Chúa
Nhật thứ 3 Mùa Vọng
(Năm C − ngày 13-12-2015)
(Năm C − ngày 13-12-2015)
ĐỌC LỜI CHÚA
· Xp 3,14-18a: (17) Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đang ngự giữa ngươi,
Người là Vị cứu tinh, là Đấng anh hùng. Vì ngươi, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ, sẽ
lấy tình thương của Người mà đổi mới ngươi.
· Pl
4,4-7: (4) Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại : vui lên anh
em! (5) Sao cho mọi người thấy anh em
sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến.
· TIN MỪNG: Lc 3,10-18
Sứ điệp của Gioan Tẩy Giả
Khi ấy, (10) đám đông hỏi Gioan Tẩy Giả rằng: «Chúng tôi phải làm gì đây?» (11) Ông trả lời: «Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm
như vậy». (12) Cũng có những người thu thuế đến chịu phép
rửa. Họ hỏi ông: «Thưa thầy, chúng
tôi phải làm gì?» (13) Ông
bảo họ: «Đừng đòi hỏi gì quá mức đã
ấn định cho các anh». (14) Binh lính cũng hỏi ông: «Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì?» Ông bảo họ: «Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương
của mình».
(15) Hồi đó, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai
nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gioan lại chẳng là Đấng Mêsia! (16) Ông Gioan trả lời mọi người rằng: «Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước,
nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người.
Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa. (17) Tay Người
cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì
bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi». (18) Ngoài ra, ông còn khuyên dân nhiều điều
khác nữa, mà loan báo Tin Mừng cho họ.
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Để giúp mọi người sám hối, Gioan Tẩy giả khuyên mỗi loại người một
lời khuyên khác nhau. Tại sao vậy? Ta có thể rút ra kết luận gì về điều ấy?
2. Công lý và tình thương có liên hệ gì với nhau? Tình thương không
được xây dựng trên công lý có phải là đức ái Kitô giáo không? Tại sao?
3. Sám
hối để đón Chúa đến đòi hỏi phải có sự thay đổi: giữa thay đổi quan niệm và
thay đổi thái độ hay hành động, cái nào quan trọng và nền tảng hơn? Cần phải
thay đổi quan niệm nào và thay đổi thế nào?
Suy tư gợi ý:
1. Công
lý và tình thương
Gioan Tẩy Giả kêu gọi sám hối để
dọn đường cho Chúa đến. Khi có người muốn đi vào cụ thể của việc sám hối, Gioan
đã tùy theo người hỏi ông là loại người nào mà đề ra hai loại việc làm cụ thể.
Đối với những người trình độ tâm linh còn thấp, ông đề nghị những việc làm liên
quan đến việc thực hiện công bằng hay công lý. Chẳng hạn với người thu thuế,
ông nói: «Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn
định cho các anh» (Lc 3,13); với bính lính, ông nói: «Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương
của mình» (Lc 3,14). Đối với những người đã thực hiện được sự công bằng hay
công lý trong đời sống, ông đưa họ lên một mức độ trọn lành cao hơn, đó là tình
thương hay bác ái: «Ai có hai áo, thì
chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy» (Lc 3,11).
Công lý và tình thương hay công
bằng và bác ái là hai tinh thần căn bản của Kitô giáo. Hai đức này phải đi đôi
với nhau thì mới thật sự là tinh thần Kitô giáo. Nghĩa là công lý Kitô giáo
phải là thứ công lý có tình thương, và tình thương Kitô giáo phải là tình
thương được xây dựng trên nền tảng công lý. Nói theo ngôn ngữ thông thường là
tình và lý phải luôn đi đôi với nhau: lý phải có tình, mà tình phải có lý.
2. Tình thương phải có nền tảng là công lý,
công lý phải được xây dựng trên sự thật
công lý phải được xây dựng trên sự thật
Tuy nhiên, còn một điều hết sức
căn bản nữa của tinh thần Kitô giáo, đó là tinh thần tôn trọng chân lý hay sự
thật. Trong Tin Mừng Matthêu, Đức Giêsu cho biết: «Những điều quan trọng nhất trong
Lề Luật là công lý, tình thương và sự thành thật» (Mt 23,23). Sự
thành thật ở đây chính là tinh thần yêu chân lý, tôn trọng sự thật, nghĩa là: «Hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải
nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ» (Mt 5,37). Do đó, đạo đức hay
thánh thiện mà thiếu tôn trọng một trong ba điều này, là «công lý, tình thương và sự thành
thật», thì chỉ là thánh thiện hay đạo đức một cách què quặt.
Tuy nhiên, trong ba điều này thì
sự thành thật hay tinh thần tôn trọng sự thật là nền tảng cho cả hai điều kia.
Thiếu tinh thần tôn trọng sự thật thì không thể có công lý và tình thương đích
thực. Trong ba điều quan trọng ấy, tình thương là cao cả nhất (x. 1Cr 13,2.13) –
vì tình thương chính là bản chất của Thiên Chúa (x.1Ga 4,8.16) – nhưng tình
thương chỉ là tình thương đích thực khi nó được xây dựng trên nền tảng công
bình hay công lý. Tình thương có nền tảng như thế mới có thể là đức ái Kitô
giáo. Chính vì thế, đối với những người tội lỗi, ông Gioan chỉ đòi hỏi họ giữ
được sự công bằng, là mức đạo đức tối thiểu cần có (vốn chưa phải là công bằng
Kitô giáo), trước khi có được mức đạo đức cao hơn. Với người bình thường – giả
thiết là đã thực hiện sự công bình – ông mới khuyên họ thể hiện tình yêu thương
tích cực với đồng loại, đặc biệt với người nghèo khổ.
3. Nghĩa
vụ thực hiện công bằng xã hội
Người Kitô hữu đúng nghĩa là người
theo Chúa không chỉ tôn trọng công lý, sống công bằng với mọi người, không đối
xử bất công với ai, mà còn phải tích cực tạo sự công bằng xã hội và thực hiện bác
ái xã hội nữa. Ngôn sứ Isaia viết: «Cách
ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo
gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng
phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú
ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước
người anh em cốt nhục!» (Is 58,6-7). Nước Trời, nơi mọi người Kitô hữu mong
đợi sẽ đến, được thánh Giacôbê định nghĩa là «trời mới đất mới, là nơi công lý
ngự trị» (Gc 3,13), nếu ta không yêu chuộng công lý, không tìm cách tạo
lập công lý trong xã hội, làm sao ta có thể thích hợp với nơi ta mong đến ấy?
Học Thuyết Xã Hội Công Giáo đã
được Hội nghị các Giám mục Hoa Kỳ khi họp tại Washington DC
tháng 6-1998 tuyên bố là một phần thiết
yếu của đức tin Công giáo. Một trong những điểm chính yếu của học thuyết
này là kêu gọi các Kitô hữu không chỉ dấn thân vào các công việc bác ái mà còn phải
dấn thân thực hiện công bằng xã hội. Sống trong một xã hội mà bất công lan
tràn, nếu người Kitô hữu không hề quan tâm đến những bất công ấy và tìm cách
cải thiện nó, thì rõ ràng là không sống đúng điều Chúa Kitô và Giáo Hội đòi
hỏi.
4. Sự
phán xét của Thiên Chúa
Trong
bài Tin Mừng, Gioan cho biết Đấng Mêsia đến sau ông có nhiệm vụ giáo dục, thánh
hóa mọi người: «Người sẽ
làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa» (Lc 3,16). Ngoài ra, Ngài còn có nhiệm vụ sàng sẩy, thanh lọc, tức
phán xét và thưởng phạt mọi người nữa: «Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn
thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi» (Lc 3,17).
Mục
đích của công việc giáo dục, thánh hóa của Ngài chắc chắn là biến con người trở
thành những con người hoàn hảo như Ngài đã nói: «Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn
thiện» (Mt 5,48). Và con
người hoàn thiện theo quan niệm của Ngài ắt phải là người thực hiện được «những
điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, tình thương và sự thành thật»
(Mt 23,23).
Nếu mục
đích của việc giáo dục, thánh hóa của Ngài là như thế, ắt tiêu chuẩn để xét
đoán, thưởng phạt của Ngài cũng phải dựa trên ba điều căn bản ấy. Thật vậy, Tin
Mừng Matthêu cho ta tiêu chuẩn mà Ngài dùng để phán xét là chúng ta có đối xử
với tha nhân của mình bằng tình yêu hay không (x. Mt 25,31-46). Tình yêu mà Đức
Giêsu đòi hỏi là phải là thứ tình yêu được xây dựng trên nền tảng sự thật và
công lý.
5. Sám hối một cách có nền tảng
là sửa đổi quan niệm cho đúng
là sửa đổi quan niệm cho đúng
Các bài Tin Mừng trong mùa Vọng
đều ít nhiều nhấn mạnh đến tinh thần sám hối: Gioan «kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội»
(Lc 3,3). Sám hối đòi hỏi một sự thay đổi cụ thể: «Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc
quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng» (Lc 3,5).
Điều quan trọng nhất mà chúng ta phải thay đổi chính là quan niệm về sự thánh
thiện hay lòng đạo đức của chúng ta. Rất nhiều Kitô hữu quan niệm chưa đúng về
điều này, nên dù rất khao khát và quyết tâm nên thánh, nhưng trong thực tế chỉ
là đạo đức thánh thiện trước con mắt sai lầm của người đời, chứ không phải là
thánh thiện đạo đức trước con mắt của Thiên Chúa.
Hồi nhỏ, tôi có quen biết một bà
sống độc thân. Bà rất siêng năng đọc kinh, đi lễ, xưng tội, coi đó như là điều
quan trọng nhất trong đời. Vì thế, nhiều người coi bà là một người rất đạo đức.
Có điều là bà rất khó tính, con cháu dù lớn hay nhỏ đều cảm thấy không thích ở
gần bà. Mặc dù con cháu ruột thịt của bà rất đông và nhiều đứa rất nghèo khổ,
nhưng trước khi bà mất, bà dùng hết tiền của và tài sản bà có để xin lễ, không
để lại cho đứa cháu nào lấy một đồng. Bà lo sợ sau khi chết, con cháu sẽ không
có đứa nào xin lễ cho bà, nên bà phải tự lo lắng lấy chuyện ấy. Thấy vậy, tôi
tự hỏi: không biết cả tài sản của bà mà đem xin lễ như thế có thật sự lợi ích
cho phần rỗi linh hồn của bà không? Xét cho cùng thì bà chỉ là một người ích
kỷ: bà chỉ nghĩ tới phần rỗi linh hồn, hạnh phúc đời sau của bà, chứ không hề
yêu thương gì con cháu. Con cháu ruột thịt của bà mà bà không yêu thương thì bà
còn yêu thương được ai? làm sao bà yêu thương được Đấng vô hình như Thiên Chúa?
Bà hành động như thế chính vì bà có một quan niệm sai lầm về đạo đức và thánh
thiện, mà đáng buồn thay không mấy ai có đủ thẩm quyền lại chịu giúp bà thay
đổi quan niệm ấy!
6. Đạo đức hay thánh thiện phải được xây dựng
trên chân lý, công lý và tình thương
trên chân lý, công lý và tình thương
Hiện nay, chắc hẳn vẫn có khá
nhiều Kitô hữu quan niệm đạo đức theo kiểu của bà cụ trong câu chuyện trên.
Thiết tưởng chúng ta cần phải quan niệm cho đúng về sự đạo đức, thánh thiện thì
mới trở nên đạo đức, thánh thiện đúng nghĩa được. Đạo đức hay thánh thiện phải
được xây dựng trên nền tảng vững chắc là chân lý, công lý và tình thương, chứ
không phải trên những lễ nghi hay những hình thức của tôn giáo. Làm sao ta có
thể nên giống Đức Giêsu, Đấng «muốn lòng nhân
chứ không phải hy lễ» (Hs 6,6; Mt 9,13), đang khi ta lại chủ trương coi hy
lễ quan trọng hơn cả lòng nhân?
Thánh Gioan Kim Khẩu viết: «Anh em có muốn tôn kính thân thể Chúa Kitô
không? Vậy thì đừng bỏ qua Ngài khi thấy Ngài trần truồng. Đừng tôn vinh Ngài
với đủ thứ gấm vóc lụa là trong đền thờ, trong khi lại bỏ mặc Ngài đang run
lạnh và trần truồng ngoài trời. Đấng đã từng nói “Đây là mình Thầy” cũng chính
là Đấng đã nói “Các ngươi thấy ta đói mà không cho ăn”… Có ích gì khi bàn tiệc
Thánh Thể thì chất nặng những chén lễ bằng vàng, trong khi Đức Kitô đang hấp
hối vì đói khát? Hãy cho Ngài hết đói khát đã, rồi mới lấy những gì còn lại mà
trang hoàng bàn thờ!» (Tông huấn Giáo Hội tại Châu Á trích dẫn, số 41§2). Chữ
“Ngài” trong đoạn văn này là ai? − Chính Đức Giêsu đã giải thích: «Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm
(hay không làm) như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi
đã làm (hay không làm) cho chính Ta vậy» (Mt 25,40/45).
Để đón Chúa đến, thiết tưởng điều sám
hối quan trọng nhất là chúng ta cần quan niệm cho đúng về sự thánh thiện. Đạo
đức hay thánh thiện Kitô giáo phải được xây dựng trên «những điều quan trọng nhất trong
Lề Luật là công lý, tình thương và sự thành thật» (Mt 23,23), tức «chân
lý, công lý và tình thương», chứ không phải xây dựng trên những lễ nghi hay
những hình thức đạo đức bề ngoài.
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha,
Đức Giêsu luôn coi trọng tình thương và cách xử sự giữa con người với nhau hơn
cả những nghi thức tôn giáo (x. Mt 6,23-24; 9,13). Xin giúp con thay đổi quan
niệm giống như Đức Giêsu để đón Ngài đến trong tâm hồn con như một vị Thầy, một
gương mẫu thánh thiện cho cuộc đời của con. Thật là trớ trêu khi con muốn nhận
Ngài là Thầy mà lại không muốn quan niệm mọi sự giống như Ngài. Xin giúp con có
được những quan niệm giống như Đức Giêsu nhờ đọc và suy gẫm Lời Ngài trong Kinh
thánh, để thấy được cách quan niệm, cách suy nghĩ và cách sống của Ngài mà bắt
chước. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét