Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2016

LeLa-C

Chúa Nhật Lễ Lá
 (Năm C − ngày 20-3-2016)


ĐỌC LỜI CHÚA

·    Is 50, 4-7:  (6) «Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ».

·    Pl 2, 6-11:  (8) «Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên cây thập tự».

·    TIN MỪNG:  Có hai bài

1. Lc 19, 28-40 (trong nghi thức rước lá trước thánh lễ)

Đức Giêsu vào Giêrusalem với tư cách là Mêsia

Khi ấy, (28) Đức Giêsu đi đầu, tiến lên Giêrusalem. (29) Khi đến gần làng Bếtphaghê và làng Bêtania, bên triền núi gọi là núi Ôliu, Người sai hai môn đệ và bảo: (30) «Các anh đi vào làng trước mặt kia. Khi vào sẽ thấy một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ, đang cột sẵn đó. Các anh cởi dây ra và dắt nó đi. (31) Nếu có ai hỏi: “Tại sao các anh cởi lừa người ta ra”, thì cứ nói: “Chúa có việc cần dùng!” (32) Hai người được sai liền ra đi và thấy y như Người đã nói. (33) Các ông đang cởi dây lừa, thì những người chủ nói với các ông: «Tại sao các anh lại cởi lừa người ta ra?» (34) Hai ông đáp: «Chúa có việc cần dùng».

(35) Các ông dắt lừa về cho Đức Giêsu, rồi lấy áo choàng của mình phủ trên lưng lừa, và giúp Người cỡi lên. (36) Người đi tới đâu, dân chúng cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường. (37) Khi Người đến gần chỗ dốc xuống núi Ôliu, tất cả đoàn môn đệ vui mừng bắt đầu lớn tiếng ca tụng Thiên Chúa, vì các phép lạ họ đã được thấy. (38) Họ hô lên: Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời!

(39) Trong đám đông, có vài người thuộc nhóm Pharisêu nói với Đức Giêsu: «Thưa Thầy, Thầy trách môn đệ Thầy đi chứ!» (40) Người đáp: «Tôi bảo các ông: họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên!»

2. Lc 22,14–23,56 (trong thánh lễ)

Bài thương khó Đức Giêsu Kitô theo thánh Luca

 (Vì quá dài, miễn chép ở đây, xin đọc trong sách Tin Mừng)

CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:

1.   Tại sao người Do Thái thay đổi nhanh như thế: vừa mới tung hô Đức Giêsu như một vị vua, thế mà chỉ mấy ngày sau đã xin thế quyền đóng đinh Ngài? Tại sao Phêrô quả quyết như đinh đóng cột là dù chết vẫn trung thành với Thầy, thế mà chỉ mấy tiếng đồng hồ sau đã chối Thầy? Bạn có thể thay đổi nhanh như thế chăng?

2.   Lý do gì đã khiến người ta thay đổi nhanh chóng? Lý do ấy có ở trong bản thân tôi không? Khi nhận ra lý do ấy cũng có trong tôi, tôi có thông cảm với những thay đổi của người khác không?

Suy tư gợi ý:

1. Con người dễ thay đổi

Trong bài Tin Mừng của nghi thức rước lá, ta thấy thái độ của người Do Thái là nhiệt tình tung hô Đức Kitô, như muốn tôn Ngài làm vua. Nhưng trong bài Tin Mừng thương khó, ta lại thấy thái độ của họ là đòi giết Ngài mà tha Baraba. Hai sự kiện, hai thái độ đó xảy ra cách nhau không bao lâu. Điều nhiều khi làm tôi rất ngạc nhiên là tại sao dân chúng lại thay đổi thái độ nhanh như vậy đối với Đức Kitô? Tương tự, đầu bài thương khó, ta thấy Phêrô quả quyết: «Thưa Thầy, dù có phải vào tù hay phải chết với Thầy đi nữa, con cũng sẵn sàng». Nhưng chỉ mấy tiếng đồng hồ sau, ông đã chối Thầy mình tới ba lần, chỉ vì sợ người ta biết mình là môn đệ của Thầy, cho dù lúc đầu chỉ là một đứa đầy tớ gái của vị thượng tế hỏi ông.

Đôi khi tôi tự hỏi: liệu mình có thể thay đổi thái độ nhanh chóng như thế không? Tôi thường tự nhủ rằng mình sẽ không thay đổi, sẽ trước sau như một, sẽ trung thành với Chúa, với lập trường của mình, sẽ chung thủy với người bạn trăm năm của mình mãi mãi, v.v… Và tôi nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ thay đổi. Nhưng kìa chung quanh tôi có biết bao người đã thay đổi!

2. Kinh nghiệm của tôi

Có những người tôi tưởng rằng sẽ không bao giờ thay đổi, vì tôi đã từng nghe họ tâm sự một cách chân thành về sự quyết tâm không thay đổi của họ. Thế mà họ đã thay đổi! Có những người tỏ ra bất mãn cực độ về thái độ đáng ghét của một người khác, khiến tôi tưởng rằng họ sẽ không bao giờ có thái độ như thế với ai. Nhưng tôi thấy khi họ ở vào địa vị hay trường hợp giống như người kia, thì họ cũng lại hành xử y như thế.

Đọc lịch sử, tôi thấy có những ông vua: khi còn phải nằm gai nếm mật để chiến đấu với kẻ thù, thì tỏ ra hết mực yêu thương dân chúng, quý trọng những thuộc hạ cùng sống chết với mình, và lúc nào cũng sẵn sàng hy sinh cả mạng sống cho họ. Nhưng khi đã lên ngôi vua, thì chẳng bao lâu tính tình ông vua thay đổi, trở nên hống hách, tàn ác, sẵn sàng giết hại thuộc cấp, bóc lột dân chúng. Tôi đã từng gặp những người khi còn là chủng sinh hay tu sĩ thì thật là khiêm nhường, dễ thương, tinh thần phục vụ rất cao, nhưng chỉ một vài năm sau khi làm nên danh này phận nọ, thì tính tình và cách xử sự của họ tự nhiên thay đổi hẳn. Có những cặp vợ chồng trước đám cưới thì thề non hẹn biển, dù thế nào đi nữa cũng quyết chung thủy với nhau trọn đời, thế mà chỉ sống với nhau được vài năm thì đã có người thay dạ đổi lòng. Biết bao nhiêu kinh nghiệm khác tương tự như thế!

Những kinh nghiệm ấy làm tôi không còn dám quả quyết rằng mình sẽ không bao giờ thay đổi. Và cũng không dám kết án những ai thay đổi, làm như thể mình là người không thể thay đổi. Tôi cảm thấy cần phải bao dung, thông cảm cho sự thay đổi của người khác, vì bản tính yếu đuối của con người. Chúng ta hãy xem thái độ của Đức Kitô như thế nào đối với Phêrô, kẻ đã phản bội vì chối Ngài tới 3 lần. Thấy ông hối lỗi, Đức Kitô không những đã không phiền trách ông, mà còn tín nhiệm ông hơn nữa, Ngài đã đặt ông làm thủ lãnh của cả nhóm 12 tông đồ.

3. Con người bị giới hạn về đủ mọi mặt và lệ thuộc vào nhiều điều kiện bên ngoài

Dù không sa ngã, nhưng Đức Giêsu đã cảm nghiệm được sự yếu đuối trong thân phận con người của Ngài. Nhờ sự minh mẫn của thần tính, nên với kinh nghiệm về sự yếu đuối ấy, Ngài hiểu rõ hơn ai hết sự yếu đuối và giới hạn của con người. Vì thế, Ngài luôn luôn thông cảm với những lầm lỗi, tính hay thay đổi, sự bất trung của con người. Thái độ của Ngài đối với Phêrô, đối với những người đàn bà ngoại tình, tội lỗi, được diễn tả bằng thái độ của người cha trong dụ ngôn đứa con hoang đàng, nói lên sự bao dung đầy tính thông cảm của Ngài. Ngay cả khi hấp hối trên thập giá, Ngài vẫn còn nghĩ đến những thầy tư tế, những kinh sư và Pharisêu, là những kẻ đã đưa Ngài đến cái chết vô cùng nhục nhã và thê thảm này, Ngài xin Chúa Cha: «Xin Cha tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm» (Lc 23,34). Ngài đã thực hiện đúng điều Ngài đã dạy «Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em» (Mt 5,44-45). Lời xin đó cho thấy trong lòng Ngài, Ngài đã tha thứ cho họ rồi, bất chấp họ có hối hận hay không, bất chấp họ không hề xin lỗi Ngài.

Chính vì thế, tôi rất thích thái độ và tinh thần bao dung của Đức Giáo Hoàng Phanxicô hiện nay đối với những người bị người đời khinh rẻ và liệt vào hàng tội lỗi, bất chấp biết bao người bảo thủ phê bình và chống đối ngài. So sánh thái độ của ngài với thái độ của Đức Giêsu, tôi thấy rõ ràng là tương đồng chứ không khác biệt. Tôi thầm nghĩ: nếu Đức Giêsu ở trong vị thế của vị giáo hoàng này, Ngài sẽ còn tỏ ra khoan dung và nhân bản hơn vị giáo hoàng này nhiều. Thiết tưởng người Kitô hữu cũng nên tập cho mình thái độ bao dung và thông cảm ấy, nhất là khi chính ta cũng là con người yếu đuối, chẳng dám tự hào mạnh mẽ hơn ai.

Khi tự xét bản thân, tôi thấy có những lúc tinh thần tôi lên rất cao, nhưng cũng có lúc tinh thần xuống rất thấp. Điều này tùy thuộc khá nhiều vào ngoại cảnh. Tinh thần tôi thường lên cao vào những dịp tĩnh tâm, khi được một ai đó khích lệ, hay khi sống gần những người đức hạnh, gương mẫu, v.v… Nhưng tinh thần tôi xuống rất thấp khi sức khỏe tôi suy yếu, khi gặp toàn những thất bại, hay khi gặp quá nhiều khó khăn, thử thách, cám dỗ, v.v… Tôi nhận thấy độ cứng của lương tâm tôi có giới hạn, nó có thể đứng vững trước những cám dỗ bình thường, nhưng có lẽ nó sẽ bị gẫy trước những cám dỗ nặng nề và kéo dài. Có thể tôi không bán rẻ lương tâm với giá 10 triệu, 20 triệu, nhưng rất có thể trước những mối lợi trị giá 100 triệu, 200 triệu, không chừng tôi sẽ sẵn sàng bán lương tâm của tôi chăng!?!?! Quả thật, tôi không dám mạnh miệng tuyên bố là tôi luôn đứng vững. Câu Kinh Thánh «Ai tưởng mình đứng vững, hãy coi chừng kẻo ngã» (1Cr 10, 12) khiến tôi không dám tự hào và chê bai hay kết án ai. Biết bao người thiện chí hơn tôi, thánh thiện hơn tôi rất nhiều đã sa ngã. Tôi chỉ còn biết trông cậy vào ơn Chúa, Chúa có gìn giữ tôi thì tôi mới đứng vững, mới không sa ngã, còn tự sức tôi thì thật đáng nghi ngờ.

4. Trong chính bản thân tôi, có hai lực lượng đối kháng nhau

Lúc nào tôi cũng thấy trong tôi có hai lực ngược nhau tác động trên tôi: một lực kéo tôi lên, khuyến khích tôi làm những việc tốt đẹp, cao thượng, vị tha, một lực trì tôi xuống, thúc đẩy tôi làm những chuyện xấu xa, bỉ ổi, ích kỷ. Muốn làm theo lực kéo tôi lên thì tôi phải cố gắng rất nhiều, phải làm ngược lại ý riêng, bản năng, dục vọng của tôi, điều này thật khó. Còn muốn làm theo lực kéo xuống thì tôi cảm thấy rất dễ dàng, thậm chí thật hấp dẫn, chẳng cần phải cố gắng gì cả. Chính vì thế, tôi luôn luôn cảm nghiệm y hệt như Phaolô: «Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn thì tôi lại cứ làm» (Rm 7, 19).

Như vậy, trong tôi luôn luôn có khuynh hướng xấu, ác. Chính những lúc tôi nghĩ mình yếu đuối, sợ mình không thắng nổi sự ác, nên tôi cậy trông vào Chúa, thì tôi lại không làm điều ác. Nhưng chính những lúc tôi tưởng mình mạnh mẽ, tự cho mình là công chính, nghĩ mình đã hơn được rất nhiều người, tự hào về chính mình, cho rằng mình có khả năng thắng sự ác một cách dễ dàng, thì lại là lúc tôi làm nhiều điều xấu ác, nhiều điều ngu xuẩn, hớ hênh hơn lúc nào hết. Chính vì thế, tôi rất cảm thông với sự yếu đuối khiến người ta thay đổi như những trường hợp đã nói trên.

5. Áp dụng vào Năm Thánh

Hai bài Tin Mừng trong nghi thức làm phép lá và trong thánh lễ cho thấy hai thái độ tương phản nhau của Dân Do Thái và của Phêrô đối với Đức Giêsu chỉ xảy ra trong khoảng thời gian rất ngắn. Dân Do Thái vừa mới tung hô Ngài một cách rất tưng bừng, nhiệt liệt và trọng thể, thế mà chỉ một vài ngày sau đã bị xách động bởi những người lãnh đạo tôn giáo Do Thái đến nỗi đã đòi giết Ngài: «Giết nó đi, thả Baraba cho chúng tôi!» (Lc 23,18). Hay như Phêrô, trong bữa tiệc ly đã thề thốt: «Với Thầy, tôi sẵn sàng vào tù, và có chết cũng cam» (Lc 22,33), thế mà chỉ vài giờ sau, ông đã chối Thầy mình tới những ba lần (Lc 22,54-62). Điều đó cho thấy sứ điệp của hai bài Tin Mừng trong Lễ Lá muốn nói lên tính yếu đuối, tính sợ hãi và tính có thể thay đổi của con người.

Tuy nhiên, sứ điệp ấy chưa phải là quan trọng. Còn một sứ điệp khác quan trọng hơn rất nhiều đó là sự thông cảm của Đức Giêsu với những khuyết điểm ấy của con người khiến Ngài sẵn sàng tha thứ cho những yếu đuối ấy. Thật vậy, đối với Phêrô, Ngài không những tha thứ, không những không bất tín nhiệm ông, mà còn tín nhiệm ông nhiều hơn nữa, đến nỗi đã đặt ông làm thủ lãnh các môn đệ của Ngài. Tôi nghĩ có lẽ vì Ngài biết ông ý thức và cảm nghiệm sâu sắc tính yếu đuối, mỏng dòn và dễ thay đổi của con người, nhờ đó ông khiêm nhường và dễ thông cảm hơn với những yếu đuối của người khác. Vả lại, khi được Chúa tha thứ, ông sẽ yêu Chúa nhiều hơn (Lc 7,43.47). Chính tình yêu, sự khiêm nhường và khả năng thông cảm với những yếu đuối của người khác là một trong những đức tính cần thiết nhất của những người lãnh đạo Giáo Hội. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã tỏ ra có đức tính này một cách khá nổi bật.

Đức Giêsu cũng thông cảm và tha thứ cho những kẻ đã kết án Ngài. Chính lúc đau đớn nhất và nhục nhã nhất trên thập giá, đáng lẽ tâm trí Ngài sẽ phải bị thu hút vào sự đau đớn đang phải chịu, không còn đủ tâm trí nghĩ đến điều gì khác, thế mà Ngài vẫn nhớ đến những kẻ âm mưu giết Ngài để xin Chúa Cha tha thứ. Tình thương và sự thông cảm của Ngài của Ngài đối với những người tội lỗi đúng là phản ảnh rất trung thực tình yêu thương vô bờ bến của Thiên Chúa đối với nhân loại bất trung và tội lỗi. Đức Giêsu đã mô tả tình thương sẵn sàng tha thứ này của Thiên Chúa trong dụ ngôn «Người Cha nhân hậu» (Lc 15,11-32).

Đức Giáo hoàng Phanxicô trong Năm Thánh kính Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đã muốn Giáo Hội cũng như các Kitô hữu trên thế giới phải phản ảnh tình thương và sự thông cảm của Thiên Chúa đối với những yếu đuối của con người. Thay vì kết án họ như những người Pharisêu vị luật muốn kết án người phụ nữ ngoại tình, Giáo Hội cũng như các Kitô hữu nên bắt chước Thiên Chúa và Đức Giêsu là hãy thông cảm và thương xót họ. Thật là mỉa mai khi chúng ta một đằng thì vinh danh lòng thương xót của Thiên Chúa, còn đằng khác chính chúng ta lại khép lòng lại để kết án, hoặc mong muốn Thiên Chúa kết án những người tội lỗi, thậm chí kết án cả Đức Phanxicô khi ngài muốn bắt chước lòng thương xót của Thiên Chúa và Đức Giêsu. Cách tốt nhất để tôn vinh lòng thương xót của Thiên Chúa không phải là hết lời ca tụng lòng thương xót ấy cho bằng thật sự bắt chước và thực hiện chính lòng thương xót ấy đối với tha nhân.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, trong tuần thánh này, xin cho con nhận ra sự yếu đuối và sự dễ dàng thay đổi của con, để con đừng bao giờ tự hào mình mạnh mẽ hơn người, mà luôn trông cậy vào sức mạnh của Chúa. Xin cho con học được bài học của Phaolô: chính lúc khiêm nhường tự nhận ra mình yếu đuối, lại là lúc mạnh mẽ nhất vì đã bám vào Chúa.       

(Nguyễn Chính Kết)

Không có nhận xét nào: