Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2015

TN-27

Chúa Nhật thứ 27 Thường Niên
(Năm B − ngày 4-10-2015)

Bấm vào đây để nghe: youtube-TN27




ĐỌC LỜI CHÚA

·    St 2,18-24: (23) Con người nói: «Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!» (24) Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, cả hai thành một xương thịt.

·    Dt 2,9-11: (10) Thiên Chúa vì muốn đưa muôn vàn con cái đến vinh quang, đã làm một việc thích đáng, là cho Đức Giêsu trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn, dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ.

·    TIN MỪNG: Mc 10,2-16

Vấn đề ly dị

 (2) Có mấy người Pharisêu đến gần Đức Giêsu và hỏi rằng: «Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không?» Họ hỏi thế là để thử Người. (3) Người đáp: «Thế ông Môsê đã truyền dạy các ông điều gì?» (4) Họ trả lời: «Ông Môsê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ». (5) Đức Giêsu nói với họ: «Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê mới viết điều răn đó cho các ông. (6) Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; (7) vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, (8) và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. (9) Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly». (10) Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy. (11) Người nói: «Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; (12) và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình».

CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:

1.   Tại sao luật Môsê lại cho phép vợ chồng ly dị (x. Mt 5,31; Đnl 24,1) còn Đức Giêsu thì không? Luật Môsê có phải là luật của Thiên Chúa không? Phải giải thích sao về sự mâu thuẫn giữa hai thứ luật đều cùng được Giáo Hội coi là luật của Thiên Chúa cả?

2.   Thiên Chúa coi hạnh phúc của con người quan trọng hơn luật của Ngài, hay ngược lại? Ngài lập luật để con người hạnh phúc, hay dựng nên con người để tuân theo luật Ngài? Luật lệ và con người, cái nào là mục đích, cái nào là phương tiện?

3.   Khi áp dụng luật Chúa cho người khác, ta nên có thái độ nào? cứng nhắc hay mềm dẻo? nên vì luật Chúa hay vì hạnh phúc con người hơn?

Suy tư gợi ý:

1.   Bối cảnh của bài Tin Mừng

Các người Pharisêu hỏi Đức Giêsu về vấn đề ly dị không phải vì họ thắc mắc cần được giải đáp, mà vì muốn gài bẫy Ngài. Nếu Ngài đồng ý với việc ly dị, thì Ngài tỏ ra cùng lập trường với người Pharisêu. Và như vậy người Pharisêu có thêm một đồng minh rất có uy tín về vấn đề này để chống lại chủ trương đối lập. Còn nếu Ngài không đồng ý, thì nhiều người trong đám đông không chấp nhận. Quan trọng hơn nữa, Ngài sẽ bị vua Hêrốt thù ghét, vì Ngài tỏ ra cùng phe với Gioan Tẩy giả, là người lên án ông về tội ngoại tình và đã bị ông giết chết (x. Mc 6,17-28). Đây cũng là điều mà bọn Pharisêu mong muốn cho Ngài. Vì thế, Ngài trả lời thế nào cũng đều có lợi cho họ.

Nhưng Đức Giêsu đã lợi dụng cái bẫy này để mặc khải cho con người nền tảng của hôn nhân theo kế hoạch ban đầu của Thiên Chúa là vợ chồng phải «nhất phu nhất phụ», đồng thời chỉ ra sự sai trái trong chủ trương của người Pharisêu. Người Pharisêu dựa vào câu Kinh Thánh sau đây để biện minh cho sự ly dị: «Nếu một người đàn ông đã lấy vợ và đã ăn ở với nàng rồi, mà sau đó nàng không đẹp lòng người ấy nữa, vì người ấy thấy nơi nàng có điều gì chướng, thì sẽ viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà» (Đnl 24,1). Đức Giêsu đã nhắc đến luật này trong Cựu Ước và đưa ra luật mới ngược lại, Ngài nói: «Luật (Môsê) dạy rằng: Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly dị. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình» (Mt 5,31-32).

2.   Bài học về tính sư phạm của Thiên Chúa

Đức Giêsu chủ trương khác với Môsê, nhưng Ngài không đả kích hay chê bai Môsê, mà cho rằng Môsê đã thích ứng với sự yếu đuối của con người: «Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê mới viết điều răn đó cho các ông» (Mc 10,5). Vì: nếu ra luật mà người ta yếu đuối quá không thể giữ được, thì lúc đó luật chỉ gây nên mặc cảm tội lỗi. Như vậy, thay vì luật nâng đỡ con người, thì lại làm cho lương tâm họ luôn cắn rứt, mà vì sự yếu đuối, họ chưa thể làm gì tốt hơn được. Những trường hợp như thế, luật trở nên gánh nặng không thể vác nổi cho con người, khiến họ thất vọng đối với sự công chính và quay về hướng tội lỗi. Vì thế, luật Môsê đã tỏ ra nhân nhượng với sự yếu đuối của con người. Về vấn đề này, thánh Phaolô viết: «Nếu không có Luật, thì tội không bị kể là tội» (Rm 5,13). Nghĩa là, theo Phaolô, một điều sai trái, nhưng chưa có luật cấm, thì người làm điều sai trái ấy chưa được kể là đã phạm tội. Ông còn xác định rõ hơn: «Tội lỗi có mạnh cũng tại có Lề Luật» (1Cr 15,56), nghĩa là càng có nhiều luật, thì sẽ càng có nhiều trường hợp vi phạm luật. Sự nhân nhượng bất đắc dĩ trong lề luật của Môsê vì sự yếu đuối của con người cũng có phần nào hợp lý, bởi luật được lập nên vì con người, chứ không ngược lại (x. Mc 2,27).

Nhưng khi con người đạt được một trình độ tâm linh cao hơn, thì Đức Giêsu đã nâng cấp lề luật lên một bậc để đưa con người lên mức độ thánh thiện và hoàn hảo cao hơn, hợp lý hơn, phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa hơn. Trong các tôn giáo cũng như Kitô giáo, luật lệ cho những người muốn trở nên hoàn hảo, cho những người ở bậc tu trì, bao giờ cũng nghiêm khắc và nhiều chi tiết hơn luật cho những người ở bậc bình thường. Chẳng hạn trong Kitô giáo và Phật giáo, người tu trì phải sống độc thân và giữ nhiều luật lệ khắt khe hơn người bình thường.

Sự nhân nhượng, sự thay đổi và nâng cấp ấy cho chúng ta thấy tính sư phạm của Thiên Chúa. Lề luật, giao ước, mặc khải hay những điều Thiên Chúa dạy dỗ con người không thể là những gì bất biến, mặc dù Thiên Chúa thì bất biến. Tất cả những luật lệ hay lời dạy dỗ ấy không phải vì Thiên Chúa nhưng vì con người, mà con người thì biến đổi, nên chúng phải thích ứng sao cho phù hợp với con người. Khi trình độ hay hoàn cảnh của con người thay đổi, thì lề luật, cũng như những mặc khải hay những điều dạy dỗ của Thiên Chúa đã có trước đó lâu năm sẽ phải thay đổi cho thích ứng với con người thời đại, nhưng đồng thời phải phù hợp với «Đạo» là nguyên lý không thay đổi của Thiên Chúa hơn.

Về lề luật, Đức Giêsu nói: «Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi» (Mt 5,17-18). «Kiện toàn luật Môsê» có nghĩa là thay đổi luật Môsê cho hoàn chỉnh hơn. Điều đó cho thấy trong câu nói này của Đức Giêsu có hai loại luật:

− Trước hết là luật bất biến, không thay đổi, ứng với câu: «trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi». Có thể nói đó là «Đạo của vũ trụ».

− Kế đến là luật có thể thay đổi ứng với câu «Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn», vì kiện toàn chính là thay đổi cho tốt đẹp và hoàn hảo hơn. Đó là loại luật áp dụng cho con người, nó cần thay đổi và sẽ phải thay đổi hoài khi trình độ và hoàn cảnh của con người thay đổi.  Phải thay đổi sao cho phù hợp với Luật không thay đổi là «Đạo của vũ trụ».

Không nên lẫn lộn giữa hai thứ luật này. Nói theo kiểu toán học thì luật cho con người tương tự như hàm số y=ax. “a” là hằng số hay Luật bất biến của Thiên Chúa. “x” là biến số hay tình trạng của con người vốn thay đổi theo thời gian. Luật cho con người tuy thay đổi nhưng không phải thay đổi sao cũng được, mà phải thay đổi sao cho phù hợp với Luật bất biến của Thiên Chúa. Đông phương ta có câu: «Dĩ bất biến, ứng vạn biến» (nghĩa là dựa vào cái bất biến để tạo nên hàng vạn cái thay đổi, sao cho phù hợp với cái bá6t biến kia).

Con người thay đổi theo thời gian. Do đó, không thể lấy lề luật cũ áp dụng cho con người mới được: lề luật cũ, mặc khải cũ, giao ước cũ phù hợp với con người cũ (thời xưa) chứ không phù hợp với con người mới (thời nay). Vì thế, cần phải có lề luật mới, mặc khải mới, giao ước mới để phù hợp với con người mới. Điều này được Đức Giêsu nói rất rõ khi các môn đệ của Gioan Tẩy giả hỏi Ngài: «Tại sao chúng tôi và các người Pharisêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay» (Mt 9,14). Đức Giêsu trả lời: « Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũcũng không đổ rượu mới vào bầu da cũrượu mới thì đổ vào bầu mới» (Mt 9,16-17).

Thánh Phaolô có nói đến sự lỗi thời của các giao ước cũ, khi đã có một giao ước mới đến thay thế: «Khi Thiên Chúa nói đến Giao Ước Mới, Người làm cho giao ước thứ nhất hoá ra giao ước cũ; và cái gì cũ kỹ, lỗi thời, thì sẽ tan biến đi» (Dt 8,13). Bất kỳ giao ước nào, lề luật nào, mặc khải nào đang hiện hành đều được tạm thời coi là tuyệt đối, bất biến, muôn đời không thay đổi. Có như thế con người mới đủ xác tín để thực hành. Nhưng khi có giao ước, lề luật, mặc khải mới, thì những thứ cũ đều bị coi là lỗi thời, không cần phải tuân theo nữa. Cụ thể là luật Môsê mà người Do Thái xưa coi là tuyệt đối và bất biến, đã trở nên lỗi thời và được thay thế bởi luật của Đức Giêsu. Và đương nhiên luật của Đức Giêsu cũng là luật cho con người chứ không phải cho Thiên Chúa.

Ta có thể lấy một vài thí dụ cho dễ hiểu. Khi con cái ta còn nhỏ, ta ra luật cấm nó không được sử dụng dao, nghịch lửa, không được tự ý ra ngoài đường có xe chạy… vì những việc làm này rất nguy hiểm cho nó. Nhưng khi nó trưởng thành, ta bãi bỏ tất cả những luật cấm đó, và nó lại phải tuân theo những luật khác phù hợp trình độ trưởng thành của nó. Khi con người thay đổi, thì tiêu chuẩn để đánh giá trị một con người cũng thay đổi. Một em bé được cho là ngoan, là tốt, nếu em biết vâng lời cha mẹ trong mọi sự, nhưng một người lớn cũng vâng lời cha mẹ trong mọi trường hợp, bất kể lệnh của cha mẹ là đúng hay sai, thì không thể được coi là một người tốt. Một thầy giáo, khi dạy tiểu học thì nói với các em học sinh không được lấy số nhỏ trừ số lớn vì điều đó là phi lý, nhưng khi dạy trung học thì cũng thầy giáo đó lại chấp nhận điều mà khi dạy tiểu học ông bảo là phi lý. Hoặc khi dạy trung học, ông không chấp nhận cho một học sinh viết một số âm trong căn hiệu bậc hai vì bình phương của một số không thể là số âm được; nhưng khi dạy đại học về số ảo, thì cũng thầy giáo đó lại coi điều ấy không có gì là phi lý cả. Sự thay đổi hay bất nhất ấy vẫn luôn luôn có tính «nhất quán».

Thế giới con người ngày nay đã thay đổi khác hẳn với thế giới cách đây 100 hay 50 năm trước. Có rất nhiều vấn nạn mới được đặt ra mà trước đây không có. Do đó, không thể «lấy vải mới mà vá áo cũ» hay «đổ rượu mới vào bầu da cũ» được. Những luật lệ phù hợp với con người cách đây 100 năm làm sao có thể phù hợp với con người thời đại được? Chúng ta cần phải nắm vững Luật Bất Biến của Thiên Chúa để thay đổi luật của con người đã thay đổi sao cho phù hợp với Luật Bất Biến ấy.

Một trong những Luật Bất Biến ấy là «Tình Yêu» hay «Đức Ái», và Thiên Chúa, Đấng Bất Biến ấy chính là «Tình Yêu». Thật vậy, Thánh Gioan xác định: «Thiên Chúa là Tình Yêu» (1Ga 4,16). Chính Thánh Phaolô cũng xác định: «Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến» (1Cr 13,13). Khi lên thiên đàng, đức tin, đức cậy không còn vì không cần thiết nữa, chỉ riêng «đức mến không bao giờ mất được» (1Cr 13,8). «Tình Yêu» là mẹ của tất cả mọi lề luật. Tất cả mọi lề luật khác đều phải phù hợp với Luật Bất Biến ấy. Thánh Phaolô còn quả quyết: «Yêu thương là chu toàn Lề Luật» (Rm 13,10), và Thánh Augustinô cũng phụ họa theo: «Cứ yêu đi rồi muốn làm gì thì làm» (Ama et fac quod vis). Chính vì thế, luân lý Công giáo chủ trương: Luật của Đức Ái là luật tối thượng: giả như có sự xung đột giữa đòi hỏi của đức bác ái với luật của Giáo Hội – hay với bất cứ thứ luật nào khác của con người: luật nhà nước, luật tổ chức… – thì người Kitô hữu buộc phải ưu tiên làm theo luật của lương tâm hay của đức ái. Giáo Hội đã lấy làm khuôn vàng thước ngọc lời của Đức Giêsu: «Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta» (Mt 7,12).

Đức Tin và Đức Ái, cũng như việc tuân giữ lề luật và việc thi hành Đức Ái, đều cần thiết cho phần rỗi, nhưng Đức Ái quan trọng hơn rất nhiều. Thánh Phaolô xác định như vậy: «Giả như tôi... có được đức tin mạnh mẽ đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì» (1Cr 13,2). Khá nhiều nhà giáo dục Kitô giáo quá chú trọng tới đức tin hay sự thống nhất của đức tin, mà không nhấn mạnh đủ tới Đức Ái, hoặc quá chú trọng tới việc phải thi hành nghiêm túc những «luật lệ con», mà không giúp người ta ý thức việc phải ưu tiên tôn trọng và thực thi «Luật Mẹ» hay «Đức Ái», là Luật đẻ ra tất cả những «luật lệ con» kia, thì cũng là một hình thức «lạc đạo». Trong hiến pháp (tức luật mẹ) của các quốc gia thường có lời đại ý như sau: Điều nào trong luật pháp (tức luật con) mà đi ngược lại hiến pháp thì điều luật đó không có giá trị buộc phải tuân hành. Như vậy, tất cả những trường hợp thi hành một điều luật nào trong luật pháp mà trái với tinh thần của hiến pháp, thì không buộc phải giữ điều luật đó.

Về vấn đề mọi luật lệ phải thay đổi sao cho phù hợp với Luật Bất Biến, Lão Tử viết: «Phục mệnh viết thường. Tri thường viết minh, bất tri thường, vọng tác hung. Tri thường dung» (Đạo Đức Kinh, chương 16). Nguyễn Hiến Lê dịch là: «Trở về mệnh là luật bất biến của vật. Biết luật bất biến thì sáng suốt, không biết luật bất biến thì vọng động, thì gây hoạ. Biết luật bất biến đó thì bao dung» (Nguyễn Hiến Lê, Lão Tử Đạo Đức Kinh, www.thienquan.net). Có nắm được cái luật bất biến ấy thì mới có thể thay đổi lề luật phù hợp với luật bất biến ấy được.

Trình độ của con người đã thay đổi, môi trường và hoàn cảnh sống của con người cũng đã thay đổi, vậy thì luật Chúa cho con người cũng cần thay đổi. Vậy, ai có quyền quyết đoán sự thay đổi này? Đức Giêsu đã trao hai thứ quyền «cầm buộc» và «tháo cởi» cho Phêrô và những người kế vị ông (x. Mt 16,19). Vậy thì người có quyền và có trách nhiệm quyết đoán về luật Chúa trong thời đại này chính là người kế vị thánh Phêrô của thời đại. Ta thấy Đức Giáo Hoàng Phanxicô I hiện nay đã có một số tư tưởng mới, và vạch ra một hướng đi mới phù hợp với con người thời đại. Để tránh những phản ứng tiêu cực của những người bảo thủ, ngài phải dè dặt và không được vội vã khi đưa ra những điều mới mẻ.

Ngày xưa, chính Đức Giêsu đã bị những người Pharisêu chụp mũ Ngài là người của ma quỷ, cho rằng Ngài «dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ» (Mt 9,34). Vì thế chúng ta cũng đừng lấy làm lạ khi thấy có những nhân vật bảo thủ trong Giáo Hội chụp mũ tương tự như thế cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô khi ngài đưa ra những tư tưởng mới, cách ứng xử mới phù hợp với tình trạng của con người thời đại. Các tông đồ ngày xưa đã tuyên bố bãi bỏ luật cắt bì và nhiều luật khác của Môsê (x. Cv 15,19-20.28-29) hầu phù hợp với những người dân ngoại tin theo Chúa Giêsu, bất chấp những người Pharisêu bảo thủ cho rằng những luật ấy không thể thay đổi nên phải đòi buộc mọi người tuân giữ (x. Cv 15,5). Nếu ngày xưa, Thánh Thần đã soi sáng cho các tông đồ thay đổi lề luật cũ cho phù hợp với dân ngoại tin theo Chúa Giêsu, thì ngày nay, Thánh Thần cũng có thể soi sáng cho vị cầm đầu và hướng dẫn Giáo Hội thay đổi lề luật để phù hợp với những nhu cầu mới của con người thời đại. Thiết tưởng chúng ta không nên cản trở Thánh Thần.

3.   Hãy «vì con người, chứ không phải vì lề luật»

Trở lại với bài Tin Mừng, Đức Giêsu đã cho thấy kế hoạch nguyên thủy của Thiên Chúa là: «Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly» (Mc 10,6-9). Đấy là nguyên lý của Thiên Chúa cho hạnh phúc con người, ai sống theo như vậy thì sẽ được hạnh phúc. Thật vậy, trong đời sống vợ chồng, tình yêu và sự hòa hợp là hai yếu tố quan trọng để đời sống hôn nhân được hạnh phúc. Tình yêu cũng là một yếu tố thuận lợi cho sự hòa hợp, và ngược lại. Tuy nhiên, thiếu một trong hai thì đời sống hôn nhân không thể hạnh phúc.

Dẫu vậy, tình yêu là yếu tố quan trọng nhất. Nhưng chỉ có tình yêu đích thực mới đem lại hạnh phúc, mà tình yêu chân thực tất yếu phải là tình yêu duy nhất và chung thủy. Một nhà tâm lý nói: «Đã yêu rồi, lại còn yêu người khác nữa, thì không phải là tình yêu chân thật. Đã yêu, nhưng sau đó lại không yêu nữa, cũng không phải là tình yêu chân thật». Vì thế, hôn nhân Kitô giáo đòi hỏi hai phối ngẫu một tình yêu đích thực, nghĩa là tình yêu duy nhất và trọn đời. Điều đó thật hợp lý và phù hợp với thánh ý của Thiên Chúa. Và Giáo Hội không chấp nhận ly dị là điều hợp lý.

Tuy nhiên, việc áp dụng luật của Thiên Chúa cũng như luật Giáo Hội thiết tưởng không nên cứng ngắc. Bài Tin Mừng hôm nay cho ta thấy: chính Thiên Chúa – qua luật Môsê – cũng đã nhân nhượng sự yếu đuối của con người. Từ nguyên thủy, Thiên Chúa chỉ dựng nên có một người nam và một người nữ, nghĩa là ngay từ đầu, trong kế hoạch của Thiên Chúa, đã có luật «nhất phu nhất phụ» rồi. Nhưng trong luật Môsê, Thiên Chúa đã tạm thời chấp nhận việc ly dị, chỉ vì tâm linh của con người còn quá thấp kém, không thể giữ nổi: «Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê mới viết điều răn đó cho các ông» (Mc 10,5).

Như thế ta thấy mặc dù Thiên Chúa là Thiên Chúa, nhưng Ngài cũng rất là nhân bản, Ngài thông cảm với những yếu đuối của con người, và Ngài đã tỏ ra chú trọng đến hạnh phúc của con người nhiều hơn cả việc đòi hỏi con người phải theo đúng kế hoạch của Ngài. Ngài đặt nặng hạnh phúc của con người hơn cả lề luật của Ngài: bởi lề luật được lập nên vì con người, chứ không phải con người được dựng nên vì lề luật (x. Mc 2,27). Lề luật dù có thánh thiêng tới đâu cũng là vì con người, nhằm phục vụ cho lợi ích hay hạnh phúc của con người, chứ không ngược lại. Lề luật là phương tiện, nhưng con người mới là mục đích. Con người thánh thiêng hơn các lề luật rất nhiều, cho dù lề luật có do chính Thiên Chúa lập nên đi nữa, vì «con người là hình ảnh của Thiên Chúa» (St 1,26.27; 9,6), chứ lề luật không phải là hình ảnh của Ngài, dù là luật do chính Ngài thiết lập. Tuy nhiên, luật được lập ra vì hạnh phúc con người, nên con người muốn hạnh phúc, thì cần tuân theo lề luật.

Nhưng mọi luật đều có thể có luật trừ, vì có một số trường hợp đặc biệt, khi việc tuân giữ luật lại trở nên đi ngược lại với mục đích của lề luật, ngược lại với lương tâm, với đức ái, hoặc với hiến pháp hay với luật lớn hơn, thì chỉ trong những trường hợp đó, lương tri cho phép đương sự không phải thi hành điều luật ấy.

Tôi xin đan cử một vài thí dụ để mọi người dễ hiểu. Chẳng hạn một người cha, trước khi ra khỏi nhà, ra lệnh cho đứa con: phải ngồi trong phòng học bài, tuyệt đối không được ra khỏi cửa cho đến khi cha mẹ về. Khi ra lệnh như vậy, ông không nghĩ tới những trường hợp đặc biệt có thể xảy ra. Và chuyện bất ngờ là người hàng xóm rất thân với gia đình gõ cửa, yêu cầu đứa trẻ giúp họ một chuyện khẩn cấp. Trường hợp đặc biệt này, nếu đứa trẻ không ra giúp người hàng xóm chỉ vì vâng lệnh của cha mẹ, thì chắc hẳn khi cha mẹ nó về sẽ rất lấy làm tiếc vì đứa trẻ đã vâng lời cha mẹ một cách nô lệ, thiếu khôn ngoan. Và sự vâng lời của đứa trẻ trong riêng trường hợp này là điều mà cha mẹ nó không muốn.

Một thí dụ khác: Luật Chúa là không được giết người. Nhưng khi thấy một tên khủng bố đang chuẩn bị ném bom vào một chỗ đông người, nếu có thể giết được tên đó mà vì luật không được giết người, khiến tên ấy đã sát hại cả hàng trăm người, thì kẻ giữ luật một cách nô lệ ấy đã hành động trái với mục đích của lề luật là tình thương. Chúa muốn mọi người yêu thương nhau để con người sống hạnh phúc, xã hội có trật tự và bình an, nên ra luật không được giết người. Nhưng trường hợp cá biệt này, chính việc không giết tên khủng bố ấy lại là gián tiếp giết chết hàng trăm người vô tội.

Trong cái thế giới đầy tính tương đối này, mọi luật nêu ra bình thường đều có luật trừ, dù là những định luật của khoa học, huống gì những định luật trong phạm vi ngôn ngữ, văn hóa, xã hội... Chẳng hạn, khi phát biểu “mọi vật nếu thả tự do đều phải rơi xuống đất”. Phát biểu này thường đúng trong hầu hết mọi trường hợp, nhưng không đúng trong trường hợp những quả bóng bay, những khinh khí cầu, những vệ tinh bay vòng quanh trái đất, v.v...

Luân lý Kitô giáo gọi những trường hợp này là «epikeia». Dân gian nước ta cũng có câu: «Chấp kinh thì phải tòng quyền». «Chấp kinh» là tuân theo luật, theo lẽ thường của xã hội. Còn «tòng quyền» là biết biến báo trong hoàn cảnh đặc biệt để chu toàn được mục đích của luật lệ hay lẽ thường. «Chấp kinh» thì dễ, nhưng «tòng quyền» (tức «epikeia») thì không phải ai cũng có thể xét đoán được. Ta nên hỏi ý kiến những người đạo đức, biết phán đoán theo lương tri.

Chúa Giêsu đã trao quyền xét đoán này cho những người đại diện Ngài ở trần gian khi Ngài nói với Phêrô: «Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy» (Mt 16,19). Như vậy Ngài cho các vị đại diện Ngài hai quyền: quyền cầm buộcquyền tháo cởi. Nhưng dường như có những vị đại diện Ngài chỉ biết thi hành có một quyền duy nhất là quyền cầm buộc, vì nghĩ rằng cứ cầm buộc theo luật là chắc ăn, là mình yên lương tâm hơn, mà không hề nghĩ tới cái thế kẹt của người khác. Việc cầm buộc một cách thiếu lương tri là một hành vi lỗi bác ái.

Vì thế, các mục tử, khi áp dụng luật Chúa cho giáo dân của mình, thiết tưởng cũng phải biết sử dụng một cách có trách nhiệm cả hai quyền mà Chúa trao. Nếu chỉ chuyên «cầm buộc» mà không biết «tháo cởi», thì tội nghiệp cho «con chiên» của mình! Xin hãy cân nhắc một cách sáng suốt giữa hai sức nặng cần phải tôn trọng: hạnh phúc của con người và luật của Thiên Chúa. Có những trường hợp đặc biệt phải hy sinh luật Chúa cho hạnh phúc của con người! Chẳng hạn Đức Giêsu đã không giữ luật Sabat khi chữa bệnh vào ngày đó cho những người cần được chữa (x. Mt 12,9-14; Lc 13,10-17; 14,1-6; Ga 5,1-18; 9,13-14). Đó cũng là sự mềm dẻo trong việc áp dụng luật cho người khác, một đặc tính phải có của tình thương. Thiên Chúa còn mềm dẻo và nhân nhượng trong việc áp dụng luật đối với con người, tại sao con người lại quá hà khắc với nhau?

Trước khi kết thúc, tôi xin kể một câu chuyện vì việc áp dụng luật Chúa một cách máy móc, phi nhân bản. Tôi có một người bà con ở ngoài Bắc tên T. lập gia đình lúc 18 tuổi vào năm 1953. Vừa lấy vợ và sinh được một đứa con trai thì được tin có cuộc di cư vào Nam để tị nạn cộng sản. Ông T. liền đưa vợ con đến Hải Phòng để chuẩn bị lên tàu vào Nam, bất chấp sự phản đối của cha mẹ ông. Vì nhà giàu có nên cha mẹ ông muốn giữ ông ở lại để cai quản tài sản, bèn lập mưu nhắn vợ ông về để đưa cho ông một số tiền lớn hầu hộ thân. Ông bèn cho vợ bồng con về. Nhưng cha mẹ ông đã giữ vợ ông lại không cho vào Nam, hy vọng ông sẽ phải về nhà với vợ. Vì quá biết sự tàn ác của cộng sản, nên ông quyết tâm vào Nam, hy vọng một vài năm sau sẽ đoàn tụ lại được. Nhưng không ngờ sự việc không xảy ra như thế, vì mãi đến 21 năm sau, tức năm 1975 hai miền Bắc Nam mới giao thương lại.

Với tuổi chưa đầy 20 khi xa cách nhau, nên cả hai vợ chồng ông T. không chờ được nhau, vì thế khoảng 10 năm sau, người vợ ở ngoài Bắc và người chồng ở trong Nam đều lập gia đình, và cả hai đều có hai ba đứa con còn là vị thành niên. Sau 1975, ông T. được một vài linh mục tư vấn buộc lương tâm ông phải từ bỏ người vợ ở trong Nam (vì là vợ bất hợp pháp theo luật Giáo Hội) để về kết hợp với người vợ ở ngoài Bắc (là người vợ đã có phép hôn phối). Bà vợ ngoài Bắc cũng được một vài linh mục buộc phải bỏ người chồng đã sống hòa thuận với mình hàng chục năm để trở về với chồng cũ là người mới sống với mình được hơn một năm nhưng cách đây 20 năm. Ông T. bèn đem đưa con lớn nhất trong Nam về Bắc để kết hợp với vợ cũ. Và người vợ cũ bèn cùng với 2 đứa con còn nhỏ về sống với ông T. Sự chia tay của cả hai người với gia đình hiện tại lúc đó thật đau đớn, nhất là người vợ của ông T. ở trong Nam từ nay phải một mình lo cho các con còn quá nhỏ, nhưng vì luật Chúa mà ông T. đành chấp nhận. Nhưng sự việc không đơn giản: do xa cách nhau quá lâu lại sống trong hai xã hội rất khác biệt nhau, nên tâm tính hai vợ chồng không hòa hợp được với nhau, cuộc sống chung trở nên rất nặng nề, đau khổ, nhưng đành cắn răng chịu đựng vì luật Chúa buộc.

Với lương tri của tôi, tôi cảm thấy việc áp dụng luật Chúa một cách máy móc như thế là không đúng với mục đích hay tinh thần của lề luật. Các vị linh mục liên quan đến trường hợp này đã quan niệm luật Chúa cho con người như một hằng số (y=a chứ không phải y=ax), nên con người chỉ có thể «chấp kinh» chứ không thể «tòng quyền» được! Tôi cảm thấy thật tội nghiệp cho những nạn nhân của tinh thần vị luật này!


CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng con người thánh thiêng hơn lề luật, và lề luật được lập nên vì hạnh phúc của con người. Lề luật chỉ là phương tiện, con người mới là mục đích. Xin đừng để con quá «vị luật» đến nỗi lúc nào cũng sẵn sàng hy sinh con người cho việc áp dụng lề luật. Xin cho con biết nhân ái và bao dung khi áp dụng luật Chúa cho tha nhân.     

 (Nguyễn Chính Kết)



Bấm vào đây để nghe: youtube-TN27

Không có nhận xét nào: