Thứ Năm, 24 tháng 3, 2016

PhucsinhDucKito

Hãy phục sinh Đức Giêsu
trong tâm thức ta

Người Kitô hữu chúng ta, ai cũng tuyên xưng mạnh mẽ việc Đức Giêsu sống lại là một biến cố quan trọng cho đức tin và đời sống Kitô hữu của chúng ta. Nếu Ngài không sống lại, thì niềm tin của chúng ta vào Ngài là không có căn cứ và bằng chứng. Tuyên xưng thì như thế, nhưng thực tế thì sao? Việc Đức Giêsu sống lại có thật sự ảnh hưởng đến đời sống của ta không? Có làm thay đổi được chút nào để biến đổi ta nên tốt hơn, nên mạnh mẽ và hạnh phúc hơn lên không? Chắc hẳn nhiều Kitô hữu phải thành thật thú nhận rằng: tuyên xưng là một chuyện, còn thực tế của đời sống Kitô hữu nhiều khi không đi đôi với lời tuyên xưng ấy.

Vậy phải làm sao để biến cố sống lại của Đức Giêsu ích lợi thật sự trong tâm hồn ta, và biến đổi thật sự đời sống của ta.

Đức Giêsu đang sống hay đã chết trong tâm hồn ta?

Đức Giêsu đã sống lại. Điều ấy có ảnh hưởng gì đến ta không? Đức tin dạy ta rằng: «Nếu Đức Kitô không phục sinh, thì niềm tin và lời rao giảng của chúng ta là vô ích» (1Cr 15,14). Thật vậy, nếu Đức Giêsu không sống lại, thì cho dù có Ngài, cũng sẽ không có Kitô giáo, vì người ta không có một bằng chứng cụ thể và chắc chắn nào để tin rằng Ngài là Con Thiên Chúa. Và nếu như thế, ta cũng như mọi Kitô hữu khác đều chẳng phải là Kitô hữu, và lúc ấy đối với ta, Đức Giêsu cũng chỉ là một đạo sư như bao đạo sư khác.

Nhưng nếu Ngài đã thật sự phục sinh và ta đã là Kitô hữu, thì liệu sự phục sinh của Ngài có ảnh hưởng gì đến ta một cách thật sự và hiện sinh không? Có làm ta thay đổi cuộc sống hiện nay của ta không? Biết bao lễ phục sinh qua đi, mà lòng ta hay cuộc sống ta đâu có gì thay đổi! Ta vẫn là ta, vẫn có biết bao thói hư thật xấu như trước, chẳng thay đổi bao nhiêu, đôi khi tệ hơn!

Tại sao? Vì ta đã coi sự phục sinh của Đức Giêsu như một biến cố xảy ra hoàn toàn ở bên ngoài ta, chứ không xảy ra chút nào trong bản thân ta cả. Một nhà tu đức nói: «Nếu Đức Giêsu chỉ sinh ra tại Bêlem, chỉ sống tại đất nước Do Thái, chỉ chịu chết trên đồi Canvê, và chỉ phục sinh trong lịch sử cách đây 2000 năm, mà không sinh ra, sống, chịu chết và phục sinh ngay trong tâm hồn ta, tại đây và lúc này, thì tất cả những biến cố ấy của Ngài đều hoàn toàn vô ích đối với ta». Vì thế, điều quan trọng để sự phục sinh của Ngài có ích lợi cho ta, là Ngài phải phục sinh ngay trong bản thân ta, trong tâm thức của ta.

Theo niềm tin và sự tuyên xưng của ta, Ngài vẫn đang sống và hiển trị, nhưng dường như tất cả đều xảy ra ở bên ngoài ta. Còn ở trong ta, trong tâm thức ta, Ngài đã chết và đã được an táng từ lâu. Thỉnh thoảng ta chỉ tưởng nhớ đến Ngài như một người đã sống cách đây 2000 năm, tương tự như ta vẫn nhớ đến ông bà tổ tiên ta, hay đến một đại danh nhân nào đấy trong lịch sử. Trong tâm thức ta, Ngài được coi như một người quá cố. Và một người chết như thế đương nhiên chẳng có thể ảnh hưởng hay thay đổi gì ta được!

Hãy phục sinh Đức Giêsu trong tâm thức ta

Vậy, để được biến đổi nên một con người mới, mạnh mẽ, tốt đẹp, tràn đầy thần khí của Thiên Chúa, trước hết ta phải phục sinh Đức Giêsu ở ngay bản thân ta, trong tâm hồn ta, trong tâm thức ta. Ngài có thật sự sống và hoạt động trong ta, thì ta mới được biến đổi để trở nên như Ngài.

Trong Tin Mừng có đoạn mô tả Đức Giêsu ngủ say như chết trên thuyền của các tông đồ giữa cơn phong ba bão táp, để mặc các tông đồ phải đối phó trong hốt hoảng sợ hãi (x. Mt 8,23-27; Mc 4,35-41; Lc 8,22-25). Đó chính là hình ảnh mô tả thật chính xác tình trạng của Đức Giêsu trong tâm hồn ta: Ngài đang ngủ, hay Ngài đã chết, nghĩa là Ngài bất động. Nếu Ngài thức hay sống trong tâm hồn ta, tất nhiên Ngài sẽ hoạt động, Ngài sẽ làm những việc lạ lùng, thậm chí làm phép lạ để biến đổi ta, tương tự như Ngài đã làm sóng gió yên lặng sau khi các tông đồ đánh thức Ngài dậy trên thuyền.

Cuộc đời ta, tâm hồn ta nhiều khi ảm đạm, buồn tẻ, không có gì hứng thú hay khởi sắc về mặt tâm linh, chính vì ta đã để Đức Giêsu ngủ yên hay còn nằm chết trong ngôi mộ của tâm thức ta. Lúc nào Ngài cũng hiện diện trong ta, đầy quyền năng của một vị Thiên Chúa. Ngài sẵn sàng làm mọi sự để biến đổi ta nên hoàn thiện, mạnh mẽ, để cứu giúp ta khi gặp cùng khốn. Nhưng thái độ lãng quên và hờ hững của ta đối với Ngài đã khiến sự hiện diện của Ngài trong ta thành một hiện diện thụ động của một xác chết, hay của một người đang ngủ.

Một cách khách quan, Ngài vẫn luôn hiện diện trong ta từng giây phút, nhưng ta không hề ý thức điều ấy, ta chẳng nhớ gì đến Ngài. Ngài hiện diện ở đó, nhưng đối với tâm thức ta, Ngài dường như không hiện diện. Nói cách khác, Ngài dường như vắng mặt trong tâm thức ta. Chính vì thế, sự hiện diện khách quan nhưng thụ động của Ngài chẳng đem lại lợi ích gì cho ta, chẳng làm cho đời sống ta thêm dồi dào phong phú, bình an hạnh phúc, đang khi ta rất cần và rất mong điều ấy. Ngài hiện diện nhưng chẳng khác gì vắng mặt, Ngài vẫn sống nhưng chẳng khác gì đã chết, vẫn thức nhưng chẳng khác gì đang ngủ, vì ta đã không để Ngài hiện diện hay sống động trong tâm thức ta. Ngài giống như một kho tàng rất lớn chôn dấu ngay trong nhà ta, nhưng vì ta không biết, nên ta nghèo vẫn hoàn nghèo, và kho tàng ấy chẳng ích lợi gì cho ta cả.

Nếu nhờ ý thức mà Ngài trở nên hiện diện trong tâm thức ta, thì lập tức sự hiện diện ấy sẽ trở thành sự hiện diện hoạt động, hữu ích. Ngài sẽ biến đổi ta một cách hữu hiệu. Cũng như kho tàng bị chôn dấu kín kia, nếu được biết đến và đem ra sử dụng, sẽ đem lại một cuộc sống hết sức phong phú và hạnh phúc. Cũng như khi được các tông đồ đánh thức dậy, Ngài lập tức ra tay quyền năng làm sóng gió im lặng, giải cứu các tông đồ khỏi cơn nguy khốn.

Sự phục sinh của Ngài trong ta tùy thuộc vào ta

Ngài ngủ hay thức, chết hay sống trong tâm hồn ta, điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào ta có đánh thức Ngài, có để Ngài sống và hiện diện trong ta hay không. Ngài để ta hoàn toàn tự do quyết định điều đó. Trong chương trình của Ngài, rất nhiều việc Ngài đòi hỏi sự cộng tác tự nguyện của ta thì mới thành sự. Đó là cách Ngài trọng phẩm giá của ta, là hình ảnh của Ngài, một Thiên Chúa hoàn toàn tự do. Phẩm giá đó buộc Ngài phải tôn trọng tự do của ta, Ngài không muốn đơn phương làm mọi việc, dù Ngài có thể làm, nhất là sự hoạt động tự do trong tâm thức ta.

Như vậy, tuy Ngài hiện diện và hoạt động cùng khắp, nhưng vẫn có chỗ mà ngài không thể tự do hiện diện và hoạt động theo ý Ngài, đó là hiện diện và hoạt động trong tâm thức ta. Tâm thức ta là một không gian bất khả xâm phạm đối với chính Ngài, nghĩa là chính Ngài cũng không dám xâm phạm. Ngài chỉ vào đó để hiện diện và hoạt động trong tâm thức ta khi nào ta cho phép Ngài, bằng cách hướng về Ngài, ý thức được sự hiện diện khách quan của Ngài và nhất là hết mình sống với sự hiện diện đó. Sự hiện diện của Ngài trong tâm thức ta chỉ đạt tới tuyệt đỉnh và trở nên tích cực hoạt động khi nào ta có thể nói được như thánh Phaolô: «Tôi sống nhưng không phải tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi» (Gl 2,20).

Muốn thế, ta phải để Đức Giêsu chiếm trọn bầu trời tâm thức ta. Bình thường, «cái tôi» của ta chiếm trọn bầu trời ấy, vì lúc nào ta cũng nghĩ về ta, về quyền lợi, hạnh phúc, đau khổ của ta. Mọi hoạt động của ta đều bị cái tôi ích kỷ đó chi phối, điều khiển, huy động, khiến ta lúc nào cũng chỉ biết lo cho bản thân mình. Ngay cả trong lúc cầu nguyện, ta chỉ nghĩ đến điều ta muốn, muốn Ngài ban cho tôi điều này điều nọ, mà không hề quan tâm đến điều Ngài muốn nơi ta. Nhưng càng lo cho bản thân ta bao nhiêu, ta càng cảm thấy thiếu thốn, trống rỗng và đau khổ bấy nhiêu, vì đòi hỏi của ta thì vô hạn, mà sức của ta thì có hạn. Trong bầu trời tâm thức đó, ta chỉ dành một khoảng rất nhỏ cho Thiên Chúa và người khác.

Vậy, nếu muốn Đức Giêsu luôn hiện diện sống động và sử dụng được toàn bộ năng lực của Ngài trong ta, ta phải dành trọn bầu trời tâm thức của ta cho Ngài. Ngài phải là một ưu tư, lo lắng lớn lao nhất của ta, và ta chỉ nên dành một khoảng trời bé nhỏ nào đó cho chính ta thôi. Làm như thế là ta đã phục sinh Ngài, đã đánh thức Ngài dậy trong ta, để Ngài thi thố quyền năng của Ngài. Làm như thế là ta đã đào được cái kho tàng quí báu nhất mà ta vẫn vùi sâu chôn chặt trong tâm thức ta, để biến kho tàng ấy trở nên ích lợi cho ta. Và đương nhiên sau đó, nhờ sự sống và hoạt động của Ngài trong ta, ta sẽ hoàn toàn được biến đổi, cuộc sống trở nên phong phú và hạnh phúc hơn.

Nguyễn Chính Kết




Không có nhận xét nào: