HIỂU
& SỐNG TIN MỪNG
Chúa
Nhật thứ 2 sau Giáng Sinh
(Năm C − ngày 3-1-2016)
(Năm C − ngày 3-1-2016)
Lễ Hiển Linh
ĐỌC LỜI CHÚA
· Is 60,1-6: (3) Chư dân sẽ
đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà
tiến bước. (4) Đưa mắt
nhìn tứ phía mà xem, tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi: con trai ngươi từ
phương xa tới, con gái ngươi được ẵm bên hông.
· Ep 3,2-3a.5-6: (5) Thiên Chúa đã không cho những người thuộc
các thế hệ trước được biết mầu nhiệm này, nhưng nay Người đã dùng Thần Khí mà
mặc khải cho các thánh Tông Đồ và ngôn sứ của Người. (6) Mầu nhiệm đó là: trong Đức Kitô Giêsu và
nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do thái,
cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa.
· TIN MỪNG: Mt 2,1-12
Các nhà chiêm tinh đến bái lạy Đức Giêsu
Hài Nhi
(1) Khi Đức Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giuđê, thời vua
Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giêrusalem, (2) và hỏi: «Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người
xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người». (3) Nghe tin ấy, vua Hêrôđê bối rối, và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao. (4) Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế
và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Kitô phải sinh ra ở đâu. (5) Họ trả lời: «Tại Bêlem, miền Giuđê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: (6) 'Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa,
ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt
Ítraen dân Ta sẽ ra đời».
(7) Bấy giờ vua Hêrôđê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về
ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. (8) Rồi vua phái các vị ấy đi Bêlem và dặn rằng: «Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi,
và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người». (9) Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương
Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. (10) Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. (11) Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà
Maria, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và
mộc dược mà dâng tiến. (12)
Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nên đã đi lối khác
mà về xứ mình.
CHIA SẺ
Câu
hỏi gợi ý:
1. Lúc Đức Giêsu sinh ra, những ai biết được Ngài đã sinh ra và sinh ở
đâu? Họ biết được là nhờ phương tiện gì? Phương tiện nào giá trị và chính xác
nhất? Và phương tiện nào đã giúp đương sự thật sự gặp được Đức Giêsu?
2. Biết
về Thiên Chúa một cách đúng đắn và chính xác có bảo đảm là sẽ thật sự gặp gỡ và
cảm nghiệm được Ngài không? Những kẻ không biết đúng đắn và chính xác về Ngài
có thể gặp gỡ và cảm nghiệm Ngài không? Yếu tố quan trọng để gặp gỡ và cảm
nghiệm Ngài là gì?
3. Bạn rút ra bài học gì về khả năng được cứu rỗi của dân ngoại? Điều
quan trọng để được cứu rỗi là tin, là biết cho chính xác, hay là thực hiện điều
mình tin, điều mình biết, tức thật sự sống tinh thần yêu thương của Thiên Chúa?
Suy
tư gợi ý:
1. Ba cách biết khác nhau về sự kiện Đấng Cứu
thế sinh ra
Cách đây khoảng 2000 năm, Đức
Giêsu – Đấng Cứu Thế mà các ngôn sứ đã tiên báo hàng trăm năm trước – đã sinh
ra một cách rất âm thầm tại làng Bêlem. Âm thầm, nhưng vẫn có những người biết
sự kiện này. Đó là các mục đồng, rồi đến các nhà chiêm tinh ngoại giáo, sau
cùng là vua Hêrôđê và các kinh sư Do Thái. Họ biết theo những cách thức khác
nhau, và phản ứng của họ sau khi biết cũng rất khác nhau.
Các mục đồng đơn sơ chất phác thì
được các thiên sứ trực tiếp đến báo tin. Đây là cách biết dễ dàng nhất, mau lẹ
nhất, khỏe nhất, không đòi hỏi tài năng hay suy luận cao xa, không đòi hỏi phải
chủ động tìm kiếm rồi mới biết, mà lại chính xác nhất… Tất cả đều do Thiên Chúa
sắp đặt và cho biết một cách vô điều kiện. Và sau khi biết Đấng Cứu Thế sinh ra
ở đâu, các mục đồng đã đến thăm viếng Ngài.
Các nhà chiêm tinh thì biết theo
kiểu khác. Các ông khám phá ra sự xuất hiện của một ngôi sao lạ. Các ông dùng
kiến thức về chiêm tinh học để suy đoán ra ý nghĩa của ngôi sao ấy. Và điều rất
quan trọng là, dù xa xôi và biết rất mù mờ, các ông đã lên đường tìm kiếm
«Đức Vua Dân Do Thái mới sinh» (Mt
2,2). Và các ông đã gặp được Ngài là một hài nhi nằm trong máng cỏ. Cách biết
này mang tính tự nhiên, không chính xác, đòi hỏi thêm nhiều kiến thức tự nhiên
của con người. Tuy vậy, cách biết bất toàn này đã giúp các ông thật sự gặp được
Đấng Cứu Thế mới sinh. Điều chúng ta cần đặc biệt quan tâm ở đây, là các nhà
chiêm tinh này là dân ngoại, không có tôn giáo chính thức của Thiên Chúa, và
cũng không có mặc khải chính thức từ Thiên Chúa.
Vua Hêrôđê và các kinh sư Do Thái
lại biết theo kiểu khác nữa. Nếu không nhờ các nhà chiêm tinh đến hỏi thăm thì
họ sẽ chẳng bao giờ đặt vấn đề hay tìm hiểu về việc Đấng Cứu Thế sinh ra. Nhưng
phải công nhận là sau khi được hỏi tới, nhờ tra cứu Kinh Thánh là mặc khải siêu
nhiên và bảo đảm của Thiên Chúa, họ biết ngay nơi Đấng Cứu Thế sinh ra là
làng Bêlem. Nhưng khác với hai loại người trước, họ biết
rồi để đấy. Cái biết của họ – tuy rất chính xác và bảo đảm – chỉ là một
cái biết thuần túy, chẳng dẫn tới hành động, chẳng dẫn họ đến với Đấng Cứu Thế, cội
nguồn ơn cứu độ. Điều chúng ta cần lưu ý và có thể làm chúng ta ngạc nhiên, đó
là Vua Hêrôđê và các kinh sư Do Thái là những vị đại diện cao cả nhất của dân
tộc Do Thái là dân riêng của Thiên Chúa, của tôn giáo Do Thái là tôn giáo chính
thức của Thiên Chúa, được Thiên Chúa chính thức mặc khải về Ngài qua Môsê và
các ngôn sứ.
2. Phải
lên đường đi tìm, phải biến cái biết thành hành động
Như vậy, để biết về Thiên Chúa, về
Đức Giêsu, hay về chân lý có thể có nhiều cách biết khác nhau. Có cách do tự
nhiên, có cách do siêu nhiên; có cách hoàn toàn do Thiên Chúa, có cách đòi hỏi
sự góp phần của con người; có cách bảo đảm đúng và dễ dàng, có cách còn mơ hồ
và còn phải nỗ lực nhiều mới đạt được sự chính xác… Nhưng xem ra không
phải những ai biết chính xác về Thiên Chúa thì sẽ đương nhiên gặp được Ngài,
và không
phải những ai không biết đúng về Ngài thì sẽ không gặp được Ngài.
Thật vậy, nhiều người biết rất
chính xác về Thiên Chúa nhưng lại chẳng có một nỗ lực nào đi tìm Ngài, nên cái
biết ấy trở thành vô ích chẳng hơn gì không biết! Ngược lại, có những người
biết về Ngài rất lờ mờ, thậm chí sai lạc, nhưng lại có quyết tâm đi tìm Ngài.
Cuối cùng chỉ những người thật sự đi tìm Ngài mới gặp được Ngài. Vì đối với
Thiên Chúa hay Chân Lý, thì «ai tìm, sẽ
thấy» (Mt 7,7-8). Còn dù biết về Ngài từ những nguồn chính xác, đáng tin
nhất, nhưng không lên đường đi tìm Ngài, thì cái biết ấy vô ích. Cái biết ấy
tuy quí giá, nhưng chẳng khác gì một món tiền lớn đựng mãi trong két sắt, chẳng
bao giờ được đem ra xài, nên chẳng lợi ích gì cho người chủ của nó: chủ nó
thiếu thốn vẫn tiếp tục thiếu thốn.
Quả thật, khá nhiều người Kitô hữu
tự hào về tôn giáo của mình là tôn giáo mặc khải, là tôn giáo chân chính phát
xuất từ Thiên Chúa. Họ biết rất nhiều và rất chính xác về Thiên Chúa. Nhưng cái
biết ấy chẳng đem lại lợi ích gì cho tâm linh và sự sống đời đời của họ. Vì họ
chẳng đem cái biết ấy ra thực hành. Đức Giêsu nói họ chẳng khác gì những «người ngu dại xây nhà trên cát» (Mt
7,26). Giữa việc biết và việc thực hành cái biết ấy là cả một vực thẳm phải
vượt qua, như một linh mục nọ thường nói: «Từ
cái tai đến cái tay là cả một khoảng cách» (Lm Nguyễn Văn Siêu, sj).
3. Nỗ
lực thành công của dân ngoại đến tìm Chúa
Bài Tin Mừng của lễ Hiển Linh hôm
nay cho thấy: dân ngoại mà nỗ lực tìm kiếm Thiên Chúa thì sẽ gặp được Ngài, còn
chính dân của Thiên Chúa nếu không tìm kiếm Ngài thì chẳng gặp được Ngài. «Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ và
nhận biết chân lý» (1Tm 2,4; x. Dt 2,9), nên đối với những người ngoài Kitô
giáo, Thiên Chúa vẫn dành cho họ những con đường riêng biệt để đến với Ngài,
nhưng «bằng cách nào thì chỉ có Chúa biết
thôi» (Vatican II, Hiến chế Mục Vụ 22§5). Trước Công Đồng Vatican II, người
Kitô hữu thường quan niệm: không tin Thiên Chúa, không rửa tội, không phải là
Kitô hữu thì không được cứu rỗi. Nhưng bài Tin Mừng hôm nay và rất nhiều đoạn
Thánh Kinh khác cho thấy lập trường của Công Đồng Vatican II là đúng.
Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy có
những con đường riêng biệt, không chính thống, nhưng vẫn dẫn đến Thiên Chúa,
dẫn đến việc gặp gỡ Ngài, bằng một trình thuật đầy oái oăm: Những kẻ có tôn
giáo chân chính, có Kinh Thánh hay Lời Chúa trong tay, hiểu biết rất chính xác
về Thiên Chúa thì lại không gặp được Ngài. Còn những kẻ không có tôn giáo chân
chính, không có phương tiện hữu hiệu để biết Ngài, thì lại gặp được Ngài nhờ
quyết tâm tìm kiếm Ngài. Điều ấy thật ứng nghiệm lời Kinh Thánh: «Dân mà trước đây không phải là dân của Ta,
thì Ta sẽ gọi là Dân của Ta» (Os 1,10 ® Rm 9,26).
Với những kẻ tự hào mình có tôn
giáo chân chính, có Lời Chúa trong tay mà không chịu sống tôn giáo ấy, không
chịu thực hành Lời Chúa, thánh Phaolô viết: «Còn bạn, bạn mang danh là đạo Do-thái, lại ỷ rằng mình có Lề Luật, và
tự hào mình có Thiên Chúa; bạn được biết ý Người, được Lề Luật dạy cho điều hay
lẽ phải; Bạn tự hào vì có Lề Luật, mà bạn lại vi phạm Lề Luật, và như vậy bạn
làm nhục Thiên Chúa! Thật đúng như lời chép: Chính vì các người mà danh Thiên
Chúa bị phỉ báng giữa chư dân» (Rm 2,17-18.23-24).
Những người này, cũng theo thánh
Phaolô, trước mặt Thiên Chúa, không giá trị bằng những người ngoại mà sống đúng
theo luật lương tâm: «Còn phép cắt bì, đã
hẳn là có ích, nếu bạn thi hành Lề Luật. Nhưng nếu bạn vi phạm Lề Luật, thì bạn
có được cắt bì cũng kể như không cắt bì. Nếu người không được cắt bì mà giữ
những điều Luật dạy, thì tuy họ không được cắt bì, Thiên Chúa chẳng coi họ như
đã được cắt bì sao? Người không được cắt bì trong thân xác mà vẫn chu toàn Lề
Luật, người ấy sẽ lên án bạn, vì bạn có Lề Luật ghi chép hẳn hoi và bạn đã được
cắt bì, mà vẫn vi phạm Lề Luật» (Rm 2,25-27). Để phù hợp với hoàn cảnh hiện
tại, ta có thể thay từ «cắt bì» bằng
từ «rửa tội» thì sẽ thấy rõ ý nghĩa
của đoạn này cho thời đại của chúng ta.
Do đó, được là người Kitô hữu là
một ơn rất lớn lao và đặc biệt. Nhưng lại cũng là một trách nhiệm, vì ai nhận
nhiều thì sẽ bị đòi hỏi phải sinh lợi ra nhiều, ai nhận ít thì bị đòi hỏi ít
(x. dụ ngôn yến bạc: Mt 25,14-30). Nếu ta sống đúng tinh thần của người Kitô
hữu là luật yêu thương của Đức Giêsu (x. Ga 13,34), thì hạnh phúc và phần
thưởng cho chúng ta, đời này cũng như đời sau (x. Lc 18,30; Mc 10,30), sẽ vô
cùng lớn lao. Nhưng nếu ta không đem tinh thần yêu thương của Đức Giêsu ra thực
hành trong đời sống, thì giá trị của ta trước Thiên Chúa sẽ không bằng người
ngoại giáo biết sống đúng theo lương tâm của họ.
4. Tương
quan giữa biết và làm, giữa tin và yêu, giữa đức tin và đức ái
Từ bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta
có thể rút ra một bài học quan trọng. Giữa biết và làm, thì ‘biết’ là phương
tiện còn ‘làm’ là mục đích. ‘Biết’ rất là quan trọng, vì không biết thì không
thích, không yêu, và không dẫn đến việc làm. Và biết sai thì sẽ dẫn đến làm
sai. Câu «Thiện chí cộng với ngu dốt (tức
‘không biết’) thành phá hoại» không phải là phi lý. ‘Biết đúng’ tuy rất
quan trọng, nhưng nếu không dẫn đến việc làm, thì cái biết ấy trở thành vô ích.
Tương tự như vậy, đức tin rất quan trọng, nhưng đức tin có mạnh đến đâu mà
không dẫn đến đức ái, đến lòng yêu thương Thiên Chúa qua đồng loại, thì «đức tin không hành động ấy là đức tin chết»
(Gc 2,17). Thánh Phaolô cũng xác định rõ ràng: «Giả như tôi có đức tin mạnh đến chuyển núi dời non, mà không có đức
mến, thì tôi cũng chẳng là gì» (1Cr 13,2).
Tóm lại, bài học có thể rút ra
được từ bài Tin Mừng hôm nay, đó là có được tôn giáo chính thống từ Thiên Chúa
là một ơn huệ lớn lao của Thiên Chúa, nhờ đó ta có thể biết con đường ngắn
nhất, chính xác nhất để đến với Thiên Chúa. Nhưng điều đó không có nghĩa là cứ
có tôn giáo chính thống thì ta sẽ đến được với Thiên Chúa. Vấn đề quan trọng
nằm ở chỗ chúng ta có chịu lên đường để đi hay không, nghĩa là có thật sự thực
hành những điều Thiên Chúa muốn chúng ta làm, là yêu Thiên Chúa qua tha nhân
hay không. Ngược lại, người không có tôn giáo chính thống từ Thiên Chúa, nhưng
họ thật sự sống theo lương tâm, theo sự đòi hỏi của tình thương trong lòng họ,
thì họ vẫn có thể đến với Thiên Chúa một cách chắc chắn hơn những Kitô hữu sống
không tình thương. Nhiều khi chúng ta giống như con cái những nhà giàu có, với
đủ mọi phương tiện để học thành tài, nhưng chúng ta không thành tài như con cái
của những nhà nghèo khổ, thiếu đủ mọi phương tiện, nhưng biết cố gắng học hành
trong những điều kiện khó khăn nhất.
Thánh Gioan đã cho chúng ta một
tiêu chuẩn để phân biệt đâu là con cái của Thiên Chúa và đâu là con cái của ma
quỷ, đó chính là tình yêu thương đồng loại: «Căn cứ vào điều này mà người ta phân biệt con cái Thiên Chúa với con
cái ma quỷ : phàm ai không sống công chính, không yêu thương anh em mình thì
không thuộc về Thiên Chúa» (1Ga 3,10); «Chúng
ta đã từ cõi chết bước vào cõi sống, vì chúng ta yêu thương anh em. Kẻ không
yêu thương thì ở lại trong sự chết» (1Ga 3,14). Thế giới này bất ổn, loạn
lạc, bất công, đau khổ, không phải vì người ta thiếu đức tin, thiếu các tôn
giáo, mà vì người ta thiếu tình yêu thương đồng loại.
Do đó, chúng ta cần phải biết cái
cốt tủy hay yếu tính của tôn giáo mình là gì. Chắc chắn không phải là những lễ
nghi, hình thức bên ngoài, mà là tình yêu đối với Thiên Chúa qua đồng loại. Đức
Giêsu nói thật rõ ràng: «Ta muốn lòng
nhân chứ đâu cần lễ tế» (Mt 9,13). Tại sao ta lại coi lễ tế quan trọng hơn
cả lòng nhân? Chúng ta thực hành đủ mọi thứ phụ thuộc, nhưng lại thiếu cái cốt
tủy quan trọng nhất ấy, thì ích lợi gì việc thực hành những thứ phụ thuộc kia?
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha,
là người Kitô hữu, chúng con thường tự hào rằng tôn giáo của mình là chính
giáo. Nhưng quả thật, nhiều khi chúng con lại không sống tinh thần yêu thương
của Đức Kitô bằng nhiều người ngoại giáo. Qua bài Tin Mừng lễ Hiển Linh hôm
nay, xin cho chúng con ý thức được nguy cơ này: coi chừng chúng con cũng giống
như Hêrôđê và các kinh sư Do Thái, có tôn giáo chân chính, có phương tiện để
gặp Cha, để được cứu rỗi trong tay, nhưng cuối cùng tất cả những ưu đãi ấy đều
trở thành vô ích vì sự ù lỳ của chúng con. Đang khi ấy, nhiều người ngoại giáo
lại có diễm phúc gặp Cha và gần Cha hơn chúng con, chỉ vì họ biết dấn thân
quảng đại đáp lại những ơn Cha ban, dù ơn đó họ được ít ỏi hơn chúng con. Xin
cho chúng con biết thật sự sống tinh thần yêu thương của Đức Giêsu, để chúng
con xứng đáng là người Kitô hữu đích thực.
Nguyễn Chính Kết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét