Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2016

PhucSinh4-C

Chúa Nhật Thứ 4
Mùa Phục Sinh
 (Năm C − ngày 17-4-2016)





ĐỌC LỜI CHÚA

·    Cv 13,14.43-52: (47) Chúa truyền cho chúng tôi thế này: «Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất».

·    Kh 7,9.14b-17: (13) «Những người mặc áo trắng kia là ai vậy? Họ từ đâu đến?» – (14) «Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên.


·    TIN MỪNG: Ga 10,27-30

Chúa là mục tử luôn gắn bó với chiên của mình

 (27) Khi ấy, Đức Giêsu nói: «Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. (28) Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi. (29) Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì lớn hơn tất cả, và không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha. (30) Tôi và Chúa Cha là một».


CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:

1.   Tại sao chiên của mục tử Giêsu lại nghe Ngài và theo Ngài? Điều gì hấp dẫn dân chúng đến với Ngài, và tuân theo những lời dạy dỗ của Ngài?

2.   Điều gì khiến cho mục tử Giêsu có thể «hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên»? Tại sao kẻ chăn thuê «khi thấy sói đến thì bỏ chiên mà chạy»?

3.   Tình yêu chân thật là gì? Có thứ tình yêu nào không chân thật không? Nghĩa là hành động thì có vẻ là yêu, nhưng do một động lực vị kỷ chứ không không do tình yêu thúc đẩy?

4.   Mục tử có phải là một nghề nghiệp để kiếm sống không? Người mục tử nào coi việc làm mục tử của mình như một thứ nghề nghiệp, có thể hy sinh cho đàn chiên không? Tại sao?

Suy tư gợi ý:

1.   Người mục tử phải thật sự yêu thương đàn chiên

Đọc bài Tin Mừng, ta thấy ngay sự quan hệ tốt đẹp, đầy yêu thương, và gắn bó đến mức sống chết với nhau giữa mục tử và đàn chiên. Quan hệ ấy quả là gương mẫu tuyệt vời cho mọi quan hệ ở trần gian này giữa các vị mục tử và những giáo hữu mà các ngài có trách nhiệm chăm sóc. Quan hệ giữa mục tử và giáo hữu có tốt đẹp hay không tùy thuộc vào cả hai phía, nhưng bình thường thì chủ yếu và tiên khởi vẫn thuộc về phía mục tử.

Đức Giêsu nói: «Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong, và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi» (Ga 10,27-28). Tại sao chiên lại nghe và theo người mục tử, mà không nghe và theo người lạ hay kẻ trộm? Chính vì đàn chiên đã cảm nhận được tình yêu thương đậm đà mà người mục tử dành cho chúng, người mục tử trở thành «người nhà», người thân thiết nhất của chiên. Để là mục tử đúng nghĩa, điều quan trọng là phải có tình yêu đối với những người mà Thiên Chúa trao trách nhiệm cho mình chăm sóc. Điều này đòi hỏi người mục tử phải yêu mến Thiên Chúa hay Đức Giêsu thật sự và nồng nàn.

Chắc chắn không phải là không có ý nghĩa việc Đức Giêsu, trước khi giao cho Phêrô trách nhiệm coi sóc đàn chiên của Ngài, đã phải hỏi ông tới ba lần: «Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?» (x. Ga 21,15-17). Thật vậy, có yêu Thiên Chúa là nguồn mạch tình yêu, có yêu Đức Giêsu nồng nàn thì mới có đủ tình yêu cần thiết để hy sinh cho đàn chiên như nhu cầu thực tế của đàn chiên đòi buộc. Người mục tử có thật sự yêu thương đàn chiên, thì đàn chiên mới cảm nhận được tình yêu người mục tử dành cho họ, để dựa vào đó họ tin tưởng và nghe theo người mục tử. Người mục tử sẽ chẳng làm được gì ích lợi cho đàn chiên nếu đàn chiên không tin tưởng và không vâng nghe lời người mục tử. Và chắc chắn người mục tử chỉ có thể biểu lộ tình yêu của mình đối với Đức Giêsu qua việc yêu thương mọi người, mà đối tượng ưu tiên là đàn chiên của mình, không có cách biểu lộ nào đúng hơn cách biểu lộ này (x. Mt 25,40.45). Trong Kinh Hòa Bình, thánh Phanxicô đệ Salê đã chỉ cho ta cách mến yêu và phụng sự Chúa cách thực tế, bảo đảm và chính thức nhất là «mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người».

Tóm lại, muốn đàn chiên tin tưởng và nghe theo mình, người mục tử phải thật sự yêu thương đàn chiên.

2.   Tình yêu của người mục tử phải được biểu lộ bằng hành động

Làm sao bổn đạo có thể cảm nhận được tình yêu của mục tử đối với mình, nếu người mục tử không có những hành động cụ thể biểu lộ tình yêu ấy? Đức Giêsu đã đưa ra những hành động cụ thể của Ngài, với tư cách là Mục Tử tốt lành như sau:

–      Trước hết là «tôi biết chúng» (Ga 10,27), và có thể «gọi tên từng con» (10,3). Nếu người mục tử yêu thương chiên của mình thật sự, thì sẽ phải chú ý đến nhu cầu của từng con chiên một, để chăm sóc chúng, để đáp ứng đúng nhu cầu của từng con. Tôi biết có những linh mục thường xuyên đi thăm các gia đình trong họ đạo, và biết rõ tên của từng người trong từng gia đình, cùng với hoàn cảnh và nhu cầu của từng người, từng gia đình một. Người bổn đạo sẽ cảm nhận được tình thương của người mục tử ngay khi thấy ông gọi trúng tên mình, biết rõ hoàn cảnh của mình, và đáp ứng kịp thời đúng nhu cầu của mình.

–      «Tôi đến để chiên được sống và sống dồi dào» (10,10), «Tôi ban cho chúng sự sống đời đời; không bao giờ chúng phải diệt vong và không ai cướp được chúng khỏi tay tôi» (10,28). Người mục tử tốt lành luôn quan tâm đến sự sống, hạnh phúc và sự an nguy của đàn chiên, nhất là đời sống tâm linh. Nhưng ông không chỉ quan tâm đến đời sống tâm linh, mà còn quan tâm đến cả đời sống thực tế của đàn chiên. Đức Giêsu luôn luôn quan tâm đến nhu cầu vật chất của dân chúng: chẳng hạn trong phép lạ hóa bánh ra nhiều, Ngài biểu lộ sự lo lắng: «Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?» (Ga 6,5), hay sau khi làm cho đứa con gái ông Giaia (trưởng hội đường) chết sống lại, thì Ngài «bảo họ cho con bé ăn» (Mc 5,43).

–      «Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên» (Ga 10,11). Không người mục tử nào ngu dại đến nỗi coi sự sống của đàn chiên quí hơn mạng sống mình, trừ trường hợp đàn chiên ở đây không phải là thú vật, mà là những con người, là hình ảnh Thiên Chúa hay con cái Thiên Chúa, hay nói cách khác là hiện thân của Thiên Chúa trước mắt mình. Chính Thiên Chúa cũng đã yêu thương con người đến nỗi đã sẵn sàng hy sinh Con Độc Nhất của mình cho con người (x. Ga 3,16). Người bổn đạo đối với người mục tử không phải chỉ là những con chiên mà là những linh hồn hết sức quí giá, đáng cho người mục tử hy sinh mạng sống mình vì họ. Thái độ này khác hẳn với thái độ của người làm thuê, hay mục tử giả hiệu, là «khi thấy sói đến thì bỏ chiên mà chạy (…) không thiết gì đến chiên» (Ga 10,12-13).

3.   Thái độ và tấm lòng của Đức Giêsu đối với dân chúng

Tại sao chiên của Đức Giêsu lại nghe và theo Ngài? – Thông thường, dân chúng chỉ nghe theo, ủng hộ và thậm chí dấn thân cho những ai thật lòng yêu thương họ, sẵn sàng hy sinh cho họ. Đó cũng chính là thái độ và tấm lòng của Đức Giêsu đối với dân chúng. Rất nhiều lần, lời nói và việc làm của Ngài chứng tỏ lòng yêu thương chân thành và bao la của Ngài đối với mọi người, nhất với những người nghèo, bệnh tật, tội lỗi, và đang đau khổ.

– Thánh Kinh dùng từ «chạnh lòng thương» để nói lên lòng thương xót của Ngài khi thấy dân chúng bị đau khổ, lầm than: «Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt» (Mt 9,36); «Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ» (14,14); «Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường» (15,32).

– Không chỉ «chạnh lòng thương» như một cảm xúc xuông, mà cảm xúc ấy luôn luôn đi đến hành động cứu giúp thật sự. Thấy người khốn khổ, đói khát, bệnh tật… Ngài luôn ra tay cứu giúp vô điều kiện: nào là chữa bệnh, làm người chết sống lại, trừ quỷ ám, nào là hóa bánh ra nhiều để giải đói cho hàng ngàn người, nào là cứu người bị kết án vì ngoại tình, giao tiếp với người tội lỗi để hoán cải họ, làm cho họ cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa, v. v… Sách Tông Đồ Công Vụ viết: «Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó» (Cv 10,38).

Điều quan trọng của người mục tử là phải có cái tâm yêu thương thật sự và bao la. Khi đã thật sự yêu thương thì tình yêu sẽ thúc đẩy người mục tử làm những gì cần thiết cho tha nhân. Và chỉ những hành động được thúc đẩy bởi tình yêu mới có giá trị trước mặt Thiên Chúa. Tất cả những hành động có vẻ yêu thương – như bố thí, chữa bệnh, giúp đỡ… – nếu không xuất phát từ tình yêu thì đều không có giá trị trước Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói rất rõ điều ấy: «Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi» (1Cr 13,3).

4.   Tình yêu chân thật là gì?

− Tình yêu chân thật không phải là tình yêu ngoài môi miệng. Nếu người mục tử chỉ rao giảng về tình yêu, cho dù rất hay, kêu gọi mọi người yêu thương và hy sinh cho nhau, nhưng chính mình lại không thật sự yêu thương quần chúng, không dám hy sinh, chịu đau khổ, mất mát, thiệt thòi, thậm chí liều mạng vì họ, thì không phải là mục tử nhân lành.

− Tình yêu chân thật không phải là thứ tình yêu biểu dương. Những người ham danh, muốn được mọi người ca tụng là đạo đức, là thương người, cũng có những hành động có vẻ đầy yêu thương, như bố thí, giúp đỡ, hy sinh… Nhưng nếu họ chỉ làm những hành động tốt đẹp ấy vì động lực vị kỷ thì đó không phải là yêu thương.

− Tình yêu chân thật không phải là thứ tình yêu chức năng. Nhiều người phải tỏ ra yêu thương, ân cần, săn sóc người khác, là vì nghề nghiệp hay chức vụ họ đòi buộc. Họ có thể là cán sự xã hội, bác sĩ, y tá, thầy dạy học, đại lý bảo hiểm, linh mục, mục sư, thượng tọa… Đó là những nghề cao quí đòi hỏi những lý tưởng cao thượng. Thái độ và hành vi yêu thương của họ có thể xuất phát từ tình yêu chân thực, mà cũng có thể do nghề nghiệp hay chức vụ đòi buộc. Nếu những hành động tốt đẹp ấy chỉ được thúc đẩy thực hiện do nghề nghiệp hay chức vụ đòi buộc, thì đây là thứ tình yêu mang tính nghề nghiệp (professional love) hay chức năng (functional love). Tình yêu loại này cũng là tốt, nhưng chưa phải là thứ tình yêu chân thật của người mục tử nhân lành.

Một thí dụ điển hình về tình yêu chức năng: Một phụ nữ «vượt biên» nọ kể cho tôi câu chuyện của cô như sau: Khi cô từ trại tỵ nạn đến nước mà cô định cư, có một bà cán sự xã hội được công ty của bà phái đến đến thăm cô, tìm hiểu nhu cầu của cô để họ giúp đỡ. Bà ấy nói năng với cô rất vui vẻ, niềm nở, tỏ ra sẵn sàng giúp đỡ cô trong bất kỳ trường hợp nào cô cần đến. Bà yêu cầu cô khi nào cần thì cứ gọi điện đến sở cho bà, trong giờ làm việc (giờ hành chánh; bà ấy lưu ý chỉ nên gọi cho bà trong giờ hành chánh thôi). Cô ấy liền nghĩ mình may mắn quá, sao lại có người tốt với mình như vậy?! Nhưng tuần lễ sau, khi đi lễ Chúa Nhật, lễ xong, cô thấy bà ở cuối nhà thờ đang chuẩn bị ra về. Cô bèn chạy đến với bà lòng mừng khấp khởi như gặp người ân nhân. Nhưng tại đây, thái độ của bà hoàn toàn khác hẳn: mặt bà lạnh như tiền, có vẻ như chưa hề gặp cô bao giờ và không muốn nói chuyện với cô. Cô chưng hửng và lòng đầy thắc mắc, hụt hẫng. Về sau cô khám phá ra rằng bà chỉ tỏ ra niềm nở và đầy lòng tốt với cô trong giờ hành chánh, khi bà làm công tác cán sự xã hội của bà mà thôi. Công việc của bà đòi hỏi bà phải làm như vậy: nếu không, bà sẽ không đạt hiệu quả trong công việc, và bà sẽ bị công ty của bà sa thải.

5.   Mục tử không phải là một nghề nghiệp, mà là thiên chức của tình yêu

Như đã nói trên, tình yêu là điều kiện tiên quyết phải có để làm mục tử, có tình yêu đã rồi mới làm mục tử chân chính được. Tình yêu ấy là tình yêu «tiên thiên», chứ không phải là làm mục tử trước rồi mới tìm cách biểu lộ tình yêu sao cho phù hợp với thiên chức của mình. Tình yêu «hậu thiên» này không phải là tình yêu đích thực, mà chỉ là thứ «tình yêu chức năng» hay «tình yêu nghề nghiệp» mà thôi. Với thứ tình yêu này, người ta chỉ có thể yêu khi người ta còn giữ nghề nghiệp ấy, chức vụ ấy. Khi không còn thực thi nghề nghiệp hay chức vụ ấy, thì tình yêu cũng tan biến theo.

Một trong những dấu hiệu rất dễ thấy của thứ tình yêu này là người ta chỉ phục vụ tha nhân một cách giới hạn trong lãnh vực mà chức vụ của họ chính thức đòi hỏi mà thôi. Họ thường không muốn phục vụ ngoài giới hạn đó. Chẳng hạn: chỉ phục vụ trong giờ hành chánh, trong những ngày làm việc, không phục vụ ngoài những ngày hay giờ làm việc. Nếu chức vụ họ chủ yếu là phục vụ về tinh thần, thì họ sẽ không màng tới việc phục vụ về mặt thể chất, cho dẫu đối tượng của họ cần được phục vụ mặt đó. Những mục tử có tình yêu loại này không thể hy sinh «vượt mức» cho đàn chiên, nhất là trong lãnh vực an ninh, sức khỏe, đòi hỏi họ phải liều (chữ «vượt mức» ở đây chỉ có nghĩa là quá mức hay quá nhiều đối với họ). Họ sẽ tìm đủ mọi cách khôn ngoan để tránh né những lãnh vực ấy.

Hiện nay, điều rất đáng tiếc trong Giáo Hội, là có những mục tử coi việc làm mục tử như một thứ nghề nghiệp: một thứ nghề danh giá, có thu nhập cao, có địa vị, có quyền hành, mà không đòi hỏi nhiều tài năng, nhiều công sức… Vì thế, «nghề nghiệp» này nhiều khi thu hút những người không có tình yêu và khả năng. Do đó, khi chính thức trở thành «mục tử», họ không thể là một «mục tử nhân lành», không thể hy sinh vì đàn chiên như Đức Giêsu mong muốn và đòi hỏi được. Những mục tử loại này khiến người ta nghĩ tới hình ảnh «kẻ chăn thuê» mà «đàn chiên không thuộc về anh», nên «khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy» (Ga 10,12).

6.   Mục tử cần hiểu theo nghĩa rộng

Từ «mục tử» không nên chỉ hiểu theo nghĩa hẹp là các linh mục, giám mục, các giáo sĩ hay những vị lãnh đạo Giáo Hội, mà cần hiểu theo nghĩa rộng hơn. Qua miệng ngôn sứ Giêrêmia và Êzêkiel, Thiên Chúa đã quở trách một số vua chúa của Israel là những mục tử rất xấu (x. Gr 23,1-2; Ed 34,2-6; 8b-10). Do đó, mục tử còn được hiểu là những người có trách nhiệm lãnh đạo quốc gia, xã hội, điều hành tập thể các cấp trong xã hội.

Gần gũi hơn, người  cha hay người mẹ trong gia đình cũng là mục tử đối với cả gia đình, nhất là đối với con cái mình. Người giáo dân làm huynh trưởng của một hội đoàn, dù chỉ là trưởng một tiểu đội, cũng là mục tử đối với các thành viên trong hội đoàn của mình.

Dù theo nghĩa hẹp hay nghĩa rộng, người mục tử cũng cần noi gương mục tử nhân lành Giêsu trong việc yêu thương đàn chiên bằng một tình yêu đích thực, để «đàn chiên được sống và sống dồi dào» (Ga 10,10).

Cầu mong cho thế giới, Giáo Hội, các quốc gia, các gia đình, và mọi tập thể có những mục tử chân chính nhiều hơn những người hành nghề mục tử. Vì bổn phận của các mục tử rất nặng nề, đòi hỏi rất nhiều tình yêu, năng lực, tinh thần hy sinh… mới có thể chu toàn được, nên chỉ những mục tử chân chính mới làm Giáo Hội và xã hội thăng tiến, và hoàn thành được sứ mạng mà Thiên Chúa và Đức Giêsu trao phó.


CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, là người đứng đầu một gia đình, một tập thể, một hội đoàn, một giáo xứ, xin cho con ý thức trách nhiệm của một mục tử đối với những người mà con phải hướng dẫn, chăm sóc. Xin hãy giúp cho những người có trách nhiệm mục tử trở nên những mục tử đích thật, những mục tử có tình yêu thật sự, những mục tử dám hy sinh và sống chết với những người mình có trách nhiệm chăm sóc. Xin hãy ban sức mạnh và củng cố tình yêu nơi tất cả các mục tử của Cha, để mọi gia đình, mọi tập thể, cũng như thế giới và Giáo Hội, nhờ ơn Cha, được biến cải và trở nên tốt đẹp hơn. Amen.                                                                   

(Nguyễn Chính Kết)



Không có nhận xét nào: