Chúa Nhật thứ 5 Thường Niên
(Năm C − ngày 7-2-2016)
ĐỌC LỜI CHÚA
· Is 6,1-2a.3-8:
(3) «Đức Chúa các đạo binh là
Đấng Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!»
· 1 Cr 15,1-11:
(10) Tôi có là gì thì cũng là
nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu; trái lại, tôi đã
làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên
Chúa cùng với tôi.
· TIN MỪNG: Lc 5,1-11
Đức Giêsu kêu gọi bốn
môn đệ đầu tiên
(// Mt 4,18-22; Mc 1,16-20)
(// Mt 4,18-22; Mc 1,16-20)
(1) Một hôm, Đức Giêsu đang đứng ở bờ hồ Ghennêxarét, dân chúng
chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa. (2) Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ
hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. (3) Đức Giêsu xuống một chiếc thuyền, thuyền
đó của ông Simôn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người
ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông.
(4) Giảng xong, Người bảo ông Simôn: «Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá».
(5) Ông Simôn đáp: «Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà
không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới». (6) Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều
cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. (7) Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những
người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.
(8) Thấy vậy, ông Simôn Phêrô sấp mặt dưới
chân Đức Giêsu và nói: «Lạy
Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!» (9) Quả vậy, thấy
mẻ cá vừa bắt được, ông Simôn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều
kinh ngạc. (10) Cả hai
người con ông Dêbêđê, là Giacôbê và Gioan, bạn chài với ông Simôn, cũng kinh
ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giêsu bảo ông Simôn: «Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta». (11) Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi
sự mà theo Người.
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Đặt mình vào địa vị của Simon, bạn sẽ nghĩ thế
nào khi đã đánh cá suốt đêm mà không được con cá nào, mà Thầy mình lại bảo đánh
cá lần nữa?
2. Ta có thể rút ra bài học nào từ sự kiện trên?
Giữa ý Chúa và ý ta, thực hiện ý của ai thì đem lại kết quả tốt đẹp cho ta hơn?
Suy tư gợi ý:
1. Cứ tuân theo ý Chúa, sẽ chứng kiến nhiều
việc lạ lùng
Bài Tin Mừng hôm nay
cho thấy: nhờ vâng lời Đức Giêsu, Simon đã thành công trong mẻ lưới cá đêm ấy.
Điều đáng lưu ý là lệnh truyền hay ý muốn của Đức Giêsu trong trường hợp này
rất ngược với ý muốn hay kinh nghiệm nhà nghề của Simon. Ông đã đánh cá suốt
đêm mà không bắt được con cá nào, nên theo kinh nghiệm bao năm trong nghề của
ông, ông nghĩ nếu có tiếp tục đánh nữa thì cũng chẳng có kết quả gì. Mặc dù
vậy, ông vẫn vâng lời Thầy mình, nhờ đó ông đã tận mắt chứng kiến sự lạ lùng
xảy ra.
Đó là một bài học cho
chúng ta trong cuộc đời Kitô hữu giữa trần gian. Chúng ta – dù là người được
mọi người coi là khôn ngoan nhất – không thể biết chắc chắn hành động như thế
nào thì sẽ đem lại kết quả tốt đẹp nhất. Rất nhiều tính toán – mà ai cũng phải
công nhận đó là những tính toán hết sức khôn ngoan kiểu trần gian – lại dẫn đến
những kết quả bi thảm. Chính vì thế dân gian mới có câu: «May hơn hay», «Người tính
không bằng Trời tính», «Mưu sự tại
nhân, thành sự tại Thiên». Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy: để thành công và
hạnh phúc, tốt nhất ta nên hành động theo ý muốn của Thiên Chúa. Lý do: Vì Ngài
yêu thương ta hơn chính ta yêu thương mình, luôn mong muốn ta được hạnh phúc; Ngài
lại khôn ngoan vô cùng, chẳng những biết cách tốt nhất và hữu hiệu nhất để ta
hạnh phúc, mà còn có quyền năng vô biên để giúp ta thực hiện cách tốt nhất ấy
nữa. Vì thế, cách khôn ngoan nhất của ta là phó mặc vận mạng của mình trong tay
Ngài, và cương quyết làm tất cả những gì Ngài muốn ta làm.
Rất nhiều trường hợp,
điều Ngài muốn ngược lại với sự khôn ngoan hay cách tính toán của ta. Nhưng nếu
ta cứ quyết tâm làm theo ý Ngài thì kết quả cuối cùng chắc chắn sẽ có lợi cho
ta hơn là ta làm theo ý muốn hay sự khôn ngoan của ta. Người Trung Hoa có câu:
«Thuận Thiên giả tồn, nghịch Thiên giả
vong» (Hành động thuận theo ý Trời thì sẽ tồn tại, còn làm ngược lại ý Trời
thì sẽ tiêu vong). Tuy nhiên, khi hành động theo ý Thiên Chúa, thì kết quả
trước mắt hay những kết quả tạm thời có thể không như ý ta muốn, vì Chúa thường
thử thách niềm tin của con người, nhưng kết quả cuối cùng chắc chắn là tốt đẹp.
Điều đó tốt hơn là kết quả trước mắt thì đẹp, nhưng kết quả sau cùng lại xấu. Thiên
Chúa thường thử thách để trui luyện người công chính, Kinh thánh viết: «Người công chính gặp nhiều nỗi gian truân,
nhưng Chúa giúp họ luôn thoát khỏi» (Tv 34,20).
2. Chia sẻ kinh nghiệm cuộc đời
Tôi – người viết bài
này – xin chia sẻ kinh nghiệm sau đây. Cuộc đời tôi có hai giai đoạn: giai đoạn
sống theo ý muốn của mình, và giai đoạn từ bỏ mọi ý riêng để hoàn toàn sống
theo ý của Thiên Chúa. Chỉ trong giai đoạn sau tôi mới sống bình an, hạnh phúc
và mạnh mẽ.
a) Giai đoạn sống
theo ý muốn của mình:
Trong giai đoạn này,
tôi lấy «cái tôi» của mình là trung
tâm (égocentrique) và coi những gì liên quan đến «cái tôi» ấy là quan trọng (trong đó có ý kiến của tôi, quan điểm
của tôi, ý muốn của tôi…). Vì thế, tôi luôn tìm cách đề cao «cái tôi» của mình, điều này thường đồng
nghĩa với việc tìm cách hạ «cái tôi»
của người khác xuống. Khi thấy người khác được ca tụng, nổi bật, còn mình bị
chìm lỉm giữa đám đông, tôi thường cảm thấy buồn bã, đau khổ, thậm chí bị xúc
phạm. Trong tôi hình thành nhiều tham vọng về tâm linh cũng như về xã hội.
Về tâm linh, tôi quyết
tâm trở nên một vị thánh lớn như Têrêxa hay Phanxicô Xavie. Tôi muốn mọi người
phải khâm phục tôi là thánh thiện, đạo cao đức cả. Về xã hội, tôi quyết trở nên
một nhân vật nổi bật: trong Giáo Hội thì phải là một chức sắc cao, ngoài xã hội
thì phải là bậc vị vọng. Và tôi quyết tâm tu đức, học hành, cố gắng tập luyện
hầu đạt được những tham vọng đó. Tôi trở thành một con người duy ý chí: tôi
nghĩ cứ quyết tâm là được vì «vouloir,
c’est pouvoir» mà! và coi mọi ý muốn của mình là quan trọng. Từ đó tôi có
tính áp đặt ý muốn của mình trên người khác, muốn mọi người phải theo ý của
mình. Nếu ý mình không được thực hiện, tôi cảm thấy bị xúc phạm và đau khổ rất
nhiều.
Sống với ý hướng như
vậy hàng chục năm, tôi cảm thấy tâm hồn mình không bình an, không hạnh phúc. Về
tâm linh, tôi luôn phải đối diện và bất mãn vì những yếu đuối của mình. Tôi
quyết tâm cao độ rất nhiều điều tốt đẹp, nhưng cuối cùng xét lại chẳng thực
hiện được bao nhiêu, nên thường buồn bã. Về xã hội, so sánh với nhiều người,
tôi thấy mình vẫn bị thua kém, khiến tôi luôn luôn bị dằn vặt, đau khổ. Nỗ lực
liên tục trong đau khổ như thế, một thời gian sau tôi bị bệnh: bắt đầu là bệnh
dạ dày, sau đến bệnh ho lao, cơ thể tôi suy yếu, và tôi đâm ra chán chường thất
vọng… Nhưng về sau tôi đã trở nên hạnh phúc và khỏe mạnh nhờ thay đổi cách suy
nghĩ và cách sống.
b) Giai đoạn sống
theo ý muốn của Thiên Chúa:
Trong thời gian sống
khắc khoải như thế, tôi đã dành một thời gian rất dài để nghiên cứu, tìm hiểu
các tôn giáo khác. Tôi nhận ra tôn giáo nào cũng đòi hỏi con người phải coi nhẹ
«cái tôi» của mình và cả những gì
liên quan đến «cái tôi» ấy, đồng thời
đặt nặng việc sống theo ý Chúa, theo những đòi hỏi của «Đạo», của tình yêu, của lương tâm, của lẽ phải, của sự khôn ngoan,
hợp lý, của luật lệ tôn giáo… Tôi suy nghĩ nhiều về lời của Đức Giêsu: «Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình»
(Mt 16,24), và «Không phải bất cứ ai thưa
với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi
hành ý muốn của Cha Thầy, là Ðấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi» (Mt
7,21). Nhờ vậy, trong đời sống tâm linh Kitô hữu, tôi hiểu được sự cần thiết
của tinh thần «tự xóa» (kenosis) và
của lập trường hoàn toàn làm theo thánh ý Thiên Chúa. Chính Đức Giêsu đã nêu
gương sáng ngời về hai điều ấy. Ngài đã tự xóa mình một cách hoàn toàn (x. Pl
2,6-8) và triệt để tuân theo thánh ý Chúa Cha trọn đời Ngài. Ngài nói: «Tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi,
nhưng theo ý Đấng đã sai tôi» (Ga 5,30; x. 6,38; 4,34); «Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của
Ðấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người» (Ga 4,34).
Hiểu được như thế, tôi
tập sống quên mình, không lấy mình hay ý muốn của mình làm trung tâm nữa, mà
lấy Thiên Chúa làm trung tâm, đồng thời luôn cố gắng sống thuận theo thánh ý
Ngài. Theo tôi, ý của Thiên Chúa được biểu lộ qua tiếng lương tâm, qua lời của
Ngài trong Kinh Thánh, qua sự hợp tình hợp lý đòi hỏi, qua lề luật tôn giáo,
qua các định luật hay lẽ tự nhiên trong vũ trụ, qua những dữ kiện khách quan
xảy ra, qua thiên cơ hay những dấu chỉ thời đại. Tôi bắt đầu từ bỏ mọi tham
vọng, mọi ý riêng: không còn mong muốn mình trở nên một nhân vật nào to tát
nữa, mà sẵn sàng chấp nhận làm một người nhỏ bé, tầm thường nhất, và không còn
coi ý muốn của mình là quan trọng nữa. Tôi nhận ra ngay cả ý muốn trở nên một
vị thánh cao cả của tôi trước đây cũng chỉ là một thứ tâm lý muốn «phình to bản ngã», một hình thức của
tính kiêu ngạo.
Rất nhiều sự việc xảy
đến ngược lại sự khôn ngoan hay dự tính của tôi, mà tôi thấy trước mắt là bất
lợi cho tôi. Nhưng khi tôi thấy rằng mình không thể thay đổi được, và nhận ra
rằng ý của Thiên Chúa là muốn tôi vui vẻ chấp nhận, thì tôi sẵn sàng vâng theo.
Tôi phó thác để mặc Ngài dẫn tôi đi đâu tùy ý Ngài. Thường là sau một thời
gian, tôi nhận ra rằng điều mà trước đó tôi cho là bất lợi ấy cuối cùng lại trở
nên hết sức ích lợi cho tôi. Dần dần tôi chứng nghiệm được rằng «Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích
cho những ai yêu mến Người» (Rm 8,28). Kinh nghiệm cho tôi thấy: khi những
bất lợi xảy đến, nếu cứ vui vẻ đón nhận theo ý Thiên Chúa và kiên nhẫn chờ đợi,
thì tất cả những bất lợi ấy cuối cùng đều trở nên lợi ích.
Ngay cả những yếu
đuối, sa ngã, và những hành động ngu xuẩn của tôi trước đây, cũng trở thành có
lợi cho tôi, khiến tôi trở nên ý thức hơn về tính yếu đuối và dễ sai lầm của
mình, để nhờ đó tôi trở nên khiêm nhượng hơn, bớt tự tin hơn để tin vào quyền
năng của Chúa nhiều hơn. Qua dụ ngôn hai người vào đền thờ cầu nguyện (x. Lc
18,9-14), tôi nhận ra rằng người ít phạm tội, người giữ luật đạo rất tốt, nhưng
lại kiêu ngạo, hay chê bai người khác, thì không công chính trước mặt Thiên
Chúa cho bằng người tội lỗi biết ăn năn hối cải và thật lòng khiêm nhường nhìn
nhận mình có tội, đồng thời biết cảm thông với những hạn chế của tha nhân.
Sống «vô ngã» và sống không có ý riêng như
vậy, tôi cảm thấy mình thanh thản hơn xưa rất nhiều. Thay vì sợ đau khổ thì sẵn
sàng chấp nhận mọi khổ đau đến với mình; thay vì lấy hạnh phúc của mình làm mục
đích phải đạt tới thì lấy thánh ý Thiên Chúa và hạnh phúc của người khác làm
đối tượng tìm kiếm và thực hiện. Sống như vậy, tôi cảm thấy tâm hồn bình an và
không còn nhạy bén với đau khổ như xưa. Dường như càng sợ và tránh đau khổ thì
ta càng nhạy bén với đau khổ và càng vướng vào đau khổ. Còn càng chấp nhận đau
khổ – bất cứ loại đau khổ nào – để thực hiện thánh ý Thiên Chúa và hạnh phúc
của tha nhân thì đau khổ càng ít ảnh hưởng được tới mình. Hiện nay tôi thấy
mình hạnh phúc và thành công hơn xưa rất nhiều. Sức khỏe tôi cũng được cải
thiện, và tôi cảm thấy tràn đầy sức sống, cả tinh thần lẫn thể chất. Một điều
khá lạ lùng là những tham vọng mà tôi đã dẹp bỏ, mà giờ đây tôi không thèm quan
tâm thực hiện nữa thì lại đang thành tựu tốt đẹp theo kiểu «bất chiến tự nhiên thành», hay không muốn
mà được! Vì thế, tôi cho rằng sống theo ý Chúa thì khôn ngoan và thành công hơn
là sống theo ý mình.
CẦU NGUYỆN
Lạy
Cha, nhiều khi đứa con nhỏ của con cứ nhất quyết làm theo ý của nó, cách thức
của nó vì nó cho rằng phải làm như thế thì mới khôn ngoan và thành công. Trong
khi đó, con lại nhìn thấy nếu nó cứ làm theo ý nó hay cách của nó thì chắc chắn
sẽ thất bại. Nhưng nó không nghe con và cuối cùng nó đã thất bại. Từ sự việc
đó, con nhận ra chính con cũng hành động ngu xuẩn như nó khi con cứ khăng khăng
làm theo ý của con chứ không theo ý của Cha. Và con đã thất bại ê chề trong
cuộc sống. Con đã sống trong đau khổ bao năm vì cứ cố chấp sống theo ý của con.
Nay con đã nhận ra rằng sống theo ý của Cha là cách đơn giản nhất, dễ dàng nhất
và khôn ngoan nhất để thành công và hạnh phúc trong cuộc đời. Xin cho con giữ
được sự khôn ngoan này suốt cuộc đời con. Amen.
(Nguyễn Chính Kết)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét