HIỂU & SỐNG TIN
MỪNG
Chúa Nhật thứ 3 Thường Niên
(Năm C − ngày 24-1-2016)
(Năm C − ngày 24-1-2016)
Video: Bấm vào đây để xem/nghe:
ĐỌC LỜI CHÚA
· Nkm 8,2-4a.5-6.8-10: (9) Tổng trấn Nêhêmi, thầy tế lễ Exơra tuyên
bố: «Hôm nay là một ngày thánh dành
cho Thượng Đế Hằng Hữu».
· 1Cr 12,12-30: (13) Tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp,
nô lệ hay tự do, đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một
thân thể, và đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất. (27) Vậy anh em chính là thân thể Đức Ki-tô, và
mỗi người là một bộ phận.
· TIN MỪNG: Lc 4,14-21
Đức Giêsu tại Nadarét (// Mt 13,53-58; Mc 6,1-6)
(14) Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giêsu trở về miền Galilê, và tiếng
tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. (15) Người giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người
tôn vinh.
(16) Rồi Đức Giêsu đến Nadarét, là nơi Người sinh trưởng.
Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sabát, và đứng lên đọc
Sách Thánh. (17) Họ trao
cho Người cuốn sách ngôn sứ Isaia. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: (18) Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn
phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công
bố cho kẻ bị giam cầm được tha, cho người mù được sáng mắt, trả lại tự do cho
người bị áp bức, (19) công bố
năm hồng ân của Chúa.
(20) Đức Giêsu cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội
đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. (21) Người bắt đầu nói với họ: «Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị
vừa nghe».
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Sứ mạng của Đức Giêsu và các ngôn sứ là gì? Có phải sứ mạng đó chỉ
liên quan đến tâm linh và tôn giáo, không liên quan gì đến cuộc sống đời thường
của con người?
2. Sứ mạng của Đức Giêsu và các ngôn sứ có bao trùm những lãnh vực
kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội không? Có thể tránh được sự bao trùm ấy
không? Tại sao?
3. Người Kitô hữu có bổn phận phải tranh đấu cho quyền sống và quyền
sống cho ra con người không? Tránh né việc tranh đấu ấy có phải là thái độ đúng
đắn không?
Suy tư gợi ý:
1. Sứ mạng của Đức Giêsu và các ngôn sứ
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức
Giêsu đọc sách của Isaia nói về sứ mạng ngôn sứ của ông. Đức Giêsu cũng áp dụng
sứ mạng ấy cho chính Ngài qua câu: «Hôm
nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe» (Lc 4,21). Đức Giêsu hay
các ngôn sứ được «Thiên Chúa xức dầu tấn
phong» và được Thần Khí Chúa ở cùng, để làm gì? Chắc chắn không phải chỉ để
tế lễ hay đọc kinh cầu nguyện, cũng không phải chỉ để lo những chuyện thuần túy
tôn giáo như «loan báo Tin Mừng cho kẻ
nghèo hèn», mà còn để làm cả những công việc xã hội, việc ngoài đời, như «cho người mù được sáng mắt», cho «kẻ bị giam cầm được tha», «trả lại tự do cho người bị áp bức» (Lc
4,18). Sách Châm ngôn cũng nói lên một trong những công việc quan trọng mang
tính xã hội của người ngôn sứ: «Con hãy
mở miệng nói thay cho người câm, và biện hộ cho mọi người bất hạnh. Hãy mở
miệng phán xử thật công minh, biện hộ cho những kẻ nghèo nàn khốn khổ» (Cn
31,8-9).
Thật vậy, cuộc đời của Đức Giêsu
và của các tông đồ đầy dẫy những công việc như: chữa lành đủ mọi chứng bệnh (x.
Mt 4,23; 8,1-16), trừ khử đủ mọi thứ quỉ (Mt 8,28-34; 9,32-34), hóa bánh ra
nhiều để lo cho người đói (Mt 14,15-21; 15,32-38)… Sách Công Vụ Tông đồ nói về
Đức Giêsu: «Đi tới đâu là Người thi ân
giáng phúc tới đó» (Cv 10,38). Việc thi ân giáng phúc của Ngài không phân
biệt lãnh vực nào là đạo, lãnh vực nào là đời. Gioan Tẩy Giả – cũng là một ngôn
sứ – ngoài việc dọn đường cho Đức Giêsu, rao giảng sự hối cải, ông còn làm
những công việc mang tính xã hội như lên tiếng cảnh cáo vua Hêrốt không được
lấy vợ của anh ruột mình, bất chấp việc cảnh cáo ấy có thể dẫn ông vào tù hay
mất mạng (x. Mt 14,3-12). Các ngôn sứ thời trước, ngoài những công việc mang
tính tâm linh và tôn giáo, cũng đã từng dấn thân vào những việc xã hội như lên
tiếng cảnh cáo vua cũng như toàn dân chúng về những tội ác của họ.
2. Đức Giêsu đến để giải phóng con người toàn
diện
Ta thấy sứ mạng của Đức Giêsu là
đến để giải phóng con người một cách toàn diện, cả tâm linh lẫn thể xác, cả cá
nhân lẫn xã hội, bao hàm cả ba lãnh vực chính yếu của Kitô giáo là: chân lý,
công lý và tình thương (x. Mt 23,23). Về tâm linh, Ngài giải phóng con người
khỏi ách thống trị của tội lỗi, của lề luật, của thói hư tật xấu, khỏi tính yếu
đuối của bản tính con người. Thánh Phaolô viết: «Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta»
(Gl 5,1; x. Rm 6,18; Cl 1,13). Ngài cũng đến để giải phóng con người về mặt thể
chất: «Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác
phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta» (Rm
7,24-25); «Anh em đã chết cùng Đức Kitô
và được giải thoát khỏi các yếu tố của vũ trụ» (Cl 2,20). Về mặt xã hội,
Ngài đến để thực hiện một xã hội lý tưởng là Nước Trời, không chỉ tại thiên mà
còn tại thế, trong đó mọi người đối xử với nhau bằng chân lý, công lý và tình
thương.
Vì thế, từ khi thành lập đến nay, Giáo
Hội vẫn tiếp nối sứ mạng của Đức Giêsu là cứu độ con người một cách toàn diện. Chủ
trương đó phần nào được diễn tả trong kinh «Thương
người có 14 mối», trong đó không chỉ có 7 mối về linh hồn mà còn có 7 mối về
thể xác. 7 mối về thể xác rất cụ thể là: cứu giúp những kẻ thiếu thốn vật chất (thiếu
ăn, thiếu uống, thiếu mặc, thiếu chỗ ở…); an ủi, giúp đỡ và chữa lành những kẻ ốm
đau bệnh tật; thăm viếng và tìm cách giải phóng những kẻ bị giam cầm một cách oan
ức hoặc bị làm nô lệ; giúp kẻ chết trong cảnh nghèo khổ được chôn cất tử tế. Tất
cả đều nhằm giúp cho mọi người – đặc biệt những kẻ nghèo khổ – được sống và chết
xứng với phẩm giá cao trọng của con người, là con cái và là hình ảnh của Thiên Chúa.
3. Người Kitô hữu phải bảo vệ quyền sống-cho-ra-người
Theo gương Đức Giêsu, tiếp tục
thực hiện sứ mạng toàn diện của Ngài, nhiều Kitô hữu đã tranh đấu rất mạnh, rất
hăng hái để bảo vệ sự sống, chẳng hạn chống phá thai, chống ngừa thai theo
những phương pháp trái tự nhiên, v.v... Điều đó thật đáng khích lệ! Nhưng phần
còn lại cũng rất quan trọng – là làm cho sự sống mà mình đã bảo vệ, được sống
cho xứng với phẩm giá con người – thì rất nhiều Kitô hữu lại coi nhẹ hoặc không
đặt nặng. Như thế có khác nào «đánh
trống bỏ dùi», «đem con bỏ chợ»,
«đầu voi đuôi chuột»? Thử hỏi: bảo vệ
cho các thai nhi được quyền sống trên đời, nhưng lại không bảo vệ cho chúng
quyền được sống hạnh phúc, sống đúng với phẩm giá con người, thì việc bảo vệ sự
sống cho chúng có ích lợi gì? Ngoài việc bảo vệ sự sống, ta còn có bổn phận
phát triển sự sống, để sống có chất lượng. Đừng để những thai nhi mà chúng ta
cứu sống phải sống bất hạnh đến nỗi chúng phải than trách ta, những kẻ cứu sống
chúng: «Thà để chúng tôi đừng sinh ra thì
hơn!», «Tranh đấu cho chúng tôi sinh
ra làm gì nếu sau đó lại để chúng tôi lâm vào cảnh lầm than khổ sở thế này?»
Như vậy, tranh đấu cho sự sống là
điều rất tốt, nhưng thiết tưởng tranh đấu cho nhân quyền, tức quyền được sống-cho-ra-người,
xứng với phẩm giá con người còn quan trọng, cần thiết và tốt đẹp hơn. Nhưng tiếc
thay, khá nhiều người chủ trương bảo vệ sự sống lại quên hẳn cái điều còn quan
trọng hơn cả việc bảo vệ sự sống!
4. Phải tranh đấu cho công lý
Muốn mọi người được sống đúng phẩm
giá của con người, xứng với địa vị của con cái Thiên Chúa, chúng ta phải loại
trừ mọi hình thức bất công trong xã hội. Hiện nay, trong xã hội, sự xuất hiện
hay sự thịnh vượng của người này có thể gây khó khăn hay làm giảm bớt quyền lợi
của người kia. Vì thế, để được thuận lợi cho mình mọi mặt, người ta tìm đủ mọi
cách để tước đoạt hoặc giảm thiểu quyền sống và quyền sống-cho-ra-người của
nhau. Vì thế, muốn mọi người được sống đúng với phẩm giá của con người, phải có
những người tranh đấu cho quyền ấy. Những kẻ đang tước đoạt quyền làm người của
kẻ khác hầu như không bao giờ tự động trả lại quyền ấy cho người bị tước đoạt
cả. Họ chỉ trả lại quyền đó khi chúng ta hoặc chính người bị tước đoạt tranh
đấu đòi buộc họ phải trả lại. Chỉ dùng cầu nguyện hoặc lời năn nỉ van xin để kẻ
ác tự động trả lại sự công bằng cho mọi người quả là một ảo vọng. Nếu «Đức tin không có việc làm là đức tin chết»
(Gc 2,17.26) thì tương tự như vậy, lời cầu nguyện xuông không đi đôi với hành
động không hẳn là lời cầu nguyện chân thành. Các tu sĩ trong các đan viện cầu
nguyện rất nhiều, nhưng đan viện nào cũng có những bảng đề «Ora et Labora» (Cầu nguyện và Làm việc /
Cầu nguyện và Hành động), ngụ ý hai việc ấy phải đi đôi với nhau. Cầu nguyện
phải đi đôi với hành động, và hành động cũng phải đi đôi với cầu nguyện.
Muốn cho mọi người được sống đúng
với phẩm giá của mình, thiết tưởng chúng ta phải tranh đấu mới được, dù là
tranh đấu trong ôn hòa, trật tự. Việc tranh đấu cho quyền sống-cho-ra-người
cũng phải hăng hái và hữu hiệu như chúng ta đã từng tranh đấu để bảo vệ sự sống
vậy! Là người Kitô hữu, được thúc đẩy bởi đức ái Kitô giáo, chúng ta có bổn
phận phải tranh đấu cho mọi người có quyền sống và quyền sống-cho-ra-người.
Muốn thế, phải lên tiếng bảo vệ công lý, chống lại những cơ chế phát sinh bất
công, nghèo khổ, đồng thời cổ võ mọi người – mà trước hết là chúng ta – hãy sống
yêu thương và đùm bọc lẫn nhau.
5. Tranh đấu như thế có hợp với tinh thần Kitô
hữu không?
Việc tranh đấu cho quyền làm người
và quyền sống-cho-ra-người như thế tất nhiên ít nhiều phải liên quan tới chính
trị. Các ngôn sứ của Thiên Chúa không hề chủ trương làm chính trị. Nhưng khi
thực hiện sứ mạng của mình, là làm chứng cho chân lý, công lý và tình thương,
các ông không ngại ngùng khi việc làm chứng ấy có dính líu đến những vấn đề
chính trị, hay mang tính cách chính trị. Việc lên tiếng hay làm chứng cho chân
lý, công lý và tình thương trong xã hội, làm sao tránh được chuyện liên can đến
chính trị? cũng như làm sao tránh được chuyện liên can đến văn hóa, xã hội,
kinh tế…? Tất cả mọi vấn đề trong xã hội con người đều liên quan đến nhau một
cách chặt chẽ. Không thể làm một việc gì trong xã hội mà không bị liên can đến
những vấn đề ấy! Không muốn liên can đến những vấn đề ấy thì làm sao lên tiếng
hay làm chứng cho chân lý, công lý và tình thương trong xã hội được? Muốn vô
can thì chỉ có nước là im lặng, bất động, không nói không làm gì cả. Người muốn
vô can trong những chuyện ấy chắc chắn không thích hợp với sứ mạng ngôn sứ!
Một cách tương tự, các ngôn sứ
không chủ trương làm mất lòng ai, hay làm ai ghét mình, nhưng nếu vì sứ mạng mà
phải làm mất lòng, phải nên cớ cho người ta ghét, thì cũng đành phải chấp nhận.
Chẳng lẽ vì sợ làm mất lòng, sợ bị người ta ghét mà mình đành lỗi sứ mạng của
mình?! Phải chăng người ngôn sứ được miễn thi hành sứ mạng của mình khi việc thi
hành sứ mạng ấy có liên can đến chính trị? Đức Giáo hoàng đương kim Phanxicô
từng dạy: «Người Công giáo tốt là người
biết tham gia chính trị» (bài giảng lễ ngày 16 tháng 9, 2013 tại nhà nguyện
Santa Marta ).
Tham gia chính trị ở đây không phải để tranh giành địa vị, quyền bính cho mình,
mà để có những phương tiện hữu hiệu làm cho xã hội trở nên công bình hơn,
quyền sống và sống-cho-ra-người được tôn trọng hơn, và người dân được sống an
vui hạnh phúc hơn.
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, nhiều khi chúng con coi
những gì liên quan đến chính trị như những điều kỵ húy, như thể chúng phản lại
tinh thần Kitô hữu. Thực ra chúng con không thể tránh được sự liên quan ấy khi
chúng con làm theo tiếng lương tâm, khi chúng con bảo vệ chân lý, công lý và
tình thương. Nhiều khi chúng con coi chuyện tránh né những vấn đề chính trị còn
quan trọng hơn cả việc tuân giữ luật tối thượng của Thiên Chúa là luật yêu
thương: chúng con sẵn sàng bỏ thi hành luật Chúa khi việc thi hành này có liên
quan đến chính trị! Xin cho chúng con ý thức được quan niệm sai lầm của mình và
quyết tâm sửa đổi. Amen.
(Nguyễn Chính Kết)
(Nguyễn Chính Kết)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét