Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2015

Vong-02-C

Chúa Nhật thứ 2 Mùa Vọng
(Năm C − ngày 06-12-2015)


ĐỌC LỜI CHÚA

·   Br 5,1-9: (7) Thiên Chúa đã ra lệnh phải bạt thấp núi cao và gò nổng có tự lâu đời, phải lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng phiu, để Ítraen tiến bước an toàn dưới ánh vinh quang của Thiên Chúa.

·   Pl 1,4-6.8-11: (9) Điều tôi khẩn khoản nài xin, là cho lòng mến của anh em ngày thêm dồi dào, khiến anh em được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên, (10) để nhận ra cái gì là tốt hơn. Tôi cũng xin cho anh em được nên tinh tuyền và không làm gì đáng trách, trong khi chờ đợi ngày Đức Kitô quang lâm.


·   TIN MỪNG: Lc 3,1-6

Ông Gioan Tẩy Giả rao giảng 



(1) Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tibêriô, thời Phongxiô Philatô làm tổng trấn miền Giuđê, Hêrôđê làm tiểu vương miền Galilê, người em là Philípphê làm tiểu vương miền Iturê và Trakhônít, Lyxania làm tiểu vương miền Abilên, (2) Khanan và Caipha làm thượng tế, có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Dacaria là ông Gioan trong hoang địa. (3) Ông liền đi khắp vùng ven sông Giođan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội, (4) như có lời chép trong sách ngôn sứ Isaia rằng: Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. (5) Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. (6) Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:

1. Thiên Chúa nói với Gioan, mời gọi ông cộng tác với Ngài vào kế hoạch cứu độ của Ngài. Thế còn chúng ta? Ngài có mời gọi ta làm gì không? Ta có nghe thấy Ngài mời gọi ta làm gì không? Nếu không thì tại ta hay tại Ngài?

2. Gioan mời gọi mọi người sám hối. Sám hối là gì? Sám hối chỉ hoàn toàn mang tính cá nhân hay còn mang tính tập thể nữa?

3.  Đời sống con người có nhiều mặt, muốn sám hối để cải thiện đời sống thì sám hối về mặt nào sẽ giúp con người cải thiện được nhiều nhất?

Suy tư gợi ý:

1. Gioan Ty Gi được Thiên Chúa kêu gọi

Gioan Tẩy Giả được Thiên Chúa kêu gọi một cách rất đặc biệt. Trước khi ông sinh ra, đã có những biến cố kỳ lạ liên quan đến ông. Cha ông đã gặp thiên sứ hiện ra trong Đền Thờ báo tin việc ra đời của ông, rồi cha ông bị câm vì cứng tin; mẹ ông mang thai ông trong tuổi già; và cha ông chỉ hết câm khi đặt tên cho ông (x. Lc 1,5-25.57-80). Khi ông đến tuổi trưởng thành, Kinh Thánh viết về ông: «Có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Dacaria là ông Gioan trong hoang địa» (Lc 3,2). Và ông đã đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa, đã  ra đi, rao giảng về Nước Trời, chuẩn bị hay dọn đường cho Đức Giêsu, Đấng Cứu Tinh nhân loại, đến trần gian. Ông đã chu toàn ơn gọi một cách hết sức nhiệt thành, đến nỗi đã chết một cách rất anh hùng vì ơn gọi của mình (x. Mt 14,3-12; Mc 6,17-29).



2.  Thiên Chúa cũng kêu gọi chúng ta

Ơn gọi của Gioan thì như thế. Còn ơn gọi của chúng ta thì sao? − Để cứu rỗi nhân loại và làm cho con người được hạnh phúc, và để thiết lập Nước Trời, Thiên Chúa cần rất nhiều người cộng tác. Một số người nghe được tiếng Ngài mời gọi cộng tác. Ai đáp lại thì cũng đều do Ngài kêu gọi và được thánh hóa (x. Rm 8,30). Nhưng Ngài thường không mời gọi một cách minh nhiên, rõ rệt bằng lời nói theo kiểu người đời mời gọi một ai đó cộng tác với mình. Người được Ngài mời gọi, ban đầu, thường cảm thấy một cách mơ hồ có một khuynh hướng hướng về Ngài, về công việc của Ngài. Khuynh hướng ấy ngày càng trở nên mạnh mẽ và rõ nét cho đến một hôm nó trở thành một lời mời gọi rõ rệt từ bên trong. Khuynh hướng này có trở nên mạnh mẽ và rõ rệt hay không, điều ấy còn tùy thuộc vào lòng nhiệt thành và quảng đại của ta trong những lần Chúa mời gọi ta thực hiện những công việc nho nhỏ trong những tình huống xảy ra thường ngày. Người nào không làm theo tiếng lương tâm, không đáp lại tiếng Ngài trong những trường hợp cụ thể của đời sống, sẽ không cảm thấy Ngài kêu gọi mình trong những công việc lớn hơn.

Rất nhiều người không được mời gọi cộng tác trong công việc của Ngài chỉ vì họ không nghe được tiếng Ngài. Nếu ta không nghe được tiếng Ngài,  chính vì ta chẳng mấy khi chịu im lặng để lắng nghe tiếng Ngài vang vọng trong thâm tâm ta. Thực ra Ngài vẫn nói, vẫn kêu gọi mọi người, nhưng nhiều người chẳng thèm nghe vì còn bận quan tâm đến những chuyện của trần gian. Nhiều lần như thế, tiếng Ngài ở trong ta ngày càng yếu ớt, và đến một lúc nào đó tiếng Ngài như tắt hẳn. Như vậy, không phải Ngài không nói mà vì lỗ tai tâm linh của ta đã bị điếc, không còn khả năng nghe thấy tiếng Ngài nữa. Và ta bị điếc cũng tại vì ta không muốn nghe, hay không muốn đáp lại lời mời gọi của Ngài.

3.  Gioan Tẩy Giả kêu gọi sám hối

Trước khi Đức Giêsu đến với trần gian, Thiên Chúa kêu gọi Gioan Tẩy Giả dọn đường cho Ngài, bằng cách mời gọi mọi người sám hối, biểu lộ lòng sám hối bằng một nghi thức bên ngoài rửa tội. Sám hối nhận ra những tội lỗi, khuyết tật, sai sót của mình để quyết tâm sửa đổi hầu trở nên tốt lành thánh thiện hơn. Nếu sám hối không dẫn đến tình trạng tốt đẹp hơn, thì sám hối đó chỉ sám hối hời hợt, ngoài miệng… Nếu thực hiện nghi thức sám hối bên ngoài (như rửa tội, xưng tội…) trong lòng không thật tâm sám hối thì đó chỉ việc làm lấy lệ hay giả dối.

Sám hối được thực hiện chủ yếu trong nội tâm chứ không chỉ qua những nghi lễ bên ngoài. Có thể sám hối thật sự mà không cần những nghi thức bên ngoài, và cũng có những người thực hành những nghi thức bên ngoài mà chẳng hề sám hối ở bên trong. Nếu sám hối thật sự thì việc sám hối phải tất yếu dẫn đến hành động cải thiện thật sự. Ngôn sứ Isaia tả sự sám hối ấy bằng những hình tượng khác nhau: «Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng» (Is 40,4; Lc 3,5).

4.  Sám hối một cách cụ thể là gì?

Điều quan trọng để đón Chúa đến là phải có tinh thần sám hối. Tinh thần sám hối không nằm ở chỗ cảm thấy đau buồn vì những lầm lỗi sai phạm của mình cho bằng việc xét lại bản thân để xác định được những khuyết điểm, tật xấu, những tư tưởng hành vi không đúng, không tốt trong quá khứ, và nhất là quyết tâm sửa chữa. Khi xét về những sai lỗi, ta thường nghĩ đến những hành vi gây hại cho người hoặc mình, cho gia đình, cho xã hội hoặc Giáo Hội, điều đó đúng, nhưng không đủ… Đọc đoạn Tin Mừng về ngày phán xét của Chúa (x. Mt 25,31-46), ta thấy Thiên Chúa chủ yếu phán xét ta về việc ta làm hoặc không làm cho tha nhân. Trong đoạn Tin Mừng ấy, kẻ bị kết án dường như chỉ vì không làm những việc mà tha nhân cần ta làm trong thế kẹt hay hoàn cảnh cấp bách của họ. Chúa nói: «Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng» (Mt 25,42-43). Qua đoạn Tin Mừng này, ta thấy dường như Thiên Chúa chỉ kết án thái độ «vô cảm», nghĩa là thờ ơ, không thèm quan tâm trước sự đau khổ, trước tình trạng bị áp bức bất công, trước những nhu cầu khẩn thiết của tha nhân cần đến sự can thiệp hay giúp đỡ của ta.

Sám hối đích thực nhất thiết phải dẫn tới một sự thay đổi, một sự cải thiện thật sự. Sám hối mà sau đó không có sự cải thiện nào, thì chỉ là sám hối giả tạo. Sự thay đổi hay cải thiện này phải được thực hiện trên nhiều bình diện: quan niệm, tư tưởng, thái độ, hành động, cách cư xử, v.v...

5. Sám hối quan trọng nhất là sám hối về những quan niệm sai lầm

Bình diện quan trọng nhất cần phải thay đổi, đó là thay đổi những quan niệm sai lầm của mình. Vì quan niệm sai sẽ dẫn đến suy nghĩ sai, suy nghĩ sai sẽ dẫn đến thái độ và hành động sai, hành động sai sẽ dẫn đến những hậu quả xấu, tai hại cho mình hoặc tha nhân… Rất nhiều khi ta quan niệm sai mà ta không biết. Năng đọc và suy gẫm Thánh Kinh để biết quan niệm của Thiên Chúa, để đối chiếu quan niệm của Ngài với quan niệm của ta, ta sẽ biết là ta quan niệm sai hay đúng. Chẳng hạn:

− Đọc đoạn Tin Mừng Mt 25,31-46, ta thấy: quan niệm của ta không đúng khi cho rằng nếu cả đời mình không làm hại ai thì mình ắt hẳn là người tốt, là công chính... Nhưng theo đoạn Tin Mừng này thì người được Thiên Chúa đánh giá là tốt, là công chính, chẳng những đã không làm hại ai, mà còn làm những gì tốt đẹp cho tha nhân, nhất là khi họ lâm vào tình trạng khẩn cấp cần được cứu giúp.

− Đọc đoạn Tin Mừng Mt 5,23-24, ta thấy: khi mình với tha nhân còn có chuyện giận ghét nhau, thì việc đi làm hòa với tha nhân được Thiên Chúa coi trọng hơn cả việc dâng của lễ trên bàn thờ. Điều này trái với quan niệm thông thường của ta, vì ta coi việc dâng của lễ quan trọng hơn rất nhiều so với sự hòa thuận cần có với tha nhân.

− Đọc đoạn thư của thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô 1Cr 13,1-3 ta mới thấy tình yêu đối với tha nhân còn quan trọng hơn cả đức tin, và những việc làm dù có tốt lành đến đâu nếu không xuất phát từ tình yêu thương đích thực thì cũng chẳng có giá trị gì. Điều này cũng rất ngược với quan niệm bình thường của ta vốn coi đức tin quan trọng hơn đức ái rất nhiều, và ta thường đánh giá rất cao những hành động tốt của ta cũng như của người khác mà không xét đến động lực thúc đẩy ta làm hành động ấy có phải là tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân hay không.

Còn rất nhiều đoạn Thánh Kinh khác, nếu thường đọc và suy gẫm, ta sẽ thấy quan niệm của Thiên Chúa khác với quan niệm của ta rất nhiều. Do đó, trong tinh thần sám hối, ta cần chỉnh lại quan niệm của ta sao cho phù hợp với quan niệm của Thiên Chúa. Đây mới chính là sự sám hối cần thiết nhất.

6. Sám hối phải được thể hiện thành hành động sửa sai,
nơi cá nhân cũng như trong xã hội

Sám hối đích thực phải dẫn đến sự chừa cải, tu sửa, cải thiện… Nói khác đi, có gì sai thì phải sửa cho đúng, xấu thì sửa cho tốt cho đẹp, cong thì sửa thành thẳng, gồ ghề thì sửa thành phẳng, cao thì bạt xuống, thấp phải đôn lên…

Việc sám hối và tu sửa phải được thực hiện không chỉ nơi cá nhân mà còn trong giáo hội và xã hội.

Nơi cá nhân: cá nhân nào cũng đều có những tật xấu, khuyết điểm, tính vị kỷ, kiêu căng, tham lam, đố kỵ, ghen ghét, lười biếng, hèn nhát, v.v… Mỗi lần mùa Vọng đến, để đón Chúa một cách thực tế, ta nên xác định một tật xấu hay khuyết điểm nào đó để quyết tâm sửa sai. Nếu mỗi mùa Vọng ta sửa được một tật xấu, một quan niệm sai lầm, thì khi đón Chúa đến vào cuối cuộc đời, Chúa sẽ rất hài lòng với ta.

Trong giáo hội và xã hội: giáo hội hay xã hội nào cũng đều có bất công: với những cơ chế phát sinh bất công, với những luật lệ phi lý, những quan niệm sai lạc, những lạm dụng quyền bính, những hủ tục, những tệ nạn… tất cả đều làm cho con người trong tập thể đau khổ, trì trệ, không phát triển, v.v… Ngày Chúa đến, Ngài không chỉ xét đoán các cá nhân, mà xét đoán cả các quốc gia, các tôn giáo, các nền văn hóa, các xã hội và giáo hội… nữa.

Hiện nay, trong đời sống tâm linh và tu đức, rất nhiều Kitô hữu chỉ nghĩ tới việc nên thánh cá nhân, sự cứu rỗi cá nhân, mà quên đi chiều kích giáo hội và xã hội của ơn cứu rỗi và sự nên thánh. Họ quan niệm việc nên thánh hay cứu rỗi của họ có thể thực hiện một mình, độc lập với những người chung quanh… Nghĩa là họ có thể nên thánh, được cứu rỗi mà không cần nghĩ gì đến xã hội và giáo hội, bất chấp đến những bất công, trì trệ, hay những thành quả tốt đẹp của giáo hội và xã hội. Họ cho rằng họ có thể nên thánh và được cứu rỗi mà không cần để ý đến xã hội hay những người chung quanh xem họ có nhu cầu gì, đau khổ hay hạnh phúc ra sao.

Thiết tưởng tinh thần cốt yếu của Kitô giáo là tình yêu, một tình yêu trải rộng đến mọi người không phân biệt bạn thù, giàu nghèo, giai cấp, v.v… Tiêu chuẩn cuối cùng để Thiên Chúa xét đoán sự công chính của mỗi người là tình yêu họ dành cho tha nhân (x. Mt 25,31-46). Nên sự sám hối cũng như sự tu sửa của người Kitô hữu để đón Chúa đến phải chủ yếu nhắm đến tình yêu, đến sự quan tâm của mình đối với tha nhân, đối với giáo hội, xã hội, quê hương, đất nước và toàn nhân loại.

Trong chiều hướng đó, câu «Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng» (Lc 3,5) không chỉ áp dụng cho bản thân mỗi cá nhân mà còn cho cả giáo hội và xã hội nữa.

7.  Ý thức sám hối mang tính giáo hội và xã hội

Tất cả mọi Kitô hữu đều trách nhiệm biến cải giáo hội hội nên tốt hơn, nghĩa phải sửa sai, phải thay đổi những chưa đúng, hoặc có hại trong giáo hội hội. Trong dân gian câu: «Giặc đến nhà, đàn phải đánh», hay «quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách» (kẻ kém cỏi nhất trong đất nước cũng trách nhiệm về sự thịnh suy của đất nước). Cũng thế, mọi Kitô hữu giáo dân hay linh mục tu sĩ, thất học hay trí thức, tất cả đều trách nhiệm đối với sự phát triển hay suy thoái của giáo hội hội. Những Kitô hữu tỏ ra tâm, tình, trách nhiệm đối với tha nhân, với hội, đất nước, thế giới, với giáo hội địa phương, cũng như với giáo hội hoàn vũ, cần phải suy xét lại thái độ tình ấy của mình. Rất thể ta chưa phải Kitô hữu đích thực, chưa đủ tình yêu đối với tha nhân,một phẩm tính căn bản của người Kitô hữu.

CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, xin Cha giúp con thực hiện lời kêu gọi sám hối của Gioan Tẩy Giả, cụ thể là mở rộng tấm lòng hẹp hòi của con ra. Xin cho con biết ôm cả thế giới, cả giáo hội, cả quê hương vào lòng, để con biết quan tâm đến những vấn đề rộng lớn, biết ý thức chia sẻ trách nhiệm chung với mọi người trước lịch sử của đất nước, của giáo hội và thế giới. Xin đừng để con quá hững hờ, làm ngơ hay dửng dưng vô trách nhiệm trước những biến cố đau thương hay sự hưng thịnh của đất nước, của giáo hội và thế giới.                         


(Nguyễn Chính Kết)

Không có nhận xét nào: