Thứ Năm, 24 tháng 3, 2016

PhucSinh-C

Chúa Nhật Phục Sinh
 (Năm C − ngày 27-3-2016)

Mời nghe hoặc xem youtube video: 

ĐỌC LỜI CHÚA

·    St 1,1–2,2: «Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta».

·    Xh 14,15–15,1a: «Đừng sợ, cứ đứng vững, rồi anh em sẽ thấy việc việc Đức Chúa làm hôm nay để cứu thoát anh em».

·    Rm 6,3-11: «Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ được cùng sống với Người. Đó là niềm tin của chúng ta».


·    TIN MỪNG: Lc 24,1-12

Ngôi mộ trống

(1) Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị sẵn. (2) Họ thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. (3) Nhưng khi bước vào, họ không thấy thi hài Chúa Giêsu đâu cả. (4) Họ còn đang phân vân, thì bỗng có hai người đàn ông y phục sáng chói, đứng bên họ. (5) Đang lúc các bà sợ hãi, cúi gầm xuống đất, thì hai người kia nói: «Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? (6) Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi. Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Galilê, (7) là Con Người phải bị nộp vào tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại».

Các Tông Đồ không tin lời các phụ nữ

 (8) Bấy giờ các bà nhớ lại những điều Đức Giêsu đã nói. (9) Khi từ mộ trở về, các bà kể cho Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy. (10) Mấy bà nói đây là bà Maria Mácđala, bà Gioanna, và bà Maria, mẹ ông Giacôbê. Các bà khác cùng đi với mấy bà này cũng nói với các Tông Đồ như vậy. (11) Nhưng các ông cho là chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin. (12) Dầu vậy, ông Phêrô cũng đứng lên chạy ra mộ. Nhưng khi cúi nhìn, ông thấy chỉ còn có những khăn liệm thôi. Ông trở về nhà, rất đỗi ngạc nhiên về sự việc đã xảy ra.

CHIA SẺ

Câu hỏi gợi ý:

1.   Nếu Đức Kitô không sống lại, thì ai dám tin Ngài là Con Thiên Chúa? Cốt tủy của niềm tin Kitô giáo là gì?

2.   Có những chứng cứ nào đáng tin làm cơ sở cho niềm tin của chúng ta vào sự sống lại của Đức Kitô?

3.   Nếu chúng ta tin chắc Đức Kitô đã thật sự sống lại, đời sống chúng ta phải thế nào?



Suy tư gợi ý:

Đức Kitô chết, nhưng đã sống lại. Đó là niềm tin căn bản của người Kitô hữu. Vì như Thánh Phaolô nói: «nếu Đức Kitô không phục sinh, thì niềm tin và lời rao giảng của chúng ta là vô ích»  (1Cr 15,14). Nói cách khác, cho dù có Đức Kitô, nhưng nếu Ngài không sống lại, thì sẽ không có Kitô giáo, vì người ta không có một bằng chứng cụ thể và chắc chắn nào để tin rằng Ngài là Con Thiên Chúa. Nhưng nếu đích thực Ngài đã sống lại từ trong kẻ chết đúng như Ngài đã tiên báo nhiều lần, thì chúng ta phải kết luận rằng những điều Ngài nói về thần tính của Ngài là xác thật. Vì nếu Ngài chỉ là thường nhân, và nếu những điều Ngài xác nhận về thần tính của Ngài chỉ là bịp bợm, thì chắc chắn Thiên Chúa sẽ không bao giờ cho Ngài sống lại, vì «Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của người thì Người nhậm lời kẻ ấy» (Ga 9,31).

Vậy, vấn đề mấu chốt là: Ngài có sống lại hay không? và chúng ta dựa vào đâu để xác quyết rằng Ngài đã sống lại? Chúng ta cần phải nắm vững những chứng cứ để củng cố niềm tin căn bản của chúng ta.

1. Chứng tá của các tông đồ

Các tông đồ là những người đã sống đồng thời với Đức Kitô, bên cạnh Đức Kitô. Các ông đã làm chứng suốt cuộc đời rằng Đức Kitô đã chết, nhưng 3 ngày sau đã sống lại và đã hiện ra với các ông. Các ông đã sẵn sàng chịu đau khổ và chịu chết vì lời chứng đó.

Không ai ngu dại đến nỗi sẵn sàng hy sinh cả đời mình để rao giảng và nhất là lại sẵn sàng lấy đau khổ và cái chết của mình ra để làm chứng cho một người nói dối hay nói sai: vì Đức Kitô đã tiên báo trước đó khá lâu rằng Ngài chết được 3 ngày sẽ sống lại.

Nếu Ngài không sống lại như Ngài đã nói trước thì khó có thể nghĩ được rằng những kẻ vốn nhát đảm như các tông đồ lại có thể can đảm mạnh dạn rao giảng về Ngài và coi việc chết vì Ngài như một vinh dự. Hãy nghĩ lại sự hèn nhát của các tông đồ khi Đức Kitô bị bắt: các ông trốn sạch, thậm chí đã chối Thầy, mặc dù trước đó đã thề thốt nặng lời rằng sẽ không bao giờ bỏ Thầy (x. Mt 26,35). Sự hèn nhát đó có nguyên nhân của nó, vì các ông tuy đã tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng Mêsia vì nhiều dấu chỉ và vì những chứng cớ khá rõ, nhưng các ông chưa xác tín, vì chưa có chứng cớ nào đủ mạnh. Nhất là khi Đức Giêsu bị bắt, bị làm nhục và cuối cùng bị chết thảm thương trên thập giá, niềm tin của các ông nơi Đức Giêsu đã bị lung lay mạnh. Nếu Ngài không sống lại, chắc chắn niềm tin của các ông nơi Ngài sẽ hoàn toàn mất trắng. Vì thế, chỉ có sự sống lại đích thật của Đức Giêsu mới có thể giải thích được tại sao các ông lại trở nên can đảm một cách nhanh chóng đến như thế.

2. Các tông đồ có thể ngụy tạo việc Chúa sống lại chăng?

Việc các tông đồ ngụy tạo việc Chúa sống lại quả là khó tin. Các ông vốn là những ngư dân dốt nát, nhát đảm, lẽ nào lại có khả năng qua mặt được các kinh sư, luật sĩ, là những người trí thức và khôn ngoan, nhất là họ lại không có thiện cảm với Đức Giêsu đến nỗi đã quyết tâm giết Ngài. Việc tạo ra một huyền thoại hết sức khó tin nhưng lại được vô số người tin như thế, mà cho tới nay người ta vẫn chưa thể chứng minh là phi lý, không phải chuyện đơn giản mà những người dốt nát như các tông đồ có thể làm được. Vả lại, nếu đó là huyền thoại thì việc tạo ra huyền thoại này đã hoàn tất trong một thời gian kỷ lục: chưa đầy 10 năm. Trong khi lịch sử của các tôn giáo cho thấy mọi huyền thoại đều phải hình thành trong những thời gian lâu hơn rất nhiều.

Việc những con người đơn sơ chất phác tạo ra một huyền thoại một cách hết sức thông minh, để rồi sẵn sàng chết vì huyền thoại ấy, là điều hết sức khó chấp nhận.

3. Lính canh mồ

Vì việc Đức Kitô tuyên bố Ngài sẽ sống lại đã tới tai những người chủ mưu giết Ngài, nên họ đã đề phòng việc các môn đệ Ngài đến đánh cắp xác của Ngài. Vì thế, họ đã xin Philatô cho lính đến mộ để canh gác (x. Mt 27,62-66). Và sau khi Đức Giêsu sống lại, các thượng tế đã bảo họ: «Các anh hãy nói thế này: ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm hắn đi. Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự» (Mt 28,13-15).

Chuyện phao tin là các tông đồ đến đánh cắp xác Đức Giêsu thật phi lý. Khi Ngài bị bắt mà các ông đã sợ hãi trốn mất, thậm chí khi nghe các phụ nữ báo tin Ngài đã sống lại, các ông vẫn còn sợ hãi đến độ vào buổi chiều ở trong nhà mà phải đóng kín cửa vì sợ người Do Thái (xem Ga 20,18-19). Nhát như thế thì có gan đâu mà dám ăn trộm xác Ngài khi có lính canh với độ cảnh giác rất cao (vì đã được báo trước để đề phòng). Vả lại, kỷ luật của quân đội đế quốc Rôma rất nghiêm khắc, canh phòng không kỹ lưỡng hoặc ăn hối lộ để sổng mất người phải canh giữ thì chỉ có nước bị tử hình. Ở đây, họ phao tin như thế mà vẫn vô sự là nhờ có sự can thiệp đặc biệt của các tư tế với Philatô (x. Mt 28,13-15).

4. Mồ trống và khăn liệm để lại

Sự kiện mồ trống chứng tỏ xác Đức Kitô không còn ở đó. Có ba giả thuyết có thể đặt ra: một là chính Ngài đã thật sự sống lại, hai là do có người đem đi, và ba là do một trận động đất nào đó nuốt xác Ngài như có nhiều người giả thiết ra để bác bỏ sự kiện sống lại.

Nhưng sự kiện khăn liệm Ngài còn để lại đã bác bỏ hai giả thuyết sau. Thật vậy, Tin Mừng Gioan thuật lại: chính ông đã đến trước, nhìn vào trong mồ và «thấy những băng vải còn ở đó» (Ga 20,5).  Simon đến sau, cũng nhìn vào trong mộ và cũng «thấy những băng vải để ở đó, và cả khăn che đầu Đức Giêsu nữa.  Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi» (Ga 20,6-8).  Khăn liệm này hiện còn lưu lại đến ngày nay (có thể tìm tài liệu liên quan tấm khăn liệm này trên Google với từ khóa: “Khăn liệm thành Turin”).  Kết quả của những nghiên cứu khoa học về khăn liệm này rất ăn khớp với những bài tường thuật trong các sách Tin Mừng.

Còn giả thuyết có ai đó đem xác Ngài đi thì chắc chắn trong hoàn cảnh lén lút và gấp rút như thế, người ấy ắt phải đem cả khăn liệm Ngài đi. Không thể nào hiểu được trong hoàn cảnh ấy mà người ta lại thay khăn liệm, hay cởi bỏ khăn liệm để đem thân xác trần trụi của Ngài đi, và nhất là có đủ thì giờ để cuốn lại, xếp lại và để riêng khăn che đầu ra khỏi các băng vải.

Còn nếu có trận động đất thì quả là khó hiểu nếu đất nuốt thân xác Ngài mà lại chừa không nuốt khăn che đầu và băng vải quấn chung quanh.

5. Sự thành thật và kín đáo của các nhân chứng

Sự ngay thật của những người viết Tin Mừng bộc lộ qua sự kín đáo khi nói về sự sống lại và các cuộc hiện ra của Đấng Phục Sinh. Mátthêu dành ra 2,4% Phúc Âm của mình, Luca 3,6%, Máccô 4,5%, và Gioan 6,1%. Việc Đức Kitô sống lại là cốt lõi của Tin Mừng mà các tông đồ muốn loan báo, thế mà số trang dành cho biến cố này quá ít ỏi. Chính vì khi ngay thật, người ta không thêm thắt vẽ vời!

Các thánh sử không đả động gì đến thời điểm Đức Kitô sống lại và cách Ngài ra khỏi mồ, đơn giản chỉ vì các ông không được chứng kiến. Các bài tường thuật hết sức đơn giản, không mở đầu bằng một tuyên bố ầm ỹ về biến cố xảy ra. Nếu là ngụy tạo, không ai lại để cho người làm chứng đầu tiên là một phụ nữ như Maria Mađalêna. Thời đó, chứng từ của một phụ nữ dường như không có giá trị, đến nỗi phụ nữ không được gọi ra làm chứng trước tòa án, nhất là khi phụ nữ đó đã từng là gái điếm. Và nếu là ngụy tạo, có lẽ số lần Đức Giêsu hiện ra với các tông đồ sẽ nhiều hơn để gây niềm tin. Nhưng các thánh sử chỉ thuật lại có 5 lần Ngài hiện ra trong một thời gian dài tới 40 ngày từ lúc sống lại tới ngày lên trời.

6. Sự kiện Đức Giêsu sống lại ảnh hưởng gì đến đời sống của ta?

Tất cả những điều nói trên chứng tỏ Ngài đã thật sự phục sinh. Nhưng vấn đề đặt ra cho chúng ta, những Kitô hữu, là sự phục sinh của Ngài ảnh hưởng gì đến ta? Có ích lợi gì cho đời sống tâm linh của ta không? Có làm ta thay đổi cuộc sống hiện nay của ta tốt lên không? Biết bao lễ phục sinh qua đi, mà lòng ta hay cuộc sống ta đâu có gì thay đổi! Ta vẫn là ta, vẫn có biết bao thói hư thật xấu như trước, chẳng thay đổi bao nhiêu, đôi khi tệ hơn!

Tại sao? Vì ta đã coi sự phục sinh của Đức Giêsu như một biến cố xảy ra hoàn toàn ở bên ngoài ta, chứ không xảy ra chút nào trong bản thân ta cả. Một nhà tu đức nói: «Nếu Đức Giêsu chỉ sinh ra tại Bêlem, chỉ sống tại đất nước Do Thái, chỉ chịu chết trên đồi Canvê, và chỉ phục sinh trong lịch sử cách đây 2000 năm, mà không sinh ra, sống, chịu chết và phục sinh ngay trong tâm hồn ta, tại đây và lúc này, thì tất cả những biến cố ấy của Ngài đều hoàn toàn vô ích đối với ta». Vì thế, điều quan trọng để sự phục sinh của Ngài có ích lợi cho ta, là Ngài phải phục sinh ngay trong bản thân ta, trong tâm thức của ta.

Vấn đề còn lại mà mỗi người chúng ta phải giải quyết, đó là: làm sao, làm cách nào để Ngài thật sự phục sinh trong chính bản thân ta?



CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu, con tin thật Chúa đã sống lại, và con sẵn sàng làm chứng trước mọi người về điều đó. Nhưng điều hết sức quan trọng là xin Chúa hãy sống lại trong tâm hồn con, để tâm hồn con tràn đầy tình yêu, sức sống và sức mạnh của Chúa. Vì việc sống lại của Chúa trong lịch sử chỉ trở nên thật sự ích lợi cho con nếu Chúa thật sự sống lại trong chính tâm hồn con.                                                               

(Nguyễn Chính Kết)

Không có nhận xét nào: