Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

TN-23B

Chúa Nhật thứ 23 Thường Niên
(Năm B − ngày 06-9-2015)

Bấm vào đây để nghe: youtube-TN23
Bệnh Điếc, ngọng, câm về tinh thần và tâm linh


ĐỌC LỜI CHÚA
·          Is 35,4-7a: (4) Hãy nói với những kẻ nhát gan: «Can đảm lên, đừng sợ! Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày Thiên Chúa báo phục, ngày thưởng công, phạt tội. Người sẽ đến cứu anh em». (5) Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được.

·          Gc 2,1-5: (3) Nếu anh em kính cẩn nhìn người ăn mặc lộng lẫy và nói: «Xin mời ông ngồi vào chỗ danh dự này», còn với người nghèo, anh em lại nói: «Đứng đó!» hoặc: «Ngồi dưới bệ chân tôi đây!», (4) thì anh em đã chẳng tỏ ra kỳ thị và trở thành những thẩm phán đầy tà tâm đó sao? 

·          TIN MỪNG: Mc 7,31-37
Đức Giêsu chữa người
vừa điếc vừa ngọng

 (31) Đức Giêsu lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xiđôn, đến biển hồ Galilê vào miền Thập Tỉnh. (32) Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giêsu, và xin Người đặt tay trên anh. (33) Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. (34) Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: «Épphatha», nghĩa là: hãy mở ra! (35) Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. (36) Đức Giêsu truyền bảo họ không được kể chuyện đó với ai cả. Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra. (37) Họ hết sức kinh ngạc, và nói: «Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được». 

CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Chúng ta vẫn gặp được những người điếc, ngọng, câm thể chất, họ chiếm một tỉ lệ thấp trong xã hội. Thế còn những người điếc, ngọng, câm tinh thần và tâm linh thì sao? tỉ lệ của họ cao hay thấp trong xã hội và Giáo Hội? Bản thân ta có bị bệnh điếc, ngọng, câm tinh thần hay tâm linh này không?
2. Điếc và ngọng về tinh thần và tâm linh nghĩa là gì? Đó là bệnh cá nhân hay xã hội? một xã hội hay giáo hội có thể bị điếc và ngọng không?
3. Có ai bị điếc và ngọng đối với chân lý không? Tại sao họ lại bị điếc và ngọng trong lãnh vực này?


Suy tư gợi ý:
1. Các thứ bệnh điếc và ngọng:
thể chất, tinh thần, tâm linh,
nơi cá nhân, xã hội và giáo hội
Trong xã hội con người, có rất nhiều người bị bệnh: bệnh thể chất, bệnh tinh thần, và bệnh tâm linh. Đó là nói về bệnh cá nhân. Ngoài ra, một xã hội cũng có thể có nhiều chứng bệnh: bệnh thể lý như dịch tễ, bệnh tinh thần như sự bất công, áp bức, các tệ nạn xã hội (đĩ điếm, ma túy), bệnh tâm linh như vô tín, đạo đức xuống dốc, tình trạng tội lỗi… Một cộng đoàn tôn giáo có thể bị những bệnh như: cơ cấu làm tê liệt thần khí, hình thức bên ngoài làm mất đi tinh thần bên trong, quyền bính bị lạm dụng, chia rẽ không hiệp nhất, trên dưới không nghe nhau, khô khan nguội lạnh, thỏa hiệp với kẻ ác…
Đức Giêsu đến trần gian để chữa chủ yếu những bệnh tinh thần và tâm linh của con người, của xã hội và giáo hội, nhưng Ngài cũng chữa cả những bệnh thể lý như dấu chỉ khả năng chữa lành tinh thần và tâm linh. Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Ngài chữa lành «một người vừa điếc vừa ngọng» thể lý, là dấu chỉ của loại bệnh «vừa điếc vừa ngọng» tinh thần hay tâm linh. Điếc là không nghe được, hoặc không nghe rõ. Ngọng là không nói được, hoặc nói không rõ, khó nghe. Số người điếc, ngọng, câm thể lý chiếm một tỉ lệ tương đối nhỏ trong xã hội. Nhưng số người điếc, ngọng, câm về tinh thần và tâm linh chiếm một tỉ lệ rất cao. Thậm chí có cả bệnh «câm điếc xã hội», nghĩa là có những xã hội bị điếc, ngọng và câm nữa. Nếu Đức Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay có thể chữa lành bệnh điếc và ngọng thể lý, thì Ngài còn có thể chữa lành một cách hữu hiệu hơn nữa bệnh điếc và ngọng về tinh thần, tâm linh, nơi cá nhân cũng như trong xã hội và giáo hội. Người ta sẽ được chữa lành, miễn là người ta để cho Ngài chữa bằng cách cộng tác với Ngài, tương tự như anh chàng điếc và ngọng kia đã chấp nhận để cho Ngài «kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh» (Mc 7,33).

2.       Điếc, ngọng về tinh thần và tâm linh
Điếc và ngọng về thể chất thì ai cũng biết, thiết tưởng chúng ta không cần đề cập tới trong khuôn khổ nhỏ hẹp của bài chia sẻ Tin Mừng này. Chúng ta cần bàn tới bệnh điếc và ngọng về tinh thần và tâm linh, mà ai trong chúng ta cũng bị không nhiều thì ít.
Nhiều người thính và tinh tai thể chất, nhưng lại điếc về tinh thần và tâm linh. Họ rất thính tai khi nghe những gì liên quan đến tiền tài, của cải, lạc thú, danh vọng, quyền lực, địa vị, nhưng lại trở nên giống như điếc khi nghe những điều hay lẽ phải, những chân lý đem lại sức mạnh tinh thần hay tâm linh, những lời giúp họ sống yêu thương nhiều hơn. Nhiều người nói năng rất hùng biện về kiến thức, triết lý, khoa học, về đủ mọi đề tài… nhưng lại hành xử như người câm, hoặc cảm thấy rất ngượng nghịu, mắc cỡ khi phải nói lên điều hay lẽ thật, những lời chân thành yêu thương, những lời làm mát lòng người khác, những lời đem lại bình an, hòa thuận, những lời giúp mọi người hiểu ra đường ngay lẽ thật.


3.       Điếc và ngọng trước chân lý
Nhiều người đã trở thành điếc trước những quan niệm mới, những cách nhìn mới hay những cách diễn tả mới về chân lý. Vì họ luôn luôn cho rằng những quan niệm, cách nhìn hay cách diễn tả chân lý mà họ lãnh hội được trước đây chính là chân lý. Mà đã là chân lý thì không bao giờ thay đổi. Thực ra, chân lý thì bất biến, muôn đời không thay đổi, nhưng cách hiểu, sự lãnh hội và cách diễn tả chân lý của con người thì luôn luôn thay đổi tùy theo khả năng nhận thức của họ. Cũng như cơ cấu của vật chất, từ ngàn xưa đến nay không hề thay đổi, nhưng quan niệm, cách nhìn, cách mô tả của con người về cơ cấu vật chất luôn luôn thay đổi: càng về sau, con người càng quan niệm và diễn tả đúng hơn.
Một khi đã coi một quan niệm, cách nhìn hay cách diễn tả nào đó là chân lý bất biến, con người sẽ không còn khả năng chấp nhận những cách diễn tả khác phù hợp với thời đại mới, với nhận thức mới của con người thời đại. Ta đã thấy gương về sự cố chấp này trong Kinh Thánh: Thiên Chúa thì bất biến, nhưng cách diễn tả Thiên Chúa trong Cựu Ước và Tân Ước rất khác nhau. Các kinh sư Do-thái chính vì cố chấp vào cách diễn tả cũ nên họ đã không chấp nhận được Đức Giêsu, với quan niệm mới, cách nhìn mới, cách diễn tả mới mẻ về Thiên Chúa của Ngài. Vì thế, họ đã nhắm mắt bịt tai trước lời của Ngài: lời Ngài có vẻ như không phù hợp với quan niệm rất hạn hẹp của họ. Tâm trí họ giống như một tách trà đã đầy nước, không thể tiếp nhận thêm một giọt nước nào nữa, nếu cứ rót vào, nước trà chỉ có thể tràn ra ngoài thôi.
Một khi đã điếc trước cách diễn tả mới về chân lý, họ cũng trở thành câm hay ngọng đối với cách diễn tả ấy.

4.       Điếc và ngọng trong xã hội và tôn giáo
Trong những xã hội hay tôn giáo độc tài, chỉ có một bè đảng, một phe nhóm hay một giáo phái nào đó được ưu đãi và toàn quyền hành động, thì người dân luôn luôn phải chịu cảnh bất công áp bức. Lúc đó, người dân sẽ trở thành những kẻ điếc và ngọng. Điếc vì họ bị bọn cầm quyền bưng bít không cho nghe những thông tin nào bất lợi cho chúng, khiến cho người dân trở nên bức xúc và đấu tranh. Ngọng hay câm vì họ không thể nói lên được những uất ức, những bực bội, những tư tưởng, những ước muốn của họ. Đương nhiên bị điếc và ngọng thì hết sức bực bội, khổ não, và không hạnh phúc.
Trong những xã hội hay tôn giáo ấy, còn một loại điếc và ngọng khác, đó là bệnh điếc và ngọng của những người theo lý tưởng ngôn sứ. Đó là một lý tưởng cao đẹp tuyệt vời! Lý tưởng này rất cần thiết, đặc biệt trong những xã hội hay tôn giáo đang chịu đầy dẫy bất công áp bức. Lý tưởng đó là «loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, giải phóng những kẻ bị giam cầm, cho người mù được sáng mắt, trả lại công lý cho người bị áp bức» (Lc 4,18). Sách Châm ngôn diễn tả một công việc quan trọng của những người mang lý tưởng đó: «Con hãy mở miệng nói thay cho người câm, và biện hộ cho mọi người bất hạnh. Hãy mở miệng phán xử thật công minh, biện hộ cho những kẻ nghèo nàn khốn khổ» (Cn 31,8-9). Nhưng có rất nhiều người mang danh theo lý tưởng ngôn sứ này, đáng lẽ họ phải nói thay cho người câm hay ngọng, nhưng tiếc thay chính họ dường như cũng bị câm và ngọng luôn! Thay vì sáng mắt thính tai để nghe và thấy tình cảnh khốn cùng của những người chung quanh mình hầu lên tiếng thay cho họ, thì họ cố tình giả điếc làm ngơ, bưng tai bịt mắt để khỏi thấy, hầu có thể câm miệng làm thinh cho yên thân, để «cố đấm ăn xôi» hay «ngậm miệng ăn tiền»!

5.       «Épphatha», hãy mở ra!

Tuy không điếc và ngọng thể lý, nhưng rất có thể chúng ta đang bị điếc và ngọng về tinh thần hay tâm linh. Điếc và ngọng thể lý thì không phải chịu trách nhiệm về căn bệnh. Nhưng điếc hay ngọng về tinh thần hay tâm linh, thì chúng ta sẽ bị quy kết trách nhiệm trước Thiên Chúa và lương tâm của mình. Vì thế, xét về mặt tâm linh, điếc và ngọng tinh thần hay tâm linh nguy hiểm hơn nhiều. Bị căn bệnh tâm linh này, chúng ta cần chữa cho khỏi. Dù là điếc, ngọng hay câm loại nào, Đức Giêsu cũng có thể chữa lành được, miễn là chúng ta tin vào quyền năng của Ngài và quyết tâm cộng tác với Ngài. Chỉ cần Ngài rờ vào cái tai tâm linh và cái miệng tâm linh của ta và truyền cho chúng: «Épphatha, hãy mở ra!» là bệnh điếc, ngọng, câm tâm linh của ta sẽ được chữa lành. Điều quan trọng là chúng ta phải xác định được mình đang thật sự bị điếc và ngọng về tâm linh thì Ngài mới chữa lành ta được! Nếu bị bệnh mà mình lại cứ nói mình chẳng bệnh gì cả, thì Chúa có quyền năng đến đâu Ngài cũng đành bó tay. Hãy nghe Đức Giêsu nói với người Pharisêu: «Nếu các ông đui mù, thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng: “Chúng tôi thấy”, nên tội các ông vẫn còn!» (Ga 9,41). 


CẦU NGUYỆN

Lạy Cha, con cảm thấy con đang bị điếc và câm – hay ít ra là đang giả điếc và giả câm – trước lời mời gọi của Cha. Cha mời con mở to mắt ra để thấy những nỗi cùng khốn của những người chung quanh con, banh lỗ tai ra để nghe những tiếng rên xiết đau thương của họ, đồng thời mở miệng ra để an ủi họ, xoa dịu đau thương cho họ, và nhất là nói dùm họ, tranh đấu cho họ… Nhưng con đang giả mù giả điếc để có thể câm lặng… hầu được an thân, hầu khỏi bị mất mát những gì mà kẻ áp bức đang ban cho con! Xin Cha hãy chữa lành bệnh ấy cho con! 
(Nguyễn Chính Kết)

Không có nhận xét nào: