Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2016

PhucSinh2-C

Chúa Nhật Thứ 2
Mùa Phục Sinh
 (Năm C − ngày 3-4-2016)


Mời nghe hoặc xem youtube video:
 

ĐỌC LỜI CHÚA



·    Cv 5,12-16: «Nhiều điềm thiêng dấu lạ được thực hiện trong dân nhờ bàn tay các tông đồ. Mọi tín hữu đều đồng tâm nhất trí, thường hội họp tại hành lang Salômon. Càng ngày càng có thêm nhiều người tin theo Chúa: cả đàn ông đàn bà rất đông».

·    Kh 1,9-11a.12-13.17-19: «Ta là Đầu và là Cuối. Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết và nay tôi đều đến muôn thuở muôn đời, và Ta giữ chìa khóa của tử thần và âm phủ».

·    TIN MỪNG: Ga 20,19-31

Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ

        (19) Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái. Ðức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: «Chúc anh em được bình an!» (20) Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. (21) Người lại nói với các ông: «Chúc anh em được bình an! như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em». (22) Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: «Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. (23) Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ».

(24) Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tôma, cũng gọi là Ðiđymô, không ở với các ông khi Ðức Giêsu đến. (25) các môn đệ khác nói với ông: «Chúng tôi đã được thấy Chúa!» Ông Tôma đáp: «Nêu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin». (26) Tám ngày sau, các môn đệ Ðức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Ðức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: «Chúc anh em được bình an» (27) Rồi Người bảo Tôma: «Ðặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Ðưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Ðừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin». (28) Ông Tôma thưa Người: «Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!» (29) Ðức Giêsu bảo: «Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!»

(30) Ðức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. (31) Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Ðức Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.



CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:

1.   Tâm trạng của các tông đồ trước khi Chúa hiện ra thế nào? Chúng ta có gặp tâm trạng như thế không? chúng ta phản ứng thế nào?

2.   Thân xác Chúa Kitô sau khi sống lại có gì khác lạ? Điều đó có ý nghĩa gì đối với chúng ta?

3.   Chúng ta có thể rút ra bài học gì từ bài Tin Mừng trên?


Suy tư gợi ý:


1. Tâm trạng của các tông đồ sau khi Đức Giêsu chết

Sau khi Đức Giêsu bị bắt và bị đóng đinh thập giá, tinh thần của các tông đồ bị dao động mãnh liệt, niềm tin và lòng can đảm của các ông như bị mất hẳn. Từ lúc khởi sự theo Ngài tới bữa Tiệc Ly, suốt ba năm ấy, các ông đã nhìn thấy những dấu chứng rất chắc chắn chứng tỏ Ngài là Đấng Mêsia mà dân Do Thái hằng trông đợi từ mấy trăm năm nay, các ông vẫn luôn luôn tin tưởng rằng một ngày nào đó, Ngài sẽ xuất đầu lộ diện thành một vị tướng tài ba với binh hùng tướng mạnh để giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị tàn bạo của đế quốc Rôma. Và các ông cũng nuôi hy vọng rằng sau khi Ngài lên ngôi vua, các ông sẽ trở thành những vị quan lớn trong triều đình của Ngài. Được làm quan cai trị 12 chi tộc Israel - tuy là một mơ ước không tưởng nhưng luôn nằm sẵn trong vô thức của những người dân thấp cổ bé miệng như các ông - nay nhờ theo Đức Kitô đã trở thành một hy vọng dường như nằm trong tầm tay. Thật vậy, ngay trong bữa tiệc ly, các ông vẫn còn tranh luận xem ai là người cao trọng nhất: «Các ông còn cãi nhau sôi nổi xem ai trong nhóm được coi là người lớn nhất» (Lc 22,24).

Vì thế, khi Đức Giêsu bị bắt, các ông bắt đầu hơi nản chí, nhưng vẫn còn hy vọng rằng Ngài chỉ giả bị bắt, và với quyền phép của Ngài, Ngài sẽ thoát khỏi cái chết dễ dàng và sẽ phục hưng lại. Nhưng khi thấy Ngài thật sự bị chết một cách quá nhục nhã trên thập giá, và đã bị chôn trong mồ - rõ ràng Ngài đã chết - thì giấc mơ làm quan kia hoàn toàn sụp đổ, thay vào đó là nỗi sợ hãi bị người Do Thái ruồng bắt (x. Ga 20,19). Từ trưa thứ sáu khi Đức Giêsu chết trên thập giá đến sáng ngày thứ nhất trong tuần lễ kế tiếp, các ông luôn sống trong hoang mang, sợ hãi và thất vọng.

Sáng ngày thứ nhất tuần sau đó, các ông nghe phong thanh rằng Đức Giêsu đã sống lại, nguồn tin ấy đến từ mấy phụ nữ thì khó mà tin chắc chắn được (x. Mc 16,11). Giữa các ông cũng có những chứng từ nhưng không đủ tin (Mc 16,13): đó là Phêrô và Gioan đã đến mộ và thấy ngôi mộ trống (x. Ga 20,3-10), rồi hai môn đệ từ Emmau về nói rằng họ vừa nhận ra Ngài thì Ngài biến mất (x. Lc 24,13-32). Chiều hôm đó, khi màn đêm bắt đầu buông xuống, các ông tụ họp lại để hỏi thăm nhau, bàn tán về những biến cố xảy ra trong ngày, và cũng để nương nhau cho đỡ sợ. Lúc đó cửa đóng kín vì các ông sợ người Do Thái. Các ông đang bàn luận thì Đức Giêsu hiện ra.

Mặc dù nghe phong thanh rằng Ngài đã sống lại, nhưng khi Ngài hiện ra, các ông không khỏi kinh ngạc, vì đây vốn là một chuyện không thể tin được. Theo Tin Mừng Luca thì khi Ngài hiện ra, «các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma», và cho dù «Ngài đưa tay chân ra cho các ông xem… các ông vẫn chưa tin», đến nỗi Ngài phải ăn một khúc cá nướng trước mặt các ông để các ông tin (x. Lc 24,36-43). Chúng ta cần phải thông cảm với các ông, nhất là ông Tôma, vì đối với bất kỳ ai, sống lại từ cõi chết là điều quá sức lạ lùng, cần phải đích thân sờ mó vào những dấu đinh, vào cạnh sườn thì mới có thể tin được. Vả lại, có thật sự chứng nghiệm Ngài sống lại bằng sự sờ mó cụ thể như thế, các ông mới dám mạnh dạn làm chứng - bằng chính mạng sống mình - rằng Ngài đã thật sự sống lại.



2. Những bài học

Từ bài Tin Mừng trên, chúng ta chúng ta rút ra những bài học sau đây:

a)   Bài học thứ nhất: Đức tin bị thử thách

Trong cuộc đời, niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa, vào Đức Giêsu nhiều khi cũng bị thử thách một cách nặng nề như các tông đồ xưa. Chúng ta cũng bị nao núng tinh thần, bị chán nản thất vọng, thấy niềm tin của mình tưởng rằng vững chắc bỗng hóa thành như chuyện không tưởng. Nhưng quả thật đối với Thiên Chúa, có nhiều chuyện con người không thể tin được mà lại xẩy ra. Điều quan trọng là trong khi bị thử thách, chúng ta cứ kiên tâm chờ đợi, đừng vội làm điều gì ngược với lương tâm, với ý Chúa. Tất cả các vị thánh đều phải trải qua những «đêm tối của đức tin», là những lúc bị thử thách đến mức, nếu không bền đỗ, có thể mất đức tin. Chúa muốn như vậy, đức tin có bị thử thách thì mới trưởng thành và trở nên vững chắc được. Sau cơn thử thách ấy, đức tin hoặc bị mất đi, hoặc đã được trui luyện thành bền vững hơn. Vấn đề nằm ở sự kiên nhẫn: «Ai bền đỗ đến cùng, người ấy sẽ được cứu thoát» (Mt 24,13).

b)   Bài học thứ hai: Con người cũ chết đi để phục sinh thành con người mới

Thân xác của Đức Kitô sau khi sống lại từ cõi chết là một thân xác vinh quang, khác với thân xác của Ngài trước khi chết. Thân xác vinh quang của Ngài không còn bị lệ thuộc vào những định luật vật lý thông thường: chẳng hạn cửa đóng kín mà vẫn vào được (x. Ga 20,19), nhưng không phải là bóng ma không có thể chất, vì Ngài vẫn có thể ăn uống như người thường (x. Lc 24,43), vẫn có thể rờ thấy một cách cụ thể (x. Ga 20,20), và nhất là thân xác đó sẽ chẳng bao giờ phải đau đớn, phải chết nữa. Đó chính là tính chất của thân xác chúng ta trong tương lai, sau khi chúng ta được sống lại từ cõi chết.

Sự biến đổi nơi thân xác Đức Giêsu cũng như nơi thân xác chúng ta trong tương lai, là biểu tượng điển hình cho việc biến đổi từ «con người cũ» sang «con người mới» ngay trong cuộc sống này. Nơi chúng ta, «con người cũ» là con người ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến mình, quyền lợi, đến hạnh phúc hay đau khổ của mình. «Con người cũ» quan niệm, suy tư và hành động theo kiểu trần gian, theo sự khôn ngoan trần gian, lấy những thực tại trần gian (danh, lợi, thú, địa vị, quyền lực, của cải…) làm mục đích. Với chiều hướng đó, «con người cũ» là con người yếu đuối, chỉ có được thứ hạnh phúc chóng qua, và thường phải sống trong đau khổ vì tham vọng không đáy không bao giờ được thỏa mãn. Được thì sợ mất, được cái này thì lập tức mong muốn cái khác, không bao giờ bằng lòng với cái mình đang có. Còn «con người mới» là con người vị tha, quên mình (x. Ep 4,24; Cl 3,10), là «con người cũ» đã phục sinh sau khi cùng chịu đóng đinh và cùng chết với Đức Giêsu trên thập giá (x. Rm 6,6). Từ đó, «con người mới» bắt đầu quan niệm, suy tư và hành động theo Thần Khí, theo sự khôn ngoan của Thiên Chúa, theo sự hướng dẫn của đức tin, lấy tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân làm động lực, lấy lợi ích của Thiên Chúa và tha nhân làm mục đích. Nhờ đó, «con người mới» là con người mạnh mẽ, luôn hưởng được một niềm hạnh phúc thường hằng xuất phát từ đáy tâm hồn.

«Con người cũ» đã chết cho thế gian, xác thịt, tội lỗi, để trở thành «con người mới» chỉ sống cho Thiên Chúa hay Đức Kitô và tha nhân, tâm hồn không còn bị lệ thuộc vào ngoại cảnh, không còn bị điên đảo vì những biến đổi của đời thường nữa… Tuy nhiên, những «con người mới» không phải là những con người siêu thế, sống ngoài vòng tục lụy, mà vẫn luôn luôn sống giữa thế gian (x. Ga 17,6), làm tất cả mọi việc mà mọi người vẫn làm. Họ vẫn phải đương đầu với tất cả những khó khăn mà mọi người từng phải đối đầu. Nhưng họ vẫn không bị những khó khăn hay nghịch cảnh vùi dập, làm họ mất bình an, vì lòng trí họ không thuộc về thế gian (x. Ga 15,18). Họ vẫn luôn luôn tìm được bình an và niềm vui trong mọi hoàn cảnh dù khó khăn đến đâu. Có thể nói: thân xác họ tuy ở giữa trần gian, nhưng tâm trí họ không thuộc về trần gian. Nghĩa là những thực tại của trần gian như quyền bính, tiền bạc, nhà cao cửa rộng, tình cảm gia đình, thú vui trần tục, tuy họ vẫn có thể sử dụng hay hưởng thụ, nhưng tâm trí họ không hề dính bén với những thực tại ấy. Họ sẵn sàng từ bỏ những thực tại ấy khi tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân, hay lương tâm họ đòi hỏi. Tình yêu giúp cho họ thâm nhập vào tất cả những tình huống đời sống thực tế của tha nhân để họ có thể hiểu và giúp đỡ mọi người tùy theo nhu cầu. Vững tin vào Chúa, gắn bó và luôn luôn sống với Chúa là nguồn sức mạnh và năng lực, đó là bí quyết tạo sức mạnh của họ.

c)   Bài học thứ ba: Đức Giêsu cần chúng ta tiếp nối sứ mạng của Ngài

Đức Giêsu đã sinh xuống trần, sống như người trần, rao giảng cho người trần, chết và sống lại vì người trần, việc cứu chuộc nhân loại không phải đến đây là hoàn tất. Sứ mạng của Ngài đã hoàn thành được phần chủ yếu, nhưng chưa hoàn tất. Sứ mạng của Ngài còn dang dở cần được các tông đồ và Giáo Hội Ngài tiếp tục. Vì thế, Ngài nói với các tông đồ: «Như Chúa Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em» (Ga 20,21). Ngài không chỉ truyền cho chúng ta sứ mạng rao giảng Tin Mừng để cứu rỗi thế giới như Ngài đã làm, mà còn ban Thánh Thần và quyền bính thiêng liêng như Ngài đã từng nhận từ Chúa Cha cho những ai lãnh nhận sứ mạng của Ngài (x. Ga 20, 22-23).

Công cuộc tiếp tục sứ mạng của Ngài đã được Ngài trao cho các tông đồ, cũng chính là cho chúng ta, tất cả mọi Kitô hữu, đặc biệt cho những ai nhận ra hay tự ý thức về lời mời gọi của Ngài. Mọi Kitô hữu nên ý thức lại về lời mời gọi này trong cuộc sống của mình.



CẦU NGUYỆN

Chúa đã phục sinh. Xin cho con cũng được phục sinh như Chúa. Xin giúp con chết đi «con người cũ» để được phục sinh thành «con người mới», một con người luôn bình an và hạnh phúc vì biết quên «cái tôi» ích kỷ của mình để sống cho Chúa, cho tha nhân, đặc biệt cho những người cần con yêu thương và giúp đỡ nhất. Xin cho con nhìn thấy Chúa trong tha nhân, để con đừng bao giờ nhìn bất kỳ ai mà không nhận ra họ là hình ảnh của Chúa, là con cái của Chúa như chính bản thân con đây. Xin cho con biết yêu mến, phục vụ Chúa trong tha nhân và qua tha nhân, nhất là qua những người bé mọn, thấp cổ bé miệng đang bị khinh miệt, ức hiếp, đau khổ. Xin cho con nhận ra họ chính là hiện thân của Chúa như Chúa đã từng nói: «Mỗi lần các ngươi làm (/không làm) như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nht của Ta đây, là các ngươi đã làm (/không làm) cho chính Ta vậy» (Mt 25,40/45). Amen.
                              

(Nguyễn Chính Kết)

Không có nhận xét nào: