Thứ Tư, 9 tháng 3, 2016

Chay-04-C


Thứ Tư, ngày 09 tháng 3 năm 2016

Chay-04-C

(Nguyễn Chính Kết)


Chúa Nhật thứ 4 Mùa Chay
 (Năm C − ngày 6-3-2016)

Tình thương của Thiên Chúa
đối với những người tội lỗi 




ĐỌC LỜI CHÚA

·    Gs 5,9a.10-12: (9) Đức Chúa phán với ông Giôsuê: «Hôm nay Ta đã cất khỏi các ngươi cái ô nhục của người Ai Cập».

·    2Cr 5,17-21: (17) Ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, cái mới đã có rồi. (19) Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hoà giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa.


·    TIN MỪNG: Lc 15,1-3.11-32

Dụ ngôn người cha nhân hậu

(1) Khi ấy, tất cả những người thu thuế và những người tội lỗi thường đến gần Ðức Giêsu mà nghe Người. (2) Còn những người thuộc phái Pharisêu và các kinh sư thì lẩm bẩm: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”.(3) Ðức Giêsu mới kể cho họ dụ ngôn này:

(11) «Một người kia có hai con trai. (12) Người con thứ nói với cha rằng, “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng”. Và người cha đã chia của cải cho hai con. (13) Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình. (14) Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, (15) nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. (16) Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. (17) Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ, “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! (18) Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người, “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha,(19) chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy”.

(20) Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha. Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. (21) Bấy giờ người con nói rằng, “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa…” (22) Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng, “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, (23) rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! (24) Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”. Và họ bắt đầu ăn mừng.

(25) “Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa,(26) liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. (27) Người ấy trả lời: “Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì được lại cậu ấy mạnh khoẻ”. (28) Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. (29) Cậu trả lời cha: “Cha ơi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. (30) Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!”

(31) “Nhưng người cha nói với anh ta: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. (32)Nhưng chúng ta phải ăn mừng và hoan hỷ, vì em con đây đã chết, nay lại sống, đã mất, nay lại tìm thấy”».

CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:

1.   Dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay, trước đây, Giáo Hội thường gọi là “dụ ngôn người con hoang đàng”, nhưng sau này lại gọi là “dụ ngôn người cha nhân hậu”. Có gì thay đổi trong quan niệm của Giáo Hội?

2.   Có ai trong cuộc đời mà không dại dột, lầm lỡ, sa ngã không? Sự dại dột, lầm lỡ, sa ngã ấy có thể đem lại một lợi ích nào cho đương sự không?

3.   Khi đứa con hoang đàng trở về, những kinh nghiệm về quá khứ tội lỗi của nó có ích lợi gì cho đời sống sau này của nó bên cha nó không? Ích lợi gì?

4.   Ta cần có quan niệm và thái độ nào đối với những người tội lỗi muốn thật lòng trở về đường ngay nẻo chính? Thiên Chúa quan niệm thế nào?

Suy tư gợi ý:

1. Cách nhìn của Giáo Hội về dụ ngôn này có sự thay đổi sau Công Đồng Vatican II

Trước Công Đồng Vatican II, Giáo Hội quan tâm nhiều đến con người và tình trạng tội lỗi của con người, đồng thời đặt nặng vấn đề luân lý, lề luật, tính công bằng và đáng kính sợ của Thiên Chúa. Cái nhìn của Giáo Hội khi ấy có tính nghiêm khắc của một người Thầy hơn là một người Mẹ, nên Giáo Hội nhìn dụ ngôn trên theo hướng đó, và gọi nó là «dụ ngôn người con hoang đàng». Với cách nhìn đó, Giáo Hội kêu gọi các tín hữu hãy sám hối, hoán cải, từ bỏ con đường tội lỗi và trở về với Thiên Chúa.

Sau Thông điệp «Mẹ và Thầy» (Mater et Magistra) của Đức Gioan XXIII, và sau Công Đồng Vatican II, Giáo Hội quan tâm nhiều hơn đến bản chất đáng yêu và tình thương vô biên của Thiên Chúa đối với con người như Đức Giêsu đã từng quan niệm, hơn là quá chú tâm vào tính công bình và đáng kính sợ của Thiên Chúa như Gioan Tẩy Giả quan niệm (x. Mt 3,10-12). Cái nhìn của Giáo Hội sau Công Đồng Vatican II mang tính bao dung và đậm đà tình yêu thương của một người Mẹ hơn là một người Thầy, và nhấn mạnh đến tình yêu của Thiên Chúa hơn là đặt nặng tính tội lỗi của con người, nên Giáo Hội gọi dụ ngôn trên là «dụ ngôn người cha nhân hậu».

Cả hai cách gọi đều đúng và bổ túc cho nhau, như hai mặt của một tờ giấy. Nhưng phải nhìn nhận rằng cách nhìn của Giáo Hội sau Công Đồng Vatican II có tính tích cực hơn, tập trung vào Thiên Chúa hơn vào con người, vào tình thương của Thiên Chúa hơn vào tình trạng tội lỗi của con người, điều này phù hợp cách nhìn của Chúa Giêsu và người cha trong dụ ngôn hơn. Thật vậy, đối với đứa con bất hiếu, tình yêu của người cha trong dụ ngôn đối với đứa con thân yêu do mình dứt ruột đẻ ra lớn hơn rất nhiều so với nỗi buồn giận do nó gây ra cho mình.

Cách nhìn của Giáo Hội trước Công Đồng Vatican II đối với tình trạng tội lỗi của con người có vẻ phù hợp với cách nhìn của người Pharisêu và người con cả trong dụ ngôn hơn cách nhìn của Chúa Giêsu và người cha nhân hậu đối với đứa con bất hiếu của mình. Thật vậy, trong khi Chúa Giêsu sẵn sàng «ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi» (Mt 9,11) để cảm hóa họ, thì thái độ của người Pharisêu là khinh bỉ, tẩy chay họ như một hình thức trừng phạt, và không chấp nhận cách xử sự quá nhân hậu và khoan dung như thế của Ngài (x. Lc 15,2; 7,39).

2. Dụ ngôn người cha nhân hậu và chủ đề Năm Thánh 2016

Cách nhìn mới mẻ của Giáo Hội về dụ ngôn trên cũng chính là tinh thần hay chủ đề của Năm Thánh 2016 kính Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

Chính vì nhận ra tình thương và tin tưởng vào tình thương và sự tha thứ của người cha mà đứa con bất hiếu mới dám nghĩ đến việc quay trở về với cha mình. Nếu nó đoán rằng mình trở về nhà sẽ bị cha mình trách mắng thậm tệ và đuổi cổ đi, chắc chắn nó sẽ không dám quay về dù rất muốn điều đó, và nó sẽ phải tiếp tục sống cuộc sống bê bối trong lầm than. Có nhấn mạnh vào tình thương vô biên sẵn sàng tha thứ của Thiên Chúa thì những người tội lỗi mới tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa và có nhiều động lực hơn để sám hối và trở về với Thiên Chúa. Còn cứ nhấn mạnh tới tình trạng tội lỗi của con người để rồi kết án họ, nhấn mạnh đến hình phạt dành cho họ sẽ làm cho họ có ấn tượng sai lầm về bộ mặt quá nghiêm khắc và đáng sợ của Thiên Chúa thì chỉ làm cho họ thất vọng, khiến họ tiếp tục sống cuộc sống cũ đầy tội lỗi. Cách này không hẳn là khôn ngoan về mặt tâm lý.

Cách hành xử của Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào dịp Năm Thánh này rất phù hợp với tinh thần của bài Tin Mừng hôm nay. Mặc dù ngài vẫn coi việc ly dị là phản Tin Mừng, nghịch ý Thiên Chúa, nhưng ngài vẫn quyết định cho các Kitô hữu đã ly dị và tái hôn không bị dứt phép thông công và không bị đối xử như những người tội lỗi hay ngoài Giáo Hội. Ngài xác định họ vẫn luôn luôn là con cái và là thành phần của Giáo Hội. Cách hành xử này phù hợp với quan niệm mới của Công Đồng Vatican II. Thật vậy, Chúa Giêsu đã trao chìa khóa Nước Trời cũng như quyền cầm buộc và tháo cởi cho Phêrô mà các vị Giáo Hoàng là những người kế vị (x. Mt 16,18-19). Từ xưa đến nay, ngoài bí tích hòa giải ra, chúng ta thấy Giáo Hội thường sử dụng quyền cầm buộc chứ rất ít khi sử dụng quyền tháo cởi. Điều này khiến người ta thấy Giáo Hội có một bộ mặt nghiêm khắc của một người Thầy, hơn là bộ mặt hiền từ, nhân hậu đầy yêu thương của một người Mẹ. Không phải là vô ý mà Đức Giáo hoàng Gioan XXIII, trong Thông Điệp «Mẹ và Thầy», đã sử dụng chữ Mater (Mẹ) trước chữ Magistra (Thầy) để nói về bản chất của Giáo Hội đối với các con cái mình. Giáo Hội vừa là Mẹ vừa là Thầy, nhưng là Giáo Hội muốn mình là Mẹ nhiều hơn là Thầy. Thật vậy, Giáo Hội phải phản ảnh tình yêu thương là bản chất của Thiên Chúa nhiều hơn tính công bằng hay thưởng phạt của Ngài, mặc dù Ngài có cả hai tính chất ấy. Thánh Kinh định nghĩa «Thiên Chúa là Tình Yêu» (1Ga 4,8.16) chứ không định nghĩa Ngài là Công Bằng. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã hành động theo chiều hướng này.

Tuy nhiên, bất kỳ một sự đổi mới nào trong xã hội cũng như trong Giáo Hội cũng đều bị chống đối bởi những người có khuynh hướng bảo thủ. Ngày xưa, các tư tế và những người Pharisêu không thể chấp nhận được những quan niệm cũng như tư tưởng mang tính cách mạng của Đức Giêsu. Ngay cả Giáo Hội dưới thời Giáo Hoàng Urban VIII thế kỷ 17 cũng đã từng kết án Thầy dòng Galilê và Linh mục Bruno chỉ vì những vị này có những tuyên bố khoa học ngược lại với những quan niệm truyền thống trong Giáo Hội. Khuynh hướng bảo thủ trong Giáo Hội cũng đã từng kết án các linh mục như Roberto Nobili, Mateo Ricci, Karl Rahner, Hồng y Yves Congar, v.v... là những người dám tư tưởng và hành động theo lương tri dưới ánh sáng của Tin Mừng, chứ không theo những gì mà các vị cảm thấy chưa đúng trong truyền thống. Một thời gian sau, chính Giáo Hội đã phải công nhận rằng họ suy nghĩ đúng hơn. Số phận của các ngôn sứ, tiên tri hay những người có tư tưởng đi trước thời đại trong mọi thời đều bị như vậy cả. Những người bảo thủ thường quan niệm rằng những gì đã được truyền thống hay Giáo Hội công nhận là đúng thì sẽ vĩnh viễn là đúng, cần phải bảo vệ, nên mọi thay đổi đều là sai lầm.

3. Lầm lỡ, sa ngã là chuyện thường, nhưng cần trỗi dậy

Xin trở về với dụ ngôn của bài Tin Mừng. Cuộc đời ai mà chẳng có lúc lầm lỡ, nhất là trong thời mình còn non người trẻ dạ. Thật vậy, có ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần? Và nhiều khi nhờ cái dại mà trở nên khôn, tương tự như «thất bại là mẹ thành công». Kết quả của sự dại dột về mặt tâm linh là tình trạng tội lỗi. Nhiều khi nhờ có một quá khứ tội lỗi mà người ta trở nên khiêm nhường hơn, thông cảm với những lầm lỗi của người khác hơn. Sự khiêm nhường và thông cảm ấy lại là một yếu tố quan trọng và cần thiết của sự thánh thiện. Như vậy cái dại, sự lầm lỡ, cũng như tội lỗi không chỉ có những khía cạnh tiêu cực, mà chúng vẫn có thể có những khía cạnh tích cực của chúng. Trái lại, cái khôn, sự thành công, sự tốt lành, trong sạch không chỉ có những mặt thuận lợi, tốt đẹp, mà vẫn có thể có mặt trái nó: nó cũng có thể làm ta kiêu căng, tự mãn, là mối tội lớn nhất của con người.

Điều quan trọng để sự dại dột, lầm lỡ hay tội lỗi của mình trở thành một cái gì tích cực và có lợi, đó là sự chân thành ăn năn hối lỗi, thật lòng muốn quay trở về đường ngay nẻo chính, biết rút kinh nghiệm từ những sa ngã và yếu đuối của mình… Lúc đó, Thiên Chúa sẽ biến sự dại dột, lầm lỡ hay tình trạng tội lỗi của ta thành một thuận lợi, một hồng phúc, đến nỗi cuối cùng chúng trở thành ích lợi cho sự nên thánh của ta hơn là nếu ta không hề lầm lỡ hay phạm tội. Vì nếu người ta có thể biến điều xấu thành điều tốt được, thì Thiên Chúa có thể biến điều xấu nhất thành điều tốt nhất. Có như thế, Ngài mới chính là Thiên Chúa toàn năng!

4.  Kinh nghiệm phải trả giá của đứa con hoang đàng

Nếu cả hai đứa con của người cha đều ở nhà cả, thì không có gì đáng nói. Cả hai đứa sẽ sống trong cảnh êm đềm, ấm cúng của gia đình, và chẳng biết khổ là gì. Nhưng nhiều khi cuộc đời không xuôi chảy như người ta nghĩ. Cha mẹ trong nhà nhiều khi không ngờ có những đứa con không chịu đi theo chiều hướng mình đã hoạch định cho chúng. Chúng muốn ra khỏi vòng tay yêu thương và chăm sóc của mình.

Người cha trong bài Tin Mừng hôm nay đã gặp cảnh ấy. Đứa con thứ đã yêu cầu ông chia gia tài cho nó để nó thoát ly gia đình. Sau khi phân tích cho nó thấy cái hay cái dở trong dự định của nó, ông đã thực hiện theo quyết định của nó, vì ông tôn trọng tự do và sự trưởng thành của con cái. Ông hy vọng nó sẽ chịu khó làm ăn và sự may mắn sẽ đến với nó. Nhưng nó không được như vậy

Rời xa gia đình, nó đã bị cám dỗ sống đời xa hoa, phóng túng và tội lỗi. Kết quả là chẳng bao lâu, phần tài sản mà người cha chia cho nó đã hết nhẵn. Thế là nó lâm cảnh túng quẫn, nghèo khổ đến tận cùng. Thật đáng đời cho đứa con phung phá! Đến bây giờ nó mới biết thế nào là hậu quả của một cuộc sống hưởng thụ trong tội lỗi. Lâm vào cảnh này nó mới biết thế nào là nghèo khổ, thiếu thốn, đói khát, lạnh lẽo, nhục nhã, cô đơn, bị đời hất hủi… Như vậy, trong cuộc đời, nó đã trải qua nhiều kinh nghiệm quí giá:

– Nó đã được sống trong cảnh ấm no sung túc của gia đình, nhưng lúc ấy nó không cảm thấy đó là hạnh phúc.

– Nó đã được sống trong khoái lạc của một cuộc đời tội lỗi, trác táng. Lúc đó, rằng sướng thì có sướng, nhưng cái sướng ấy dẫn đến những hậu quả thật xấu, thật hãi hùng.

– Và cuối cùng nó phải trải qua một kinh nghiệm khủng khiếp do sự dại dột của nó. Chỉ lúc này, nó mới nhận ra cuộc sống êm đềm ấm cúng của một người con trong gia đình mà nó từ bỏ, cuộc sống ấy thật là hạnh phúc. Nó thấy dù chỉ được làm công trong gia đình ấy cũng đã hạnh phúc lắm rồi! Hóa ra hạnh phúc chỉ là hạnh phúc sau khi bị mất, hay sau khi đã nếm mùi đau khổ.

Bị tuột xuống bậc thang tận cùng của xã hội, cuộc đời của nó hoàn toàn đi vào bế tắc. Làm gì bây giờ? Cuối cùng, nó tìm ra một lối thoát duy nhất khả dĩ có thể thoát khỏi cơn khốn cùng hiện tại: đó là trở về nhà cha nó, bày tỏ lòng sám hối, xin lỗi cha nó, và chấp nhận tất cả mọi hình phạt mà cha nó dành cho nó. Và nó đã quyết định trở về.

5.  Thái độ của người cha

Khi nó trở về, người cha đã nhìn thấy và nhận ra nó. Nó đã bị cuộc sống tội lỗi và khốn khổ làm thay hình đổi dạng đi ít nhiều, thế mà cha nó đã nhận ra nó dù nó còn ở đằng xa. Thì ra từ khi nó ra đi, cha nó hằng nhớ thương và ngày nào cũng ra đường ngóng trông nó trở về. Ông đã phải đau khổ rất nhiều vì nó. Chắc chắn ông giận nó lắm, nhưng giận thì rất giận, mà thương thì vẫn rất thương. Cơn giận khiến ông dự tính khi nó trở về sẽ phải đập hay mắng cho nó một trận nên thân. Nhưng trong thực tế, khi gặp lại nó, tình thương tràn ngập lòng ông và giập tắt cơn giận. Ông không còn nghĩ đến quá khứ hư đốn hay tội lỗi của nó, mà lòng ông chỉ tràn ngập vui mừng vì cầm bằng như nó đã chết mà nay đã sống lại. Còn niềm vui nào lớn bằng niềm vui thấy đứa con mình vô cùng yêu thương đã chết nay sống lại?

6.  Giá trị của đứa con hoang đàng khi trở về

Khi một người tội lỗi quay trở về đường ngay nẻo chính, người đời – và khá nhiều Kitô hữu – thường coi người ấy như một «công dân hạng hai», một người có tỳ vết. Từ đó, họ đối xử với người ấy với một con mắt nghi ngờ, đầy thành kiến, không dám tín nhiệm, với nỗi lo ngại «ngựa quen đường cũ». Họ có lý của họ, có sự khôn ngoan của họ. Nhưng nhiều khi cách đối xử đầy thành kiến và nghi ngờ ấy khiến cho người tội lỗi ấy muốn thật sự trở lại đời sống lương thiện không ngóc đầu lên được, và nhiều khi buộc người ấy phải trở lại con đường cũ đầy tội lỗi mới có thể sống được. Đó chính là thái độ của người anh cả trong bài Tin Mừng hôm nay. Nhưng đó không phải là thái độ hay cách suy nghĩ của người cha, lại càng không phải là quan niệm hay cách hành xử của Thiên Chúa hay của các môn đệ Chúa.

Theo quan điểm của người cha, khi đứa con hoang đàng trở về, đó là một điều vui mừng không chỉ cho chính nó, mà cho cả gia đình. Trước hết, có thể coi nó như «đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy». Ngoài ra, ông còn thấy nó trở về mang theo những kinh nghiệm hay bài học quí báu về hạnh phúc và đau khổ. Nhờ kinh nghiệm này, nó có thể trở nên hữu ích hơn, không chỉ cho chính nó mà cho cả gia đình. Nó đã kinh nghiệm được hậu quả của tội lỗi, của sự ham lạc thú, của sự bất hiếu… là những kinh nghiệm mà người anh cả chỉ biết cách lý thuyết chứ không có được. Nhờ đó, nó có thể quyết tâm trở nên người tốt; quyết tâm ấy nếu được củng cố sẽ làm cho nó trở nên tốt hơn, bản lĩnh hơn.

Đức Giêsu cũng cho thấy tâm lý của Thiên Chúa khi một người tội lỗi thật lòng sám hối và trở về với Ngài: «Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn» (Lc 15,7). Ta sẽ ngạc nhiên và lấy làm phi lý về điều ấy nếu ta không biết rằng: người tội lỗi thật lòng sám hối và quay về với Thiên Chúa, sẽ được đánh giá rất cao, đôi khi cao hơn những người lành thánh không cần quay trở lại. Tại sao vậy? Vì khi đã phạm biết bao tội lỗi mà được tha, người ấy sẽ cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa đối với mình một cách cụ thể hơn. Nhờ đó họ yêu mến và sẵn sàng hiến thân cho Ngài quảng đại hơn, vì như Đức Giêsu nói: «Ai được tha nhiều thì yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít» (Lc 7,47). Tuy nhiên, nếu không có ơn Chúa và không thật sự sám hối, họ rất dễ sa ngã trở lại vì khuynh hướng «ngựa quen đường cũ».

Nhờ kinh nghiệm thực tế về tội lỗi, họ thấm thía nhận ra sự mỏng dòn, yếu đuối của con người trước các cơn cám dỗ. Nhờ đó họ trở nên khiêm nhường hơn, thông cảm sâu xa hơn với những người yếu đuối. Họ không dám kết án những yếu đuối của người khác như những người chưa cảm nghiệm hay đã quên mất sự yếu đuối của mình trong quá khứ. Nhờ được Thiên Chúa tha thứ, họ trở nên dễ dàng tha thứ cho anh chị em mình hơn. Khiêm nhường, thông cảm, tha thứ… lại là những đức tính hết sức quí giá và tối cần cho sự thánh thiện. Thiên Chúa coi người có những đức tính này – dù quá khứ của họ có tội lỗi đến đâu – còn cao giá hơn cả những người thích tự hào về sự trong sạch dù có thật và không kém thiên thần của mình. Dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện chứng tỏ điều ấy (x. Lc 18,9-14). Vậy, chúng ta cần quan niệm và hành xử giống Thiên Chúa đối với những người tội lỗi muốn thật lòng trở lại.

CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, con thường không có thái độ bao dung và quảng đại đối với những người tội lỗi, lỡ lầm, muốn thực tình hối cải và làm lại cuộc đời. Con vẫn thường giữ mãi thành kiến xấu về họ, khiến họ có muốn làm lại cuộc đời cũng gặp rất nhiều trở ngại do chúng con gây ra. Xin Cha giúp chúng con nhìn và cư xử với họ theo quan điểm của Cha, là nhận ra những giá trị tích cực trong quá khứ tội lỗi của họ. Amen.      

Không có nhận xét nào:

Không có nhận xét nào: