Chúa Nhật thứ 25 Thường Niên
(Năm B − ngày 20-9-2015)
Bấm vào đây để nghe: youtube-TN25
Cám dỗ đặt nặng việc thăng tiến bản thân hơn đại cuộc của Thiên Chúa?
(Năm B − ngày 20-9-2015)
Bấm vào đây để nghe: youtube-TN25
Cám dỗ đặt nặng việc thăng tiến bản thân hơn đại cuộc của Thiên Chúa?
ĐỌC LỜI CHÚA
• Kn 7,7-11: (8) Tôi đã quý trọng đức Khôn Ngoan hơn cả vương trượng, ngai vàng. Tôi không coi của cải là gì so với Đức Khôn Ngoan. (11) Nhưng cùng với Đức Khôn Ngoan, mọi sự tốt lành đã đến với tôi. Nhờ tay Đức Khôn Ngoan, của cải quá nhiều không đếm xuể
• Dt 4,12-13: (12) Lời Thiên Chúa là lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người.
• TIN MỪNG: Mc 10,17-30
Người giàu có muốn theo Đức Giêsu (Mt 19,16-22; Lc 18,18-23)
(17) Đức Giêsu vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: «Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?» (18) Đức Giêsu đáp: «Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. (19) Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ». (20) Anh ta nói: «Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ». (21) Đức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: «Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi». (22) Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.
Người giàu có khó vào Nước Thiên Chúa (Mt 19,23-26; Lc 18,24-27)
(23) Đức Giêsu rảo mắt nhìn chung quanh, rồi nói với các môn đệ: «Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao!» (24) Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ. Nhưng Người lại tiếp: «Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao! (25) Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa». (26) Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và nói với nhau: «Thế thì ai có thể được cứu?» (27) Đức Giêsu nhìn thẳng vào các ông và nói: «Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được».
Phần thưởng cho người biết từ bỏ (Mt 19,27-30; Lc 18,28-30)
(28) Ông Phêrô lên tiếng thưa Người: «Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy!» (29) Đức Giêsu đáp: «Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, (30) mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau».
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Qua cách hành xử, người thanh niên trong bài Tin Mừng này đã chọn của cải trần gian hơn sự sống đời đời. Chọn như thế có khôn ngoan không? Nếu không thì chọn cách nào mới là khôn ngoan?
2. Câu «hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo (…) rồi hãy đến theo tôi». Tại sao Chúa không nói: hãy bán những gì anh có… mà dâng cúng vào đền thờ, hay dâng thật nhiều của lễ toàn thiêu lên Thiên Chúa? Để theo Chúa, phải ưu tiên gắn bó với người nghèo hay với đền thờ, với tổ chức tôn giáo?
3. «Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời». Kho tàng trên trời là kho tàng nào? Bản chất của nó là gì?
Suy tư gợi ý:
1. Sự chọn lựa khôn ngoan
Qua bài Tin Mừng, Đức Giêsu cho ta thấy muốn được sự sống đời đời, cần có hai điều kiện: một là sống tốt lành về mặt đạo đức hay luân lý, hai là đi theo Đức Giêsu. Nhưng để theo Đức Giêsu thì trước đó phải «bán đi những gì mình có mà cho người nghèo» (Mc 10,21). Người thanh niên trong bài Tin Mừng hôm nay đã thực hành rất tốt điều kiện thứ nhất, khiến Đức Giêsu «nhìn anh ta và đem lòng yêu mến» (Mc 10,20). Đây là điều kiện tiên quyết nhưng chưa phải là căn bản. Không có điều kiện tiên quyết thì đừng nói tới điều kiện kế tiếp, nhưng muốn đạt mục đích thì điều kiện sau mới là chủ yếu. Vì thế, để được sự sống đời đời, Ngài bảo anh ta: «Anh chỉ thiếu có một điều…» (Mc 10,21), và điều anh ta thiếu là điều kiện thứ hai vừa nêu trên. Điều kiện này, anh ta không dám làm, vì anh ta giàu có.
Anh phải đối diện với một chọn lựa gay go, trong đó, anh chỉ được chọn một trong hai chứ không thể chọn cả hai: hoặc của cải hay sự giàu sang đời này, hoặc sự sống đời đời. Thái độ bỏ đi của anh cho thấy anh đã chọn của cải giàu sang đời này. Lựa chọn đó chứng tỏ rằng anh cho của cải giàu sang đời này có giá trị hơn sự sống đời đời. Anh thà không có sự sống đời đời còn hơn là mất đi những của cải đời này. Đương nhiên anh ta chọn như thế thì anh có thể sẽ được như thế. Nhưng rất có thể anh ta sẽ không đạt được điều mà anh ta tuy muốn nhưng không dám chọn, là sự sống đời đời. Đối với những ai tin vào hạnh phúc đời sau, lựa chọn như anh ta quả là dại dột, vì anh ta đã bỏ cái lớn để lấy cái nhỏ. Thật vậy, Đức Giêsu từng nói: «Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì được ích gì?» (Mt 17,26; Mc 8,36; Lc 9,24).
Thử đặt mình vào trường hợp của chàng thanh niên ấy, ta sẽ phản ứng thế nào?
2. Cách chọn khôn ngoan: chọn một mà được cả hai
Đứng trước một chọn lựa gay go như trên, Đức Giêsu đã chỉ cho ta một cách lựa chọn mà cuối cùng ta tương đối được nhiều nhất, đó là chọn từ bỏ tất cả để theo Chúa. Vì cuối cùng, ta chẳng những đạt được điều ta chọn lựa, mà còn đạt được cả điều ta từ bỏ, tức điều ta không chọn lựa nữa. Sẵn sàng từ bỏ tất cả mọi loại của cải trần gian (vật chất, tiền bạc, danh vọng, quyền lực, lạc thú…) là một thái độ dứt khoát từ trong nội tâm. Thái độ nội tâm này là điều kiện tối cần thiết để có được sự sống đời đời. Nhưng sẵn sàng từ bỏ tất cả không có nghĩa là sẽ phải mất tất cả những thứ đó. Trái lại, nếu Chúa muốn, nhất là khi thái độ từ bỏ trên là thái độ quyết liệt, dứt khoát, thì chẳng những ta đạt được sự sống đời đời, mà ta không hề mất đi những thứ mà ta đã sẵn sàng từ bỏ. Nghĩa là khi ta chọn sự sống đời đời và sẵn sàng từ bỏ tất cả mọi thứ khác để được nó, thì ta lại được cả hai thứ: thứ ta chọn và cả thứ ta sẵn sàng từ bỏ nữa.
Thật vậy, Đức Giêsu nói: «Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau» (Mc 10,29-30). Cụm từ «ngay bây giờ» và «ở đời này» nhấn mạnh niềm hạnh phúc ngay khi còn ở trần gian. Cụm từ «gấp trăm» nói lên niềm hạnh phúc ấy rất cao độ, nhiều hơn nơi người bình thường. Tuy nhiên, cụm từ «cùng với sự ngược đãi» cho thấy sẽ có thời gian mà người chọn kiểu này phải chịu đau khổ, ngược đãi, nghèo khổ, buồn sầu… Nghĩa là một khi đã theo Chúa, thì rất có thể có những thời gian thử thách xen kẽ giữa những thời gian được bình an. Nhưng, ngay cả trong những thử thách, người sẵn sàng từ bỏ mọi sự mà theo Chúa vẫn luôn luôn giữ được sự bình an và niềm vui trong tâm hồn. Như thế, ta thấy đây là sự lựa chọn khôn ngoan.
3. Việc theo Chúa và lòng yêu thương người nghèo
Điều kiện thứ hai để đạt được sự sống đời đời là: «Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi» (Mc 10,21). Như vậy, muốn theo Đức Giêsu, trước tiên phải có lòng yêu thương những người cùng khốn, nghèo khổ, tội lỗi, và phải biểu hiện lòng yêu thương ấy ra thành hành động cụ thể. Những người cùng khốn, nghèo khổ là loại người mà Đức Giêsu thường hay tự đồng hóa với chính Ngài (x. Mt 25,40.45; 10,42). Họ mới là đối tượng chính trong sứ mạng của Ngài và của những người theo Ngài: «Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn (…) trả lại tự do cho người bị áp bức» (Lc 4,18); «Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi» (Mt 9,13; x. Mc 2,17; Lc 5,32). Một sứ mạng như vậy, nếu không thật lòng yêu thương những người cùng khốn, đau khổ và tội lỗi thì không thể thực hiện hữu hiệu được.
Qua câu Kinh Thánh «Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo…» (Mc 10,21), ta có thể nhận ra một tiêu chuẩn để xác định ta có phải là những người theo Chúa đích thực hay không. Đó là lòng thông cảm, yêu thương người nghèo khổ, yếu đuối, bị áp bức và người tội lỗi, đồng thời sẵn sàng đứng về phía họ để nâng họ lên, bênh vực họ, tranh đấu cho họ, lên tiếng dùm họ vì họ không có tiếng nói… Còn nếu ta chỉ thích giao du với người giàu, người mạnh, quyền thế, với những kẻ được coi là đạo đức, thánh thiện, đồng thời sẵn sàng vì quyền lợi mình mà theo hùa với những kẻ áp bức, không hề quan tâm hoặc tỏ ra khinh thường người nghèo khổ, bị áp bức, tội lỗi, thì dù ta có làm linh mục, giám mục, hồng y hay giáo hoàng, ta vẫn chẳng phải là những người thật sự theo Chúa. Và việc ta vào được Nước Thiên Chúa – như Đức Giêsu nói – còn khó hơn «con lạc đà chui qua lỗ kim», chính vì ta nghèo nàn tình yêu.
Khi chấp nhận làm theo lời khuyên của Đức Giêsu «Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo…» (Mc 10,21), là ta đã chấp nhận sống một cuộc sống nghèo nàn, thiếu thốn để có thể chia sẻ với người nghèo khổ hơn ta. Không chấp nhận sống nghèo nàn thiếu thốn, mà chỉ muốn hưởng thụ cuộc sống đầy đủ, giàu sang, chắc chắn việc chia sẻ những gì ta có cho người nghèo khổ sẽ trở nên khó khăn. Tinh thần khó nghèo mà giới tu sĩ nguyện áp dụng trong cuộc sống không phải chỉ là một sự hãm mình xuông, mà là một sự hy sinh có mục đích bác ái, yêu thương, đó là chia sẻ cho người nghèo khổ, thiếu thốn. Theo tinh thần của bài Tin Mừng này thì một người thật sự theo Đức Giêsu phải có tinh thần sẵn sàng «bán đi những gì mình có mà cho người nghèo…» (Mc 10,21) như Ngài đã từng đòi hỏi người thanh niên kia. Không có tinh thần này thì làm sao dám tự hào mình là người theo Đức Giêsu?
4. Theo Chúa, phải ưu tiên gắn bó với người nghèo khổ
Rất nhiều người tưởng rằng theo Chúa thì chủ yếu và trước tiên là phải gắn bó với nhà thờ, với những lễ nghi tôn giáo, với việc cầu nguyện, v.v… Quan niệm như thế quả không đúng với tinh thần của bài Tin Mừng hôm nay. Đức Giêsu đòi buộc những kẻ theo Ngài phải bán những gì mình có để tặng cho những người nghèo khổ, chứ không phải để dâng cúng vào đền thờ hay để dâng những hy lễ toàn thiêu lên Thiên Chúa. Qua câu này, ta khám phá ra rằng: Đức Giêsu muốn những kẻ theo Ngài ưu tiên gắn bó với người nghèo khổ, tội lỗi hơn là gắn bó với đền thờ, với những nghi thức hay tập tục tôn giáo.
Thật vậy, bản chất của Kitô giáo không nằm ở trong những lễ nghi tôn giáo, trong việc cầu nguyện, giữ luật lệ cho bằng trong tình yêu thương. Để giữ đạo cho đúng, chúng ta phải nắm thật vững điều này: bản chất của Kitô giáo là tình yêu, chứ không phải là lễ nghi hay luật lệ. Vì bản chất của Thiên Chúa – đối tượng của Kitô giáo – là tình yêu chứ không phải là bất kỳ điều gì khác. Mà đối tượng ưu tiên của tình yêu, theo tinh thần Đức Giêsu, chính là những người bé mọn, nghèo khổ, tội lỗi…
Ngôn sứ Isaia đã mô tả tâm tình của Thiên Chúa chán ghét đến mức nào những lễ nghi trang trọng được cử hành để thờ phượng Ngài bởi những người thiếu tình yêu đối với chính đồng loại của mình: «Đức Chúa phán: Ngần ấy hy lễ của các ngươi, đối với Ta, nào nghĩa lý gì? Lễ toàn thiêu chiên cừu, mỡ bê mập, Ta đã chán ngấy. Máu bò, máu chiên dê, Ta chẳng thèm!... Ta không chịu nổi những người cứ phạm tội ác rồi lại cứ lễ lạc linh đình. Ta chán ghét những ngày đầu tháng, những đại lễ của các ngươi. Những thứ đó đã trở thành gánh nặng cho Ta, Ta không chịu nổi nữa. Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn; các ngươi có đọc kinh cho nhiều, Ta cũng chẳng thèm nghe. Vì tay các ngươi đầy những máu» (x. Is 1,11-15).
Phải chăng chúng ta đã coi những nghi thức tôn giáo còn quan trọng hơn cả tình yêu của mình đối với tha nhân, hơn cả bổn phận phải đối xử công bằng với họ? Quan niệm như thế có phù hợp với tinh thần của Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay chăng? Quan niệm như thế xuất phát từ đâu?
5. Kho tàng trên trời chính là tình yêu trong lòng
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu nói: «Hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời» (Mc 10,21). Theo câu Tin Mừng này thì có lòng yêu thương những người cùng khốn, đau khổ và tội lỗi, ta mới có được «một kho tàng trên trời». Kho tàng thiêng liêng này chính là tình yêu. Người biết yêu thương những người cùng khổ là người có kho tàng thiêng liêng ấy ở trên trời («trên trời» hiểu theo nghĩa tâm linh chính là ở trong chiều sâu thăm thẳm của nội tâm ta). Trong Nước Trời tức Nước của Tình Yêu, chỉ có loại của cải hay kho tàng thiêng liêng này mới có giá trị, và phải có sẵn một kho tàng lớn lao loại này trong Nước Trời mới có thể vào đó được. Những người ích kỷ, dù là ích kỷ thiêng liêng – tức chỉ lo phần rỗi cho bản thân mình – đều là những người không có kho tàng này ở trên trời. Họ khó mà vào được Nước Trời. Vậy, là người Kitô hữu sáng suốt, chúng ta hãy sắm lấy kho tàng này bằng cách đặc biệt yêu thương và quan tâm cứu giúp những người cùng khổ, bị áp bức bất công, và những người tội lỗi.
Điều rất đáng mừng cho Giáo Hội ngày nay đó là Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang cố gắng khôi phục lại trong Giáo Hội tinh thần sống nghèo khó để có thể yêu thương và chia sẻ những gì mình có cho người nghèo khổ như bài Tin Mừng hôm nay đòi hỏi. Thật vậy, ở đâu, đi đâu, ngài cũng thường quan tâm đến những người nghèo, những người đau khổ, bệnh tật, các tù nhân, những người tội lỗi. Ngài sống một cách bình dân, giản dị, ngài đi xe buýt, ở nhà nhỏ, tự nấu ăn, từ chối những thứ sang trọng, những hình thức trang trọng bề ngoài… Thiết tưởng những người tự cho mình là người theo Đức Giêsu nên theo gương ngài.
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, xin cho con dám hy sinh tất cả để phục vụ những người đau khổ, nghèo đói, túng thiếu, bệnh tật, và tội lỗi. Đức Giêsu muốn những ai theo Ngài phải thực hiện điều ấy trước đã rồi mới theo Ngài sau. Không thực hiện điều ấy mà đã đòi theo Ngài, con sẽ chỉ là những kẻ theo Ngài giả hiệu. Xin Cha hãy giúp con theo Đức Giêsu thật sự.
Nguyễn Chính Kết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét