Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2016

TN-02-C



HIỂU & SỐNG TIN MỪNG


Chúa Nhật thứ 2 Thường Niên
(Năm C − ngày 10-1-2016)


ĐỌC LỜI CHÚA

·     Is 62,1-5: (2) Muôn dân sẽ được chiêm ngưỡng đức công chính của ngươi, mọi đế vương sẽ ngắm nhìn vinh quang ngươi tỏ rạng. Người ta sẽ gọi ngươi bằng tên mới, chính là tên miệng Đức Chúa đặt cho.

·     1 Cr 12,4-11: (4) Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. (11) Chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tuỳ theo ý của Người.



·     TIN MỪNG: Ga 2,1-11

Tiệc cưới Cana

 (1) Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Cana miền Galilê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giêsu. (2) Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự. (3) Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giêsu nói với Người: «Họ hết rượu rồi». (4) Đức Giêsu đáp: «Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến». (5) Thân mẫu Người nói với gia nhân: «Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo».

 (6) Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. (7) Đức Giêsu bảo họ: «Các anh đổ đầy nước vào chum đi!» Và họ đổ đầy tới miệng. (8) Rồi Người nói với họ: «Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc». Họ liền đem cho ông. (9) Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại (10) và nói: «Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ». (11) Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người. (12) Sau đó, Người cùng với thân mẫu, anh em và các môn đệ xuống Caphácnaum và ở lại đó ít ngày.

CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:

1.    Hôn nhân hay bậc sống đời gia đình – cùng với những vui thú, trách nhiệm, vất vả của nó – có phải là một lối sống được Thiên Chúa mong muốn và chúc lành không? Hay đó là một bậc sống thấp hèn?

2.    Trường hợp đám cưới tại Cana, nhờ sự can thiệp cứu độ của Đức Giêsu, sự thiếu rượu cuối cùng lại biến thành có rượu mà rượu ấy lại còn ngon hơn rượu trước, khiến cho đám cưới trở nên tốt đẹp hơn dự tính. Điều đó hàm ý nghĩa gì khi có sự cứu chữa hay can thiệp của Thiên Chúa?

3.    Vai trò của Đức Mẹ trong bối cảnh này quan trọng thế nào? Sự thường trong hoàn cảnh này, nếu không có Đức Mẹ, thì Chúa Giêsu có ra tay cứu chữa không?

4.    Lý do gì khiến Đức Mẹ nhận ra họ thiếu rượu? Mẹ có nhậy bén trước nhu cầu của người khác không? Tại sao Mẹ lại nhậy bén như vậy?




Suy tư gợi ý:

1.   Đức Giêsu tham dự tiệc cưới và cứu chữa thế kẹt cho đám cưới

Ngay từ khởi thủy, «Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ» (St 1,27), để từng cặp nam nữ sống thân thiện yêu thương nhau, hiệp nhất với nhau nên một thành vợ chồng, đến độ «cả hai trở thành một xương thịt» (St 2,24). Nhờ sự hiệp nhất tuyệt vời đó, hai vợ chồng được hạnh phúc và yêu thương nhau mãi mãi. Thiên Chúa muốn họ sống với nhau thành một tổ ấm, một gia đình, để yêu thương nhau, nâng đỡ nương tựa nhau, xây dựng hạnh phúc cho nhau, và để sinh con cái hầu duy trì nhân loại đến muôn đời. Và họ được vinh dự cộng tác với Ngài trong công cuộc tiếp tục sáng tạo con người. Đó là điều hết sức tốt đẹp, cao cả và thánh thiện, nằm trong kế hoạch khôn ngoan của Thiên Chúa.

Vì thế, đời sống hôn nhân hay gia đình nằm trong kế hoạch đầu tiên của Thiên Chúa, tức kế hoạch sáng tạo. Do đó, ơn gọi sống đời hôn nhân và gia đình là một ơn gọi hết sức cao quí. Chính vì thế, phép lạ mở đầu cuộc đời công khai của Chúa Giêsu, là phép lạ dành cho tiệc cưới Cana. Cả Đức Giêsu, Đức Maria và các môn đệ của Ngài cùng tham dự tiệc cưới này. Điều đó nói lên rằng Thiên Chúa – qua con người Đức Giêsu – đã đánh giá bậc sống hôn nhân gia đình rất cao quí, rất thánh thiện, đáng được ủng hộ và chúc phúc. Như vậy, sự kết hợp giữa người nam và người nữ, tức bậc sống hôn nhân, đã được chính Thiên Chúa thành lập khi trao bà Eva cho ông Adam, để cả hai trở nên vợ chồng, nghĩa là «trở thành cùng một xương thịt» với nhau (St 2,24). Sự kết hợp toàn vẹn cả tinh thần lẫn thể chất này khiến họ không còn phải che dấu nhau điều gì, đã trở nên một trong những nguồn hạnh phúc tuyệt vời của cả hai vợ chồng.

Có điều đáng tiếc là kế hoạch đầu tiên này đã bị tội nguyên tổ làm hư hỏng, khiến những gì thật tốt đẹp ban đầu như tình yêu, tính dục, sự trần truồng nguyên thủy, v.v... đã bị con người hư hỏng, ích kỷ lạm dụng, biến chúng thành những nguồn tội lỗi, xấu ác: tà dâm, ngoại tình, khiêu dâm, ghen tương, phá thai, v.v... Và hậu quả tai hại của tình trạng này thật khôn lường. Vì thế, do yêu thương con người vô hạn, Thiên Chúa đã thiết lập một kế hoạch thứ hai, đó là kế hoạch cứu chuộc, do Ngôi Hai Thiên Chúa thực hiện qua Đức Giêsu với sự cộng tác của Giáo Hội do Ngài thành lập. Ơn gọi linh mục và tu sĩ nằm trong kế hoạch cứu chuộc này. Trong kế hoạch cứu chuộc này, theo suy nghĩ thần học của Giáo Hội, thì chính trong tiệc cưới Cana này, Đức Giêsu đã lập bí tích hôn nhân để sửa chữa lại tình trạng hôn nhân tốt đẹp mà Thiên Chúa đã thiết lập khi tạo dựng con người nhưng đã bị tội nguyên tổ làm hư hỏng.

2.   Kế hoạch cứu chuộc làm cho kế hoạch sáng tạo của Thiên Chúa thành công tốt đẹp hơn

Trong đám cưới, rượu được đưa ra ban đầu chắc chắn cũng là loại rượu ngon, ngon nhất trong khả năng kinh tế của gia đình đôi tân hôn. Nhưng sự trục trặc đã xảy ra khiến cho nếu không có sự can thiệp cứu chữa của Chúa Giêsu, gia đình đôi tân hôn sẽ bị mất mặt hay mang tiếng, và đám cưới sẽ mất vui đi rất nhiều. Nhưng chính nhờ có sự trục trặc đó mà Đức Giêsu mới ra tay cứu chữa. Và một khi Ngài ra tay cứu chữa thì bữa tiệc lại trở nên vui hơn, tốt đẹp hơn, hơn cả khi không có trục trặc xảy ra. Rượu sau này là loại rượu ngon hơn, chắc chắn khiến khách dự tiệc vui hơn, uống được nhiều hơn, và hài lòng hơn bình thường rất nhiều. Điều này có một ý nghĩa rất thâm sâu.

Mc tương tự, công trình sáng tạo của Thiên Chúa hết sức tốt đẹp. Nhưng rồi có sự trục trặc xảy ra do tội lỗi con người. Nhưng sự cứu chuộc của Chúa Giêsu không phải chỉ là sửa chữa cho tình trạng đó đỡ xấu đi, mà còn làm cho kết quả cuối cùng tốt đẹp hơn so với khi không xảy ra trục trặc nào. Chính vì thế, trong lễ đêm Phục sinh, Giáo Hội đã không ngần ngại tuyên bố: tội nguyên tổ là một tội hồng phúc. Vì chính nhờ có tội đó mới có kế hoạch cứu chuộc. Và theo sự khôn ngoan và toàn năng toàn ái của Thiên Chúa, chắc chắn kế hoạch cứu chuộc này không chỉ sửa chữa lại kế hoạch sáng tạo đã bị hư hỏng, mà còn làm cho kế hoạch sáng tạo ấy thành công mỹ mãn, tốt đẹp hơn lên gấp bội. Có hành xử như thế, Thiên Chúa của chúng ta mới đúng là Thiên Chúa cao cả vĩ đại, đầy quyền năng. Và chỉ Ngài mới có thể làm cho điều xấu nhất trở nên tốt nhất mà thôi. Đó chính là lý do để người Kitô hữu luôn luôn sống hân hoan và tràn đầy hy vọng vào tương lai.

Bình thường, khi con người sửa chữa một điều gì, thì tình trạng sau khi sửa chữa sẽ không còn tốt bằng tình trạng nguyên thủy. Nhưng đối với vị Thiên Chúa toàn năng và toàn ái của chúng ta, chắc chắn Ngài sẽ không để cho sự cám dỗ của Satan tại vườn Địa đàng thành công ở chỗ là cho kế hoạch tạo dựng của Ngài trở nên xấu đi mặc dù đã được sửa chữa bằng kế hoạch cứu chuộc. Để làm cho Satan hoàn toàn thất bại, Ngài phải làm sao để kết quả của kế hoạch cứu chuộc phải trở nên tốt đẹp hơn cả kế hoạch nguyên thủy tức kế hoạch sáng tạo.

3.   Sự đồng công của Đức Mẹ trong công việc của Chúa Giêsu

Sự hiện diện của Chúa Giêsu, Đức Mẹ và các môn đệ, và sự can thiệp đặc biệt của Ngài để cứu nguy cho đám cưới ấy là một dấu hiệu hết sức ý nghĩa. Cuộc hôn nhân hay đám cưới (vốn thuộc kế hoạch thứ nhất) đã lâm vào tình trạng nguy khốn (hình ảnh của sự trục trặc gây ra do tội nguyên tổ) đã được Chúa Giêsu cứu chữa một cách hết sức tốt đẹp (kế hoạch cứu chuộc của Thiên Chúa đã thành công).

Sự cứu chữa ấy có sự đóng góp hết sức quan trọng của Mẹ Maria: Chúa Giêsu đã thực hiện sự cứu chữa ấy theo yêu cầu đầy lòng thương người của Mẹ mình. Trong công việc cứu chữa đám cưới này, Đức Mẹ đã tỏ ra tư cách của mình là người Đồng Công Cứu Chuộc với Chúa Giêsu một cách hết sức rõ ràng và cụ thể. Công việc chính yếu là do Chúa Giêsu, nhưng nếu không có Mẹ Maria thì sự cứu chữa ấy có thể đã không xảy ra.

Người Kitô hữu cần ý thức hơn về vai trò rất quan trọng của Mẹ Maria trong việc nên thánh và sống đời Kitô hữu của mình. Trong việc nên thánh, tức hồi phục lại sự thánh thiện nguyên thủy của con người, những Kitô hữu nào biết cậy nhờ vào sự bảo trợ của Mẹ Maria và noi theo gương yêu thương tha nhân của Mẹ thì thường dễ thành công hơn.

4.   Mẫu gương quan tâm đến nhu cầu của tha nhân nơi Mẹ Maria

Lý do khiến Đức Mẹ trở nên Đấng Đồng Công với Chúa Giêsu, chính là tình yêu thương chan hòa của Ngài đối với mọi người, không phân biệt thân sơ, giàu nghèo. Tình yêu thương ấy đã khiến Đức Mẹ trở nên hết sức nhậy cảm trước nhu cầu, nỗi khó khăn, sự đau khổ cũng như niềm vui, niềm hạnh phúc của người khác. Vì thế, trong đám tiệc, khi chủ nhà sắp hết rượu, Đức Mẹ đã nhận ra ngay nỗi lo lắng của họ, cho dù Mẹ chỉ là một khách mời, lại là một phụ nữ thường đâu quan tâm đến việc ưống rượu của đàn ông, và theo lẽ thường chủ nhà cố gắng không biểu lộ ra.

Sự nhạy bén đó Mẹ có được là do lòng yêu thương của Mẹ đối với mọi người khiến Mẹ luôn quan tâm đến người khác, quan tâm đến từng chi tiết của đời sống. Có thể nói tình yêu luôn luôn phải được biểu lộ bằng sự quan tâm. Mặc dù quan tâm không phải lúc nào cũng là dấu chứng của yêu thương, nhưng chắc chắn rằng không quan tâm thì cũng đồng nghĩa với không yêu thương.

Chúng ta thường nghĩ rằng mình đang yêu thương, đặc biệt những người gần gũi ta nhất: cha mẹ, vợ/chồng, con cái, anh chị em ta. Nhưng có đích thật là ta yêu thương những người ấy không? ta có thật sự quan tâm đến niềm vui, nỗi buồn, niềm mong ước, hy vọng hay nhu cầu của họ không? ta có sẵn sàng thỏa mãnfa những nhu cầu ấy bất chấp phải hy sinh ít nhiều thì giờ, tiền bạc, sức lực của ta không? ta sẵn sàng tới mức độ nào? Nếu «đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết» (Gc 2,17), thì tương tự như vậy, tình yêu thương không được thể hiện thành sự quan tâm đến nhu cầu và hạnh phúc hay đau khổ của người mình yêu thương thì không phải là yêu thương thật sự. Vậy, chúng ta hãy chứng tỏ tình yêu thương của mình là tình yêu đích thực bằng sự quan tâm đến niềm vui, nỗi khổ và nhu cầu của những người mình yêu thương, đồng thời sẵn sàng hy sinh thì giờ, sức lực, tiền bạc để thỏa mãn những gì họ cần.

CẦU NGUYỆN

Lạy Mẹ Maria, xin cho con biết bắt chước Mẹ, biết biểu lộ tình thương của con đối với những người chung quanh một cách cụ thể bằng sự quan tâm thật sự đối với những niềm vui, nỗi buồn, những thuận lợi cũng như những bất lợi của họ. Xin đừng để con thường xuyên vô tình, hay cố tình làm ngơ trước những nhu cầu hay những đau khổ của người khác.  

(Nguyễn Chính Kết)




Không có nhận xét nào: