ĐỌC LỜI CHÚA
· Is 43,16-21: (19)
Này Ta sắp làm một việc mới, việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy
hay sao ? Phải, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại
vùng đất khô cằn.
· Pl 3,8-14: (8)
Vì Đức Kitô, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô (9) và được kết hợp với Người. Được như vậy,
không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Môsê đem lại, nhưng
nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Kitô.
· TIN MỪNG: Ga 8,2-11
Người phụ nữ ngoại tình
(2) Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến
với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. (3) Lúc đó, các kinh sư và người Pharisêu dẫn đến
trước mặt Đức Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở
giữa, (4) rồi nói
với Người: «Thưa Thầy, người
đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. (5) Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng
tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?» (6) Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giêsu
cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. (7) Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: «Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy
đá mà ném trước đi». (8) Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. (9) Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau,
bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giêsu, và người phụ
nữ thì đứng ở giữa. (10)
Người ngẩng lên và nói: «Này chị, họ
đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?»
(11) Người đàn bà đáp: «Thưa ông, không có ai cả». Đức Giêsu nói: «Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay
đừng phạm tội nữa!»
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Luật Môsê – cũng là luật của Thiên Chúa – buộc phải xử tử những kẻ
ngoại tình bị bắt quả tang. Đức Giêsu có tuân theo luật ấy không? Tại sao?
2. Luật mới của Đức Giêsu – luật yêu thương – đòi hỏi những gì? Nếu
không biết thông cảm và tha thứ, mà chỉ thích phán xử và kết án, ta có phải là
kẻ giữ luật mới của Ngài không?
3. Năm Thánh kính lòng thương xót của Thiên Chúa, người Kitô hữu có
nên theo tinh thần yêu thương của Đức Giêsu mà thay đổi quan niệm và cách đối xử với những người bị cho là tội lỗi không?
Suy tư gợi ý:
1. Các
kinh sư Do Thái gài bẫy Đức Giêsu
Các nhà lãnh đạo Do Thái giáo muốn
dùng trường hợp người phụ nữ ngoại tình này để gài bẫy Đức Giêsu hầu tìm ra cớ
tố cáo Ngài. Nếu Ngài tuyên bố không nên ném đá phụ nữ này thì chứng tỏ Ngài đã
không tuân giữ luật Môsê, vì theo luật Môsê: «Nếu một người đàn ông bị bắt gặp đang nằm với một người đàn bà có
chồng, thì cả hai phải bị xử tử» (Đnl 22,22; x. Lv 20,10). Luật Môsê viết
rõ ràng như thế, nếu Ngài không tuân theo luật thì họ sẽ tố cáo Ngài trước dân
chúng, và dân chúng buộc phải tẩy chay Ngài. Vì giữa luật Môsê và Ngài, thì dân
chúng phải tin vào luật Môsê hơn. Còn nếu Ngài tuyên bố phải ném đá, thì họ sẽ
tố cáo Ngài với chính quyền Rôma, và Ngài sẽ bị chính quyền xét xử, vì Ngài đã
vi phạm luật Rôma. Theo luật Rôma thì người dân thuộc địa không có quyền lên án
giết ai cả (x. Ga 18,31).
Nhưng cách Ngài giải quyết chẳng
những giúp Ngài thoát cái bẫy này một cách tài tình, mà còn làm ê mặt các nhà
lãnh đạo tôn giáo, đồng thời còn cho họ và cho chúng ta một bài học để đời.
2. Tại sao
Đức Giêsu không tuân theo luật Môsê?
Luật Môsê là luật của Thiên Chúa
(x. 2Mcb 7,11; Tv 1,2; Lc 2,23-24). Thời Cựu ước, dân Do Thái ai nấy đều tin
rằng đã là luật của Thiên Chúa thì sẽ là luật muôn đời không bao giờ thay đổi.
Trong Kinh Thánh, có rất nhiều câu xác định luật này là luật vĩnh viễn cho con
người (x. Xh 12,17.24; 27,21; 30,21; Lv 6,11.15; 7,34; Br 4,1; v.v…), là luật
chung cho cả địa cầu (x. 1Sb 16,14; 2Sm 7,19; Tv 105,7). Và con người phải tuân
giữ luật, vì có như thế mới là tôn kính và yêu mến Thiên Chúa (Đnl 17,19; Gs
22,5; Hc 2,16; 15,1). Ai tuân giữ luật thì được hạnh phúc, được sống đời đời
(Tv 119,1.165; Cn 29,18; Kn 6,18), còn ai không giữ luật thì chính họ và cả con
cháu ba bốn đời của họ sẽ bị Thiên Chúa nguyền rủa, trừng phạt (x. 1Sb 15,13;
Xh 34,7; Er 7,26; Gr 19,15).
Như vậy, luật Môsê buộc phải xử
tử hình những kẻ phạm tội ngoại tình, tại sao Đức Giêsu không tuân theo luật ấy
mà lại tìm cách tha cho người phụ nữ này? Phải chăng Đức Giêsu không giữ luật
Môsê? Hay Ngài không muốn vi phạm luật Rôma nên đành vi phạm luật Môsê? Hay
Ngài chỉ muốn tìm cách nào thoát khỏi cái bẫy này? Hay Ngài là một nhà làm luật
mới?
3. Đức
Giêsu đến lập luật mới là luật yêu thương và tha thứ
Nhiều người tưởng rằng hễ đã là
luật của Thiên Chúa thì sẽ là thứ luật muôn đời không thay đổi theo không gian
và thời gian, nghĩa là luật của Ngài phải được áp dụng cho mọi dân tộc trong
mọi thời đại. Nhưng không phải như vậy! Thiên Chúa lập luật cho con người chứ
không phải cho Ngài. Luật đó là vì con người (x. Mc 2,27) và để áp dụng cho con
người, nên phải phù hợp với con người. Mà con người thì luôn luôn thay đổi:
trình độ tâm linh, sự hiểu biết và hoàn cảnh sống của con người thay đổi và
tiến triển theo thời gian. Nên để phù hợp với con người, luật Chúa cũng phải
thay đổi. Thật vậy, lịch sử cứu độ cho thấy luật cũ của Môsê đã được thay thế
bằng luật mới của Đức Giêsu. Theo hướng đó, Thánh Phaolô viết: «Ngày nay, sự công chính của Thiên Chúa đã
được thể hiện mà không cần đến Luật Môsê» (Rm 3,21; x. Ep 2,15; Dt 7,18).
Vì thế, các tông đồ đã chính thức tuyên bố bãi bỏ luật Môsê (x. Cv 15,28-29).
Chính vì thế, ngày nay, người Kitô hữu không phải giữ luật của Môsê.
Giải thích: Con người thời Cựu
ước tương tự như nhân loại thời còn là trẻ con. Khi ta còn là trẻ con, cha mẹ
ta ra luật cho ta, và bắt ta giữ. Nếu ta không giữ thì bị đòn, nếu ta giữ thì
được khen thưởng. Động cơ giữ luật của ta là sợ phạt và ham thưởng. Nhưng khi
lớn lên, ta không còn phải giữ những luật đơn sơ của thời còn nhỏ nữa, và không
còn giữ luật một cách nô lệ nữa. Khi trưởng thành, ta có những luật khác với
luật thời thơ ấu. Động cơ khiến ta giữ luật khi trưởng thành không còn là sợ
hãi hay ham thưởng nữa, mà là sự hiểu biết và tình yêu (tình yêu đối với Thiên
Chúa, với chân, thiện, mỹ, với cha
mẹ, với mọi người). Khi trưởng thành, ta biết điều nào là đúng, là hợp lý, là
phù hợp với tình yêu, và ta biết ta phải hành động thế nào.
Thời Đức Giêsu, nhân loại đã
trưởng thành về tâm linh hơn thời Môsê, nên Ngài đã khai mạc một kỷ nguyên mới,
với luật mới của Ngài. Luật của Ngài chỉ có một khoản duy nhất: «Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh
em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 13,34). Vì thế,
Ngài cũng như chúng ta, những kẻ theo Ngài, không còn hành xử theo luật Môsê
nữa, mà hành xử theo sự thúc đẩy của tình yêu. Và «Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em yêu
thương nhau» (Ga 13,35). Câu này cũng có thể suy diễn thành: «Người ta cứ dấu này mà nhận ra ai không phải
là môn đệ Thầy, là họ không yêu thương nhau». Không yêu thương nhau, thì
không hẳn là môn đệ của Đức Giêsu. Thánh Phaolô cũng nhấn mạnh: «Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy
là anh em chu toàn luật Đức Kitô» (Gl 6,2); «Ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật» (Rm 13,8b); «Yêu thương là đã chu toàn Lề Luật» (Rm
13,10b).
4. Luật
yêu thương đòi hỏi sự thông cảm và tha thứ
Tình yêu đòi hỏi phải thông cảm
và tha thứ… Thông cảm vì bản thân ta cũng như mọi người khác đều rất yếu đuối
và bị lệ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh. Kết cuộc, như Thánh Phaolô nói: con
người «ai cũng phạm tội» (Rm 5,12); «Không ai là người công chính, dẫu một người
cũng không» (Rm 3,10; x. 1Ga 1,10). Nếu mình cũng phạm tội, mà mình lại kết
án người khác, thì quả thật trong ta có chút gì đó gọi là «vô liêm sỉ».
Đức Giêsu tuy không hề phạm tội
(x. 1Pr 2,22), nhưng Ngài không lên án ai. Ngài đã từng chịu ma quỉ cám dỗ (x.
Mt 4,1-11), nên Ngài rất am hiểu sự yếu đuối của con người. Vì thế, đứng trước
người phụ nữ bị cho là tội lỗi này, Ngài hiểu hết những tình huống đã dẫn chị
ta đến với cơn cám dỗ, và từ cơn cám dỗ đến những hành vi tội lỗi. Ngài hoàn
toàn thông cảm với chị. Ngài ghê tởm những kẻ tuy cũng cảm thấy mình yếu đuối
như chị, cũng đã từng sa ngã khi gặp cám dỗ như chị, nhưng vẫn muốn kết án chị.
Dường như kết án chị, họ mới thỏa mãn niềm kiêu hãnh phát xuất từ một ảo tưởng
rằng họ vô tội. Họ thích sống trong ảo tưởng đó, và muốn củng cố ảo tưởng đó
bằng cách kết án người khác. Họ nghĩ càng kết án thì càng chứng tỏ mình trong
sạch, vô tội.
Đức Giêsu thấy ác tâm của họ,
Ngài kêu gọi lương tâm họ, đánh thức liêm sỉ trong lòng họ. Ngài bảo họ: «Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy
đá mà ném trước đi» (Ga 8,7b). Ngài biết đã là con người yếu đuối, nếu
không có ơn siêu nhiên giúp, họ không thể nào tránh được tội lỗi. Lời nói của
Ngài buộc họ phải tự xét lại chính mình. Và một khi đã tự xét mình một cách
thành thật, chắc chắn ai cũng thấy mình đã phạm ít nhiều tội lỗi. Ngài đã cho
họ một kinh nghiệm tâm linh: hãy thông cảm với tội lỗi của kẻ khác, vì chính bản
thân mình cũng có tội.
Một khi đã thông cảm với tội lỗi
người khác, thì chỉ còn biết tha thứ, bỏ qua, rồi lại tiếp tục yêu thương, tôn
trọng họ.
Đức Giêsu dù rất thánh thiện,
không hề sai phạm một lầm lỗi nào, nhưng
Ngài vẫn luôn luôn thông cảm được với sự yếu đuối của người tội lỗi, Ngài không
kết án mà sẵn sàng tha thứ. Sự thánh thiện của Ngài phần rất lớn hệ tại điểm
này. Còn chúng ta, tuy cũng yếu đuối như tất cả mọi người, nhưng ta lại khó
thông cảm với những yếu đuối của người khác, nhất là khi họ làm thiệt hại đến
ta, đến quyền lợi, danh tiếng, hay cản trở ý muốn của ta. Có thể ta dễ dàng kết
án người khác, làm như thể ta hoàn toàn vô tội, không hề phạm những sai lỗi như
thế bao giờ. Kết án người khác dễ dàng, điều đó chứng tỏ ta không liêm sỉ bằng
những người tự động rút lui sau câu nói của Đức Giêsu: «Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi» (Ga
8,7b).
Trong cuộc đời, nhiều khi ta khó
chịu với những kẻ lên mặt đạo đức và thích kết án người khác hơn là với những
kẻ phạm nhiều lầm lỗi. Chắc hẳn Thiên Chúa cũng không ưa những kẻ hay kết án
cho dù họ đời sống của họ có tốt đẹp đến đâu. Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ cho
kẻ có tội nếu họ biết ăn năn hối lỗi, nhưng Ngài khó tha thứ cho những kẻ hay
kết án. Ngài đã từng nói: «Anh em đừng
kết án để khỏi bị kết án» (Mt 7,1). Điều đó có nghĩa: kết án người khác
chính là cách chắc chắn nhất để Thiên Chúa quay ngược lại kết án chúng ta! Vậy
thì ta đừng bao giờ dại dột kết án người khác.
Tôi vẫn nghĩ rằng cách tốt nhất
để Thiên Chúa khỏi kết án ta là ta đừng bao giờ kết án người khác. Nếu chúng ta
luôn luôn tha thứ cho người khác một cách vô điều kiện, chắc chắn Thiên Chúa
cũng không thua kém lòng quảng đại của chúng ta, Ngài cũng sẽ tha thứ cho chúng
ta như vậy. «Anh em đừng xét đoán, để khỏi
bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán người khác thế nào, thì anh em cũng
sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong [cho người khác] bằng đấu
nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em bằng đấu ấy» (Mt 7,1-21; Mc
4,24b). Trong kinh Lạy Cha, chúng ta vẫn xin Chúa tha nợ chúng ta, giống như
hay theo kiểu chúng ta tha nợ cho những kẻ có nợ với chúng ta. Ta tha thứ cho
người khác kiểu nào, Thiên Chúa cũng tha thứ cho ta kiểu ấy. Ta chấp tội người
khác thế nào, Thiên Chúa cũng chấp tội ta thể ấy. Vậy, một cách nào đó, chính
ta quyết định việc ta có được Chúa tha thứ hay không.
5. Áp dụng vào Năm Thánh
Để áp dụng tinh thần bài Tin
Mừng này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tỏ ra thông cảm với trường hợp những người
Kitô hữu đã phải ly dị. Họ ly dị vì họ không thể tiếp tục sống trong một hỏa
ngục của đời sống chung vợ chồng khi hai người quá khác biệt nhau về quan niệm
cũng như về cách sống khiến hai người không thể hòa hợp được với nhau. Không
phải mọi trường hợp ly dị đều đáng bị kết án. Do đó, cần phải có một thái độ
xứng hợp và nhân bản đối với những trường hợp đáng được thông cảm.
Trong tinh thần bài Tin Mừng
này, chúng ta thử đặt Chúa Giêsu vào trong những trường hợp ly dị thời nay xem:
Giả như có một số vị hướng dẫn tâm linh đến gặp Chúa Giêsu và trình bày trường
hợp một cặp vợ chồng đã li dị, do cuộc sống chung của họ tương tự như một hỏa
ngục. Họ khác biệt nhau từ quan niệm sống cho tới tính tình, cách giải quyết
vấn đề, v.v... Trước sự bất hòa trong gia đình, cả hai vợ chồng, ai cũng thấy
mình hoàn toàn đúng còn người kia thì hoàn toàn sai. Không thể tiếp tục sống
chung được, họ đã quyết định ly dị. Và bây giờ, cuộc sống của họ đã tương đối
yên ổn. Các vị ấy hỏi Chúa Giêsu: «Lạy
Chúa, theo luật Giáo Hội thì cặp vợ chồng đã ly dị này phải bị vạ tuyệt thông,
bị dứt phép thông công, không được lãnh các bí tích trong Giáo Hội. Nếu phải xử
lý trường hợp này thì Chúa xử lý thế nào?»
Cứ theo cách ứng xử của Ngài
trong bài Tin Mừng trên, có thể Ngài sẽ không trả lời thế này hay thế kia, mà
Ngài sẽ hỏi các vị một câu hỏi khác: «Hãy
thử đặt mình vào hoàn cảnh của hai vợ chồng ấy, ai cảm thấy mình vẫn sống được
trong cái hỏa ngục ấy thì… cứ việc ra vạ tuyệt thông cho họ.»
Chúa Giêsu đã ban quyền «cầm buộc» và cả quyền «tháo cởi» cho Thánh Phêrô và những vị
giáo hoàng kế nhiệm ngài (x. Mt 16,19). Nếu chúng ta đã tôn trọng những quyết
định «cầm buộc» của nhiều vị giáo
hoàng trước đây, tại sao nhiều người trong chúng ta lại phản đối quyết định «tháo cởi» của vị giáo hoàng đương nhiệm
khi ngài tỏ ra thông cảm với trường hợp đau khổ của những cặp vợ chồng đã ly
dị? Không nên thông cảm với họ chăng? Sự thông cảm ấy chẳng phải là một thể
hiện của đức ái sao? Thử hỏi trong quá khứ, với việc «cầm buộc» của Giáo Hội, có bao nhiêu cặp vợ chồng ly dị đã trở lại
sống chung với nhau theo ý của Giáo Hội? Hay cuối cùng họ đã chết trong tình
trạng bị vạ tuyệt thông và sẽ sa hỏa ngục? Phải chăng ta sẵn sàng chấp nhận để
họ sa hỏa ngục hầu luật của Giáo Hội hay luật của Chúa được tôn trọng? Thử hỏi
«ngày sabát được lập ra vì con người»
(Mc 2,27) hay con người được dựng nên vì
ngày sabát? Hãy xét lại tâm của ta xem, ta có tâm yêu thương tha nhân
không, khi mà chính ta cũng muốn Giáo Hội phải ra vạ tuyệt thông và Thiên Chúa
cũng phải kết án họ?
Thiết tưởng chúng ta hãy hành
động theo lương tri được hướng dẫn bởi luật mới là luật yêu thương của Chúa
Giêsu: «Thầy ban cho anh em một điều răn
mới là anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em. Người ta cứ
dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em yêu thương nhau» (Ga
13,34-35). Và cũng đừng quên một lời khác của Ngài: «Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét
đoán người khác thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và
anh em đong [cho người khác] bằng đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh
em đấu ấy» (Mt 7,1-21; Mc 4,24b).
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, con cảm thấy mình rất
yếu đuối. Nhiều khi con đã phạm tội, và con đã từng phải xấu hổ vì tội của con.
Nhưng lạ thay, khi thấy tha nhân chung quanh con phạm tội, nhiều khi con lại
mạnh mẽ lên tiếng kết án họ. Khi con phạm tội, con muốn Cha và tha nhân thông
cảm và tha thứ cho con. Nhưng khi người khác phạm tội, con lại không muốn thông
cảm và tha thứ cho họ. Tại sao con lại mâu thuẫn như vậy? Con là như vậy sao?
Trái tim con quả là bằng đá. Xin Cha hãy sửa dạy con. Cho con một trái tim bằng
thịt thật sự, biết yêu thương, thông cảm với những yếu đuối của mọi người, và
sẵn sàng tha thứ tất cả. Amen.
Nguyễn
Chính Kết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét