trong đám đông, có vài người thuộc nhóm Pharisêu nói với Đức Giêsu: «Thưa Thầy, Thầy trách môn đệ Thầy đi chứ!» (40) Người đáp: «Tôi bảo các ông: họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên!»

2. Lc 22,14–23,56 (trong thánh lễ)

Bài thương khó Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca

 (Vì quá dài, miễn chép ở đây, xin đọc trong sách Tin Mừng)

CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:

1.   Tại sao người Do Thái thay đổi nhanh như thế: vừa mới tung hô Đức Giêsu như một vị vua, thế mà chỉ mấy ngày sau đã xin thế quyền đóng đinh Ngài? Tại sao Phêrô quả quyết như đinh đóng cột là dù chết vẫn trung thành với Thầy, thế mà chỉ mấy tiếng đồng hồ sau đã chối Thầy? Bạn có thể thay đổi nhanh như thế chăng?

2.   Lý do gì đã khiến người ta thay đổi nhanh chóng? Lý do ấy có ở trong bản thân tôi không? Khi nhận ra lý do ấy cũng có trong tôi, tôi có thông cảm với những thay đổi của người khác không?

Suy tư gợi ý:

1. Con người dễ thay đổi

Trong bài Tin Mừng của nghi thức rước lá, ta thấy thái độ của người Do Thái là nhiệt tình tung hô Đức Kitô, như muốn tôn Ngài làm vua. Nhưng trong bài Tin Mừng thương khó, ta lại thấy thái độ của họ là đòi giết Ngài mà tha Baraba. Hai sự kiện, hai thái độ đó xảy ra cách nhau không bao lâu. Điều nhiều khi làm tôi rất ngạc nhiên là tại sao dân chúng lại thay đổi thái độ nhanh như vậy đối với Đức Kitô? Tương tự, đầu bài thương khó, ta thấy Phêrô quả quyết: «Thưa Thầy, dù có phải vào tù hay phải chết với Thầy đi nữa, con cũng sẵn sàng». Nhưng chỉ mấy tiếng đồng hồ sau, ông đã chối Thầy mình tới ba lần, chỉ vì sợ người ta biết mình là môn đệ của Thầy, cho dù lúc đầu chỉ là một đứa đầy tớ gái của vị thượng tế hỏi ông.

Đôi khi tôi tự hỏi: liệu mình có thể thay đổi thái độ nhanh chóng như thế không? Tôi thường tự nhủ rằng mình sẽ không thay đổi, sẽ trước sau như một, sẽ trung thành với Chúa, với lập trường của mình, sẽ chung thủy với người bạn trăm năm của mình mãi mãi, v.v… Và tôi nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ thay đổi. Nhưng kìa chung quanh tôi có biết bao người đã thay đổi!

2. Kinh nghiệm của tôi

Có những người tôi tưởng rằng sẽ không bao giờ thay đổi, vì tôi đã từng nghe họ tâm sự một cách chân thành về sự quyết tâm không thay đổi của họ. Thế mà họ đã thay đổi! Có những người tỏ ra bất mãn cực độ về thái độ đáng ghét của một người khác, khiến tôi tưởng rằng họ sẽ không bao giờ có thái độ như thế với ai. Nhưng tôi thấy khi họ ở vào địa vị hay trường hợp giống như người kia, thì họ cũng lại hành xử y như thế.

Đọc lịch sử, tôi thấy có những ông vua: khi còn phải nằm gai nếm mật để chiến đấu với kẻ thù, thì tỏ ra hết mực yêu thương dân chúng, quý trọng những thuộc hạ cùng sống chết với mình, và lúc nào cũng sẵn sàng hy sinh cả mạng sống cho họ. Nhưng khi đã lên ngôi vua, thì chẳng bao lâu tính tình ông vua thay đổi, trở nên hống hách, tàn ác, sẵn sàng giết hại thuộc cấp, bóc lột dân chúng. Tôi đã từng gặp những người khi còn là chủng sinh hay tu sĩ thì thật là khiêm nhường, dễ thương, tinh thần phục vụ rất cao, nhưng chỉ một vài năm sau khi làm nên danh này phận nọ, thì tính tình và cách xử sự của họ tự nhiên thay đổi hẳn. Có những cặp vợ chồng trước đám cưới thì thề non hẹn biển, dù thế nào đi nữa cũng quyết chung thủy với nhau trọn đời, thế mà chỉ sống với nhau được vài năm thì đã có người thay dạ đổi lòng. Biết bao nhiêu kinh nghiệm khác tương tự như thế!

Những kinh nghiệm ấy làm tôi không còn dám quả quyết rằng mình sẽ không bao giờ thay đổi. Và cũng không dám kết án những ai thay đổi, làm như thể mình là người không thể thay đổi. Tôi cảm thấy cần phải bao dung, thông cảm cho sự thay đổi của người khác, vì bản tính yếu đuối của con người. Chúng ta hãy xem thái độ của Đức Kitô như thế nào đối với Phêrô, kẻ đã phản bội vì chối Ngài tới 3 lần. Thấy ông hối lỗi, Đức Kitô không những đã không phiền trách ông, mà còn tín nhiệm ông hơn nữa, Ngài đã đặt ông làm thủ lãnh của cả nhóm 12 tông đồ.

3. Con người bị giới hạn về đủ mọi mặt và lệ thuộc vào nhiều điều kiện bên ngoài

Dù không sa ngã, nhưng Đức Giêsu đã cảm nghiệm được sự yếu đuối trong thân phận con người của Ngài. Nhờ sự minh mẫn của thần tính, nên với kinh nghiệm về sự yếu đuối ấy, Ngài hiểu rõ hơn ai hết sự yếu đuối và giới hạn của con người. Vì thế, Ngài luôn luôn thông cảm với những lầm lỗi, tính hay thay đổi, sự bất trung của con người. Thái độ của Ngài đối với Phêrô, đối với những người đàn bà ngoại tình, tội lỗi, được diễn tả bằng thái độ của người cha trong dụ ngôn đứa con hoang đàng, nói lên sự bao dung đầy tính thông cảm của Ngài. Ngay cả khi hấp hối trên thập giá, Ngài vẫn còn nghĩ đến những thầy tư tế, những kinh sư và Pharisêu, là những kẻ đã đưa Ngài đến cái chết vô cùng nhục nhã và thê thảm này, Ngài xin Chúa Cha: «Xin Cha tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm» (Lc 23,34). Ngài đã thực hiện đúng điều Ngài đã dạy «Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em» (Mt 5,44-45). Lời xin đó cho thấy trong lòng Ngài, Ngài đã tha thứ cho họ rồi, bất chấp họ có hối hận hay không, bất chấp họ không hề xin lỗi Ngài.

Chính vì thế, tôi rất thích thái độ và tinh thần bao dung của Đức Giáo Hoàng Phanxicô hiện nay đối với những người bị người đời khinh rẻ và liệt vào hàng tội lỗi, bất chấp biết bao người bảo thủ phê bình và chống đối ngài. So sánh thái độ của ngài với thái độ của Đức Giêsu, tôi thấy rõ ràng là tương đồng chứ không khác biệt. Tôi thầm nghĩ: nếu Đức Giêsu ở trong vị thế của vị giáo hoàng này, Ngài sẽ còn tỏ ra khoan dung và nhân bản hơn vị giáo hoàng này nhiều. Thiết tưởng người Kitô hữu cũng nên tập cho mình thái độ bao dung và thông cảm ấy, nhất là khi chính ta cũng là con người yếu đuối, chẳng dám tự hào mạnh mẽ hơn ai.

Khi tự xét bản thân, tôi thấy có những lúc tinh thần tôi lên rất cao, nhưng cũng có lúc tinh thần xuống rất thấp. Điều này tùy thuộc khá nhiều vào ngoại cảnh. Tinh thần tôi thường lên cao vào những dịp tĩnh tâm, khi được một ai đó khích lệ, hay khi sống gần những người đức hạnh, gương mẫu, v.v… Nhưng tinh thần tôi xuống rất thấp khi sức khỏe tôi suy yếu, khi gặp toàn những thất bại, hay khi gặp quá nhiều khó khăn, thử thách, cám dỗ, v.v… Tôi nhận thấy độ cứng của lương tâm tôi có giới hạn, nó có thể đứng vững trước những cám dỗ bình thường, nhưng có lẽ nó sẽ bị gẫy trước những cám dỗ nặng nề và kéo dài. Có thể tôi không bán rẻ lương tâm với giá 10 triệu, 20 triệu, nhưng rất có thể trước những mối lợi trị giá 100 triệu, 200 triệu, không chừng tôi sẽ sẵn sàng bán lương tâm của tôi chăng!?!?! Quả thật, tôi không dám mạnh miệng tuyên bố là tôi luôn đứng vững. Câu Kinh Thánh «Ai tưởng mình đứng vững, hãy coi chừng kẻo ngã» (1Cr 10, 12) khiến tôi không dám tự hào và chê bai hay kết án ai. Biết bao người thiện chí hơn tôi, thánh thiện hơn tôi rất nhiều đã sa ngã. Tôi chỉ còn biết trông cậy vào ơn Chúa, Chúa có gìn giữ tôi thì tôi mới đứng vững, mới không sa ngã, còn tự sức tôi thì thật đáng nghi ngờ.

4. Trong chính bản thân tôi, có hai lực lượng đối kháng nhau

Lúc nào tôi cũng thấy trong tôi có hai lực ngược nhau tác động trên tôi: một lực kéo tôi lên, khuyến khích tôi làm những việc tốt đẹp, cao thượng, vị tha, một lực trì tôi xuống, thúc đẩy tôi làm những chuyện xấu xa, bỉ ổi, ích kỷ. Muốn làm theo lực kéo tôi lên thì tôi phải cố gắng rất nhiều, phải làm ngược lại ý riêng, bản năng, dục vọng của tôi, điều này thật khó. Còn muốn làm theo lực kéo xuống thì tôi cảm thấy rất dễ dàng, thậm chí thật hấp dẫn, chẳng cần phải cố gắng gì cả. Chính vì thế, tôi luôn luôn cảm nghiệm y hệt như Phaolô: «Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn thì tôi lại cứ làm» (Rm 7, 19).

Như vậy, trong tôi luôn luôn có khuynh hướng xấu, ác. Chính những lúc tôi nghĩ mình yếu đuối, sợ mình không thắng nổi sự ác, nên tôi cậy trông vào Chúa, thì tôi lại không làm điều ác. Nhưng chính những lúc tôi tưởng mình mạnh mẽ, tự cho mình là công chính, nghĩ mình đã hơn được rất nhiều người, tự hào về chính mình, cho rằng mình có khả năng thắng sự ác một cách dễ dàng, thì lại là lúc tôi làm nhiều điều xấu ác, nhiều điều ngu xuẩn, hớ hênh hơn lúc nào hết. Chính vì thế, tôi rất cảm thông với sự yếu đuối khiến người ta thay đổi như những trường hợp đã nói trên.

5. Áp dụng vào Năm Thánh

Hai bài Tin Mừng trong nghi thức làm phép lá và trong thánh lễ cho thấy hai thái độ tương phản nhau của Dân Do Thái và của Phêrô đối với Đức Giêsu chỉ xảy ra trong khoảng thời gian rất ngắn. Dân Do Thái vừa mới tung hô Ngài một cách rất tưng bừng, nhiệt liệt và trọng thể, thế mà chỉ một vài ngày sau đã bị xách động bởi những người lãnh đạo tôn giáo Do Thái đến nỗi đã đòi giết Ngài: «Giết nó đi, thả Baraba cho chúng tôi!» (Lc 23,18). Hay như Phêrô, trong bữa tiệc ly đã thề thốt: «Với Thầy, tôi sẵn sàng vào tù, và có chết cũng cam» (Lc 22,33), thế mà chỉ vài giờ sau, ông đã chối Thầy mình tới những ba lần (Lc 22,54-62). Điều đó cho thấy sứ điệp của hai bài Tin Mừng trong Lễ Lá muốn nói lên tính yếu đuối, tính sợ hãi và tính có thể thay đổi của con người.

Tuy nhiên, sứ điệp ấy chưa phải là quan trọng. Còn một sứ điệp khác quan trọng hơn rất nhiều đó là sự thông cảm của Đức Giêsu với những khuyết điểm ấy của con người khiến Ngài sẵn sàng tha thứ cho những yếu đuối ấy. Thật vậy, đối với Phêrô, Ngài không những tha thứ, không những không bất tín nhiệm ông, mà còn tín nhiệm ông nhiều hơn nữa, đến nỗi đã đặt ông làm thủ lãnh các môn đệ của Ngài. Tôi nghĩ có lẽ vì Ngài biết ông ý thức và cảm nghiệm sâu sắc tính yếu đuối, mỏng dòn và dễ thay đổi của con người, nhờ đó ông khiêm nhường và dễ thông cảm hơn với những yếu đuối của người khác. Vả lại, khi được Chúa tha thứ, ông sẽ yêu Chúa nhiều hơn (Lc 7,43.47). Chính tình yêu, sự khiêm nhường và khả năng thông cảm với những yếu đuối của người khác là một trong những đức tính cần thiết nhất của những người lãnh đạo Giáo Hội. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã tỏ ra có đức tính này một cách khá nổi bật.

Đức Giêsu cũng thông cảm và tha thứ cho những kẻ đã kết án Ngài. Chính lúc đau đớn nhất và nhục nhã nhất trên thập giá, đáng lẽ tâm trí Ngài sẽ phải bị thu hút vào sự đau đớn đang phải chịu, không còn đủ tâm trí nghĩ đến điều gì khác, thế mà Ngài vẫn nhớ đến những kẻ âm mưu giết Ngài để xin Chúa Cha tha thứ. Tình thương và sự thông cảm của Ngài của Ngài đối với những người tội lỗi đúng là phản ảnh rất trung thực tình yêu thương vô bờ bến của Thiên Chúa đối với nhân loại bất trung và tội lỗi. Đức Giêsu đã mô tả tình thương sẵn sàng tha thứ này của Thiên Chúa trong dụ ngôn «Người Cha nhân hậu» (Lc 15,11-32).

Đức Giáo hoàng Phanxicô trong Năm Thánh kính Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đã muốn Giáo Hội cũng như các Kitô hữu trên thế giới phải phản ảnh tình thương và sự thông cảm của Thiên Chúa đối với những yếu đuối của con người. Thay vì kết án họ như những người Pharisêu vị luật muốn kết án người phụ nữ ngoại tình, Giáo Hội cũng như các Kitô hữu nên bắt chước Thiên Chúa và Đức Giêsu là hãy thông cảm và thương xót họ. Thật là mỉa mai khi chúng ta một đằng thì vinh danh lòng thương xót của Thiên Chúa, còn đằng khác chính chúng ta lại khép lòng lại để kết án, hoặc mong muốn Thiên Chúa kết án những người tội lỗi, thậm chí kết án cả Đức Phanxicô khi ngài muốn bắt chước lòng thương xót của Thiên Chúa và Đức Giêsu. Cách tốt nhất để tôn vinh lòng thương xót của Thiên Chúa không phải là hết lời ca tụng lòng thương xót ấy cho bằng thật sự bắt chước và thực hiện chính lòng thương xót ấy đối với tha nhân.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, trong tuần thánh này, xin cho con nhận ra sự yếu đuối và sự dễ dàng thay đổi của con, để con đừng bao giờ tự hào mình mạnh mẽ hơn người, mà luôn trông cậy vào sức mạnh của Chúa. Xin cho con học được bài học của Phaolô: chính lúc khiêm nhường tự nhận ra mình yếu đuối, lại là lúc mạnh mẽ nhất vì đã bám vào Chúa.       

(Nguyễn Chính Kết)

Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2016

Chay-05-C










Chúa Nhật thứ 5 Mùa Chay
ĐỌC LỜI CHÚA

·   Is 43,16-21: (19) Này Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy hay sao ? Phải, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn.

·   Pl 3,8-14: (8) Vì Đức Kitô, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô (9) và được kết hợp với Người. Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Môsê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Kitô.


·   TIN MỪNG: Ga 8,2-11

Người phụ nữ ngoại tình

(2) Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. (3) Lúc đó, các kinh sư và người Pharisêu dẫn đến trước mặt Đức Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, (4) rồi nói với Người: «Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. (5) Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?» (6) Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giêsu cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. (7) Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: «Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi». (8) Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. (9) Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giêsu, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. (10) Người ngẩng lên và nói: «Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?» (11) Người đàn bà đáp: «Thưa ông, không có ai cả». Đức Giêsu nói: «Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!»

CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:

1. Luật Môsê – cũng là luật của Thiên Chúa – buộc phải xử tử những kẻ ngoại tình bị bắt quả tang. Đức Giêsu có tuân theo luật ấy không? Tại sao?

2. Luật mới của Đức Giêsu – luật yêu thương – đòi hỏi những gì? Nếu không biết thông cảm và tha thứ, mà chỉ thích phán xử và kết án, ta có phải là kẻ giữ luật mới của Ngài không?

3.  Năm Thánh kính lòng thương xót của Thiên Chúa, người Kitô hữu có nên theo tinh thần yêu thương của Đức Giêsu mà thay đổi quan niệm và cách đối xử với những người bị cho là tội lỗi không?

Suy tư gợi ý:

1. Các kinh sư Do Thái gài bẫy Đức Giêsu

Các nhà lãnh đạo Do Thái giáo muốn dùng trường hợp người phụ nữ ngoại tình này để gài bẫy Đức Giêsu hầu tìm ra cớ tố cáo Ngài. Nếu Ngài tuyên bố không nên ném đá phụ nữ này thì chứng tỏ Ngài đã không tuân giữ luật Môsê, vì theo luật Môsê: «Nếu một người đàn ông bị bắt gặp đang nằm với một người đàn bà có chồng, thì cả hai phải bị xử tử» (Đnl 22,22; x. Lv 20,10). Luật Môsê viết rõ ràng như thế, nếu Ngài không tuân theo luật thì họ sẽ tố cáo Ngài trước dân chúng, và dân chúng buộc phải tẩy chay Ngài. Vì giữa luật Môsê và Ngài, thì dân chúng phải tin vào luật Môsê hơn. Còn nếu Ngài tuyên bố phải ném đá, thì họ sẽ tố cáo Ngài với chính quyền Rôma, và Ngài sẽ bị chính quyền xét xử, vì Ngài đã vi phạm luật Rôma. Theo luật Rôma thì người dân thuộc địa không có quyền lên án giết ai cả (x. Ga 18,31).

Nhưng cách Ngài giải quyết chẳng những giúp Ngài thoát cái bẫy này một cách tài tình, mà còn làm ê mặt các nhà lãnh đạo tôn giáo, đồng thời còn cho họ và cho chúng ta một bài học để đời.

2. Tại sao Đức Giêsu không tuân theo luật Môsê?

Luật Môsê là luật của Thiên Chúa (x. 2Mcb 7,11; Tv 1,2; Lc 2,23-24). Thời Cựu ước, dân Do Thái ai nấy đều tin rằng đã là luật của Thiên Chúa thì sẽ là luật muôn đời không bao giờ thay đổi. Trong Kinh Thánh, có rất nhiều câu xác định luật này là luật vĩnh viễn cho con người (x. Xh 12,17.24; 27,21; 30,21; Lv 6,11.15; 7,34; Br 4,1; v.v…), là luật chung cho cả địa cầu (x. 1Sb 16,14; 2Sm 7,19; Tv 105,7). Và con người phải tuân giữ luật, vì có như thế mới là tôn kính và yêu mến Thiên Chúa (Đnl 17,19; Gs 22,5; Hc 2,16; 15,1). Ai tuân giữ luật thì được hạnh phúc, được sống đời đời (Tv 119,1.165; Cn 29,18; Kn 6,18), còn ai không giữ luật thì chính họ và cả con cháu ba bốn đời của họ sẽ bị Thiên Chúa nguyền rủa, trừng phạt (x. 1Sb 15,13; Xh 34,7; Er 7,26; Gr 19,15).

Như vậy, luật Môsê buộc phải xử tử hình những kẻ phạm tội ngoại tình, tại sao Đức Giêsu không tuân theo luật ấy mà lại tìm cách tha cho người phụ nữ này? Phải chăng Đức Giêsu không giữ luật Môsê? Hay Ngài không muốn vi phạm luật Rôma nên đành vi phạm luật Môsê? Hay Ngài chỉ muốn tìm cách nào thoát khỏi cái bẫy này? Hay Ngài là một nhà làm luật mới?

3. Đức Giêsu đến lập luật mới là luật yêu thương và tha thứ

Nhiều người tưởng rằng hễ đã là luật của Thiên Chúa thì sẽ là thứ luật muôn đời không thay đổi theo không gian và thời gian, nghĩa là luật của Ngài phải được áp dụng cho mọi dân tộc trong mọi thời đại. Nhưng không phải như vậy! Thiên Chúa lập luật cho con người chứ không phải cho Ngài. Luật đó là vì con người (x. Mc 2,27) và để áp dụng cho con người, nên phải phù hợp với con người. Mà con người thì luôn luôn thay đổi: trình độ tâm linh, sự hiểu biết và hoàn cảnh sống của con người thay đổi và tiến triển theo thời gian. Nên để phù hợp với con người, luật Chúa cũng phải thay đổi. Thật vậy, lịch sử cứu độ cho thấy luật cũ của Môsê đã được thay thế bằng luật mới của Đức Giêsu. Theo hướng đó, Thánh Phaolô viết: «Ngày nay, sự công chính của Thiên Chúa đã được thể hiện mà không cần đến Luật Môsê» (Rm 3,21; x. Ep 2,15; Dt 7,18). Vì thế, các tông đồ đã chính thức tuyên bố bãi bỏ luật Môsê (x. Cv 15,28-29). Chính vì thế, ngày nay, người Kitô hữu không phải giữ luật của Môsê.

Giải thích: Con người thời Cựu ước tương tự như nhân loại thời còn là trẻ con. Khi ta còn là trẻ con, cha mẹ ta ra luật cho ta, và bắt ta giữ. Nếu ta không giữ thì bị đòn, nếu ta giữ thì được khen thưởng. Động cơ giữ luật của ta là sợ phạt và ham thưởng. Nhưng khi lớn lên, ta không còn phải giữ những luật đơn sơ của thời còn nhỏ nữa, và không còn giữ luật một cách nô lệ nữa. Khi trưởng thành, ta có những luật khác với luật thời thơ ấu. Động cơ khiến ta giữ luật khi trưởng thành không còn là sợ hãi hay ham thưởng nữa, mà là sự hiểu biết và tình yêu (tình yêu đối với Thiên Chúa, với chân, thiện, mỹ, với cha mẹ, với mọi người). Khi trưởng thành, ta biết điều nào là đúng, là hợp lý, là phù hợp với tình yêu, và ta biết ta phải hành động thế nào.

Thời Đức Giêsu, nhân loại đã trưởng thành về tâm linh hơn thời Môsê, nên Ngài đã khai mạc một kỷ nguyên mới, với luật mới của Ngài. Luật của Ngài chỉ có một khoản duy nhất: «Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 13,34). Vì thế, Ngài cũng như chúng ta, những kẻ theo Ngài, không còn hành xử theo luật Môsê nữa, mà hành xử theo sự thúc đẩy của tình yêu. Và «Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em yêu thương nhau» (Ga 13,35). Câu này cũng có thể suy diễn thành: «Người ta cứ dấu này mà nhận ra ai không phải là môn đệ Thầy, là họ không yêu thương nhau». Không yêu thương nhau, thì không hẳn là môn đệ của Đức Giêsu. Thánh Phaolô cũng nhấn mạnh: «Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô» (Gl 6,2); «Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật» (Rm 13,8b); «Yêu thương là đã chu toàn Lề Luật» (Rm 13,10b).

4. Luật yêu thương đòi hỏi sự thông cảm và tha thứ

Tình yêu đòi hỏi phải thông cảm và tha thứ… Thông cảm vì bản thân ta cũng như mọi người khác đều rất yếu đuối và bị lệ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh. Kết cuộc, như Thánh Phaolô nói: con người «ai cũng phạm tội» (Rm 5,12); «Không ai là người công chính, dẫu một người cũng không» (Rm 3,10; x. 1Ga 1,10). Nếu mình cũng phạm tội, mà mình lại kết án người khác, thì quả thật trong ta có chút gì đó gọi là «vô liêm sỉ».

Đức Giêsu tuy không hề phạm tội (x. 1Pr 2,22), nhưng Ngài không lên án ai. Ngài đã từng chịu ma quỉ cám dỗ (x. Mt 4,1-11), nên Ngài rất am hiểu sự yếu đuối của con người. Vì thế, đứng trước người phụ nữ bị cho là tội lỗi này, Ngài hiểu hết những tình huống đã dẫn chị ta đến với cơn cám dỗ, và từ cơn cám dỗ đến những hành vi tội lỗi. Ngài hoàn toàn thông cảm với chị. Ngài ghê tởm những kẻ tuy cũng cảm thấy mình yếu đuối như chị, cũng đã từng sa ngã khi gặp cám dỗ như chị, nhưng vẫn muốn kết án chị. Dường như kết án chị, họ mới thỏa mãn niềm kiêu hãnh phát xuất từ một ảo tưởng rằng họ vô tội. Họ thích sống trong ảo tưởng đó, và muốn củng cố ảo tưởng đó bằng cách kết án người khác. Họ nghĩ càng kết án thì càng chứng tỏ mình trong sạch, vô tội.

Đức Giêsu thấy ác tâm của họ, Ngài kêu gọi lương tâm họ, đánh thức liêm sỉ trong lòng họ. Ngài bảo họ: «Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi» (Ga 8,7b). Ngài biết đã là con người yếu đuối, nếu không có ơn siêu nhiên giúp, họ không thể nào tránh được tội lỗi. Lời nói của Ngài buộc họ phải tự xét lại chính mình. Và một khi đã tự xét mình một cách thành thật, chắc chắn ai cũng thấy mình đã phạm ít nhiều tội lỗi. Ngài đã cho họ một kinh nghiệm tâm linh: hãy thông cảm với tội lỗi của kẻ khác, vì chính bản thân mình cũng có tội.

Một khi đã thông cảm với tội lỗi người khác, thì chỉ còn biết tha thứ, bỏ qua, rồi lại tiếp tục yêu thương, tôn trọng họ.

Đức Giêsu dù rất thánh thiện, không hề sai phạm một lầm lỗi nào,  nhưng Ngài vẫn luôn luôn thông cảm được với sự yếu đuối của người tội lỗi, Ngài không kết án mà sẵn sàng tha thứ. Sự thánh thiện của Ngài phần rất lớn hệ tại điểm này. Còn chúng ta, tuy cũng yếu đuối như tất cả mọi người, nhưng ta lại khó thông cảm với những yếu đuối của người khác, nhất là khi họ làm thiệt hại đến ta, đến quyền lợi, danh tiếng, hay cản trở ý muốn của ta. Có thể ta dễ dàng kết án người khác, làm như thể ta hoàn toàn vô tội, không hề phạm những sai lỗi như thế bao giờ. Kết án người khác dễ dàng, điều đó chứng tỏ ta không liêm sỉ bằng những người tự động rút lui sau câu nói của Đức Giêsu: «Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi» (Ga 8,7b).

Trong cuộc đời, nhiều khi ta khó chịu với những kẻ lên mặt đạo đức và thích kết án người khác hơn là với những kẻ phạm nhiều lầm lỗi. Chắc hẳn Thiên Chúa cũng không ưa những kẻ hay kết án cho dù họ đời sống của họ có tốt đẹp đến đâu. Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ cho kẻ có tội nếu họ biết ăn năn hối lỗi, nhưng Ngài khó tha thứ cho những kẻ hay kết án. Ngài đã từng nói: «Anh em đừng kết án để khỏi bị kết án» (Mt 7,1). Điều đó có nghĩa: kết án người khác chính là cách chắc chắn nhất để Thiên Chúa quay ngược lại kết án chúng ta! Vậy thì ta đừng bao giờ dại dột kết án người khác.

Tôi vẫn nghĩ rằng cách tốt nhất để Thiên Chúa khỏi kết án ta là ta đừng bao giờ kết án người khác. Nếu chúng ta luôn luôn tha thứ cho người khác một cách vô điều kiện, chắc chắn Thiên Chúa cũng không thua kém lòng quảng đại của chúng ta, Ngài cũng sẽ tha thứ cho chúng ta như vậy. «Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán người khác thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong [cho người khác] bằng đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em bằng đấu ấy» (Mt 7,1-21; Mc 4,24b). Trong kinh Lạy Cha, chúng ta vẫn xin Chúa tha nợ chúng ta, giống như hay theo kiểu chúng ta tha nợ cho những kẻ có nợ với chúng ta. Ta tha thứ cho người khác kiểu nào, Thiên Chúa cũng tha thứ cho ta kiểu ấy. Ta chấp tội người khác thế nào, Thiên Chúa cũng chấp tội ta thể ấy. Vậy, một cách nào đó, chính ta quyết định việc ta có được Chúa tha thứ hay không.

5. Áp dụng vào Năm Thánh

Để áp dụng tinh thần bài Tin Mừng này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tỏ ra thông cảm với trường hợp những người Kitô hữu đã phải ly dị. Họ ly dị vì họ không thể tiếp tục sống trong một hỏa ngục của đời sống chung vợ chồng khi hai người quá khác biệt nhau về quan niệm cũng như về cách sống khiến hai người không thể hòa hợp được với nhau. Không phải mọi trường hợp ly dị đều đáng bị kết án. Do đó, cần phải có một thái độ xứng hợp và nhân bản đối với những trường hợp đáng được thông cảm.

Trong tinh thần bài Tin Mừng này, chúng ta thử đặt Chúa Giêsu vào trong những trường hợp ly dị thời nay xem: Giả như có một số vị hướng dẫn tâm linh đến gặp Chúa Giêsu và trình bày trường hợp một cặp vợ chồng đã li dị, do cuộc sống chung của họ tương tự như một hỏa ngục. Họ khác biệt nhau từ quan niệm sống cho tới tính tình, cách giải quyết vấn đề, v.v... Trước sự bất hòa trong gia đình, cả hai vợ chồng, ai cũng thấy mình hoàn toàn đúng còn người kia thì hoàn toàn sai. Không thể tiếp tục sống chung được, họ đã quyết định ly dị. Và bây giờ, cuộc sống của họ đã tương đối yên ổn. Các vị ấy hỏi Chúa Giêsu: «Lạy Chúa, theo luật Giáo Hội thì cặp vợ chồng đã ly dị này phải bị vạ tuyệt thông, bị dứt phép thông công, không được lãnh các bí tích trong Giáo Hội. Nếu phải xử lý trường hợp này thì Chúa xử lý thế nào?»

Cứ theo cách ứng xử của Ngài trong bài Tin Mừng trên, có thể Ngài sẽ không trả lời thế này hay thế kia, mà Ngài sẽ hỏi các vị một câu hỏi khác: «Hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh của hai vợ chồng ấy, ai cảm thấy mình vẫn sống được trong cái hỏa ngục ấy thì… cứ việc ra vạ tuyệt thông cho họ.»

Chúa Giêsu đã ban quyền «cầm buộc» và cả quyền «tháo cởi» cho Thánh Phêrô và những vị giáo hoàng kế nhiệm ngài (x. Mt 16,19). Nếu chúng ta đã tôn trọng những quyết định «cầm buộc» của nhiều vị giáo hoàng trước đây, tại sao nhiều người trong chúng ta lại phản đối quyết định «tháo cởi» của vị giáo hoàng đương nhiệm khi ngài tỏ ra thông cảm với trường hợp đau khổ của những cặp vợ chồng đã ly dị? Không nên thông cảm với họ chăng? Sự thông cảm ấy chẳng phải là một thể hiện của đức ái sao? Thử hỏi trong quá khứ, với việc «cầm buộc» của Giáo Hội, có bao nhiêu cặp vợ chồng ly dị đã trở lại sống chung với nhau theo ý của Giáo Hội? Hay cuối cùng họ đã chết trong tình trạng bị vạ tuyệt thông và sẽ sa hỏa ngục? Phải chăng ta sẵn sàng chấp nhận để họ sa hỏa ngục hầu luật của Giáo Hội hay luật của Chúa được tôn trọng? Thử hỏi «ngày sabát được lập ra vì con người» (Mc 2,27) hay con người được dựng nên vì ngày sabát? Hãy xét lại tâm của ta xem, ta có tâm yêu thương tha nhân không, khi mà chính ta cũng muốn Giáo Hội phải ra vạ tuyệt thông và Thiên Chúa cũng phải kết án họ?

Thiết tưởng chúng ta hãy hành động theo lương tri được hướng dẫn bởi luật mới là luật yêu thương của Chúa Giêsu: «Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em. Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em yêu thương nhau» (Ga 13,34-35). Và cũng đừng quên một lời khác của Ngài: «Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán người khác thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong [cho người khác] bằng đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em đấu ấy» (Mt 7,1-21; Mc 4,24b).

CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, con cảm thấy mình rất yếu đuối. Nhiều khi con đã phạm tội, và con đã từng phải xấu hổ vì tội của con. Nhưng lạ thay, khi thấy tha nhân chung quanh con phạm tội, nhiều khi con lại mạnh mẽ lên tiếng kết án họ. Khi con phạm tội, con muốn Cha và tha nhân thông cảm và tha thứ cho con. Nhưng khi người khác phạm tội, con lại không muốn thông cảm và tha thứ cho họ. Tại sao con lại mâu thuẫn như vậy? Con là như vậy sao? Trái tim con quả là bằng đá. Xin Cha hãy sửa dạy con. Cho con một trái tim bằng thịt thật sự, biết yêu thương, thông cảm với những yếu đuối của mọi người, và sẵn sàng tha thứ tất cả.  Amen.


Nguyễn Chính Kết