Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

TN-26

Chúa Nhật thứ 26 Thường Niên
(Năm B − ngày 27-9-2015)


ĐỌC LỜI CHÚA

·    Ds 11,25-29: (27) Một thanh niên báo tin cho Môsê: «Có Enđát và Mêđát đang phát ngôn trong trại!» (28) Giôsuê lên tiếng nói với Môsê: «Thưa thầy, xin thầy ngăn cản họ!» (29) Nhưng Môsê trả lời: «Anh ghen dùm tôi à? Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người là để họ đều thành ngôn sứ!» Vì Đức Chúa đã ban Thần Khí của Người trên họ.

·    Gc 5,1-6: (1) Giờ đây, các người hãy than van rên rỉ về những tai hoạ sắp đổ xuống trên đầu các người. (6) Các người đã kết án, đã giết hại người công chính, và họ đã chẳng cưỡng lại các người.



·    TIN MỪNG: Mc 9,38-43.45.47-48

Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta

 (38) Ông Gioan nói với Đức Giêsu: «Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta». (39) Đức Giêsu bảo: «Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. (40) Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta».

Bác ái đối với môn đệ

 (41) «Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu».

 Đừng làm cớ cho người khác và cho mình sa ngã

 (42) «Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn. (43) Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. (45) Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. (47) Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, (48) nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt».



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:

1.   Khi thấy có người ngoài nhóm mình nhân danh Thầy mình để trừ quỉ, các tông đồ khó chịu và muốn ngăn cản. Thái độ ấy có đúng không? Nó nói lên não trạng gì? Não trạng ấy có hiện hữu trong các Kitô hữu hiện nay không?

2.   Các giáo phái Kitô giáo hiện nay có đoàn kết, yêu thương nhau không? Đức Giêsu sẽ vui hay buồn khi thấy các giáo phái tuy đều nhận mình là Chúa là Thầy nhưng lại nhân danh đức tin để nói xấu, kết án và loại trừ nhau?

3.   Đức tin có thể gây chia rẽ, nhưng đức ái chỉ tạo nên đoàn kết. Giữa hai nhân đức quan trọng ấy, đức nào mới thật sự là điều kiện để vào Nước Trời?



Suy tư gợi ý:

1. Khuynh hướng bè phái và muốn độc quyền của các tông đồ

Một trong những khuynh hướng rất thông thường nơi con người, đó là óc bè phái và ham muốn độc quyền. Khuynh hướng này được biểu lộ nơi các môn đệ Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay. Trên con đường loan báo Tin Mừng, các môn đệ Ngài thấy có những người không thuộc nhóm của mình lại nhân danh Ngài mà làm được những phép lạ như trừ quỉ, chữa bệnh… Theo quan niệm của các ông, chỉ những ai ở trong nhóm 12 như mình mới có quyền nhân danh Thầy mình để làm phép lạ, trừ quỉ, chữa bệnh… Nếu có ai khác làm điều ấy được, lập tức các ông nhận thấy độc quyền của mình bị xâm phạm. Có lẽ các ông cảm thấy bực bội vì điều ấy nên đã cố ra tay ngăn cản họ. Đức Giêsu đã tỏ ra không tán thành khuynh hướng bè phái muốn độc quyền ấy của các ông.

2. Cám dỗ mang tính bè phái và độc quyền nơi người Kitô hữu

Trong đời sống Kitô hữu, nhiều khi chính chúng ta cũng bị cám dỗ bởi não trạng bè phái và ham muốn độc quyền như các môn đệ Đức Giêsu. Chẳng hạn những người cùng tin vào Đức Giêsu và cùng nhận Ngài là Cứu Chúa, theo thời gian, bị phân thành nhiều giáo phái khác nhau. Việc bị phân hóa như thế là một việc hết sức tự nhiên nếu không muốn nói là tất yếu, vì tất cả mọi tôn giáo, mọi trường phái tư tưởng, nghệ thuật, v. v… đều bị phân hóa theo thời gian theo định luật đa dạng hóa của tự nhiên. Theo tôi, nếu không bị phân hóa như thế thì đó mới chính là điều lạ thường. Đương nhiên, giáo phái nào cũng tự cho mình là đúng đắn nhất, là gần với chân lý nhất. Tiếp xúc với các tín đồ của nhiều giáo phái khác nhau, tôi không hề thấy một giáo phái nào lại cho rằng có một giáo phái khác đúng hơn mình. Điều này cũng chẳng làm tôi ngạc nhiên hay bất mãn chút nào!

Dù khác nhau – chủ yếu là trong tiểu tiết – các giáo phái vẫn hết sức giống nhau trong đại thể. Giáo phái nào cũng đều tin và tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Giáo phái nào cũng chủ trương phải sẵn sàng dấn thân theo Ngài với tất cả tình yêu, lòng nhiệt thành của mình. Giáo phái nào cũng đều tuyên xưng: «Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ» (Rm 10,9). Giáo phái nào cũng chủ trương: «Tất cả những ai kêu cầu danh Đức Chúa thì sẽ được cứu thoát» (Rm 10,13).

3. Thật là một gương xấu vĩ đại

Nhưng thật là một điều trớ trêu và là một gương xấu vĩ đại trước những người ngoài Kitô giáo, khi mà:

– một đằng Đức Giêsu – Đấng mà mọi giáo phái Kitô giáo đều tôn thờ, đều nhận là Chúa, là Thày – đã tuyên bố: «Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em yêu thương nhau» (Ga 13,35).

– đằng khác, các giáo phái Kitô giáo lại coi nhau như là ngoại đạo! Các giáo phái nói xấu lẫn nhau, mạt sát lẫn nhau, kết án lẫn nhau, một vài trường hợp khủng bố lẫn nhau! Nhiều giáo phái Kitô giáo phủ nhận khả năng được cứu rỗi của những người thuộc giáo phái khác, cho dù tất cả đều tin và tuyên xưng những điều căn bản y hệt như nhau! Dường như giáo phái nào cũng muốn hạn chế hoặc chỉ dành riêng sự cứu rỗi cho những ai theo giáo phái của mình! Đó là điều tôi lấy làm lạ, làm ngạc nhiên hết sức, và không thể chấp nhận được!

Đây quả là một gương xấu vĩ đại, một điều mỉa mai cho Đức Giêsu và cho tất cả các giáo phái Kitô giáo, vì gương xấu này là một phản chứng nặng nề đối với những người ngoài Kitô giáo, khiến họ không thể chấp nhận được một tôn giáo như thế! Ước gì các giáo phái Kitô giáo đều đọc và suy nghĩ câu Đức Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay: «Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn».

4. Coi chừng chính kẻ kết án lại là kẻ độc ác, thiếu tình thương

Khi nghe một người Kitô hữu thuộc một giáo phái nào đó quả quyết chắc chắn rằng những Kitô hữu trong những giáo phái khác với họ đều không được cứu rỗi, thì tôi hỏi người ấy: «Vậy anh có muốn điều anh quả quyết như thế là đúng không?» Nếu anh ta trả lời rằng muốn, thì tôi nói: «Vậy thì anh quả là độc ác! Một đằng Thiên Chúa muốn tất cả mọi người đều được cứu rỗi (x.1Tm 2,4), còn anh lại muốn chỉ những ai trong giáo phái của anh mới được cứu rỗi. Anh sẵn sàng chấp nhận những người khác giáo phái của anh không được cứu rỗi, tức sa hỏa ngục. Vậy thì anh mới chính là người đáng sa hỏa ngục đầu tiên, vì nơi anh không có tình thương! Vì tình thương mới là điều quan trọng nhất phải có để vào thiên đàng, để hợp nhất với Đấng mà bản chất là tình thương».

Nếu anh ta mong rằng điều anh ta nghĩ là sai, thì tôi bảo: «Như vậy là anh rất nhân từ, có tình thương! Tốt lắm! Phần tôi, tôi chắc chắn rằng Thiên Chúa còn nhân từ và nhiều tình thương hơn anh gấp tỷ lần. Ngài có đủ quyền năng và đủ cách để giải quyết cho những Kitô hữu khác giáo phái với anh được cứu rỗi. Vì thế, anh hãy phó mặc số phận của những người theo giáo phái khác trong tay Chúa và hãy an tâm! Anh hãy lo cho chính bản thân anh thì tốt hơn, vì nếu anh không có tình yêu, anh không thể vào thiên đàng được đâu! Điều Chúa muốn nơi anh chính là anh hãy coi các Kitô hữu khác giáo phái với anh là đồng đạo, và coi cả những người khác tôn giáo với anh nữa là anh em. Anh hãy yêu thương họ và hãy mong ước những điều tốt lành nhất cho họ!»

5.  Điều quan trọng nhất để vào được thiên đàng là tình yêu

Điều quan trọng để vào được thiên đàng là đức tin. Nhưng điều còn quan trọng hơn nữa là tình yêu. Thánh Phaolô viết: «Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến» (1Cr 13,13). Khi lên thiên đàng, đức tin, đức cậy không còn vì không cần thiết nữa, chỉ riêng «đức mến không bao giờ mất được» (1Cr 13,8). Thiên đàng được định nghĩa là nơi hạnh phúc, trong đó mọi người hoàn toàn đối xử với nhau bằng tình thương. Nếu có ai còn ích kỷ hay thiếu tình thương mà lọt vào đó ắt người đó sẽ làm ô nhiễm ngay bầu khí hạnh phúc của thiên đàng. Chính vì thế, theo tinh thần đoạn Tin Mừng Mt 25,31-46, khi phán xét, Thiên Chúa chỉ phán xét về cách cư xử của ta có tình thương hay không mà thôi. Cứ nhìn vào đời sống thực tế thì biết, chúng ta dễ hạnh phúc ở bên những người biết yêu thương hơn là bên những người có niềm tin. Thực ra, niềm tin đích thực tất yếu phải dẫn tới tình yêu. Thế giới này đã từng điêu đứng khổ sở vì những cuộc chiến tranh tôn giáo, thậm chí ngày nay vẫn còn. Những cuộc chiến tranh ấy nổ ra không phải do con người thiếu đức tin cho bằng thiếu tình thương. Có thể nói: đức tin cộng với lòng ích kỷ (tức thiếu tình thương) sẽ thành óc bè phái. Óc bè phái chính là nguyên nhân của chiến tranh. Vì thế, đức tin phải đi đôi với đức mến hay dẫn tới đức mến mới là đức tin đích thật. Niềm tin không dẫn tới tình yêu, thật ra, chỉ là niềm tin giả tạo, tương tự như «đức tin không có việc làm là đức tin chết» (Gc 2,17.26). Như vậy, một Kitô hữu có đầu óc bè phái, muốn độc quyền được cứu rỗi, nghĩa là muốn loại trừ những Kitô hữu khác giáo phái mình, không muốn họ hưởng hạnh phúc đời đời, thì Kitô hữu ấy rõ ràng là thiếu tình thương. Mà thiếu tình thương thì làm sao vào thiên đàng được?


CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, xin cho con một đức tin đích thực nơi Cha và nơi Đức Giêsu. Đức tin đích thực tự bản chất phải bao hàm tình yêu ở bên trong. Không bao hàm tình yêu, đức tin đó chỉ là đức tin giả tạo, là nguồn phát sinh óc bè phái, óc độc quyền, cũng là nguồn phát sinh nên bao cuộc chiến tranh tôn giáo trên thế giới. Xin ban cho con tình yêu đối với mọi người chung quanh con, đặc biệt đối với tất cả những ai tin theo Đức Giêsu, như dấu chỉ đặc trưng cho người môn đệ đích thực của Ngài.  


Thứ Bảy, 19 tháng 9, 2015

TN-25


ĐỌC LỜI CHÚA

•    Kn 7,7-11: (8) Tôi đã quý trọng đức Khôn Ngoan hơn cả vương trượng, ngai vàng. Tôi không coi của cải là gì so với Đức Khôn Ngoan. (11) Nhưng cùng với Đức Khôn Ngoan, mọi sự tốt lành đã đến với tôi. Nhờ tay Đức Khôn Ngoan, của cải quá nhiều không đếm xuể

•    Dt 4,12-13: (12) Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người.


•    TIN MỪNG: Mc 10,17-30

Người giàu có muốn theo Đức Giêsu (Mt 19,16-22; Lc 18,18-23)

 (17) Đức Giêsu vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: «Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?» (18) Đức Giêsu đáp: «Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. (19) Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ». (20) Anh ta nói: «Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ». (21) Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: «Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi». (22) Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.

Người giàu có khó vào Nước Thiên Chúa (Mt 19,23-26; Lc 18,24-27)

(23) Đức Giêsu rảo mắt nhìn chung quanh, rồi nói với các môn đệ: «Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!» (24) Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ. Nhưng Người lại tiếp: «Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao! (25) Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa». (26) Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và nói với nhau: «Thế thì ai có thể được cứu?» (27) Đức Giêsu nhìn thẳng vào các ông và nói: «Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được».

Phần thưởng cho người biết từ bỏ (Mt 19,27-30; Lc 18,28-30)

 (28) Ông Phêrô lên tiếng thưa Người: «Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!» (29) Đức Giêsu đáp: «Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, (30) mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau».

CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:

1.     Qua cách hành xử, người thanh niên trong bài Tin Mừng này đã chọn của cải trần gian hơn sự sống đời đời. Chọn như thế có khôn ngoan không? Nếu không thì chọn cách nào mới là khôn ngoan?

2.     Câu «hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo (…) rồi hãy đến theo tôi». Tại sao Chúa không nói: hãy bán những gì anh có… mà dâng cúng vào đền thờ, hay dâng thật nhiều của lễ toàn thiêu lên Thiên Chúa? Để theo Chúa, phải ưu tiên gắn bó với người nghèo hay với đền thờ, với tổ chức tôn giáo?

3.    «Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời». Kho tàng trên trời là kho tàng nào? Bản chất của nó là gì?

Suy tư gợi ý:

1.     Sự chọn lựa khôn ngoan

Qua bài Tin Mừng, Đức Giêsu cho ta thấy muốn được sự sống đời đời, cần có hai điều kiện: một là sống tốt lành về mặt đạo đức hay luân lý, hai là đi theo Đức Giêsu. Nhưng để theo Đức Giêsu thì trước đó phải «bán đi những gì mình có mà cho người nghèo» (Mc 10,21). Người thanh niên trong bài Tin Mừng hôm nay đã thực hành rất tốt điều kiện thứ nhất, khiến Đức Giêsu «nhìn anh ta và đem lòng yêu mến» (Mc 10,20). Đây là điều kiện tiên quyết nhưng chưa phải là căn bản. Không có điều kiện tiên quyết thì đừng nói tới điều kiện kế tiếp, nhưng muốn đạt mục đích thì điều kiện sau mới là chủ yếu. Vì thế, để được sự sống đời đời, Ngài bảo anh ta: «Anh chỉ thiếu có một điều…» (Mc 10,21), và điều anh ta thiếu là điều kiện thứ hai vừa nêu trên. Điều kiện này, anh ta không dám làm, vì anh ta giàu có.

Anh phải đối diện với một chọn lựa gay go, trong đó, anh chỉ được chọn một trong hai chứ không thể chọn cả hai: hoặc của cải hay sự giàu sang đời này, hoặc sự sống đời đời. Thái độ bỏ đi của anh cho thấy anh đã chọn của cải giàu sang đời này. Lựa chọn đó chứng tỏ rằng anh cho của cải giàu sang đời này có giá trị hơn sự sống đời đời. Anh thà không có sự sống đời đời còn hơn là mất đi những của cải đời này. Đương nhiên anh ta chọn như thế thì anh có thể sẽ được như thế. Nhưng rất có thể anh ta sẽ không đạt được điều mà anh ta tuy muốn nhưng không dám chọn, là sự sống đời đời. Đối với những ai tin vào hạnh phúc đời sau, lựa chọn như anh ta quả là dại dột, vì anh ta đã bỏ cái lớn để lấy cái nhỏ. Thật vậy, Đức Giêsu từng nói: «Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì được ích gì?» (Mt 17,26; Mc 8,36; Lc 9,24).

Thử đặt mình vào trường hợp của chàng thanh niên ấy, ta sẽ phản ứng thế nào?

2.    Cách chọn khôn ngoan: chọn một mà được cả hai

Đứng trước một chọn lựa gay go như trên, Đức Giêsu đã chỉ cho ta một cách lựa chọn mà cuối cùng ta tương đối được nhiều nhất, đó là chọn từ bỏ tất cả để theo Chúa. Vì cuối cùng, ta chẳng những đạt được điều ta chọn lựa, mà còn đạt được cả điều ta từ bỏ, tức điều ta không chọn lựa nữa. Sẵn sàng từ bỏ tất cả mọi loại của cải trần gian (vật chất, tiền bạc, danh vọng, quyền lực, lạc thú…) là một thái độ dứt khoát từ trong nội tâm. Thái độ nội tâm này là điều kiện tối cần thiết để có được sự sống đời đời. Nhưng sẵn sàng từ bỏ tất cả không có nghĩa là sẽ phải mất tất cả những thứ đó. Trái lại, nếu Chúa muốn, nhất là khi thái độ từ bỏ trên là thái độ quyết liệt, dứt khoát, thì chẳng những ta đạt được sự sống đời đời, mà ta không hề mất đi những thứ mà ta đã sẵn sàng từ bỏ. Nghĩa là khi ta chọn sự sống đời đời và sẵn sàng từ bỏ tất cả mọi thứ khác để được nó, thì ta lại được cả hai thứ: thứ ta chọn và cả thứ ta sẵn sàng từ bỏ nữa.

Thật vậy, Đức Giêsu nói: «Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau» (Mc 10,29-30). Cụm từ «ngay bây giờ» và «ở đời này» nhấn mạnh niềm hạnh phúc ngay khi còn ở trần gian. Cụm từ «gấp trăm» nói lên niềm hạnh phúc ấy rất cao độ, nhiều hơn nơi người bình thường. Tuy nhiên, cụm từ «cùng với sự ngược đãi» cho thấy sẽ có thời gian mà người chọn kiểu này phải chịu đau khổ, ngược đãi, nghèo khổ, buồn sầu… Nghĩa là một khi đã theo Chúa, thì rất có thể có những thời gian thử thách xen kẽ giữa những thời gian được bình an. Nhưng, ngay cả trong những thử thách, người sẵn sàng từ bỏ mọi sự mà theo Chúa vẫn luôn luôn giữ được sự bình an và niềm vui trong tâm hồn. Như thế, ta thấy đây là sự lựa chọn khôn ngoan.

3.     Việc theo Chúa và lòng yêu thương người nghèo

Điều kiện thứ hai để đạt được sự sống đời đời là: «Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi» (Mc 10,21). Như vậy, muốn theo Đức Giêsu, trước tiên phải có lòng yêu thương những người cùng khốn, nghèo khổ, tội lỗi, và phải biểu hiện lòng yêu thương ấy ra thành hành động cụ thể. Những người cùng khốn, nghèo khổ là loại người mà Đức Giêsu thường hay tự đồng hóa với chính Ngài (x. Mt 25,40.45; 10,42). Họ mới là đối tượng chính trong sứ mạng của Ngài và của những người theo Ngài: «Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn (…) trả lại tự do cho người bị áp bức» (Lc 4,18); «Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi» (Mt 9,13; x. Mc 2,17; Lc 5,32). Một sứ mạng như vậy, nếu không thật lòng yêu thương những người cùng khốn, đau khổ và tội lỗi thì không thể thực hiện hữu hiệu được.

Qua câu Kinh Thánh «Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo…» (Mc 10,21), ta có thể nhận ra một tiêu chuẩn để xác định ta có phải là những người theo Chúa đích thực hay không. Đó là lòng thông cảm, yêu thương người nghèo khổ, yếu đuối, bị áp bức và người tội lỗi, đồng thời sẵn sàng đứng về phía họ để nâng họ lên, bênh vực họ, tranh đấu cho họ, lên tiếng dùm họ vì họ không có tiếng nói… Còn nếu ta chỉ thích giao du với người giàu, người mạnh, quyền thế, với những kẻ được coi là đạo đức, thánh thiện, đồng thời sẵn sàng vì quyền lợi mình mà theo hùa với những kẻ áp bức, không hề quan tâm hoặc tỏ ra khinh thường người nghèo khổ, bị áp bức, tội lỗi, thì dù ta có làm linh mục, giám mục, hồng y hay giáo hoàng, ta vẫn chẳng phải là những người thật sự theo Chúa. Và việc ta vào được Nước Thiên Chúa – như Đức Giêsu nói – còn khó hơn «con lạc đà chui qua lỗ kim», chính vì ta nghèo nàn tình yêu.

Khi chấp nhận làm theo lời khuyên của Đức Giêsu «Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo…» (Mc 10,21), là ta đã chấp nhận sống một cuộc sống nghèo nàn, thiếu thốn để có thể chia sẻ với người nghèo khổ hơn ta. Không chấp nhận sống nghèo nàn thiếu thốn, mà chỉ muốn hưởng thụ cuộc sống đầy đủ, giàu sang, chắc chắn việc chia sẻ những gì ta có cho người nghèo khổ sẽ trở nên khó khăn. Tinh thần khó nghèo mà giới tu sĩ nguyện áp dụng trong cuộc sống không phải chỉ là một sự hãm mình xuông, mà là một sự hy sinh có mục đích bác ái, yêu thương, đó là chia sẻ cho người nghèo khổ, thiếu thốn. Theo tinh thần của bài Tin Mừng này thì một người thật sự theo Đức Giêsu phải có tinh thần sẵn sàng «bán đi những gì mình có mà cho người nghèo…» (Mc 10,21) như Ngài đã từng đòi hỏi người thanh niên kia. Không có tinh thần này thì làm sao dám tự hào mình là người theo Đức Giêsu?

4.    Theo Chúa, phải ưu tiên gắn bó với người nghèo khổ

Rất nhiều người tưởng rằng theo Chúa thì chủ yếu và trước tiên là phải gắn bó với nhà thờ, với những lễ nghi tôn giáo, với việc cầu nguyện, v.v… Quan niệm như thế quả không đúng với tinh thần của bài Tin Mừng hôm nay. Đức Giêsu đòi buộc những kẻ theo Ngài phải bán những gì mình có để tặng cho những người nghèo khổ, chứ không phải để dâng cúng vào đền thờ hay để dâng những hy lễ toàn thiêu lên Thiên Chúa. Qua câu này, ta khám phá ra rằng: Đức Giêsu muốn những kẻ theo Ngài ưu tiên gắn bó với người nghèo khổ, tội lỗi hơn là gắn bó với đền thờ, với những nghi thức hay tập tục tôn giáo.

Thật vậy, bản chất của Kitô giáo không nằm ở trong những lễ nghi tôn giáo, trong việc cầu nguyện, giữ luật lệ cho bằng trong tình yêu thương. Để giữ đạo cho đúng, chúng ta phải nắm thật vững điều này: bản chất của Kitô giáo là tình yêu, chứ không phải là lễ nghi hay luật lệ. Vì bản chất của Thiên Chúa – đối tượng của Kitô giáo – là tình yêu chứ không phải là bất kỳ điều gì khác. Mà đối tượng ưu tiên của tình yêu, theo tinh thần Đức Giêsu, chính là những người bé mọn, nghèo khổ, tội lỗi…

Ngôn sứ Isaia đã mô tả tâm tình của Thiên Chúa chán ghét đến mức nào những lễ nghi trang trọng được cử hành để thờ phượng Ngài bởi những người thiếu tình yêu đối với chính đồng loại của mình: «Đức Chúa phán: Ngần ấy hy lễ của các ngươi, đối với Ta, nào nghĩa lý gì? Lễ toàn thiêu chiên cừu, mỡ bê mập, Ta đã chán ngấy. Máu bò, máu chiên dê, Ta chẳng thèm!... Ta không chịu nổi những người cứ phạm tội ác rồi lại cứ lễ lạc linh đình. Ta chán ghét những ngày đầu tháng, những đại lễ của các ngươi. Những thứ đó đã trở thành gánh nặng cho Ta, Ta không chịu nổi nữa. Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn; các ngươi có đọc kinh cho nhiều, Ta cũng chẳng thèm nghe. Vì tay các ngươi đầy những máu» (x. Is 1,11-15).

Phải chăng chúng ta đã coi những nghi thức tôn giáo còn quan trọng hơn cả tình yêu của mình đối với tha nhân, hơn cả bổn phận phải đối xử công bằng với họ? Quan niệm như thế có phù hợp với tinh thần của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay chăng? Quan niệm như thế xuất phát từ đâu?

5.    Kho tàng trên trời chính là tình yêu trong lòng

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nói: «Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời» (Mc 10,21). Theo câu Tin Mừng này thì có lòng yêu thương những người cùng khốn, đau khổ và tội lỗi, ta mới có được «một kho tàng trên trời». Kho tàng thiêng liêng này chính là tình yêu. Người biết yêu thương những người cùng khổ là người có kho tàng thiêng liêng ấy ở trên trời («trên trời» hiểu theo nghĩa tâm linh chính là ở trong chiều sâu thăm thẳm của nội tâm ta). Trong Nước Trời tức Nước của Tình Yêu, chỉ có loại của cải hay kho tàng thiêng liêng này mới có giá trị, và phải có sẵn một kho tàng lớn lao loại này trong Nước Trời mới có thể vào đó được. Những người ích kỷ, dù là ích kỷ thiêng liêng – tức chỉ lo phần rỗi cho bản thân mình – đều là những người không có kho tàng này ở trên trời. Họ khó mà vào được Nước Trời. Vậy, là người Kitô hữu sáng suốt, chúng ta hãy sắm lấy kho tàng này bằng cách đặc biệt yêu thương và quan tâm cứu giúp những người cùng khổ, bị áp bức bất công, và những người tội lỗi.

Điều rất đáng mừng cho Giáo Hội ngày nay đó là Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang cố gắng khôi phục lại trong Giáo Hội tinh thần sống nghèo khó để có thể yêu thương và chia sẻ những gì mình có cho người nghèo khổ như bài Tin Mừng hôm nay đòi hỏi. Thật vậy, ở đâu, đi đâu, ngài cũng thường quan tâm đến những người nghèo, những người đau khổ, bệnh tật, các tù nhân, những người tội lỗi. Ngài sống một cách bình dân, giản dị, ngài đi xe buýt, ở nhà nhỏ, tự nấu ăn, từ chối những thứ sang trọng, những hình thức trang trọng bề ngoài… Thiết tưởng những người tự cho mình là người theo Đức Giêsu nên theo gương ngài.

CẦU NGUYỆN


Lạy Cha, xin cho con dám hy sinh tất cả để phục vụ những người đau khổ, nghèo đói, túng thiếu, bệnh tật, và tội lỗi. Đức Giêsu muốn những ai theo Ngài phải thực hiện điều ấy trước đã rồi mới theo Ngài sau. Không thực hiện điều ấy mà đã đòi theo Ngài, con sẽ chỉ là những kẻ theo Ngài giả hiệu. Xin Cha hãy giúp con theo Đức Giêsu thật sự.

Nguyễn Chính Kết







Thứ Ba, 8 tháng 9, 2015

TN-24B



ĐỌC LỜI CHÚA
· Is 50:4-9: (7) Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng. (8) Đấng tuyên bố rằng tôi công chính, Người ở kề bên. Ai tranh tụng với tôi? (9) Này, có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, ai còn dám kết tội?
· Gc 2:14-18: (14) Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì ? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng ? (17) Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết.

·          TIN MỪNG: Mc 8,27-35


Ông Phêrô tuyên xưng đức tin

(27) Đức Giêsu và các môn đệ của Người đi tới các làng xã vùng Xêdarê Philípphê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: «Người ta nói Thầy là ai?» (28) Các ông đáp: «Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó.» (29) Người lại hỏi các ông: «Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?» Ông Phêrô trả lời: «Thầy là Đấng Kitô.» (30) Đức Giêsu liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.
(31) Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại. (32) Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. (33) Nhưng khi Đức Giêsu quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phêrô: «Xatan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.»
 (34) Rồi Đức Giêsu gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: «Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. (35) Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.»

CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1.   Đức Giêsu hỏi các môn đệ 2 câu: «Dân chúng nói Thầy là ai?» và «Còn anh em bảo Thầy là ai?». Trong hai câu ấy, câu nào quan trọng hơn? Tại sao?
2.   Nếu Ngài hỏi ta câu thứ hai, ta sẽ trả lời thế nào, theo bài giáo lý ta đã học, hay theo tiếng nói từ sâu thẳm lòng ta? Tiếng nói ấy thế nào?
3.   Một khi đã xác định Ngài là ai đối với ta, nhưng ta lại sống như thể Ngài không phải là như vậy, thì ta là người thế nào?
4.   Nếu ta xác định Ngài là Thầy, còn ta là môn đệ theo Ngài, thì ta phải theo Ngài thế nào? Phải sống thế nào mới đúng là theo Ngài?


Suy tư gợi ý:


1. Hai loại hiểu biết về Đức Giêsu
Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu hỏi các môn đệ hai câu về Ngài: «Dân chúng nói Thầy là ai?» (Mc 8,27) và «Còn anh em bảo Thầy là ai?» (8,29). Điều này gợi ý ta thấy: trong đời sống Kitô hữu, có hai thứ hiểu biết về Đức Giêsu:
– Một là những điều người khác nói về Ngài. Đó là những gì Giáo Hội dạy chúng ta về Đức Giêsu trong những bài giáo lý, trong những lớp thần học, trong những tác phẩm của các thần học gia. Ngoài ra, còn có những luồng dư luận khác về Ngài của người vô thần, của những tín đồ tôn giáo khác, v.v… Đây là thứ hiểu biết ở bên ngoài ta, cho dù chúng có thể ảnh hưởng gián tiếp đến suy nghĩ và hành động của ta.
– Hai là những gì chính bản thân ta nghĩ và cảm nghiệm về Đức Giêsu. Đây mới chính là điều quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ và sự dấn thân của ta đối với Đức Giêsu.
Nhiều khi ta biết rất rõ Giáo Hội nói gì về Đức Giêsu, và ta cũng tuyên xưng mạnh mẽ ra bên ngoài tất cả những gì Giáo Hội dạy. Nhưng trong thực tế, có thể Đức Giêsu chưa là gì đối với bản thân ta. Ngài vẫn như một ai đó xa lạ với ta, ở bên ngoài ta. Ta chưa cảm nghiệm được sự hiện diện hữu hiệu của Ngài ở trong ta. Giữa ta và Ngài chưa có một quan hệ thân thiết đầy tình nghĩa, chiếm nhiều đầu óc của ta, có khả năng ảnh hưởng đến cách suy nghĩ của ta, chi phối và thúc đẩy ta hành động. Ta giống như một người học hay dạy người khác về rượu, ta nói rất chính xác các tính chất của rượu, nhưng ta chưa bao giờ nếm một giọt rượu, mũi chưa hề ngửi được mùi rượu, lưỡi chưa bao giờ cảm nhận được vị của rượu, chưa bao giờ cảm nghiệm được say rượu là thế nào. Thật vậy, rất nhiều khi ta đến nhà thờ để gặp Ngài, rước Ngài vào tận trong cơ thể ta, nhưng dường như giữa ta và Ngài chẳng có quan hệ chặt chẽ với nhau. Quan hệ giữa ta với Ngài nhiều khi chỉ mang tính hình thức. Sở dĩ như vậy là vì bản thân ta vẫn chưa xác định được Ngài là gì đối với ta.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu hỏi ta: «Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?» Ngài muốn ta xác định lại chỗ đứng đích thực của Ngài trong tâm hồn ta, để từ đó xác định lại mối quan hệ giữa ta với Ngài.

2. «Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?»
Tại sao cần phải xác định như thế? Vì có xác định Ngài là gì đối với ta, và ta là gì đối với Ngài, ta mới hành xử với Ngài thích hợp với quan hệ đã xác định ấy. Tương tự như quan hệ của ta với một người nào đó: nếu ta xác định người ấy chẳng là gì đối với ta, thì ta đối xử với người ấy sao cũng được, chẳng cần phải tỏ ra nồng thắm hay tình nghĩa. Nhưng một khi đã xác định người ấy là cha mẹ ta, là vợ chồng hay người yêu ta, là con cái của ta, hay là ân nhân, bạn bè ta, thì ta phải đối xử sao cho xứng hợp với quan hệ của người ấy với ta. Không thể cư xử với cha mẹ hay người thân tương tự như với người dưng được.
Vì thế, một khi ta đã nhìn nhận Đức Giêsu là Chúa, là Thầy, là Đấng Cứu Thế, hay là Bạn, là Người Yêu… thì lẽ ra ta phải đối xử với Ngài đúng với những tư cách ấy của Ngài. Nếu nhìn nhận Ngài là Vua là Chúa thì đối với Ngài ta phải hành xử như một thần dân. Nếu nhìn nhận Ngài là Cha thì ta phải hành xử như một người con. Nếu coi Ngài như lẽ sống cuộc đời mình, thì ta phải sẵn sàng sống chết với Ngài… Nếu nhìn nhận một đằng, nhưng lại hành xử một đằng, thì sự nhìn nhận đó là giả dối.

3.  Đối xử cho xứng hợp với quan hệ đã xác định
Nếu đã coi nhau là người thân, mà khi hoạn nạn không giúp đỡ nhau, không thăm hỏi nhau, thì còn gì là thân nữa. Quan hệ thân tình kiểu đó chỉ là trên môi miệng. Cũng thế, một khi đã nhận Đức Giêsu là Cứu Chúa của mình, là Thầy của mình, và mình là môn đệ của Ngài, mà mình không sống hết mình với Ngài, thì sự nhìn nhận trên chỉ là môi mép.
Vì thế, chỉ sau khi hỏi các môn đệ mình: «Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?», và nghe các ông xác định: «Thầy là Đấng Kitô» (Mc 8,29), Đức Giêsu mới cho các ông biết Ngài sẽ phải chịu đau khổ, bị loại bỏ, bị giết chết (x. Mc 8,31). Ngài nói thế để các ông có thời gian chuẩn bị tinh thần hầu khi sự việc xảy ra thì ứng xử cho phù hợp. Thế nhưng như chúng ta biết, khi Ngài lâm nạn, các ông đã bỏ trốn hết, riêng Phêrô thì chối Ngài.
Ngày nay, Đức Giêsu cũng hỏi ta câu đó: «Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?», để chúng ta xác định và hành xử theo xác định đó. Hiện nay, Ngài đang chịu đau khổ, bị loại bỏ và bị giết chết hằng ngày một cách thê thảm trong những con người đang đau khổ, bệnh hoạn, đang chịu bất công, áp bức chung quanh ta, trong xã hội và giáo hội ta đang sống. – Con mắt đức tin của ta có đủ sáng để nhận ra điều đó không? Ta đã, đang và sẽ làm gì cho Ngài một khi đã xác định Ngài là ai đối với ta? Nếu ta không cảm thấy mình phải làm gì cả, thì liệu xác định của ta có thật lòng không? Hay đó chỉ là một xác định bâng quơ, ngoài miệng, vô giá trị?
Khi ta đã xác định Ngài là Chúa, là Thầy, và ta là môn đệ theo Ngài, Ngài cho ta biết điều kiện để theo Ngài: «Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo» (Mc 8,34). Ngài muốn ai theo Ngài thì phải thực hành đúng như vậy. Không thực hành như vậy thì không phải là theo Ngài đúng nghĩa. Thật vậy, Ngài xác định rõ ràng: «Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy» (Mt 10,38)
Như vậy, nếu ta xác định mình là người theo Đức Giêsu
– mà lại không chịu từ bỏ bản thân, vẫn tiếp tục sống ích kỷ, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến chuyện vun vén mọi sự cho mình, ai nói động chạm đến mình một chút là nổi khùng lên ngay;
– mà không chịu dấn thân thực hiện công bằng và sống tinh thần yêu thương, là điều cốt tủy nhất trong sứ điệp của Ngài,
– mà không chấp nhận vác thập giá theo Ngài, lúc nào gặp khó khăn cũng than phiền, cũng đổ lỗi cho người khác, cũng muốn lánh nặng tìm nhẹ, tránh khổ tìm sướng,
thì lời ta xác định mình là người theo Đức Giêsu chỉ là lời giả dối, việc theo Chúa của ta chỉ là trên danh nghĩa chứ không phải trên thực tế.

4.  Tâm lý bám víu,
ham sướng sợ khổ của con người
Người Kitô hữu nào cũng tin Đức Giêsu là Đấng Cứu Tinh, là Con Thiên Chúa, và muốn dấn thân theo Ngài. Nhưng điều kiện theo Ngài quả là khó. Ngài đòi hỏi kẻ theo Ngài phải «từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo» (Mc 8,34). Nhưng tâm lý của con người chúng ta là muốn bám víu vào mọi sự mà mình có, mình thích, và rất sợ phải từ bỏ chúng. Ta sợ rằng nếu không bám víu, không nắm chặt, không gắn bó vào những thứ ấy, ta sẽ mất hết. Ta giống như người nắm một vật quý trong tay theo hướng lòng bàn tay úp xuống dưới. Nếu không nắm lại thì vật quý ấy sẽ rơi xuống ngay tức khắc. Vì thế, ta thấy cần phải nắm cho thật chặt. Và đối tượng mà ta muốn cầm nắm và bảo vệ nhất là chính bản thân ta. Ta sợ bản thân ta đau khổ, ta ham muốn được vinh quang, hạnh phúc.
Nhưng quả thật có một sự rất nghịch lý trong cuộc đời, đó là càng bám víu vào sự vật, của cải, tiền bạc, danh vọng, quyền lực, ta càng trở nên nô lệ cho chúng, và bị chúng quay quắt, vật vã, hành hạ. Nhiều khi chúng bắt ta phải hành xử ngược với lương tâm, với chủ trương hướng thiện của ta. Và kết cuộc là ta lún sâu vào tội lỗi và đau khổ. Càng sợ hãi đau khổ thì ta càng nhạy cảm với đau khổ và càng là mồi ngon của đau khổ. Ta càng ham hạnh phúc thì hạnh phúc dường như càng tránh xa ta.
Tại sao vậy? Vì nguyên nhân làm phát sinh hạnh phúc chính là Thiên Chúa: hạnh phúc chỉ là kết quả. Ta thường chỉ nhắm đến kết quả mà không chú ý đến nguyên nhân. Ta giống như người muốn nấu cơm mà không biết cơm do cái gì biến thành. Ta chỉ chú ý đến việc nấu cơm, nên nhiều khi ta nấu cơm bằng cát, hay bằng một thứ gì khác không phải gạo, nên ta có chăm chỉ nấu cách mấy cũng không bao giờ thành cơm. Cũng vậy, tìm hạnh phúc hay sự sống mà không biết nguyên nhân phát sinh ra nó là Thiên Chúa thì sự tìm kiếm ấy vô ích. Còn ai tìm chính Thiên Chúa chứ không phải hạnh phúc, người ấy mới gặp được hạnh phúc. Để diễn tả chân lý ấy, Đức Giêsu nói: «Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy» (Mc 8,35).


CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, mang danh là môn đệ Đức Giêsu, nhưng nhiều khi con chưa cảm nghiệm được Ngài là ai. Con chỉ được học được nghe Giáo Hội nói Ngài là Đấng Cứu Thế, và con tuyên xưng mạnh mẽ rằng con tin điều đó. Nhưng nhiều khi con chỉ tin điều ấy như một kiến thức không ăn nhập gì đến đời sống thực tế của con. Vì bản thân con chưa bao giờ xác định Ngài là gì đối với con. Xin Cha hãy giúp con có được cảm nghiệm thật sự về sự hiện diện sống động của Đức Giêsu trong tâm hồn con, và thật sự xác tín Ngài chính là lẽ sống của con. Có thế con mới có thể dấn thân hết mình cho Ngài và cho công cuộc của Ngài, để nhờ đó con tìm được sự sống và hạnh phúc đích thực.