Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2015

TN-33B


HIỂU & SỐNG TIN MỪNG


Chúa Nhật thứ 33 Thường Niên
(Năm B − ngày 15-11-2015)




ĐỌC LỜI CHÚA

Đn 12,1-3: (2) Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ trỗi dậy : người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn đời. (3) Các hiền sĩ sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ, những ai làm cho người người nên công chính, sẽ chiếu sáng muôn đời như những vì sao.

Dt 10,11-14.18: (16) Đây là giao ước Ta sẽ lập với chúng sau những ngày đó, thì Đức Chúa phán : Ta sẽ ghi vào tâm khảm chúng, sẽ khắc vào lòng trí chúng lề luật của Ta. (17) Ta sẽ không còn nhớ đến lỗi lầm và việc gian ác của chúng nữa.

TIN MỪNG: Mc 13,24-32


Con Người quang lâm

(24) «Nhưng trong những ngày đó, sau cơn gian nan ấy, thì mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, (25) các ngôi sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển. (26) Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. (27) Lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời.


Dụ ngôn cây vả

 (28) «Anh em cứ lấy thí dụ cây vả mà học hỏi. Khi cành nó xanh tươi và đâm chồi nảy lộc, thì anh em biết là mùa hè đã đến gần. (29) Cũng vậy, khi thấy những điều đó xảy ra, anh em hãy biết là Con Người đã đến gần, ở ngay ngoài cửa rồi. (30) Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ chẳng qua đi, trước khi mọi điều ấy xảy ra. (31) Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu. (32) «Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi.


CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:

1. Chết có phải là điều chắc chắn nhất sẽ xảy ra cho ta không? Chết là gì, có phải là chấm hết hoàn toàn không? Nếu không thì có gì đáng ta lo ngại?

2. Đời ta chắc chắn có ngày tận cùng. Còn đời sống của thế giới thì sao? Có tận cùng không? Có những dấu hiệu nào báo trước ngày tận cùng đó?

3. Thiên Chúa có thường xuyên nhắc nhở để ta ý thức và chuẩn bị cho cái chết của mình không? Ngài nhắc nhở ta thế nào? bằng những dấu hiệu nào?

4. Cách tốt nhất để chuẩn bị ngày ta ra trước tòa Chúa là gì?


Suy tư gợi ý:

1. Một chân lý chắc chắn nhất trong cuộc đời: ta sẽ chết

Có một điều mà ta có thể quả quyết chắc chắn hơn tất cả mọi điều, đó là sẽ có ngày ta phải chết, phải từ giã cõi đời, lìa bỏ mọi người kể cả những người thân yêu nhất mà ta không bao giờ muốn rời xa. Đây là một chân lý mà ta vẫn thường xuyên chứng nghiệm mỗi khi gặp đám ma hay dự lễ an táng của một ai đó. Đó là một chân lý chắc chắn nhất trên đời, nhưng nhiều khi ta sống như thể không hề có chân lý ấy, như thể chúng ta sẽ không bao giờ chết, mà cứ sống mãi sống hoài cùng với trời đất. Mỗi lần thấy có ai qua đời, thiết tưởng ta nên nghĩ rằng một ngày nào đó sẽ tới phiên chúng ta. Và ngày ấy không ai có thể xác định được: có thể là 30 hay 40 năm nữa, nhưng cũng có thể là 10, hay 5, hay chỉ 1 năm nữa, và cũng rất có thể là tháng sau, tuần sau, ngày mai, hay chút xíu nữa. Nhiều người đã chết bất đắc kỳ tử, những người này thường không ngờ được mình lại chết sớm và nhanh như vậy! Còn ta, ta không thể quả quyết rằng mình không thuộc số những người này! Và ngày ta chết chính là ngày “tận thế” của riêng ta!

Nếu cá nhân mỗi người đều có ngày cùng tận, thì toàn thế giới hay toàn nhân loại này cũng có ngày cùng tận của nó. Và đó cũng là một chân lý chắc chắn không kém gì sự chết cá nhân. Vì trong thế giới hiện tượng, cái gì có sinh thì cũng có diệt theo định luật «thành, trụ, hoại, không». Và bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhở ta về chân lý bất di dịch này, đồng thời cho ta biết những dấu hiệu báo trước ngày tận diệt ấy.

2. Những dấu hiệu báo trước

a) Ngày tận cùng của cá nhân

Theo niềm tin Kitô giáo, chết là bắt đầu một đời sống khác, và đời sống mai hậu ấy là một đời sống vĩnh cửu. Điều hết sức nghiêm trọng là đời sống mai hậu ấy nếu hạnh phúc thì là hạnh phúc vĩnh cửu, và nếu đau khổ thì cũng là đau khổ vĩnh cửu. Mà hạnh phúc hay đau khổ trong đời sống ấy hoàn toàn tùy thuộc vào cách ta sống, cách ta tin, cách ta hành xử trong đời sống hiện tại. Vì thế, cách ta sống trong đời sống hiện tại này thật quan trọng, nó quyết định số phận vĩnh cửu của ta. Chính vì đời sống hiện tại có tính quyết định vĩnh cửu như thế, nên vì yêu thương ta, Thiên Chúa thường xuyên gửi đến ta những sứ điệp cảnh báo ngày chết của ta. Nhưng rất nhiều người trong chúng ta coi thường những sứ điệp ấy để rồi cuối cùng phải lâm vào tình trạng đau khổ vĩnh cửu.

Sau đây là những sứ điệp của Thiên Chúa nhắc nhở ngày tận số của ta:

a) Những đám ma, những lễ an táng mà ta gặp hay tham dự là những dấu hiệu nhắc nhở ta rằng chắc chắn một ngày nào đó sẽ tới phiên ta từ giã cuộc đời như người trong đám ma ấy.

b) Những dấu hiệu của cơ thể suy thoái như tóc bạc, răng long, đau lưng, mệt mỏi, bệnh tật, hay những biến cố đến từ bên ngoài như tai nạn, dịch tễ… đến với chính ta hay người khác đều là những sứ điệp của Thiên Chúa gửi đến để cảnh báo ta.

Liệu khi Thiên Chúa gọi ta ra khỏi cuộc đời, ta sẽ xuất hiện trước Thiên Chúa trong tình trạng nào? tốt lành thánh thiện hay xấu xa tội lỗi? đáng hưởng hạnh phúc vĩnh cửu hay đáng chịu trầm luân mãi mãi? Tự hỏi như thế thì còn quá xa vời. Hãy tự hỏi: nếu ngay bây giờ Chúa gọi tôi đi thì tôi sẽ ra đi trong tình trạng nào? tôi đã sẵn sàng mọi sự để xứng đáng với hạnh phúc vĩnh cửu chưa? Cách tốt nhất để bảo đảm ta sẽ ra đi trong tình trạng tốt đẹp là luôn luôn tỉnh thức để luôn luôn sống trong tình trạng đẹp lòng Thiên Chúa (x. Mc 13,33; Lc 21,36). Hãy luôn luôn tự nhủ: bất kỳ một tư tưởng, một hành động nào trong đời ta cũng đều ảnh hưởng tốt đẹp hoặc tai hại đến tình trạng cuối cùng của cuộc đời ta, là tình trạng lúc ta ra khỏi thế gian này. Tình trạng này quyết định số phận cuộc đời mai hậu của ta. Người ta vẫn nói: «Cây xiêu đằng nào, đổ đằng nấy». Vết mực một khi đã dính vào áo thì dù có giặt kỹ đến đâu cũng không tránh khỏi làm áo bị cũ, bị hoen ố, bị kém giá trị đi.

b) Ngày tận cùng của thế giới

Ngày tận cùng của thế giới cũng có những dấu hiệu báo trước: dưới đất thì động đất, mất mùa, đói kém, lũ lụt… trên trời thì mặt trời, mặt trăng mất sáng, tinh tú sa xuống, «các quyền lực trên trời bị lay chuyển»… Trong xã hội con người thì nhân tâm điên đảo, chiến tranh và bạo lực lan tràn, các ngôn sứ giả xuất hiện… (Ngôn sứ giả là những người tự xưng hay được gọi là ngôn sứ hay một danh hiệu khác có nghĩa tương tự, nhưng bản chất, hành động hay cách sống của họ thì chứng tỏ họ không phải là ngôn sứ). Hiện nay ta thấy những hiện tượng ấy đang xẩy ra ngày càng trở nên rõ rệt, quy mô, có hệ thống và khốc liệt. Điều đó cho thấy ngày tận cùng của thế giới đã gần kề.

Điều đáng lo ngại cho thế giới này chính là sự sa đọa và tội lỗi của nhân loại ngày càng gia tăng. Con người dường như ngày càng mất đi cảm thức về tội lỗi. Người ta chỉ biết quan tâm chạy theo những quyến rũ của vật chất, của quyền lực, của thú vui xác thịt… Con người trở nên ích kỷ hơn bao giờ hết. Các tôn giáo – kể cả Kitô giáo – có khuynh hướng chỉ chú tâm đến những lễ nghi, hình thức, những cơ sở vật chất thấy được bên ngoài mà quên đi những giá trị tinh thần phải có ở bên trong. Vì thế, khả năng soi sáng và hướng dẫn thế giới của các tôn giáo không mấy hữu hiệu nữa. Giới tăng lữ bị tục hóa đến nỗi nhiều người chỉ coi tác vụ của mình hoàn toàn như một nghề nghiệp để sinh sống… Đó là những điều khiến Đức Giêsu đã đoán trước và lo ngại cho thế giới này: «Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?» (Lc 18,8).

3. Thái độ cần phải có: tỉnh thức & sẵn sàng

Trước sự chắc chắn và bất ngờ của sự chết, của việc Chúa quang lâm, thiết tưởng mỗi người Kitô hữu cần phải tỉnh thức và sẵn sàng: «Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến» (Mt 24,44; Lc 12,40). Thái độ tỉnh thức và sẵn sàng ấy phải được thể hiện một cách thực tế bằng sự tôn trọng và thực hiện «chân lý, công lý và tình thương» (x. Mt 23,23b). Tình thương đòi hỏi ta không chỉ biết lo lắng cho số phận đời đời của mình, mà còn cho số phận của những người sống chung quanh ta nữa. Trước một thế giới sa đọa và tội lỗi như hiện nay, nếu ta không cảm thấy một sự lo ngại nào, và cũng không thấy mình cần phải làm gì, điều đó chứng tỏ tình thương và ý thức liên đới của ta còn rất yếu kém.

4. Cần thay đổi cho đúng một số quan niệm

Số phận chung cuộc mang tính vĩnh cửu của ta tùy thuộc vào sự phán xét của Thiên Chúa về cách ta quan niệm, suy nghĩ, cách ta sống và hành động ở ngay cuộc đời này. Vì thế, ta cần biết những tiêu chuẩn về cách phán xét của Thiên Chúa, để chúng ta đừng lầm tưởng mình là người sống đúng ý muốn của Thiên Chúa trong khi ý muốn của Thiên Chúa đối với ta lại hoàn toàn khác. Nếu đọc Kinh thánh cho kỹ và suy xét, ta sẽ thấy được những tiêu chuẩn Thiên Chúa sử dụng để phán xét ta. Chẳng hạn lời Chúa được trích dẫn trong những đoạn sau đây:

●  Đức Giêsu nói: «Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Ðấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: “Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?” Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!» (Mt 7,21-23).

Lời này cho thấy vào ngày phán xét, có nhiều người tưởng rằng mình là người công chính nên sẽ được Thiên Chúa ân thưởng vì đã làm nhiều việc được mọi người cho là đạo đức và phải đạo đức lắm mới làm được, như «nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ». Nhưng không ngờ Thiên Chúa đánh giá họ hoàn toàn khác, Ngài phán: «Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!». Điều đó cho thấy: có nhiều việc mà mọi người cho là đạo đức, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải. Đối với Ngài, việc đạo đức là gì? Là «thi hành ý muốn của Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời». Mà ý muốn của Thiên Chúa là gì?

●  Trong ngày phán xét cuối cùng, Thiên Chúa không hề xét xem ta đã đọc kinh, cầu nguyện, đi lễ, đọc Thánh Kinh, đọc các sách đạo đức, v.v... như thế nào, mà chỉ xét xem ta đã đối xử với tha nhân thế nào mà thôi. Đó chính là điều Thiên Chúa muốn ta làm, Ngài nói: «Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm (/không làm) như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm (/không làm) cho chính Ta» (Mt 25,40/45).

Điều đó rất hợp lý, vì tất cả những việc thường được gọi là những «việc đạo đức» như đọc kinh, cầu nguyện, đi lễ, đọc Thánh Kinh, đọc các sách đạo đức đều có mục đích là trợ lực, ban sức mạnh, khích lệ ta thi hành hai giới răn quan trọng nhất là «mến Chúa, yêu người». «Mến Chúa, yêu người» mới thật sự là «việc đạo đức», còn những việc kia chỉ là những «việc trợ đạo», là phương tiện giúp ta thực hiện «việc đạo đức» đích thực là «mến Chúa, yêu người». «Mến Chúa, yêu người» mới chính là mục đích của những «việc trợ đạo» kia.

Sử dụng sai từ ngữ như thế rất tai hại, khiến người giáo dân hiểu lầm, coi phương tiện là mục đích. Thật vậy, rất nhiều Kitô hữu tưởng rằng mình hễ cứ làm thật nhiều những «việc trợ đạo» kia thì mình sẽ được Thiên Chúa đánh giá là người đạo đức. Nhưng chắc chắn không phải như vậy. Sử dụng thật nhiều phương tiện mà không đạt được mục đích thì việc sử dụng ấy chỉ là «công dã tràng», là hoàn toàn vô ích! Sử dụng phương tiện mà không đạt được mục đích thì thường là mình không biết cách sử dụng phương tiện, hoặc phương tiện mình sử dụng là đồ giả.

Dẫiu chỉ là phương tiện, nhưng những «việc trợ đạo» kia không phải là không cần thiết. Người ta có thể sử dụng phương tiện mà không đạt được mục đích vì người ta tưởng lầm phương tiện ấy là mục đích, hay do không biết cách sử dụng. Nhưng người ta không thể đạt được mục đích nếu không sử dụng những phương tiện thích hợp. Quả thật, ta không thể đạt được mục đích là «mến Chúa, yêu người» nếu ta không sử dụng những phương tiện là những «việc trợ đạo» như đọc kinh, cầu nguyện, đi lễ, đọc Thánh Kinh, đọc các sách đạo đức, v.v...

●  «Mến Chúa, yêu người» chỉ là một thực thể duy nhất gồm hai mặt liền nhau chứ không phải là hai thực thể tách biệt nhau. Thánh Phaolô tóm gọn giới răn «mến Chúa, yêu người» thành một luật duy nhất, ngài viết: «Tất cả lề luật được tóm gọn trong một điều này: Hãy yêu người lân cận như chính mình» (Gl 5,14); Chỗ khác ngài viết: «Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô» (Gl 6,2). Thánh Gioan còn cảnh cáo: «Ai nói mình yêu Chúa mà không yêu người là kẻ nói dối» (1Ga 4,20).

●  Giữa việc dâng lễ và sự hòa thuận với tha nhân, hãy xem Đức Giêsu coi trọng việc nào hơn; Ngài nói: «Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình» (Mt 5,23-24). Rất nhiều Kitô hữu hay những cặp vợ chồng Kitô hữu giận nhau, thậm chí cả tháng, cả năm, mà vẫn cứ đi dâng thánh lễ với tâm trạng giận hờn, ghen ghét; họ không hề nghĩ tới việc Thiên Chúa đánh giá những thánh lễ họ dâng như thế nào. Việc khiêm nhường đi làm hòa với tha nhân giá trị cao hơn nhiều so với việc dâng lễ với tấm lòng giận hờn, ghen ghét.

Nói tóm lại, điều chủ yếu mà Thiên Chúa phán xét ta sau khi ta lìa đời chính là tình yêu của ta đối với tha nhân và những việc ta làm để thể hiện tình yêu ấy (x. Mt 25,31-46). Điều tốt lành nhất ta có thể làm cho tha nhân chính là giúp họ trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa. Ngài nói: Ngày ấy, «những ai làm cho người người nên công chính sẽ chiếu sáng muôn đời như những vì sao» (Đaniel 12,2 trong bài đọc 1). Đó cũng chính là cách tốt nhất để chuẩn bị ngày ta ra trước tòa Thiên Chúa.


CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, ai cũng chắc chắn 100% rằng mình sẽ chết. Nhưng chẳng ai chắc chắn được chút nào về ngày giờ chết của mình. Cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, thậm chí không mấy ai ngờ trước được. Vì thế, con muốn chuẩn bị thật chu đáo ngày con ra trước tòa Cha. Con muốn ngày ấy phải là ngày hạnh phúc nhất của con. Con sẽ chuẩn bị bằng cách thực hiện giới răn «mến Chúa, yêu người» trong đời sống hằng ngày của con. Và con muốn ngày nào hay giờ nào con cũng sống như thể ngày đó hay giờ đó là ngày hay giờ cuối cùng của cuộc đời con. Hy vọng với cách đó, con sẽ luôn luôn sẵn sàng trở về với Cha bất cứ giây phút nào. Xin giúp con sống thật sự tinh thần chuẩn bị đó.
(Nguyễn Chính Kết)

Không có nhận xét nào: