Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2015

Vong-01-C


HIỂU & SỐNG TIN MỪNG


Chúa Nhật thứ I Mùa Vọng
(Năm B − ngày 15-11-2015)




ĐỌC LỜI CHÚA




TIN MỪNG: Mc 13,33-37


Phải tỉnh thức và sẵn sàng 

(33) Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ: «Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến. (34) Cũng như người kia trẩy phương xa, để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức. (35) Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. (36) Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ. (37) Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: phải canh thức!» 


CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:

1. Nếu biết trong tuần tới kẻ trộm sẽ đến nhà bạn, không biết vào lúc nào, ngày hay đêm, bạn có làm gì khác lạ hơn bình thường không? Tại sao?

2. Tỉnh thức nghĩa là là gì? Cho một vài thí dụ khác nhau về tỉnh thức.

3. Để tỉnh thức theo tinh thần bài Tin Mừng hôm nay, một cách cụ thể thì phải làm những gì?


Suy tư gợi ý:


1. Nếu tôi biết tuần này kẻ trộm sẽ đến nhà tôi, thì…

Chúng ta thử xét một cách thật nghiêm túc xem: phản ứng, tư tưởng và thái độ của ta sẽ thế nào khi được báo tin chắc chắn rằng một bọn trộm cướp đã dự định đến «thăm» nhà ta tuần này. Được tin ấy, thử hỏi ban đêm ta còn ngủ yên như mọi khi được không? Nếu ta đoán kẻ trộm cũng có thể đến cả vào ban ngày nữa, thì ta có đề phòng cả ban ngày không? Ta có dám bỏ nhà đi đâu xa vào những ngày này, và giao phó nhà cửa cho đám con cái còn bé nhỏ chưa kinh nghiệm không? – Nếu đoán biết kẻ trộm sẽ đến, chắc chắn ta sẽ gia tăng đề phòng, không để cho chúng lấy đi của ta bất kỳ đồ vật gì. Muốn đề phòng hữu hiệu, ta phải canh thức liên tục, không ngừng nghỉ. Ngừng đề phòng lúc nào là kẻ trộm có thể đến lúc ấy, nhất là vào những lúc chúng biết ta mệt mỏi, lơ là. Nếu đề phòng liên tục, chắc chắn kẻ trộm sẽ thất bại.

Chỉ vì sợ mất của cải vật chất chóng qua mà ta đã lo canh phòng như vậy, lẽ nào mạng sống tâm linh của ta, của cải tâm linh của ta, là cái quí hơn hàng trăm ngàn lần, ta lại không lo lắng canh giữ? 



2. Cách sống hiện tại quyết định số phận vĩnh cửu

Số phận vĩnh cửu của ta tùy thuộc cách sống hiện tại của ta. Cuộc sống hiện tại trong thời gian là mầm nảy sinh cuộc sống vĩnh cửu mai sau. Mầm tốt sẽ trở thành cây tốt, mầm xấu sẽ trở thành cây xấu (x. Mt 7,17-18). Do đó, cách ta sống, và quan trọng hơn nữa là «cái tâm», hay «tấm lòng» mà ta hình thành hay luyện tập được trong cuộc sống hiện tại, sẽ quyết định tương lai vĩnh cửu của ta.

Cuộc sống vĩnh cửu đã bắt đầu ngay trong cuộc sống hiện tại, và định hình vĩnh viễn ngay khi ta chấm dứt cuộc sống tạm bợ này, nghĩa là ngay khi ta chết. Nhưng ta chết lúc nào? Không ai biết được! Những người chết trong hai tòa nhà cao tầng ở New York ngày 11-9-2001, hay những nạn nhân cuộc khủng bố của ISIS tại Paris ngày 13/11/2015 vừa qua, không ai ngờ trước được rằng hôm ấy là ngày tận số cuộc đời mình. Không ngờ được vì thấy rằng còn gì bảo đảm an toàn hơn khi ở trong những tòa nhà kiên cố ấy, hoặc có cả một mạng lưới an ninh bảo vệ? Thế mới biết tai họa hay cái chết có thể đến bất kỳ lúc nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ở bất kỳ nơi nào. Đối với cái chết, chẳng lúc nào, chẳng nơi nào, chẳng tình trạng sức khỏe nào là an toàn cả! Thật đúng như thánh Phaolô nói: «Khi người ta nói: “Bình an biết bao, yên ổn biết bao!” thì lúc ấy tai họa sẽ thình lình ập xuống» (1Tx 5,3). Cái chết đến quả thật như kẻ trộm! không thể biết trước hay đoán trước được lúc nào, cách nào, và thế nào! Tuy nhiên, chết lúc nào, cách nào không phải là chuyện quan trọng. Vấn đề hết sức quan trọng chính là: số phận đời sau của mình thế nào? 

Số phận của chúng ta đời sau chính là kết quả của cách sống đời này. Nếu đời này chúng ta sống vị tha, yêu thương mọi người đúng theo bản chất của mình là «hình ảnh của Thiên Chúa» cũng là «con cái Thiên Chúa», thì đời sau chúng ta sẽ được sống trong một môi trường đầy yêu thương, được gần gũi với chính Thiên Chúa của Tình Thương. Trái lại, nếu đời này ta sống ích kỷ, ít tình thương, không tình nghĩa, thường lãnh đạm, nhạt nhẽo, ganh ghét, hận thù… với tha nhân, thì đời sau chúng ta sẽ phải sống trong một môi trường không có tình thương, đầy hận thù và xa cách Thiên Chúa. Điều đó xảy ra không khác gì một quy luật, luật nhân quả: «Cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu» (Mt 7,17). Tương tự như một người luôn yêu thương và vui vẻ với mọi người, dễ dàng hy sinh, sẵn sàng chịu thiệt thòi cho người khác, thì tự nhiên người ấy tạo ra chung quanh mình một bầu khí vui tươi, thoải mái, yêu thương, và những ai ở gần người ấy đều tự nhiên cảm thấy hạnh phúc và quí mến người ấy. Trái lại, một người ích kỷ chỉ nghĩ tới mình, chẳng biết yêu thương hay hy sinh cho ai, chỉ mong người khác hy sinh, chịu thiệt cho mình, tự nhiên người ấy sẽ tạo ra chung quanh mình một bầu khí ảm đạm, căng thẳng, buồn tẻ, và chẳng mấy ai cảm thấy hứng thú gì khi ở với người ấy. 


3. Điều quan trọng là «luyện cái tâm» 

Khi phán xét, Thiên Chúa sẽ căn cứ chủ yếu vào «cái tâm» của ta nhiều hơn là vào chính những hành động tốt hay xấu mà ta thực hiện được. Vì trong đời sống con người, có rất nhiều hành động tốt nhưng lại xuất phát từ một «cái tâm» xấu: chẳng hạn như những hành động giả nhân giả nghĩa, những hành động tốt chỉ để tạo uy tín, để lấy điểm trước con mắt người đời, những đóng góp rất nhiều tiền cho người nghèo nhưng không phải vì thương người nghèo mà để được khen là một người hảo tâm, tương tự như những hành động yêu thương của một chàng sở khanh chỉ nhằm chiếm đoạt được người đẹp để rồi phản bội… 

Đức Giêsu khuyên «khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm» (Mt 6,3), «khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại» (6,6), vì những hành động tốt được làm «cốt để người ta khen» (6,2), «cốt cho người ta thấy» (6,5) thì không xuất phát từ «cái tâm» tốt, và «đã được thưởng công rồi» (6,2b). Thánh Phaolô cũng xác định những hành động tốt nhưng không xuất phát từ «cái tâm» yêu thương thì chẳng có giá trị gì trước mặt Thiên Chúa (x. 1Cr 13,3); và ngay cả đức tin hết sức mạnh mẽ, hoặc hiểu biết thật sâu sắc về Thiên Chúa mà không có «cái tâm» yêu thương thì cũng trở thành vô ích (x. 1Cr 13,2). 

Vì thế, đừng tưởng mình sẽ được Thiên Chúa ân thưởng vì có đạo gốc, có đức tin thật mạnh mẽ, hoặc hiểu biết Thiên Chúa hơn tất cả mọi người, hoặc có vô số những hành động tốt, mà không có «cái tâm» yêu thương cho tốt. Chính Đức Giêsu đã tiết lộ rằng: «Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: “Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?” Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!» (Mt 7,22-23). Thật vậy, nếu không chịu từ bỏ cái tâm đố kỵ, ghen ghét, hận thù, ích kỷ, sẵn sàng hại người, dễ dàng đối xử bất công với tha nhân, v.v... thì những hành động dù có tốt đến đâu mà xuất phát từ cái tâm khó ưa ấy, sẽ chẳng được coi là những hành động tốt thật sự. Với cái tâm khó ưa ấy thì khó mà vào được Thiên Đàng, nơi chỉ dành cho những người có «cái tâm» yêu thương. Những người còn cái tâm xấu mà vào được Thiên đàng thì họ sẽ biến Thiên đàng thành một nơi vẫn còn đau khổ. Họ còn phải vào «luyện ngục» để «luyện cái tâm» cho tới khi thành «cái tâm» tốt, tràn đầy yêu thương để xứng đáng và phù hợp với bản chất của Thiên đàng.



4. «Ngày của Chúa» 

Đối với mỗi cá nhân, «Ngày của Chúa» – hay ngày Chúa đến – chính là ngày ta chấm dứt cuộc đời trần thế để đến trình diện trước mặt Chúa hầu được quyết định về số phận vĩnh cửu của mình. Đối với toàn thế giới, «Ngày của Chúa» chính là ngày tận thế, ngày mà tất cả mọi người đã từng sống trên trần gian đều phải trình diện trước mặt Chúa. Ngài sẽ phán xét Giáo Hội cũng như tất cả mọi thể chế trần gian, mọi tôn giáo, mọi chủ nghĩa, mọi ý thức hệ, mọi nền văn hóa, mọi chế độ, mọi quốc gia, mọi tầng lớp, mọi giai cấp, mọi tập thể… Lúc đó mọi dân mọi nước, mọi tôn giáo, mọi nền văn hóa sẽ biết rõ ràng và dứt khoát đâu là đúng đâu là sai. Lúc đó, tất cả mọi bí mật trên thế giới, trong tất cả mọi lãnh vực, đều được tỏ lộ, phanh phui cho tất cả mọi người thấy, không một che dấu nào mà không bị hiển lộ… Trước mọi sự được tỏ bày, ai nấy đều tự mình biết mình là công chính hay tội lỗi, và công chính hay tội lỗi ở mức độ nào. Mọi người sẽ tâm phục khẩu phục khi thấy số phận của mình, của mọi người và từng người được ấn định một cách hết sức công bằng, hợp lý và quang minh.


Ngày ấy sẽ là ngày vui mừng, vinh quang cho những người thật sự công chính, vì họ sẽ được giải oan, được mọi người nhìn nhận sự trong sạch, ngay thẳng, và biết được tất cả những gì tốt đẹp của mình, đồng thời được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu. Nhưng ngày ấy sẽ là ngày u buồn, nhục nhã, xấu hổ cho những người giả công chính, giả đạo đức, những kẻ gian ác, vì mọi giả dối, xấu xa, gian ác của họ, dù được giấu diếm kỹ càng đến đâu cũng đều bị lột trần, phanh phui trước mọi người, và số phận của họ sẽ là đau khổ muôn đời.



5. Thái độ tỉnh thức và sẵn sàng

Ngày của Chúa đến như kẻ trộm, không ai biết trước được, và là ngày qui định dứt khoát số phận đời đời của ta. Vì thế, thái độ khôn ngoan nhất của ta là luôn luôn tỉnh thức, lúc nào cũng ở trong tư thế sẵn sàng, để ngày ấy dù có bất ngờ tới đâu, cũng là ngày đem lại vinh quang và hạnh phúc vĩnh cửu cho ta. Như vậy, thái độ tỉnh thức là thái độ nào?

Tỉnh thức trái với ngủ quên, trái với tình trạng mê mải, bị thu hút bởi một sự việc gì, khiến ta quên mất điều ta phải nhớ, phải canh chừng. Một minh họa cụ thể: Nhiều khi người nhà tôi bận việc, yêu cầu tôi canh chừng ấm nước sôi. Tôi nhận lời với tất cả ý thức. Nhưng chờ lâu quá, để tiết kiệm thì giờ, tôi lại tiếp tục viết bài. Tới lúc chợt nhớ tới ấm nước thì đã quá muộn, ấm đã cạn sạch nước. Chậm một chút nữa là ấm sẽ bị cháy! Công việc đã thu hút tôi đến mức làm tôi quên canh chừng!

Tỉnh thức theo nghĩa của bài Tin Mừng hôm nay là luôn luôn ý thức được mục đích cuộc đời mình là sống xứng với phẩm giá cao cả của mình là hình ảnh và là con cái Thiên Chúa, nhờ đó đạt hạnh phúc vĩnh cửu. Điều đó đòi hỏi tôi phải sống phù hợp với tinh thần Tin Mừng là có được «cái tâm yêu thương», cụ thể nhất là yêu thương những người gần mình nhất. Điều ta cần quan tâm không chỉ là tránh gây nên những bất lợi cho tha nhân, mà còn là làm những gì họ cần ta làm cho họ. Trong đoạn Tin Mừng về ngày phán xét cuối cùng (Mt 25,31-46), ta thấy Thiên Chúa đặc biệt phán xét về những thiếu sót, những điều mà ta không làm cho tha nhân khi họ cần ta làm. Ta thường tưởng rằng mình không làm điều gì bất lợi cho tha nhân thì có nghĩa là mình vô tội, mình công chính. Nhưng thực ra khi mình không làm những việc mình phải làm hoặc có thể làm cho tha nhân, thì mình đã trở thành kẻ có tội và đáng bị kết án rồi. Cụ thể như khi đứng trước một bất công, giả như tôi lên tiếng thì bất công ấy đã không xảy ra, hoặc sự công bằng đã được trả lại cho người bị bất công, nhưng tôi đã không lên tiếng chỉ vì một sợ hãi mơ hồ nào đó. Điều đó chứng tỏ rằng tôi không có đủ tình thương. Chính những tội về thiếu sót ấy làm tôi không xứng đáng với hạnh phúc vĩnh cửu.

Chúng ta có thể trở nên «mê ngủ», mất tỉnh thức khi ta bị thu hút bởi danh, lợi, quyền, thú vui trần tục. Nhiều người mê mải tìm kiếm tiền bạc, quyền lực… đến nỗi chẳng những quên đi bổn phận mình phải làm cho tha nhân (đói cho ăn, khát cho uống, lên tiếng trước bất công…), mà còn sẵn sàng làm những điều bất lợi cho tha nhân nữa (vu khống, gây bất công, thù oán, giết người…) Bất kỳ điều gì có thể làm chúng ta say mê trong cuộc đời, thậm chí là những điều tốt (công việc, chuyện làm ăn, sở thích…), cũng có thể làm ta mất tỉnh thức. Ngay cả việc thờ phượng Chúa (dâng lễ, đọc kinh, cầu nguyện…) cũng có thể ru ngủ ta, làm ta quên cả bổn phận mình phải làm cho tha nhân. Thờ phượng Chúa kiểu này chắc chắn không phải là kiểu đẹp lòng Thiên Chúa, Ngài rất nhờm tởm kiểu thờ phượng này (x. Is 1,11-19). Đáng lẽ việc thờ phượng Thiên Chúa đích thực phải giúp ta ý thức đến bổn phận của ta đối với tha nhân một cách hữu hiệu. Vậy, một cách cụ thể, tỉnh thức chính là luôn luôn ý thức, quan tâm làm những việc mình phải làm hoặc có thể làm cho tha nhân.


CẦU NGUYỆN


Lạy Cha, thì ra có rất nhiều điều có thể làm con mê ngủ, không tỉnh thức. Điều làm con rất ngạc nhiên là ngay cả những đam mê tốt lành như đam mê đi lễ, đam mê cầu nguyện, đam mê làm tông đồ, đam mê làm ăn… có thể làm con quên đi bổn phận mà con phải làm đối với những người chung quanh con: cha mẹ, anh chị em, vợ con, bạn bè, hàng xóm… Con có bổn phận rất quan trọng là phải làm cho họ nên tốt lành và được hạnh phúc. Xin Cha đừng để những đam mê tốt lành ấy làm con mất tỉnh thức.


(Nguyễn Chính Kết)

Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2015

TN-33B


HIỂU & SỐNG TIN MỪNG


Chúa Nhật thứ 33 Thường Niên
(Năm B − ngày 15-11-2015)




ĐỌC LỜI CHÚA

Đn 12,1-3: (2) Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ trỗi dậy : người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời. (3) Các hiền sĩ sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ, những ai làm cho người người nên công chính, sẽ chiếu sáng muôn đời như những vì sao.

Dt 10,11-14.18: (16) Đây là giao ước Ta sẽ lập với chúng sau những ngày đó, thì Đức Chúa phán : Ta sẽ ghi vào tâm khảm chúng, sẽ khắc vào lòng trí chúng lề luật của Ta. (17) Ta sẽ không còn nhớ đến lỗi lầm và việc gian ác của chúng nữa.

TIN MỪNG: Mc 13,24-32


Con Người quang lâm

(24) «Nhưng trong những ngày đó, sau cơn gian nan ấy, thì mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, (25) các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển. (26) Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. (27) Lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời.


Dụ ngôn cây vả

 (28) «Anh em cứ lấy thí dụ cây vả mà học hỏi. Khi cành nó xanh tươi và đâm chồi nảy lộc, thì anh em biết là mùa hè đã đến gần. (29) Cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, anh em hãy biết là Con Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi. (30) Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. (31) Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu. (32) «Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi.


CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:

1. Chết có phải là điều chắc chắn nhất sẽ xảy ra cho ta không? Chết là gì, có phải là chấm hết hoàn toàn không? Nếu không thì có gì đáng ta lo ngại?

2. Đời ta chắc chắn có ngày tận cùng. Còn đời sống của thế giới thì sao? Có tận cùng không? Có những dấu hiệu nào báo trước ngày tận cùng đó?

3. Thiên Chúa có thường xuyên nhắc nhở để ta ý thức và chuẩn bị cho cái chết của mình không? Ngài nhắc nhở ta thế nào? bằng những dấu hiệu nào?

4. Cách tốt nhất để chuẩn bị ngày ta ra trước tòa Chúa là gì?


Suy tư gợi ý:

1. Một chân lý chắc chắn nhất trong cuộc đời: ta sẽ chết

Có một điều mà ta có thể quả quyết chắc chắn hơn tất cả mọi điều, đó là sẽ có ngày ta phải chết, phải từ giã cõi đời, lìa bỏ mọi người kể cả những người thân yêu nhất mà ta không bao giờ muốn rời xa. Đây là một chân lý mà ta vẫn thường xuyên chứng nghiệm mỗi khi gặp đám ma hay dự lễ an táng của một ai đó. Đó là một chân lý chắc chắn nhất trên đời, nhưng nhiều khi ta sống như thể không hề có chân lý ấy, như thể chúng ta sẽ không bao giờ chết, mà cứ sống mãi sống hoài cùng với trời đất. Mỗi lần thấy có ai qua đời, thiết tưởng ta nên nghĩ rằng một ngày nào đó sẽ tới phiên chúng ta. Và ngày ấy không ai có thể xác định được: có thể là 30 hay 40 năm nữa, nhưng cũng có thể là 10, hay 5, hay chỉ 1 năm nữa, và cũng rất có thể là tháng sau, tuần sau, ngày mai, hay chút xíu nữa. Nhiều người đã chết bất đắc kỳ tử, những người này thường không ngờ được mình lại chết sớm và nhanh như vậy! Còn ta, ta không thể quả quyết rằng mình không thuộc số những người này! Và ngày ta chết chính là ngày “tận thế” của riêng ta!

Nếu cá nhân mỗi người đều có ngày cùng tận, thì toàn thế giới hay toàn nhân loại này cũng có ngày cùng tận của nó. Và đó cũng là một chân lý chắc chắn không kém gì sự chết cá nhân. Vì trong thế giới hiện tượng, cái gì có sinh thì cũng có diệt theo định luật «thành, trụ, hoại, không». Và bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhở ta về chân lý bất di dịch này, đồng thời cho ta biết những dấu hiệu báo trước ngày tận diệt ấy.

2. Những dấu hiệu báo trước

a) Ngày tận cùng của cá nhân

Theo niềm tin Kitô giáo, chết là bắt đầu một đời sống khác, và đời sống mai hậu ấy là một đời sống vĩnh cửu. Điều hết sức nghiêm trọng là đời sống mai hậu ấy nếu hạnh phúc thì là hạnh phúc vĩnh cửu, và nếu đau khổ thì cũng là đau khổ vĩnh cửu. Mà hạnh phúc hay đau khổ trong đời sống ấy hoàn toàn tùy thuộc vào cách ta sống, cách ta tin, cách ta hành xử trong đời sống hiện tại. Vì thế, cách ta sống trong đời sống hiện tại này thật quan trọng, nó quyết định số phận vĩnh cửu của ta. Chính vì đời sống hiện tại có tính quyết định vĩnh cửu như thế, nên vì yêu thương ta, Thiên Chúa thường xuyên gửi đến ta những sứ điệp cảnh báo ngày chết của ta. Nhưng rất nhiều người trong chúng ta coi thường những sứ điệp ấy để rồi cuối cùng phải lâm vào tình trạng đau khổ vĩnh cửu.

Sau đây là những sứ điệp của Thiên Chúa nhắc nhở ngày tận số của ta:

a) Những đám ma, những lễ an táng mà ta gặp hay tham dự là những dấu hiệu nhắc nhở ta rằng chắc chắn một ngày nào đó sẽ tới phiên ta từ giã cuộc đời như người trong đám ma ấy.

b) Những dấu hiệu của cơ thể suy thoái như tóc bạc, răng long, đau lưng, mệt mỏi, bệnh tật, hay những biến cố đến từ bên ngoài như tai nạn, dịch tễ… đến với chính ta hay người khác đều là những sứ điệp của Thiên Chúa gửi đến để cảnh báo ta.

Liệu khi Thiên Chúa gọi ta ra khỏi cuộc đời, ta sẽ xuất hiện trước Thiên Chúa trong tình trạng nào? tốt lành thánh thiện hay xấu xa tội lỗi? đáng hưởng hạnh phúc vĩnh cửu hay đáng chịu trầm luân mãi mãi? Tự hỏi như thế thì còn quá xa vời. Hãy tự hỏi: nếu ngay bây giờ Chúa gọi tôi đi thì tôi sẽ ra đi trong tình trạng nào? tôi đã sẵn sàng mọi sự để xứng đáng với hạnh phúc vĩnh cửu chưa? Cách tốt nhất để bảo đảm ta sẽ ra đi trong tình trạng tốt đẹp là luôn luôn tỉnh thức để luôn luôn sống trong tình trạng đẹp lòng Thiên Chúa (x. Mc 13,33; Lc 21,36). Hãy luôn luôn tự nhủ: bất kỳ một tư tưởng, một hành động nào trong đời ta cũng đều ảnh hưởng tốt đẹp hoặc tai hại đến tình trạng cuối cùng của cuộc đời ta, là tình trạng lúc ta ra khỏi thế gian này. Tình trạng này quyết định số phận cuộc đời mai hậu của ta. Người ta vẫn nói: «Cây xiêu đằng nào, đổ đằng nấy». Vết mực một khi đã dính vào áo thì dù có giặt kỹ đến đâu cũng không tránh khỏi làm áo bị cũ, bị hoen ố, bị kém giá trị đi.

b) Ngày tận cùng của thế giới

Ngày tận cùng của thế giới cũng có những dấu hiệu báo trước: dưới đất thì động đất, mất mùa, đói kém, lũ lụt… trên trời thì mặt trời, mặt trăng mất sáng, tinh tú sa xuống, «các quyền lực trên trời bị lay chuyển»… Trong xã hội con người thì nhân tâm điên đảo, chiến tranh và bạo lực lan tràn, các ngôn sứ giả xuất hiện… (Ngôn sứ giả là những người tự xưng hay được gọi là ngôn sứ hay một danh hiệu khác có nghĩa tương tự, nhưng bản chất, hành động hay cách sống của họ thì chứng tỏ họ không phải là ngôn sứ). Hiện nay ta thấy những hiện tượng ấy đang xẩy ra ngày càng trở nên rõ rệt, quy mô, có hệ thống và khốc liệt. Điều đó cho thấy ngày tận cùng của thế giới đã gần kề.

Điều đáng lo ngại cho thế giới này chính là sự sa đọa và tội lỗi của nhân loại ngày càng gia tăng. Con người dường như ngày càng mất đi cảm thức về tội lỗi. Người ta chỉ biết quan tâm chạy theo những quyến rũ của vật chất, của quyền lực, của thú vui xác thịt… Con người trở nên ích kỷ hơn bao giờ hết. Các tôn giáo – kể cả Kitô giáo – có khuynh hướng chỉ chú tâm đến những lễ nghi, hình thức, những cơ sở vật chất thấy được bên ngoài mà quên đi những giá trị tinh thần phải có ở bên trong. Vì thế, khả năng soi sáng và hướng dẫn thế giới của các tôn giáo không mấy hữu hiệu nữa. Giới tăng lữ bị tục hóa đến nỗi nhiều người chỉ coi tác vụ của mình hoàn toàn như một nghề nghiệp để sinh sống… Đó là những điều khiến Đức Giêsu đã đoán trước và lo ngại cho thế giới này: «Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?» (Lc 18,8).

3. Thái độ cần phải có: tỉnh thức & sẵn sàng

Trước sự chắc chắn và bất ngờ của sự chết, của việc Chúa quang lâm, thiết tưởng mỗi người Kitô hữu cần phải tỉnh thức và sẵn sàng: «Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến» (Mt 24,44; Lc 12,40). Thái độ tỉnh thức và sẵn sàng ấy phải được thể hiện một cách thực tế bằng sự tôn trọng và thực hiện «chân lý, công lý và tình thương» (x. Mt 23,23b). Tình thương đòi hỏi ta không chỉ biết lo lắng cho số phận đời đời của mình, mà còn cho số phận của những người sống chung quanh ta nữa. Trước một thế giới sa đọa và tội lỗi như hiện nay, nếu ta không cảm thấy một sự lo ngại nào, và cũng không thấy mình cần phải làm gì, điều đó chứng tỏ tình thương và ý thức liên đới của ta còn rất yếu kém.

4. Cần thay đổi cho đúng một số quan niệm

Số phận chung cuộc mang tính vĩnh cửu của ta tùy thuộc vào sự phán xét của Thiên Chúa về cách ta quan niệm, suy nghĩ, cách ta sống và hành động ở ngay cuộc đời này. Vì thế, ta cần biết những tiêu chuẩn về cách phán xét của Thiên Chúa, để chúng ta đừng lầm tưởng mình là người sống đúng ý muốn của Thiên Chúa trong khi ý muốn của Thiên Chúa đối với ta lại hoàn toàn khác. Nếu đọc Kinh thánh cho kỹ và suy xét, ta sẽ thấy được những tiêu chuẩn Thiên Chúa sử dụng để phán xét ta. Chẳng hạn lời Chúa được trích dẫn trong những đoạn sau đây:

●  Đức Giêsu nói: «Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Ðấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: “Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?” Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!» (Mt 7,21-23).

Lời này cho thấy vào ngày phán xét, có nhiều người tưởng rằng mình là người công chính nên sẽ được Thiên Chúa ân thưởng vì đã làm nhiều việc được mọi người cho là đạo đức và phải đạo đức lắm mới làm được, như «nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ». Nhưng không ngờ Thiên Chúa đánh giá họ hoàn toàn khác, Ngài phán: «Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!». Điều đó cho thấy: có nhiều việc mà mọi người cho là đạo đức, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải. Đối với Ngài, việc đạo đức là gì? Là «thi hành ý muốn của Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời». Mà ý muốn của Thiên Chúa là gì?

●  Trong ngày phán xét cuối cùng, Thiên Chúa không hề xét xem ta đã đọc kinh, cầu nguyện, đi lễ, đọc Thánh Kinh, đọc các sách đạo đức, v.v... như thế nào, mà chỉ xét xem ta đã đối xử với tha nhân thế nào mà thôi. Đó chính là điều Thiên Chúa muốn ta làm, Ngài nói: «Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm (/không làm) như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm (/không làm) cho chính Ta» (Mt 25,40/45).

Điều đó rất hợp lý, vì tất cả những việc thường được gọi là những «việc đạo đức» như đọc kinh, cầu nguyện, đi lễ, đọc Thánh Kinh, đọc các sách đạo đức đều có mục đích là trợ lực, ban sức mạnh, khích lệ ta thi hành hai giới răn quan trọng nhất là «mến Chúa, yêu người». «Mến Chúa, yêu người» mới thật sự là «việc đạo đức», còn những việc kia chỉ là những «việc trợ đạo», là phương tiện giúp ta thực hiện «việc đạo đức» đích thực là «mến Chúa, yêu người». «Mến Chúa, yêu người» mới chính là mục đích của những «việc trợ đạo» kia.

Sử dụng sai từ ngữ như thế rất tai hại, khiến người giáo dân hiểu lầm, coi phương tiện là mục đích. Thật vậy, rất nhiều Kitô hữu tưởng rằng mình hễ cứ làm thật nhiều những «việc trợ đạo» kia thì mình sẽ được Thiên Chúa đánh giá là người đạo đức. Nhưng chắc chắn không phải như vậy. Sử dụng thật nhiều phương tiện mà không đạt được mục đích thì việc sử dụng ấy chỉ là «công dã tràng», là hoàn toàn vô ích! Sử dụng phương tiện mà không đạt được mục đích thì thường là mình không biết cách sử dụng phương tiện, hoặc phương tiện mình sử dụng là đồ giả.

Dẫiu chỉ là phương tiện, nhưng những «việc trợ đạo» kia không phải là không cần thiết. Người ta có thể sử dụng phương tiện mà không đạt được mục đích vì người ta tưởng lầm phương tiện ấy là mục đích, hay do không biết cách sử dụng. Nhưng người ta không thể đạt được mục đích nếu không sử dụng những phương tiện thích hợp. Quả thật, ta không thể đạt được mục đích là «mến Chúa, yêu người» nếu ta không sử dụng những phương tiện là những «việc trợ đạo» như đọc kinh, cầu nguyện, đi lễ, đọc Thánh Kinh, đọc các sách đạo đức, v.v...

●  «Mến Chúa, yêu người» chỉ là một thực thể duy nhất gồm hai mặt liền nhau chứ không phải là hai thực thể tách biệt nhau. Thánh Phaolô tóm gọn giới răn «mến Chúa, yêu người» thành một luật duy nhất, ngài viết: «Tất cả lề luật được tóm gọn trong một điều này: Hãy yêu người lân cận như chính mình» (Gl 5,14); Chỗ khác ngài viết: «Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô» (Gl 6,2). Thánh Gioan còn cảnh cáo: «Ai nói mình yêu Chúa mà không yêu người là kẻ nói dối» (1Ga 4,20).

●  Giữa việc dâng lễ và sự hòa thuận với tha nhân, hãy xem Đức Giêsu coi trọng việc nào hơn; Ngài nói: «Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình» (Mt 5,23-24). Rất nhiều Kitô hữu hay những cặp vợ chồng Kitô hữu giận nhau, thậm chí cả tháng, cả năm, mà vẫn cứ đi dâng thánh lễ với tâm trạng giận hờn, ghen ghét; họ không hề nghĩ tới việc Thiên Chúa đánh giá những thánh lễ họ dâng như thế nào. Việc khiêm nhường đi làm hòa với tha nhân giá trị cao hơn nhiều so với việc dâng lễ với tấm lòng giận hờn, ghen ghét.

Nói tóm lại, điều chủ yếu mà Thiên Chúa phán xét ta sau khi ta lìa đời chính là tình yêu của ta đối với tha nhân và những việc ta làm để thể hiện tình yêu ấy (x. Mt 25,31-46). Điều tốt lành nhất ta có thể làm cho tha nhân chính là giúp họ trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa. Ngài nói: Ngày ấy, «những ai làm cho người người nên công chính sẽ chiếu sáng muôn đời như những vì sao» (Đaniel 12,2 trong bài đọc 1). Đó cũng chính là cách tốt nhất để chuẩn bị ngày ta ra trước tòa Thiên Chúa.


CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, ai cũng chắc chắn 100% rằng mình sẽ chết. Nhưng chẳng ai chắc chắn được chút nào về ngày giờ chết của mình. Cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, thậm chí không mấy ai ngờ trước được. Vì thế, con muốn chuẩn bị thật chu đáo ngày con ra trước tòa Cha. Con muốn ngày ấy phải là ngày hạnh phúc nhất của con. Con sẽ chuẩn bị bằng cách thực hiện giới răn «mến Chúa, yêu người» trong đời sống hằng ngày của con. Và con muốn ngày nào hay giờ nào con cũng sống như thể ngày đó hay giờ đó là ngày hay giờ cuối cùng của cuộc đời con. Hy vọng với cách đó, con sẽ luôn luôn sẵn sàng trở về với Cha bất cứ giây phút nào. Xin giúp con sống thật sự tinh thần chuẩn bị đó.
(Nguyễn Chính Kết)

Thứ Bảy, 7 tháng 11, 2015

TN-32B

Chúa Nhật thứ 32 Thường Niên
(Năm B − ngày 08-11-2015)




ĐỌC LỜI CHÚA

·    Ed 47,1-2.8-9.12:  (1) Người ấy dẫn tôi trở lại phía cửa Đền Thờ, và này : có nước vọt ra từ dưới ngưỡng cửa Đền Thờ và chảy về phía đông, vì mặt tiền Đền Thờ quay về phía đông.

·    1Cr 3,9c-11.16-17: (16) Anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao ?   (17) Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em.



·    TIN MỪNG: Ga 2,13-22

 Đức Giêsu tẩy uế Đền Thờ

 (13) Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái, Đức Giêsu lên thành Giêrusalem. (14) Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. (15) Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. (16) Người nói với những kẻ bán bồ câu: «Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán». (17) Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.

 (18) Người Do-thái hỏi Đức Giêsu: «Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?» (19) Đức Giêsu đáp: «Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lạ». (20) Người Do-thái nói: «Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao?» (21) Nhưng Đền Thờ Đức Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người. (22) Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giêsu đã nói.


CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:

1.   Tại sao Đức Giêsu lại tỏ ra tức giận đến nỗi dùng tới bạo lực như vậy? Sự kiện đó nói lên điều gì? Những điều gì làm Ngài ghê tởm nhất trên đời?

2.   Thiên Chúa, Đức Giêsu, cũng như việc phụng vụ hay thờ phượng Ngài có thể bị biến thành đối tượng kinh doanh, buôn bán không?

3.   Thân xác, tâm hồn hay bản thân ta cũng là đền thờ của Thiên Chúa. Ta có kính trọng đền thờ nội tâm của ta một cách xứng đáng không? Những hành động nào biểu lộ sự kính trọng hoặc coi thường đền thờ đó?


Suy tư gợi ý:

1.   Hai điều Đức Giêsu ghê tởm nhất trên đời

Đức Giêsu đã phản ứng hết sức mạnh mẽ trước cảnh tượng đền thờ bị biến thành nơi buôn bán, nơi kiếm tiền. Trong Tin Mừng, phản ứng mạnh như thế của Đức Giêsu rất hiếm thấy. Chỉ có hai lần Ngài phản ứng rất mạnh, khác hẳn với thái độ hiền lành, hòa nhã bình thường của Ngài: một lần Ngài đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ (x. Ga 2,13-16), và một lần Ngài chửi bọn Pharisêu thậm tệ (x. Mt 23,13-36). Sự việc này cho ta thấy có hai điều khiến Ngài ghê tởm nhất trên đời:

một là biến nơi thờ phượng thành nơi kiếm tiền, buôn bán (x. Ga 2,16), biến việc thờ phượng, lời cầu nguyện, biến lễ nghi tôn giáo thành hàng hóa để mua bán, thành đối tượng kinh doanh để sinh sống hay để có lợi nhuận…

hai là đạo đức giả, lợi dụng hay núp bóng đạo đức hoặc tôn giáo để tiến thân, để ngồi lên đầu lên cổ thiên hạ (x. Mt 23,2.6), để bóc lột người nghèo (23,14), để thần thánh hóa những thực tại vốn chẳng phải là thần thánh hầu đem lại lợi nhuận (23,16-22), để làm mọi người lầm tưởng mình đạo đức bằng cách giữ nhiệm nhặt những luật lệ không quan trọng nhưng lại bỏ qua những điều quan trọng nhất của lề luật là tôn trọng «chân lý, công lý và tình thương» (x. 23,23-24), hoặc tìm cách tôn vinh các ngôn sứ thời xưa để che đậy việc bách hại hay bạc đãi những ngôn sứ đồng thời với mình (23,29-36)…

Hai điều khiến Đức Giêsu ghê tởm này không phải chỉ xảy ra trong tôn giáo Do Thái thời của Ngài, mà vẫn tiếp tục xảy ra suốt dòng lịch sử của thế giới, trong các tôn giáo cũng như trong Giáo Hội. Ngày nay, người ta vẫn có thể dễ dàng thấy được tình trạng tương tự trong các tôn giáo.


2.   «Đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán»

Bài Tin Mừng hôm nay nói về điều ghê tởm thứ nhất của Ngài. Phải công nhận rằng Ngài đã phản ứng hết sức mạnh mẽ khi thấy «trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền» (Ga 2,14). Cách hành xử của Ngài thật là hung hăng và đáng sợ: Ngài «lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc thì đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ» (Ga 2,15). Trước sự việc ấy, chắc các tông đồ phải lấy làm lạ vì Ngài làm trái với điều Ngài thường dạy: «Đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa» (Mt 5,39). Tại sao vậy? – Vì Ngài đang phải đối diện với một cảnh tượng mà Ngài cho là hết sức kinh tởm: người ta đã biến đền thờ hay nhà Cha Ngài thành nơi buôn bán, thành một cái chợ.

Trong bài Tin Mừng này, những vật bị đưa ra mua bán chỉ là «chiên, bò, bồ câu» mà Ngài đã phản ứng dữ dội như thế! Không biết Ngài sẽ phản ứng mãnh liệt thế nào khi con người đem chính Thiên Chúa là Cha của Ngài, đem chính Ngài, hay chính những lễ nghi thờ phượng Ngài ra làm đối tượng để kinh doanh buôn bán, để mặc cả, trao đổi. Tình trạng tương tự như thế vẫn đang xảy ra nhan nhản trong nhiều tôn giáo. Chẳng hạn các thầy cúng mặc cả với tín đồ về số tiền phải trả cho một buổi lễ cúng, không đủ tiền thì thầy không cúng. Hoặc các thầy đưa ra một bảng giá (tarif) cho những buổi lễ tùy theo mức độ trang trọng của chúng, bảng giá đó áp dụng chung cho cả người giầu lẫn người nghèo, v.v… Nhiều thầy cúng coi việc cúng tế như một nghề nghiệp để sinh sống. Lúc ấy thần thánh trở nên một loại phương tiện, một loại hàng hóa phục vụ cho nghề nghiệp của họ.

So sánh với thái độ hiền lành và đầy tính bênh vực của Đức Giêsu trước người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình (x. Ga 8,2-12) hay những người tội lỗi khác (x. Mt 9,10-13; Mc 2,15-17; Lc 7,36-50; Lc 15,1-7; Lc 18,9-14; Lc 19,1-10) với thái độ dữ tợn của Ngài trước cảnh buôn bán trong đền thờ, ta thấy Ngài coi loại tội sau nặng hơn những loại tội trước như thế nào! Và càng nặng hơn biết bao tội buôn thần bán thánh! Trong sách Công Vụ, có thuật lại một trường hợp buôn bán thần thánh như sau: «Ông Simon thấy rằng khi các tông đồ đặt tay cho ai thì Thánh Thần được ban xuống tren người ấy, nên ông đem tiền đến biếu các tông đồ và nói: Xin cũng ban ban quyền ấy cho tôi, để tôi đặt tay cho ai thì người ấy cũng nhận được Thánh Thần”. Nhưng ông Phêrô đáp : Tiền bạc của anh hãy tiêu tan luôn với anh cho rồi, vì anh tưởng có thể lấy tiền mà mua được ân huệ của Thiên Chúa!”» (Cv 8,18-21). Ông Phêrô còn nói về sự nghiêm trọng của tội này: «Vậy anh hãy sám hối về việc xấu ấy của anh, và cầu xin Chúa, may ra Người sẽ tha cho anh tội đã nghĩ như thế trong lòng» (8,22). Chỉ nghĩ như ông Simon là đã phạm tội rồi, huống gì đã thật sự hành động như thế! Quả thật, hiện nay, biết bao Kitô hữu đã hành động như Simon, muốn dùng tiền bạc để mua chuộc các ân huệ, sự tha thứ, sự giảm hình phạt của Thiên Chúa, hoặc mua bán chức tước trong Giáo Hội cho mình hoặc cho người thân của mình! Họ làm như lòng nhân từ của Thiên Chúa có thể mua chuộc được bằng tiền bạc!


3.   Bản thân ta cũng là đền thờ, đừng biến nó thành nơi buôn bán

Thánh Kinh cho biết: đền thờ vật chất ở bên ngoài không quan trọng bằng đền thờ tâm linh ở bên trong ta. Thánh Phaolô nói: «Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ và muôn loài trong đó, không ngự trong những đền thờ do tay con người làm nên» (Cv 17,24). Thánh Têphanô cũng nói tương tự như vậy (x. Cv 7,48). Nếu Ngài không ngự trong những đền thờ vật chất ấy, vậy thì Ngài ngự ở đâu? Thánh Phaolô trả lời: «Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? (…) Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em» (1Cr 3,16-17; x. 2Cr 6,16b). Ngay cả thân xác của chúng ta cũng là đền thờ của Thiên Chúa: «Anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao?» (1Cr 6,19), thậm chí còn là một phần bản thân của Đức Kitô: «Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Kitô sao?» (1Cr 6,15).

Sự hiện diện của Thiên Chúa trong đền thờ vật chất tại Jerusalem không được «đậm đặc» và «thánh thiêng» như đền thờ tâm linh trong tâm hồn ta. Thế mà khi đền thờ vật chất ấy bị trần tục hóa, Đức Giêsu đã tỏ ra tức giận như vậy! Vậy thì khi đền thờ tâm linh trong tâm hồn ta bị trần tục hóa, Ngài sẽ tức giận đến thế nào?

Chúng ta trần tục hóa đền thờ trong bản thân ta và người khác khi ta coi thường phẩm giá con người của chính mình và của người khác bằng những hành vi tà dâm hoặc xâm phạm phẩm giá của tha nhân. Phẩm giá con người rất cao, vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa, là đền thờ có Ngài ngự trị. Khi Thiên Chúa dựng con người theo hình ảnh của Ngài, giống như Ngài, thì Ngài cũng đồng thời nâng con người lên hàng con cái Ngài. Vì thế con người trở nên một cái gì hết sức quí giá trước mặt Thiên Chúa, đến nỗi khi con người phạm tội, Thiên Chúa đã phải hy sinh chính Con Một rất yêu quí của Ngài, chấp nhận cho người con yêu quý ấy phải chịu đau khổ tột cùng để cứu lấy con người. Thánh Kinh nói Thiên Chúa quí con người đến mức «uôn ấp ủ, dưỡng dục, giữ gìn, chẳng khác nào con ngươi mắt Ngài» (Đnl 32,10).

Thiên Chúa quí con người như vậy, nhưng con người lại coi thường chính bản thân, phẩm giá của mình và người khác, đến nỗi sẵn sàng bán rẻ hoặc xúi giục người khác bán rẻ lương tâm và phẩm giá – thậm chí cho kẻ ác – để chỉ nhận được những lợi ích chóng qua: tiền bạc, hư danh, địa vị, sự an toàn bản thân… Không chỉ những phường gái điếm, những tay nghiện rượu, nghiện ma túy mới coi thường thân xác hay linh hồn mình, mà cả những Kitô hữu trí thức, những người được coi là đạo đức cũng sẵn sàng coi thường đền thờ Thiên Chúa nơi bản thân. Chẳng hạn sẵn sàng hy sinh sự trong sáng của lương tâm, hoặc hy sinh sức khỏe, sự an toàn bản thân để đổi lấy một niềm vui nho nhỏ của miếng ăn, của thú vui thể xác, của tiện nghi vật chất… để rồi cuối cùng trở nên một con người tầm thường, hoặc chuốc lấy một căn bệnh, một thương tật hoặc có khi mất mạng…

Chúng ta trần tục hóa tâm hồn ta khi ta nuôi trong tâm trí những quan niệm sai lầm, những tư tưởng kiêu căng, vị kỷ, những ý định độc ác, những tâm tình ghen ghét, vô ơn, v.v… Chính những tư tưởng này xúc phạm và làm ô uế đền thờ của Thiên Chúa trong tâm hồn ta. Vì thế, để tỏ lòng kính trọng đền thờ này, chúng ta hãy mặc lấy những quan niệm đúng đắn, những tâm tình yêu thương, vị tha, xả kỷ… Những tâm tình này chính là những thứ trang hoàng đền thờ nội tâm ta xứng đáng làm nơi Thiên Chúa ngự.


CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, xin cho con biết thật sự kính trọng đền thờ của Cha nơi tâm hồn và thân thể con. Xin đừng để con làm ô uế đền thờ của Cha bằng những tư tưởng xấu, những tâm tình ích kỷ, kiêu căng. Xin giúp con trang hoàng đền thờ của Cha bằng những tư tưởng và hành động tốt đẹp, bằng những nỗ lực sống thuận theo thánh ý Cha. Để Cha cảm thấy hài lòng khi ngự trong tâm hồn con. Amen.
                                                                               (Nguyễn Chính Kết)